Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

VỀ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI TRUNG QUỐC

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Hai, ngày 14/11/2011

VỀ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI TRUNG QUỐC

TTXVN (Angiê 1/11)
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế và quân sự. Về phương diện chính trị, nước này cũng có những bước đi táo bạo, lẳng lặng vượt qua ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản chỉ để thực hiện mục tiêu phát triển, làm giàu, từ đó tăng cường ảnh hưởng. Trong bài “Trung Quốc có còn là cộng sản không?” đăng trên tạp chí “Đại Tây Dương” dưới đây, ông Pierre Picquart, tiến sĩ địa chiến lược thuộc trường Đại học Paris-VIII (Pháp), đồng thời là chuyên gia về Trung Quốc, phân tích và lý giải nước này thực dụng như thế nào, quyết đoán ra sao và mạnh bạo đến mức nào để đạt mục đích.
Theo một báo cáo của ngân hàng Crédit Suisse AG, Trung QUốc có thể sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2016 để trở thành nước giàu thứ hai thế giới. Tích luỹ của cải đi đôi với chênh lệch xã hội gia tăng trong khi hệ số Gini (thước đo mức độ mất cân đối giữa phân phối thu nhập trong một xã hội nhất định, do nhà thống kê học Corrado Gini người Italia phát triển. Hệ số Gini là một số dao động từ 0 đến 1. Hệ số 0 nghĩa là hoàn toàn cân bằng theo đó tất cả mọi người có thu nhập ngang nhau; hệ số 1 cho thấy hoàn toàn mất cân đối: chẳng hạn một người có toàn bộ thu nhập, còn những người khác không có gì – Địa chính trị) đã đạt tới mức cực kỳ cao, đến nỗi đưa Trung Quốc tiến đền gần cơ cấu xã hội rất tư bản của Mỹ.
Đế chế Trung Hoa sẽ là cộng sản hay tư bản? Có người nói rằng hệ thống lãnh đạo hai đầu ở Trung Quốc là một bằng chứng nữa cho thấy tư bản chủ nghĩa là một trong những công cụ hữu hiệu của nền kinh tế vì Trung Quốc sử dụng nó. Người khác lập luận bằng quan điểm khác, chẳng hạn như tư bản chủ nghĩa là một công cụ phù hợp hay một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết để tiến tới chủ nghĩa xã hội thực sự. Một số khác cho rằng chủ nghĩa cộng sản “kiểu Trung Quốc” đang phát triển và dần thay đổi một cách thực dụng bằng cách hoà nhập vào quá trình toàn cầu hoá.

Tìm hiểu nền văn minh của Trung Quốc cũng như sự phát triển mới đây hay nhận định về đất nước hiện đại – nhưng vẫn đang phát triển – này không phải là dễ. Có nhiều nguyên nhân: ngoài ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, những thời kỳ lịch sử không được biết đến và văn hoá khác nhau, còn có mối lo ngại vì nước này chiếm tới 1/5 dân số và lớn mạnh vượt bậc.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc đánh dấu sự đảo chiều của các lực lượng hiện tại
Vì phải giải đáp các vấn đề này nên việc phương Tây đặt câu hỏi cũng là chính đáng. Đồng thời, phương Tây cũng phải nỗ lực mở rộng sự hiểu biết của họ về Trung Quốc. Các quan điểm được đưa ra trên báo chí thường là rất ngắn gọn, thậm chí nhầm lẫn, vội vã và quá công thức. Chỉ trong vòng vài chục năm, Trung Quốc đã làm được cái mà không một nước nào trên thế giới có thể làm được, nếu nhìn vào trình độ lạc hậu đáng kể và số dân quá lớn của nước này.
Hơn nữa, một số người có xu hướng cho rằng hình mẫu của phương Tây hiện nay là hoàn hảo nhất và có khả năng được đưa đến bất kỳ nơi nào cũng có thể áp dụng được, và những hình mẫu không giống với các hình mẫu đó không có nhiều hay gần như không phù hợp, xấu hoặc không hợp lý. Đó là thế giới quan của phương Tây. Mặc dù Trung Quốc còn nhiều vấn đề, song những thay đổi về chính trị, xã hội, môi trường và dân chủ đang diễn ra mạnh mẽ như tăng trưởng kinh tế của họ.
Trong ít năm nữa, liệu Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào khi có thể trở thành cường quốc hàng đầu thế giới? Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc có thể đã trở thành vô địch thế giới về kinh tế bằng cách vươn lên vị trí thứ nhất thế giới. Sau đó, các tác giả chắc chắn sẽ mô tả rằng thập kỷ 2010-2020 là thời điểm cốt yếu của thời đại chúng ta với sự đảo ngược các lực lượng hiện tại. Bởi lẽ Trung Quốc là một nước cạnh tranh với toàn bộ thế giới, nhất là đối với các cựu cường quốc thế giới như châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc đáp trả cuộc khủng hoảng bằng một chính sách phát triển mới
Lịch sử đảo chiều là do một số yếu tố phức hợp của phương Tây và hơn nữa, những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách đơn phương và đa phương, phi công nghiệp hoá, lợi nhuận ngắn hạn, thiếu tầm nhìn, sự năng động của các nước mới trỗi dậy, toàn cầu hoá không được điều hoà… Hơn nữa, như để thúc đẩy nhanh quá trình đó, phương Tây đã chứng kiến một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ đã nhanh chóng lan ra tất cả các nước phương Tây rồi toàn thế giới… Để đối phó với tình hình đó, phương Tây trở nên nợ nần ngập đầu. Trong lúc đó, các nước mới trỗi dậy vẫn tiếp tục lớn mạnh.
Trung Quốc tỏ ra rất nhanh nhạy. Nước này đã đi trước và nhanh chóng đáp trả cuộc khủng hoảng bằng cách đưa ra một chính sách phát triển mới, đầu tư những khoản tiền khổng lồ để địa phương và doanh nghiệp có được tăng trưởng, bằng cách lựa chọn những lĩnh vực chiến lược hàng đầu cho tương lai. Trung Quốc đã sử dụng cuộc thử thách đó như một chiếc đòn bẩy để biến chính cuộc thử thách đó thành một lực lượng mạnh.
Do cơn bão tài chính toàn cầu nên không phải nói thêm để thấy rằng Trung Quốc và một số nền kinh tế mới trỗi dậy đã vượt qua được mặc cảm của mình mà tiếp tục tiến lên. Một trong những chìa khoá của thành công không thể phủ nhận và những mâu thuẫn bề ngoài đó, chính là “chủ nghĩa thực dụng Trung Hoa” và khả năng của Trung Quốc, “công xưởng lớn nhất thế giới”, thay đổi và phát triển theo nhịp độ của cuộc chơi cũng như tiến trình phát triển thuận lợi của mình.
Sự phát triển của Trung Quốc cũng mang tính chính trị
Trung Quốc cũng thực sự phát triển về chính trị. Nếu dư luận quốc tế cho rằng Trung Quốc chủ yếu chỉ tiến hành cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị, thì thực tế lại khác. Từ khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã thực hiện trong hệ thống chính trị của mình nhiều cuộc cải tổ quan trọng, ít nhất là trong ba lĩnh vực. Đó là cải cách quan trọng trong hệ thống lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhanh chóng phát triển Nhà nước pháp quyền, tiến bộ vượt bậc trong xây dựng xã hội.
Hiện nay, một số trong số các nhà tư bản giàu có nhất trên thế giới đang sống và làm việc tại Trung Quốc. Chính phủ, Quốc hội và các tác nhân của nước này đều là động lực của các cuộc cải cách kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ, tài chính, văn hoá… Họ tham gia việc phát triển dân tộc và điều chỉnh chủ nghĩa tư bản.
Trung Quốc đang áp đặt mình trong mọi lĩnh vực và mọi ngành nghề nhờ tăng trưởng, cải cách, đầu tư ra nước ngoài, công ty đa quốc gia, trao đổi thương mại, phát triển ở trong nước và sức mạnh tài chính đáng kể.
Một người khổng lồ kinh tế chân đất sét
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Đế chế Trung Hoa tự khẳng định là nước có khả năng lớn nhất thế giới về tài chính và trong tương lai trở thành nước đứng đầu thương mại thế giới. Các ngân hàng lớn nhất thế giới đều là của Trung Quốc. Là chủ nợ của Mỹ, Trung Quốc trở thành người quản lý kho bạc lớn nhất của thế giới và châu Âu.
Là nước giàu thứ hai thế giới vào năm 2016…, song, Trung Quốc tích luỹ của cải bao nhiêu thì chiếc hố ngăn cách giàu nghèo ở trong nước rộng ra bấy nhiêu. Để không làm mất đi sự hài hoà của xã hội, Trung Quốc phải cải cách và đối mặt với nhiều cái được mất.
Trong nhiều lĩnh vực và ở nhiều vùng, Trung Quốc ưu tiên kết quả liên quan đến Tổng sản phẩm quốc nội được ưu tiên và khuyến khích thực hiện chính sách “thành công nhanh cộng với lợi nhuận tức thì”, từ đó gây ra tình trạng thiếu tài nguyên, huỷ hoại môi trường. Trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc tồn tại 5 tình trạng mất cân đối. Thứ nhất, lãi suất tiết kiệm cao trong khi tỷ lệ tiêu dùng không cân xứng. Thứ hai, tăng trưởng kinh tế quá phụ thuộc vào công nghiệp phụ trợ (bao gồm các hoạt động gắn liền với chế biến nguyên liệu), trong khi phải phát triển khu vực dịch vụ. Thứ ba, cơ cấu đầu tư không hợp lý, lại tiêu thụ quá mức tài nguyên nhưng tỷ lệ phát minh công nghệ quá thấp. Thứ tư, phát triển bền vững phải phù hợp với nguồn tài nguyên môi trường và sinh thái. Thứ năm, khoảng cách giữa các mức thu nhập ngày càng rộng ra: hệ số Gini đã vượt quá ngưỡng báo động và tiếp tục tăng lên.
Nếu như tăng trưởng quá nhanh sẽ khó giải quyết được tình trạng không công bằng và tái cơ cấu kinh tế sẽ bị kìm hãm mà vẫn thúc đẩy lạm phát gia tăng. Nếu như mức độ mất cân đối cao ở Mỹ ngày nay trở thành một vấn đề lớn mà nhiều người Mỹ cảm thấy, thì Trung Quốc cũng lầm vào tình trạng tương tự mặc dù có được những bước tiến kinh tế đáng kể. Trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, vẫn còn nhiều dấu hỏi về tăng trưởng, loạn giá, bất động sản, cải cách thuế thu nhập, lập thuế đất, tiềm năng các ngành công nghiệp mới nổi…
Căn cứ vào vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã đưa ra một số biện phát để tái cơ cấu mới. Đó là xoá bỏ phương tiện sản xuất cũ kỹ; xoá bỏ hoàn trả thuế xuất khẩu đối với các loại hàng hoá gây ô nhiễm nặng và đặc biệt “ngốn” nhiều tài nguyên thiên nhiên; tăng cường tiết kiệm năng lượng và giảm sử dụng nguyên liệu; tăng lương tối thiểu; điều hoà thị trường bất động sản.
Kế hoạch 5 năm 2011-2015 sẽ phải bảo vệ người lao động tốt hơn, kích cầu trong nước, giảm khoảng cách về thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn, ở các vùng và trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Trung Quốc là cộng sản hay tư bản?
Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường trong đó Nhà nước đảm nhiệm toàn bộ. Nhà nước lên kế hoạch và can thiệp để kiểm soát “bàn tay vô hình” của chủ nghĩa tư bản. Đặng Tiểu Bình đã nói: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Ông còn nói: “Phát triển là hòn đá tảng” và “Bước vào con đường tư bản chủ nghĩa sẽ giúp người Trung Quốc giàu lên, nhưng sẽ không nâng cao được mức sống của số đông”. Từ đó Trung Quốc mới tiến hành các cuộc cải cách hiện nay. Đó là cách để đi tìm sự cân bằng và chủ nghĩa tư bản được coi là một trong số các công cụ cần thiết.
Tóm lại, Trung Quốc mạnh hơn người ta nghĩ. Không có một nước Trung Hoa đại lục lớn, mà một nước Trung Hoa mênh mông, “hành tinh Trung Quốc”, với các mạng lưới và cộng đồng người Trung Quốc vừa giàu vừa trải rộng trên thế giới. Còn có nước “Trung Quốc” và nước “Trung Quốc lớn”. Và Trung Quốc đang thay đổi từng tháng. Các Trung Quốc đó có mọi sắc thái thành công và đa dạng.
Như một cậu thanh niên mới lớn siêu phàm và lớn lên rất nhanh, nhân dân Trung Quốc nhìn tương lai của mình và đất nước mênh mông của mình, cộng sản, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa… đang phát triển và thay đổi cơ bản, nhưng lúc này không biết ngày mai nước mình sẽ phát triển ra sao. Tuy nhiên, dân tộc đó không bỏ qua khó khăn và cuộc chơi mới, mà tự hoà với thành công do họ tự làm nên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét