'Không ngân hàng nào phải phá sản'
Những khó khăn của hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và chưa đến mức phải tính tới chuyện cho phá sản hoặc giải thể, theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
Ông Ngoạn trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15/11 khi tái cấu trúc ngân hàng đang là một chủ đề được quan tâm. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng là cơ quan chủ trì xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn. Ảnh: T.T. |
- Tái cấu trúc hệ thống tài chính trong đó có các ngân hàng thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới. Từ góc độ cơ quan giám sát tài chính, Ủy ban đề xuất nên triển khai yêu cầu này như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay?
- Theo tôi không nên hiểu tái cơ cấu ngân hàng theo nghĩa cơ học, tức là tăng hay giảm về mặt số lượng. Phải thừa nhận hiện nay số lượng ngân hàng nhiều nhưng năng lực chưa tốt. Nhưng sẽ không có cơ sở khoa học nếu chỉ căn cứ vào số lượng ngân hàng hiện nay để quyết định tái cơ cấu bằng cách giảm đi một vài đơn vị. Trên thế giới có những nước rất nhiều ngân hàng, cũng có những nước rất ít, tùy thuộc vào cấu trúc và nhu cầu của nền kinh tế của họ mà quyết định số lượng.
Việt Nam hiện nay có tình trạng vừa thừa vừa thiếu, ở thành thị có rất nhiều ngân hàng trong khi ở nông thôn lại rất ít. Số lượng ngân hàng nhiều nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng lại rất thấp. Vì vậy, phải đánh giá tổng thể hệ thống với các tiêu chí cụ thể trước khi quyết định tái cơ cấu như thế nào, chứ không nên võ đoán hay cực đoan về vấn đề này.
- Ông nói tái cơ cấu ngân hàng sắp tới không phải theo cách cơ học. Vậy Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia gợi ý nên theo cách nào?
- Điều cần làm trước tiên là hình dung cấu trúc ngân hàng tương lai của chúng ta sẽ thế nào để mà định dạng cho rõ. Thứ hai là phải xem xét sức khỏe của từng đơn vị, xem họ đang ở mức độ nào, nếu tái cơ cấu thì bản thân họ phải có trách nhiệm gì và Nhà nước có thể hỗ trợ được gì để họ vượt qua khó khăn hiện tại. Trong trường hợp phải hỗ trợ, có thể có nhiều cách. Các ngân hàng tự nguyện hỗ trợ lẫn nhau cũng là một cách làm rất tốt.
Thiết kế tương lai ngân hàng cũng có thể tính tới việc phân công cho từng ngân hàng. Không nhất thiết phải cứng nhắc phân theo vùng địa lý. Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào trong tương lai có nhiều loại ngân hàng với nhiều quy mô khác nhau, mỗi ngân hàng phục vụ một số đối tượng khác nhau. Năng lực của anh tới đâu, trình độ của anh tới đâu, vốn tới đâu thì anh được làm đến đấy. Và tùy thuộc vào bản chất dịch vụ mà từng ngân hàng sẽ tìm tới những vùng địa lý thích hợp.
- Chính phủ nói sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, theo ông thông điệp này nên được hiểu thế nào? Chẳng lẽ có những ngân hàng yếu quá không thể tồn tại nhưng chúng ta vẫn không dám cho phá sản?
- Tôi cho rằng để đưa ra thông điệp này, Chính phủ đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá cơ bản rồi. Không để một ngân hàng nào phá sản ở thời điểm hiện nay cả. Bởi với thực trạng hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý và kiểm soát được mà không cần tính tới chuyện cho phá sản hay đổ vỡ. Giả sử một ngân hàng nào đó yếu kém cần xử lý, nếu chúng ta có chủ trương cho mua lại thì rất nhiều ngân hàng hoặc nhà đầu tư khác sẵn sàng tự nguyện xin mua, chứ không đến mức phải chờ phá sản. Mặt khác, trong điều kiện nay không nên để tâm lý người dân bị xáo trộn, ảnh hưởng không tốt tới hệ thống.
- Gần đây Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng nhỏ. Ông nhìn nhận sự kiện này thế nào, liệu có phải là động thái chuẩn bị cho quá trình tái cơ cấu sắp tới?
- Sự phối hợp giữa các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu là rất cần thiết. Các cụ mình lâu nay nói buôn có bạn bán có phường, điều này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực ngân hàng. Trong điều kiện hoạt động bình thường họ đã phải liên kết với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Một khi dòng chảy liên ngân hàng đình trệ thì rất nguy hiểm.
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng lớn thể hiện vai trò của mình để hỗ trợ riêng cho một số ngân hàng nhỏ là rất tốt, giúp tạo lòng tin nơi công chúng. Dĩ nhiên cần hiểu sự hỗ trợ này chỉ diễn ra khi các khó khăn thanh khoản của các ngân hàng mang tính mất cân đối tạm thời, bản thân tài chính của họ vẫn tốt. Còn trong trường hợp mất thanh khoản do tổn thất tài chính, lỗ vốn, mất khả năng chi trả lại phải tính bài toán khác.
- Từ câu chuyện của BIDV, ông nhìn nhận thế nào vai trò của các ngân hàng quốc doanh trong quá trình tái cơ cấu nhất là khi Nhà nước đang để một lượng vốn lớn ở nhưng ngân hàng này?
- Sẽ là bước đi tốt nếu từ chỗ hỗ trợ lẫn nhau, các ngân hàng sẽ tiến tới tìm hiểu nhau rõ hơn và có thể "kết duyên" với nhau. Bản thân cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu xem sự tham gia của các ngân hàng quốc doanh có ý nghĩa thế nào trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Nếu thấy các ngân hàng quốc doanh phải có trách nhiệm và cần thiết phải tham gia chúng ta cũng cần tính tới phương án này.
- Nhưng ông có thực sự tin tưởng vào năng lực của các ngân hàng quốc doanh, liệu họ có đảm đương được vai trò đi đầu để sắp xếp hệ thống?
- Các ngân hàng quốc doanh uy tín lớn, được người dân tin tưởng bởi Chính phủ luôn đứng đằng sau. Nhưng nói điều đó không có nghĩa chúng ta mặc nhiên yên tâm hoàn toàn. Các ngân hàng thương mại dù nhà nước hay cổ phần, dù lớn hay bé đều phải tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, thay đổi phương thức quản trị. Có như vậy chúng ta mới có được những ngân hàng mạnh thực sự. Hiện nay nếu so sánh năng lực cạnh tranh của ngân hàng chúng ta với chuẩn quốc tế thì còn nhiều điều phải làm.
- Quốc hội đang bàn thảo về Luật Bảo hiểm tiền gửi, một hành lang pháp lý quan trọng chuẩn bị cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Nhưng theo ông mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng cho các khoản tiền gửi khi ngân hàng phá sản đã hợp lý chưa?
- Tôi nghĩ hơi thấp, có thể nâng lên một chút. Nhưng việc áp dụng cũng cần căn cứ vào thời điểm cụ thể. Trong luật không nên ấn định mức cụ thể, mà phải linh hoạt và trong quá trình thực hiện, cần căn cứ thực tế từng giai đoạn để đưa ra một mức nào đó phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Cuộc khủng hoảng vừa qua ở Mỹ, châu Âu, các nước sẵn sàng tăng mức bảo hiểm, nhưng họ cũng chỉ tăng có thời hạn và rồi sẽ phải điều chỉnh xuống chứ không duy trì mãi ở mức đó.
- Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35 trong đó đặt lộ trình công bố thông tin về nợ xấu của các ngân hàng từ tháng 4 năm tới. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
- Theo tôi đây là một lộ trình rất tốt, hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung trong tương lai cần tăng tính minh bạch. Khi đó hoạt động của các ngân hàng thực sự được điều tiết bởi cơ chế kinh tế thị trường. Một khi người dân biết ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào xấu, họ sẽ biết nên gửi tiền ở những ngân hàng nào. Lãi suất của các ngân hàng cũng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro của từng ngân hàng.
- Tính khả thi của chủ trương này như thế nào khi chuẩn phân loại nợ chưa đồng nhất trong hệ thống ngân hàng và bản thân ngân hàng cũng chưa sẵn sàng công bố cái yếu của mình?
- Đúng vậy. Từ nay tới tháng 4 năm sau chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bắt đầu công bố nợ xấu theo chuẩn thống nhất. Nếu không thì các ngân hàng tiếng là công khai nợ xấu nhưng mỗi ông công bố theo một chuẩn khác nhau, vì thế bức tranh sẽ phiến diện.
Thực ra hiện nay các tiêu chuẩn phân loại nợ đều do Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng mỗi một tiêu chuẩn lại cho ra kết quả nợ xấu khác nhau. Vì vậy một trong những nhiệm vụ từ nay đến đó là các ngân hàng phải đồng nhất chuẩn đánh giá nợ xấu. Nếu chưa đồng nhất được thì khi công bố cần ghi rõ nợ xấu phân loại tiêu chuẩn nào, mức trích lập dự phòng rủi ro ra sao...
Song Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét