Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Tái cấu trúc nền kinh tế: Phải tuân thủ 3 nguyên tắc

Tái cấu trúc nền kinh tế: Phải tuân thủ 3 nguyên tắc
 
22/11/2011
(Đất Việt) Câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế đã đến hồi cấp bách, nhưng tái cơ cấu thế nào và lộ trình ra sao để có hiệu quả tốt nhất và tránh những hậu quả đáng tiếc, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM đã chia sẻ quan điểm góp vào đề án của Chính phủ.
- Thưa ông, trong tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã xác định tái cơ cấu đầu tư công là việc cần làm ngay. Theo ông, cần làm gì để tái cơ cấu có hiệu quả?


- Tôi nghĩ, điều quan trọng đầu tiên của quá trình tái cơ cấu đầu tư công là thay đổi phương thức phân bố ngân sách, phân bố đầu tư, tránh đầu tư theo hướng dàn trải hiện nay. Nguồn lực và nguồn vốn của Nhà nước có hạn nên mục tiêu đầu tư phải thật rõ ràng mới có thể bố trí vốn. Đối với lĩnh vực đầu tư công hiện nay, nguồn vốn từ trái phiếu trong 5 năm có 225.000 tỷ đồng, nên Nhà nước phải xác định đầu tư cái gì mang tính đột phá và hiệu quả.

- Theo ông, nguyên tắc đầu tư công mới sẽ như thế nào?

- Đã làm lại thì phải mạnh dạn thay đổi, cái gì tốt thì giữ và cái gì chưa tốt thì phải đổi. Tái cơ cấu đầu tư công phải tuân thủ 3 nguyên tắc, gồm: phí tổn cơ hội; cái đầu tư sau phải phát huy được hiệu quả của dự án, công trình, kết quả của đầu tư trước mang tính lan tỏa và vốn nhà nước chỉ là “vốn mồi”. Tôi ví dụ như chúng ta đã xây dựng một cây cầu thì phải ưu tiên làm đường kết nối để phát huy cây cầu. Xem xét việc xây đường cao tốc Bắc - Nam mang tính đột phá cho vấn đề giao thông Bắc - Nam. Nguyên tắc thứ 3 là phải coi vốn nhà nước như vốn mồi để “nhử” và thu hút được nhiều nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Có như vậy, vốn nhà nước mới đầu tư được nhiều công trình trọng điểm và không dàn trải như hiện nay.

- Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, Tổng công ty phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, kiên quyết thoái vốn ngoài ngành, theo ông vấn đề này sẽ thực hiện bắt đầu từ đâu?

- Trên thực tế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế vẫn rất quan trọng. Nhưng doanh nghiệp nhà nước nên đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư, hoặc đầu tư không hiệu quả, không phải đầu tư theo phong trào ra ngoài ngành khiến tiềm lực của doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng như thời gian qua, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế cần vai trò của Nhà nước thì đang trống, điển hình là khâu lưu thông phân phối hiện nay rất cần vai trò chi phối của nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào nhiệm vụ chính và những lĩnh vực nền kinh tế đang khuyết. Ảnh: TNLinh.

- Nhiều ý kiến cho rằng nên “cắt” ngay đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước, nhưng những công trình, dự án đang thực hiện dang dở thì nên “xử” thế nào thưa ông?

- Như tôi đã nói, khi tuân thủ 3 nguyên tắc đầu tư ở trên chúng ta sẽ tránh được sự dàn trải. Vì thế, với những dự án, công trình đã rót vốn khoảng 20%, 30% và nếu đầu tư tiếp cũng không cho kết quả thêm thì chúng ta nên dừng. Dừng lại ở đây có nghĩa là dừng lại việc rót vốn nhà nước để tránh dàn trải và trên nguyên tắc vốn nhà nước là vốn “mồi”, chúng ta kêu gọi góp vốn từ thành phần kinh tế tư nhân. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước sẽ cân nhắc đầu tư trên khả năng sinh lời của dự án, công trình... Điều này vừa tận dụng được nhiều nguồn lực trong xã hội vào đầu tư, vừa khiến cho việc đầu tư công có trọng điểm, lại tránh lãng phí được những công trình đang thực hiện dang dở thì bị “cắt vốn”. Muốn vậy chúng ta phải mạnh dạn tháo gỡ cơ chế đủ sức hấp dẫn thu hút mọi nguồn vốn.

- Ông đánh giá thế nào về lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đưa ra?

- Từ nay đến 2015 chúng ta sẽ tiến hành 3 nhóm cấu trúc, gồm: tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty Nhà Nước. Tôi cho rằng, nếu chúng ta quyết tâm thì có thể làm được và cần thiết phải làm ngay từ năm 2012.

- Cảm ơn ông!
Mỹ Dung (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét