Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Nói và làm: Cơ hội vàng trôi tuột qua Việt Nam

Nói và làm: Cơ hội vàng trôi tuột qua Việt Nam

(VEF.VN) - Mặc dù chúng ta nói rất nhiều đến việc chuyển hướng thu hút đầu tư, nhắm tới các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn... nhưng tiếc thay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Đáng buồn hơn, có rất nhiều cơ hội để Việt Nam tận dụng và vươn lên đều bị bỏ qua.

Nguyên nhân không phải do nhà đầu tư không để ý đến Việt Nam, mà bởi chính chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để biến cơ hội thành hiện thực.
Lũ lụt kéo dài ở Thái Lan khiến cho nhiều hãng công nghiệp và công nghệ lớn - vốn chọn đây làm đại bản doanh ở châu Á - bị đình đốn sản xuất và ảnh hưởng nặng nề. Không ít trong số đó đã phải giải cứu bằng cách dồn sản xuất sang các cơ sở, nhà máy lẻ ở Việt Nam để tránh bị đổ bể đơn hàng, suy giảm doanh thu và mất uy tín.
Từ đợt lũ lụt này nhớ lại thời gian dài trước đây, các nước trong khu vực - vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp có nhiều lợi thế hơn Việt Nam - liên tiếp rơi vào bất ổn chính trị, xã hội... khiến nhiều nhà đầu tư đã phải đi tìm một địa chỉ mới để mở rộng hệ thống, giảm thiếu rủi ro và tăng thêm sức cạnh tranh. Việt Nam luôn được nhắc đến như một địa chỉ của sự ổn định chính trị và mong muốn thu hút đầu tư của Chính phủ.

Một nhà máy của Toyota tại Thái Lan bị ngập chìm trong nước lũ hồi tháng 10 (ảnh atlastsolutions).
Trong những xu thế khác, khi Trung Quốc - công xưởng mới của thế giới đang giảm dần sức hấp dẫn đầu tư do giá nhân công tăng nhanh, công thêm các nguy cơ về rào cản thương mại đối với một nền xuất khẩu tăng trưởng nhanh khiến nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến chính sách đầu tư theo mô hình Trung Quốc + 1. Và Việt Nam là nước có lợi thế nhất để tận dụng xu thế này.
Thậm chí, khi giá nhân công sản xuất công nghệ cao ở các nước xung quanh đang ngày càng đắt đỏ thì các hãng công nghệ lớn cũng đã tính đến Việt Nam, nơi có trình độ ngày càng được phát triển và chi phí nhân công còn rẻ...
Thực tế, trong những năm gần đây, chúng ta liên tiếp đón các nhà đầu tư có chất hơn cả về quy mô vốn đầu tư lớn và trình độ công nghệ. Đó là những tập đoàn lớn trên toàn cầu đến tìm hiểu Việt Nam với ý định chọn một địa chỉ đầu tư mới. Đó là một tín hiệu vui, đúng với mong đợi thu hút đầu tư của Việt Nam hàng chục năm nay.
Tuy nhiên, cho đến nay, trong khi rất ít những ý định của nhà đầu tư lớn đến Việt Nam trở thành hiện thực, thì chúng ta lại buồn lòng chứng kiến nhiều dự án của các tập đoàn lớn lại không đoái hoài mà chọn những nước lân cận. Cuối năm ngoái, một dự án sản xuất linh kiện và lắp ráp ôtô đã rời khỏi Việt Nam sang Thái Lan, chỉ vì Việt Nam không có đủ sự hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ. Một nhà đầu tư lớn khác về điện tử và tin học đã không thể đẩy nhanh các dự án của mình ở Việt Nam như dự kiến mà đang âm thầm tập trung cho những nơi khác vì Việt Nam chưa đáp ứng được các kỳ vọng về môi trường đầu tư, mức độ cạnh tranh về chi phí cũng như hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ.
Trong khi đó, một vài dự án công nghệ cao quy mô lớn đã triển khai lại vấp phải một số vấn đề về thiếu nhân lực, kết nối hạ tầng công nghệ yếu kém, thiếu sự đồng bộ trong cả nền kinh tế khiến chi phí tăng cao. Có lẽ vì thế mà đến nay, dù đã có một vài điểm sáng hy vọng nhưng về cơ bản, thu hút đầu tư của Việt Nam không có nhiều thay đổi. Những năm gần đây, chúng ta có tăng lên về số vốn nhưng vẫn nổi bật với những dự án gia công hay bất động sản; còn có rất ít có những dự án lớn và nôt bật về công nghệ cao.
Thực tế này khác xa với mong muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả và trình độ của cả nền kinh tế. Cụ thể hơn, mặc dù chúng ta đã nói rất nhiều đến việc chuyển hướng trong thu hút đầu tư hướng đến các nhà đầu tư hàng đầu thế giới với nguồn vốn lớn, quan trọng nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn... nhưng tiếc thay, đến nay điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
Đáng buồn hơn, với những thực tế ở trên thì có rất nhiều cơ hội để Việt Nam tận dụng và vươn lên bị bỏ qua.
Nguyên nhân của những điều đó được xác định không mấy khó khăn như: môi trường đầu tư chậm thay đổi và kém cạnh tranh so với các nước; trình độ nhân lực thấp mà tốc độ cải thiện chậm; hạ tầng kết cấu yếu kém, thiếu đồng bộ... Cụ thể hơn, có thể thấy chúng ta đang thiếu hụt nhân lực trình độ cao; công nghiệp phụ trợ gần như con số không; đường bộ, cảng biển và năng lượng thiếu hụt và xuống cấp, thủ tục hành chính chậm thay đổi... chưa kể nhiều vấn đề khác khiên cho thị trường kém minh bạch, chi phí không chính thức tăng cao... tất cả khiến điểm số Việt Nam trong bản lựa chọn luôn bị đánh giá thấp hơn các nước khác.
Hậu quả là dù mong muốn thay đổi, gia tăng hiệu quả, mở rộng quy mô và bước lên nấc thang cao hơn về công nghệ vẫn còn rất chậm. Nhìn lại, chúng ta đã có nhiều cơ hội, Việt Nam cũng đã nhận rõ những yếu kém và không hề thiếu những mục tiêu đầy quyết tâm nhưng tất cả vẫn chưa thành hiện thực và chưa có đột phá như mong đợi.
Thực tế đó một lần nữa cho thấy, những điều đề ra, những mong muốn và thậm chí các bản kế hoạch đã có rất nhiều nhưng hiệu quả thực tế lại thể hiện một bộ mặt khác. Điều này, không thể đổ hết cho những nguyên nhân khách quan mà trước hết là chính chúng ta đã chậm trễ trong khắc phục hạn chế và thay đổi để tận dụng những cơ hội đầu tư, nhằm bứt phá và xác lập một vị thế mới cho nền công nghiệp, sản xuất trên bản đồ thế giới.
Mới đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo mới về thu hút đầu tư, trong đó tiếp tục tập trung vào chất lượng và hiệu quả. Nghiên cứu mới nhất của ngân hàng HSBC đã đưa ra một nhận định khả quan khi tới 2025 Việt Nam trở thành một trong 5 nước sản xuất lớn nhất thế giới. Những điều đó thật đáng kỳ vọng, nhưng trước hết đặt hy vọng vào những thay đổi của chính chúng ta trong việc cải thiện môi trường và gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Những khẩu hiệu vượt qua thách thức, nắm lấy thời cơ cần được thế hiện một cách cụ thể và thực chất hơn trong hoàn cảnh tái cơ cấu hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét