Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

LỢI ÍCH CỦA ẤN ĐỘ Ở BIỂN ĐÔNG

HỌC VIỆN NGOẠI GIAO

LỢI ÍCH CỦA ẤN ĐỘ Ở BIỂN ĐÔNG

Tài liệu tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011
Vijay Sakhuja
Giám đốc (Nghiên cứu) tại Hội đồng Các vấn đề Thế giới, New Delhi, Ấn Độ
Có một sự thật là cán cân quyền lực khu vực hiện nay nghiêng nhiều về phía Trung Quốc và sức mạnh kinh tế của nước này đã bao trùm lên nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương khác, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trung Quốc đang tận dụng tiềm lực sức mạnh của họ, và văn phong và ngôn từ trong những tuyên bố, diễn giải, cũng như các hành động liên quan đến tranh cãi chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ, cùng thói quen đe doạ các nước láng giềng của Trung Quốc gần đây đã gửi đi những tín hiệu gây bất an trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trớ trêu là, sự ủng hộ tích cực của Trung Quốc trong việc thiết lập hoà bình và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chạm tới đáy, thay vào đó Trung Quốc làm tăng thêm những mập mờ có khả năng phá hoại ổn định của khu vực.
Trong thời gian gần đây, Biển Đông đã trở thành vũ đài trung tâm của những tranh cãi và diễn ngôn an ninh về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Nước này đã thể hiện sự quyết đoán trên biển, phản đối các hoạt động khai thác ngoài khơi nằm trong vùng EEZ của các quốc gia yêu sách khác, đã thách thức sự tự do đi lại trên vùng biển quốc tế mà đã được chấp nhận trên bình diện quốc tế, và thỉnh thoảng thể hiện xu hướng đe doạ. Đáng chú ý, Trung Quốc đã bác bỏ và cảnh báo các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ không can dự vào tranh chấp Biển Đông. Quan điểm phổ biến của các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương về Trung Quốc là nghi ngờ, không tin tưởng và lo ngại, bởi cách hành xử và mục đích trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế của nước này rõ ràng đang đẩy “mối đe doạ Trung Quốc” lên mức độ mới.

Ấn Độ cũng cảm nhận được âm hưởng của các diễn biến tại Biển Đông. Mặc dù không phải là bên yêu sách bất kỳ vùng nước nào ở Biển Đông, khu vực này đang trở nên quan trọng đối với Ấn Độ vì hoạt động thương mại hàng hải của Ấn Độ phải đi qua khu vực này. Những tuyến đường biển này có tính chất quyết định đối với sức mạnh kinh tế Ấn Độ. Ấn Độ cũng có lợi ích trong việc khai thác dầu và khí đốt trong khu vực và đã tiến hành kinh doanh năng lượng với Việt Nam kể từ cuối thập niên 80. New Delhi cũng có những lo ngại mới bắt nguồn từ việc Trung Quốc diễn giải về “lợi ích cốt lõi” của nước này, theo đó Bắc Kinh có thể mở rộng lợi ích gộp cả khu vực tranh chấp ở biên giới phía Bắc của Ấn Độ.
Bài viết này cố gắng nêu bật mạnh tầm quan trọng của Biển Đông trong những tính toán về chiến lược, kinh tế, chính trị của Ấn Độ. Bài viết mở đầu bằng việc chỉ ra rằng Biển Đông là một phần không thể thiếu trong các tương tác văn hoá xã hộ, kinh tế và chính trị của Ấn Độ với các vương quốc cổ đại xung quanh Biển Đông. Tiếp theo, bài viết đi vào phân tích lợi ích thực tế và lợi ích thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông và lập luận rằng Ấn Độ là một bên quan trọng có chung lợi ích trong các tiến trình an ninh – chính trị và kinh tế ở Biển Đông từ nay về sau. Bài viết cũng trình bày các trao đổi của Ấn Độ với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biên giới ở Himalayas, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự đang diễn ra gây ảnh hưởng đến an ninh của Ấn Độ và làm tăng thêm lo ngại của nước này.
Diễn biến chính trị – chiến lược ở Biển Đông
Giọng điệu và nội dung trong các tuyên bố cùng hành động của các bên yêu sách nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với Biển Đông đã đưa vấn đề trở thành hàng đầu trong diễn ngôn an ninh Châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế phũ phàng là vùng biển yên bình ở Biển Đông dường như đang dậy sóng với những vấn đề an ninh. Một thoả thuận đa phương không mang tính ràng buộc là “Tuyên bố Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông năm 2002” (DOC), tập trung vào Quần Đảo Trường Sa, đã được ký từ năm 2002, theo đó Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã đồng ý cùng nhau xây dựng tin cậy và lòng tin, và kiềm chế nhằm tạo một môi trường tích cực để đi đến giải pháp cuối cùng đối với các tranh chấp, và để duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Mặc dù DOC là một bước đi cụ thể nhằm thể chế hoá cơ chế đối thoại khu vực giữa các bên yêu sách và đóng vai trò giảm bớt sự leo thang căng thẳng quân sự ở Biển Đông, nhưng dường như bước đi này không thể xua đi “Mối đe doạ Trung Quốc” trong các quốc gia yêu sách. Trung Quốc luôn muốn giải quyết trên cơ sở song phương với các bên yêu sách khác, không giống các quốc gia ASEAN muốn tìm kiếm “một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông chính thức và ràng buộc hơn về mặt pháp lý” nhằm đem lại ổn định cho khu vực. Bởi vậy, khu vực này vẫn là nơi dễ dàng bùng phát xung đột trong bối cảnh có các yêu sách lãnh thổ, tham vọng và điểm nóng.
Các bên yêu sách đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trên một số đảo ở Biển Đông để tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự. Đáng chú ý, việc xây dựng này dẫn đến kết quả là một số đường băng đang biến những hòn đảo này thành những sân bay không thể chìm. Có thể bố trí được máy bay  quân sự nhỏ hơn thuộc loại VSTOL (cất và hạ cánh đứng trên đường băng ngắn). Theo người đứng đầu Không lực Đài Loan, Liu Kui-li “Bởi có khả năng rất lớn rằng các đường băng ở những căn cứ không quân sẽ hứng chịu các cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa và sẽ bị phá huỷ trong cuộc chiến với Trung Quốc, không lực coi máy bay chiến đấu có khả năng VSTOL là phù hợp nhất cho phòng thủ của Đài Loan”.1
Hiện nay, được biết đã có bốn đường băng với quy mô khác nhau ở Quần đảo Trường Sa. Sân bay Rancudo (1300 mét) ở Pagasa, do Philippines kiểm soát, là dài nhất và máy bay vận tải C130 đã hạ cánh với mật độ thường xuyên. Các đảo nhỏ chiếm giữ bởi Malaixia (Swallow Reef, Bãi Hoa Lau hay Layang Layang), Việt Nam (Trường Sa lớn) và Đài Loan (đảo Thái Bình, V: đảo Ba Bình) có đường băng 600 mét trong khi Brunei chưa đầu tư vào bất kỳ công trình nào như vậy. Máy bay được triển khai sẵn trên những hòn đảo này có nhiệm vụ ngăn chặn, hoặc có thể được đưa vào tham chiến ngay cho tới khi có quân tiếp viện từ đất liền. Về Trung Quốc, đảo Phú Lâm dày đặc một loạt cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự, bao gồm một đường băng hiện đại cho quân sự, một đội tên lửa di động, các công trình hải quân cho tàu thuyền, và một mạng lưới cơ sở hạn tầng cho tình báo và thông tin liên lạc. Căn cứ Hải Quân Sanya (V: Tam Á – nd) có cơ sở hạ tầng hiện đại có thể chứa được cả tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân, và là một điểm xuất phát lý tưởng cho các tàu ngầm hạt nhân tiến vào Biển Đông.
Cho đến nay, các bên yêu sách cố gắng các hoạt động  quân sự của mình ở thế phòng vệ; tuy nhiên, khi các vấn đề chủ quyền được đẩy lên hàng đầu, các hoạt động khai thác năng lượng tăng mạnh trong khu vực tranh chấp, sẽ dẫn đến những căng thẳng trong khu vực.
Thống kê hải quân hiện nay và những kế hoạch mua sắm tiếp diễn của các bên yêu sách ở Biển Đông đang gây lo ngại. Các bên tiếp tục xây dựng năng lực quân sự/hải quân nhằm mục đích răn đe và trong một số trường hợp, tăng cường năng lực thông qua cam kết quân sự song phương với các cường quốc ngoài khu vực. Điểm tập trung của đầu tư hải quân là các tàu ngầm được trang bị tên lửa đối hạm và đối đất, ngư lôi hiện đại, thiết bị đo hỗ trợ điện tử và trên tất cả là công nghệ AIP, loại công nghệ biến những con tàu này thành một vệ tinh có sức mạnh đáng gờm. Các lực lượng hải quân khu vực nhìn thấy một số lợi ích từ việc sở hữu những vệ tinh này, như là những bộ nhân sức mạnh hay chống xâm nhập, tập trung ở sức mạnh răn đe thông thường đáng tin cậy. Giống như vậy, máy bay tiêm kích bố trí ở bờ biển để tấn công các mục tiêu trên biển đang nhanh chóng được ưu tiên. Trong tương lai, những máy bay này có thể được triển khai trên các đường băng kéo dài của tàu sân bay không đánh chìm.
Ấn Độ và Biển Đông: Bối cảnh Lịch sử
Mối liên kết văn hoá – xã hội và lợi ích thương mại của Ấn Độ với các quốc gia ven Biển Đông bắt nguồn từ thời cổ xưa. Ấn Độ có nối kết thương mại rộng khắp với các vương quốc Funan (V: Phù Nam – nd), quốc gia cổ ở Campuchia, Srivijaya ở Sumatra và một số vương quốc ở phía Đông và Nam Trung Quốc. Biển Đông đã tạo thuận lợi cho liên kết mậu dịch, giúp hình thành nên một hệ thống thương mại phức tạp và phát triển giữa Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ. Bên cạnh đó, một vương quốc Hindu gọi là Chămpa (phía nam Việt Nam và Campuchia) đã tồn tại ở Đông Dương.
Biển Đông cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nối kết giao thoa văn hoá, vì vậy các nhà sư Phật giáo có thể đi từ Trung Quốc qua Palembang ở Sumatra và tới Tamralipti ở Ấn Độ. Fa Hsien (V: Pháp Hiển – nd), một nhà sư Phật giáo trong hành trình trở lại Trung Quốc từ Ấn Độ năm 413-14 Sau Công nguyên đã đi qua Biển Đông2. Chuyến đi này đã khích lệ những người hành hương Trung Quốc khác thực hiện các hành trình tương tự tới Ấn Độ bằng đường biển thông qua Biển Đông. I’sing (V: Nghĩa Tịnh – nd), một nhà sư Trung Quốc khác đã thăm Palembang trên đường tới Ấn Độ vào năm 671 và 695 Sau Công nguyên, và đi bằng đường biển qua Biển Đông3.
Các vua Chola ở Ấn Độ đã phát triển mối liên kết chính trị và thương mại ở Trung Quốc và đã cử các sứ giả tới phía nam Trung Quốc. Chúng tôi được biết một sứ giả đại diện cho vương quốc Chola đã đến triều Tống năm 1077. Ngoài ra, tiền xu và đồ gốm Trung Quốc được tìm thấy dọc bờ biển Tamil Nadu là bằng chứng cho thấy những hoạt động thương mại nhộn nhịp giữa nam Ấn Độ và Trung Quốc. Thêm nữa, một bản khắc tìm thấy ở Quảng Châu đã ghi chép việc đóng góp cho một tu viện đạo Lão thay mặt cho quốc vương Chola Kulottunga I.
Thú vị là, trong thời kỳ đó, ‘việc xây dựng đền miếu chùa chiền’ nổi lên như một phần quan trọng của quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Ví dụ, một nguồn của Trung Quốc cho biết năm 720 vua của Pallava là Narasimhavarman II “đã xây dựng một ngôi chùa [ở Tamil Nadu] vì đế triều [tức là Trung Quốc]”, Chùa Kaiyuan, một ngôi chùa Phật giáo được xây dựng vào thời nhà Đường năm 686 có hình chạm nổi Hanuman, một vị thần Ấn Độ, trên một trong những tháp của Chùa, và cũng có một số lượng lớn các hình chạm khắc Ấn Độ. Ngoài ra, ba ngôi đền Hindu được xây ở phía nam Trung Quốc nơi các “Brahman” cư ngụ trong suốt thế kỷ thứ 8. Một ngôi đền Hindu cũng được phát hiện tại Quanzhou (Tuyền Châu) Trung Quốc.
Diễn biến Hiện tại: Khai thác Tài nguyên
Ấn Độ đã tiến hành các dự án chung khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam kể từ cuối thập niên 80. Tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL) thuộc sở hữu nhà nước đã hợp tác với Petro Vietnam và British Petroleum, bắt đầu khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỷ mét khối, và có thể khai thác khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt một năm4. Tuy nhiên vào cuối thập niên 90, vì khủng hoảng tài chính, OVL đã phải bán cổ phần cho BP. Năm 2010, vì khoản nợ do vụ tràn dầu ở Vịnh Mêhicô, BP thông báo kế hoạch bán tài sản năng lượng của mình ở Việt Nam và điều này đã thúc đẩy OVL cùng với Petro Vietnam của Việt Nam chung tay đấu giá lại cổ phần của BP ở mỏ khí Nam Côn Sơn, trải dài hơn 955 km vuông, bao gồm hai mỏ khí ngoài khơi, một đường ống dẫn và dự án năng lượng5. Phần thăm dò và khai thác của dự án Nam Côn Sơn cũng được biết đến như Lô 06.1, nằm cách Vũng Tàu 370 km về phía Đông Nam ở bờ biển phía nam Việt Nam. Lô 06.1 gồm có Lan Tây (hiện nay khai thác được khoảng 14 triệu mét khối khí đốt tiêu chuẩn một ngày) và mỏ khí Lan To (Lan Đỏ – nd) hiện nay đang được khai thác. Các báo cáo cho biết OVL đã đầu tư 217 triệu đôla vào các mỏ khí và có thể tăng vốn đầu tư lên 377.46 triệu đôla. OVL cũng có cổ phần trong hai lô thăm dò khác là 127 và 128 ở Việt Nam.
Thương mại Hàng hải
Có một vài nguyên nhân địa chiến lược và địa kinh tế đã định hình lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông. Về không gian, Biển Đông là một không gian biển mở và là đường nối tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Gần 50% hoạt động thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông đến  các địa điểm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và qua Thái Bình Dương đến Bắc và Nam Mỹ.
Đối với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, mối quan hệ giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN đóng vai trò như chất xúc tác và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 2.4 tỷ đôla năm 1990 lên 44.66 tỷ đôla trong năm 2008-09.6 Các bên đối tác đã bày tỏ cam kết tăng cường hợp tác kinh tế để thúc đẩy thương mại song phương lên 70 tỷ đôla vào năm 20127. Năm 2009, Ấn Độ và ASEAN đã ký FTA, có hiệu lực vào tháng 7 năm 20108. FTA này được cho là sẽ bao trùm rộng khắp thị trường xấp xỉ 1.8 tỷ người và các kế hoạch dự tính cắt giảm dần thuế quan đối với 4,000 sản phẩm tới năm 2016.
Căn cứ vào những thực tế kinh tế trên, Ấn Độ là một bên quan trọng có chung lợi ích trong các tiến trình an ninh đang ở Biển Đông và bất kỳ mối nguy hại nào ở khu vực có thể ảnh hưởng bất lợi đến thương mại và nền kinh tế của Ấn Độ. Sức sống kinh tế của New Delhi phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng đảm bảo và các tuyến đường thương mại an toàn và an ninh trong khu vực, gồm cả Eo biển Malacca. Ấn Độ có nhiều lợi ích trong việc giữ các tuyến đường biển mở trong khu vực.
Hải quân Ấn Độ quá cảnh qua Biển Đông và phản ứng của Trung Quốc
Có một số vụ va chạm hải quân giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Biển Đông. Vụ việc gần đây liên quan đến tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ vừa rời cảng Nha Trang và đang trên đường tới Hải Phòng của Việt Nam. Hình như, một tàu chiến Trung Quốc đã cố tra hỏi tàu Ấn Độ buộc ‘thông báo danh tính và giải thích lý do hiện diện’. Sau đó, tàu chiến Ấn Độ không gặp bất kỳ tàu hải quân hay máy bay Trung Quốc nào nữa, và đã tiếp tục hành trình tới thăm cảng kế tiếp. Thú vị là, vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu chiến Ấn Độ chỉ cách bờ biển của Việt Nam 45 hải lý trong vùng biển quốc tế. Cũng có một quan điểm cho rằng việc chất vấn của tàu chiến Trung Quốc có thể là do các điều kiện truyền sóng bất thường và tàu chiến Trung Quốc có thể đang tra xét một con tàu khác và tàu chiến Ấn Độ đã bắt được tín hiệu truyền thanh này. Hình như, cả hai bên đã cố gắng dìm thấp vụ việc trên.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã thể hiện sự quyết đoán ở Biển Đông và phản đối “quyền qua lại vô hại”, đã có hiệu lực trong lưu thông quốc tế trên vùng biển quốc tế theo Luật Biển 1958 và UNCLOS 1982. Ví dụ, năm 1958, nhà chức trách Trung Quốc đã phản đối một tàu Hải quân Ấn Độ khi tàu này đi qua vùng biển Trung Quốc khoảng 12 dặm nhưng vẫn ở xa bên ngoài so với giới hạn lãnh hải ba dặm được quốc tế chấp nhận khi đó. Sau khí khôi phục quan hệ ngoại giao, các tiếp xúc hải quân giữa hai nước được thiết lập năm 1994, đánh dấu bằng chuyến thăm của tàu huấn luyện Zhang He (V: Trịnh Hoà – nd) của Hải quân PLA tới Mumbai. Nối tiếp sự kiện này là chuyến thăm đáp lễ thiện chí đã được thực hiện thành công của một đội tàu gồm hai tàu nhỏ của hải quân Ấn Độ tới Thượng Hải vào năm 1995.
Năm 2000, Hải quân Ấn Độ đã đi qua Biển Đông và thông báo sẽ diễn tập trong khu vực này. Trung Quốc nhìn nhận kế hoạch này của Ấn Độ như một thách thức trực tiếp, bởi vì nước này coi toàn bộ Biển Đông như vùng biển của mình. Theo các nguồn Hải quân Ấn Độ, “Người Trung Quốc phản đối bất kỳ hải quân nước nào tiến hành diễn tập ở Biển Đông, dù đó là Hải quân Mỹ, Nhật Bản hay Singapore. Chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi đang đi qua và thậm chí sẽ viếng thăm họ, tiến hành diễn tập hợp tác (PASSEX) và họ đã tiếp đón chúng tôi nồng nhiệt”10. Vụ việc khiến một quan chức Ấn Độ nghỉ hưu nhận xét rằng “Các chuyến thăm thiện chí như vậy đến Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Indonesia là để tăng cường mối quan hệ. Động thái của Ấn Độ không mang tính gây hấn hay được thúc đẩy bởi các mưu đồ về lãnh thổ”, và một vị nguyên đứng đầu hải quân Ấn Độ đã bình luận rằng “sự phản đối của Trung Quốc chung quy là “chiến thuật gây áp lực”. Giới quan sát cho rằng người Trung Quốc có thói quen “làm ầm lên đối với một vấn đề bởi vì họ không muốn những lập trường cơ bản của mình bị phớt lờ bởi cộng đồng quốc tế”.
Phản ứng của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò ngoài khơi của Ấn Độ ở Biển Đông

Đã có trao đổi ngoại giao – chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong một vài tuần qua. Bắc Kinh đã gửi một thông điệp ngoại giao đến New Delhi tuyên bố rằng các hoạt động của công ty dầu khí nhà nước OLV của Ấn Độ ở Biển Đông là bất hợp pháp “trừ khi có sự cho phép [của Trung Quốc] đối với việc thăm dò ở Lô 127 và 128”11. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh “lập trường nhất quán của chúng tôi là chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng ngoại quốc sẽ không tham gia vào tranh chấp này.. Đối với các quốc gia bên ngoài khu vực, chúng tôi hy vọng họ sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp này thông qua các kênh song phương”12.
Chính phủ Ấn Độ đáp lại bằng việc tuyên bố rằng “ONGC Videsh Ltd đã hoạt động ở Việt Nam khá lâu trong lĩnh vực thăm dò dầu và khí đốt xa bờ và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác hơn nữa, với Essar Oil Ltd cũng được trao thầu một lô khí đốt ở Việt Nam. Đây (năng lượng) là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ hợp tác của chúng tôi mong muốn lĩnh vực này phát triển hơn nữa. Hợp tác của chúng tôi với Việt nam hay với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới luôn tuân thủ mọi luật pháp quốc té, chuẩn mực và quy ước”. Ngoài ra, người phát ngôn Ấn Độ nói rõ rằng Ấn Độ “ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông và hy vọng các bên tranh chấp sẽ tuân thủ tuyên bố ứng xử ở Biển Đông năm 2002”13. Có vẻ như Trung Quốc đã tuyên bố rằng “Không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải và an toàn hàng hải Biển Đông. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều được hưởng lợi”14.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với Lô 127 và 128 và nhận xét rằng “không có cơ sở pháp lý và do vậy không có hiệu lực”; ngoài ra, “Việt Nam nhắc lại rằng các dự án hợp tác về dầu khí giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài, bao gồm cả dự án ở Lô 127 và 128, nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế [EEZs] và thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn phụ thuộc chủ quyền của Việt Nam… phù hợp với Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) và các thông lệ quốc tế, cũng như các hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia”15. Tuy nhiên, sẽ có ích khi chỉ ra rằng Lô 127 và 128 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cũng lấn vào không gian biển được đánh dấu bởi ‘đường chín đoạn’ hay ‘đường chữ U’ hay bản đồ chín khúc được yêu sách bởi Trung Quốc.
Đáng chú ý, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Việt Nam đã nhận xét rằng “Quan điểm của chúng tôi [Việt Nam] là đây chỉ là hoạt động thương mại thuần tuý được thực hiện bởi một công ty. Tranh chấp là việc để hai quốc gia dàn xếp, và sự tham gia của Ấn Độ vào khai thác dầu không mang ý nghĩa là lập trường chính trị ủng hộ một bên nào. Một khi hai quốc gia giải quyết ổn thoả vấn đề Ấn Độ sẽ nói chuyện với quốc gia liên  quan”16.
Cũng có nhiều phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng nghiên cứ chiến lược Trung Quốc. Wu Xinbo (V: Ngô Tâm Bá – nd), giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, đại học Phúc Đán nhấn mạnh rằng “Là một quốc gia Nam Á, Ấn Độ đang tích cực tham gia vào các vấn đề của Đông Á thông qua sự ủng hộ của Mỹ, qua đó đã khích lệ các nước châu Á chống lại Trung Quốc. Mỹ tận dụng mọi cơ hội để chống Trung Quốc và các cuộc diễn tập quân sự chung của Mỹ với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực đang diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây”17.
Chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ là dần loại trừ các khả năng hợp tác hải quân Mỹ-Ấn vì Trung Quốc coi hợp tác này có hại đến lợi ích của Trung Quốc. Trong bối  cảnh đó, Trung Quốc cũng phản ứng lại các cuộc diễn tập hải quân bốn bên ở Vịnh… (nguyên gốc – nd) năm 2007 và gửi một thông điệp ngoại giao yêu cầu giải thích của New Delhi, Washington, Tokyo và Canbera nhằm mục đích tổ chức một cuộc họp vào ngày 24-25 tháng 5 ở Manila, Philippine. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Qin Gang (V: Tần Cương – nd) nhấn mạnh “Trung Quốc tin rằng để tăng cường niềm tin, mở rộng hợp tác vì lợi ích chung, và giữ cục diện cùng thắng-cùng có lợi, cởi mở, bao quát là xu thế toàn cầu”18, ám chỉ đến mối quan hệ liên minh đang phát triển giữa các đối tác dân chủ. Trong bối cảnh đó, Sun Shihai, Phó giám đốc viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã Hội Trung Quốc lưu ý “Cái gọi là liên minh dân chủ không hề tốt cho châu Á… bất kỳ nỗ lực nào hướng đến Trung Quốc như thù địch hoặc kiềm chế Trung Quốc đều sẽ không thành công”.
Trong một bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu (Global times), một nhà bình luận Trung Quốc lưu ý rằng “Xã hội Trung Quốc đã tức giận về việc can thiệp của Ấn Độ vào vấn đề Đạt Lai (Lạt Ma)… Ấn Độ nên nhớ rằng hành động của Ấn Độ ở Biển Đông sẽ đẩy Trung Quốc đến giới hạn”19.
Tranh chấp Biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ: Bài học cho Biển Đông
Trừ những năm gần đây giành độc lập từ các cường quốc thực dân phương Tây (Ấn Độ năm 1947 và Trung Quốc năm 1949), Ấn Độ và Trung Quốc đã có một mối quan hệ rất phức tạp. Năm 1951, Trung Quốc sát nhập Tây Tạng dấy lên mối lo ngại ở New Delhi về một cứ điểm quân sự vĩnh viễn của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc Ấn Độ. Năm 1962 chiến tranh Trung – Ấn ở khu vực Himalayas và việc chiếm giữ khu vực Aksai Chin đã làm nóng thêm mối quan hệ của hai nước. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần 90,000 km2 ở Arunachal Pradesh và đang chiếm giữ gần 43,000 km2 lãnh thổ ở Jammu và Kashimir20. Năm 1963 Pakistan đã nhượng lại hơn 5000 km2 lãnh thổ mà Pakistan chiếm giữ ở Kashimir (POK) cho Trung Quốc, dẫn đến đỉnh điểm là việc xây dựng đường Quốc lộ Hữu nghị Karakoram (Karakoram Friendship Highway).
Cả hai bên đều nỗ lực giảm căng thẳng và đã ký Hiệp định Hoà bình Biên giới (BPTA) vào năm 1993 và Hiệp định về các Phương pháp Xây dựng Lòng tin (Agreement on Confidence Building Measures) trong lĩnh vực quân sự vào năm 1996. Mặc dù quân đội hai bên đã trở về vị trí hậu tuyến của mình, nhưng hiện vẫn có những xâm phạm biên giới gần như dai dẳng từ phía PLA, và cả việc xây dựng cơ sở hạ tâng quân sự, trong đó bao gồm cả triển khai tên lửa chiến lược nhằm hỗ trợ các hoạt động quân sự khi cần thiết. Giữa hai bên không có nhiều niềm tin, và Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng lo ngại về mục đích chiến lược của nhau, đặc biệt là về các hoạt động quân sự của mỗi bên ở dãy Himalaya.
Có rất nhiều ví dụ về Trung Quốc công nhận xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ. Theo lời Quốc hội đại diện cho Arunachal Pradesh (phía Tây), “Trung Quốc đang xâm lấn lãnh thổ theo cáhc từ từ, chậm rãi. Từng in-sơ một, người Trung Quốc đưa quân sang và mang theo vũ khí”. Ngoài xâm phạm biên giới, xâm phạm không phận và phục kích bất ngờ của binh lính PLA cũng là mối lo lắng của quân đội Ấn Độ. Năm 2008, theo tin đưa, có “270 vụ xâm phạm biên giới và gần 2300 vụ ‘tuần tra biên giới một cách hiếu chiến’ tiến hành bởi binh lính Trung Quốc. Bên cạnh đó, gần 4000 công nhân xây dựng, bao gồm cả kỹ sư chiến trận của PLA đã được triển khai ở khu vực Kashmir do Pakistaan chiếm giữ (POK)21. Mối lo ngại của Ấn Độ cũng gia tăng do “sự hiện diện của Trung Quốc ở Gilgit-Baltistan và các Khu vực phía Bắc tăng đều. Trung Quốc tham gia xây dựng và nâng cấp rất nhiều đường xá, cầu cống và các công trình thuỷ điện. Trung Quốc liên kết với Pakistan, qua POK, củng cố sức mạnh trục Trung Quốc – Pakistan, đối với chúng tôi đã trở thành mối lo ngại an ninh lớn”22.
Trung Quốc đã tài tình đẩy các tranh chấp biên giới với Ấn Độ đến thời điểm tương lai và đã khéo léo khởi xướng hàng loạt các cuộc đối thoại biên giới, theo đó xung đột được giải quyết theo mong muốn của Trung Quốc vào thời gian sau này khi mà Trung Quốc đã xây dựng thành công sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị cần thiết. Cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc đối với Ấn Độ là lấy các mối quan hệ hữu nghị làm trọng tâm.  Quan hệ chính trị của hai nước đã và đang chứng kiến nhiều tiến triển với các cuộc viếng thăm thường xuyên cấp nhà nước và một “Tầm nhìn chung trong thế kỷ 21”, hy vọng sẽ đẩy quan hệ lên thành Đối tác Hợp tác Chiến lược23. Quan hệ kinh tế thương mại đã và đang được cải thiện đáng kể, thương mại song phương năm 2008 đạt được 51 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2007. Trong lĩnh vực quân sự cũng có nhiều bước tiến khả quan, có các diễn tập quân sự chung và Ấn Độ đã tham gia vào cuộc Thao diễn Hải Quân Quốc tế với Trung Quốc tháng 4 năm 2009. Những xu hướng này có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới.
Ở cấp độ khác, New Delhi cũng lo ngại về việc Trung Quốc diễn giải về “lợi ích cốt lõi” bao gồm cả Tây Tạng và Đài Loan. Lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tuyên bố “lợi ích cốt lõi” mới liên quan đến các vùng lãnh thổ ở Ấn Độ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Theo quan sát có thể thấy “thông qua việc tuyên bố Biển Đông là ‘lợi ích dân tộc cốt lõi’ và đưa khu vực này lên ngang tầm với Tây Tạng và Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa thêm một yêu sách lãnh thổ. Nếu yêu sách này không bị thách thức, Trung Quốc sẽ dần đạt được sự chấp thuận trên thực tế của quốc tế, giống như những tuyên bố chủ quyền đối với Tây Tạng và Đài Loan trong 6 thập kỷ qua.24 Thực sự cũng đã và đang có những diễn giải thường kỳ trên truyền thông Trung Quốc về Tawang. Ví dụ, năm 2009, trong chuyến thăm của thủ tướng Manmohan Singh đến Arunachal Pradesh, Thời báo Hoàn cầu lưu ý rằng “Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thực hiện một bước đi nguy hiểm và mang tính khiêu khíc. Ấn Độ sẽ mắc phải một sai lầm chí tử nếu nước này nhầm lẫn cách thức tiếp cận của Trung Quốc với sự yếu kém. Chính phủ và người dân Trung Quốc coi toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích dân tộc cốt lõi, thứ lợi ích cần phải được bảo vệ bằng mọi giá”25. Hơn nữa, một học giả Trung Quốc thậm chí còn gợi ý rằng ‘Ấn Độ sẽ chỉ cần từ bỏ cao nguyên Aksai Chin ở Ladakh và Tawang, khi đó vấn đề biên giới sẽ được giải quyết’26. Các quan điểm này chắc chắn là bị động chạm bởi một học giả Trung Quốc khác lập luận rằng Trung Quốc nên công bố một danh sách ‘các lợi ích cốt lõi’ theo lộ trình “Vì Trung Quốc đang trở nên mạnh hơn, chúng ta có thể công khai theo lộ trình những lợi ích cốt lõi mà đất nước chúng ta có thể bảo vệ một cách hiệu quả”27.
Báo cáo của Bộ Quốc Phòng Ấn Độ 2008-2009 đã bày tỏ lo ngại về khả năng quân sự của Trung Quốc và nêu quan sát rằng “minh bạch và cởi mở hơn” là điều tối quan trọng, nhưng trong một ghi chú có tính hoà giải cũng cho rằng Ấn Độ sẽ ‘ràng buộc với Trung Quốc, trong khi sử dụng mọi biện pháp cần thiết để  bảo vệ an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền’28. Có một số lo sợ ở Ấn Độ về việc hiện đại hoá quân sự và phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc dọc biên giới, và nếu Trung Quốc mở rộng ra cả vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp, như Biển Đông, có thể trở thành mối lo ngại cho Ấn Độ. Trung Quốc coi Ấn Độ là đối thủ tiềm năng và đã vạch ra nhiều biện pháp áp lực nhằm kiềm chế Ấn Độ.
Dó đó, câu hỏi lớn đặt ra là ‘Sự quyết đoán của Trung Quốc ở biển đối lại Ấn Độ có là mối đe doạ không?’ Quan điểm chi phối là Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ, và sẽ trở thành mối hiểm hoạ đối với Ấn Độ trong tương lai khi Trung Quốc củng cố tiềm lực sức mạnh của nước này. Về bản chất, các hiểm hoạ an ninh có vẻ đang điều chỉnh mối quan hệ song phương và có khả năng huỷ hoại mối quan hệ phụ thuộc về kinh tế. Tuy nhiên, hai bên cũng vừa mới thiết lập một cuộc “Đối thoại Kinh tế Chiến lược” song phương và mối quan hệ kinh tế Trung – Ấn được cho là đã sẵn sàng để chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong thương mại hai chiều, có thể sẽ tăng gấp đôi lên tới 100 tỷ USD vào năm 2015.
Nhận xét tổng kết
Ấn Độ ủng hộ cục diện cân bằng sức mạnh thân thiện ở châu Á vì hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế. Ấn Độ mong muốn hợp tác với các nước trong khu vực để giảm căng thẳng và góp phần vào sự ổn định khu vực, điều kiện rất quan trọng cho sự phát triển của châu Á. Tuy nhiên, cũng có lo sợ rằng trong tương lai Biển Đông có thể sẽ trở thành vũ đài của tranh chấp và điều này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, điều mà gắn bó chặt chẽ với an ninh hàng hải.
Bản chất dân chủ của Ấn Độ, mục đích chiến lược ôn hoà và sự tập trung hiện nay vào việc phát triển kinh tế khiến New Delhi đóng một vai trò quan trọng phù hợp với sức mạnh quốc gia, sức mạnh kinh tế và khả năng chiến lược của nước này. Chính trong bối cảnh này, Ấn Độ có thể đóng vai trò mang tính xây dựng ở Biển Đông.
Chú thích:
1. Rich Chang, “Air Force Plans to Buy Jets That Need Shorter Runway”, Taipei Times, 23 tháng 1, 2006.
2. Thomas Suarez, Early Mapping of Southeast Asia, (Singapore: Periplus Editions (HK) Ltd, 1999), tr. 48.
3. K. Nilakanta Sastri, Cola (Madras: University of Madras, 2000), tr.604; George Coedes, The Indianized States of Southeast Asia, (Hawaii: East West Centre Press, 1968), tr.81.
4. T.S. Subramanian, “The Vietnam Connection”, Frontline, Volume 20 – Issue 01, 18 – 31, tháng 1 năm 2003/
5. “BP’s Vietnam project” Deora to support ONGC bid”, có tại
6. Look East Policy”, Press Bureau of India, April 20 tháng 4, 2010 có tại
http://www.pib.nic.in/release/release.asp?relid=60558 truy cập 30 tháng 8, 2010
7. “India-ASEAN Summit Commits to Fight Terrorism, Other Crimes”, Net Indian News Network, New Delhi, 25 tháng 10, 2009.
8. “FTA with ASEAN to Eliminate Duties on 80% of  Traded Goods”, Times of India, 14 tháng 8, 2009.
9. “ASEAN-India Dialogue Relations”, có tại http://www.aseanec.org/5738.htm truy cập 12 tháng 5, 2010.
10. Gaurav C Sawant, “China Objects to Indian Presence in South China Sea”, Indian Express, 14 tháng 10, 2010.
11. Anupama Airy and Jayanth Jacob, “China objects to oil hunt, India says back off”, The Hindustan Times, 15 tháng 9,  2011.
12. Jaynth Jacob and Reshma Patil, “Beijing says keep off South China Sea, Delhi unmoved” The Hindustan Times, 16 tháng 9, 2011.
13. Liu Sheng, “India makes waves with South China Sea oil and gas exploration”, Global Times, 17 tháng 9, 2011.
14. “Japan muddies water in South China Sea”, Xinhua, 10 tháng 10, 2011.
15. “China pushes India east… toward Vietnam”, Thanhnien News, 23 tháng 9, 2011.
16. Sandeep Dikshit, “India, China to resume defence dialogue early next year”, The Hindu, 10 tháng 10, 2011.
17. Như trên
18. Sidtharth Srivastava, “India Expands her ‘hard power’ Capabilities as Emerging World Power. U.S. Remains a Key Strategic Partner”, có tại
http://www.worldsecuritynetwork.com/showArticle3.cfm?article_id=14599 truy cập ngày 12 tháng 5, 2010.
19. Jason Miks, “India’s South China Sea Warning”, The Diplomatist, ngày 18 tháng 9, 2011.
20. R.D. Pradhan, Dragon’s Shadow Over Aunachal: A Challenge to India’s Polity (New Delhi: Rupa, 2008), trang 160-161.
21. “4000 Chinese, including PLA men, in PoK: Army chief”, The Times of India, ngày 6 tháng 10 năm 2011.
22. Như trên
23. Zhang Yan, “India-China Relations in One of the Best Periods in History”, The Hindu, ngày 9 tháng 4 năm 2009.
24. Claude Arpi, “China’s Core Interests”, The New Indian Express, ngày 28 tháng 8 năm 2010.
25. Claude Apri, “Why the Chinese are so Upset about Tawang”, có tại http://news.rediff.com/slide-show/2009/oct/20/slide-show-1-why-chinese-are-so-upset-about-tawang.htm truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2010.
26. Như trên
27. Willy Lam, “Hawks vs. Doves: Beijing Debates “Core Interests” and Sino-U.S. Relations”, China Brief, Volume: 10 Issue: 17, ngày 19 tháng 8 năm 2010.
28. “India Wary of Sino-Pak Strategic Link-up in Occupied Kashmir”, Indian Express, ngày 12 tháng 7 năm 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét