Tản mạn về chó
Nhất Bạch Nhì Vàng Tam Khoang Tứ Đốm
Cũng cả mấy chục năm mới ló mặt về thăm quê nhà, sau đấy nếu tôi với bác giáo có gặp lại ở đây, rồi thì cứ châu đầu vào nhau rù rì chuyện làng chuyện nước, nghe mãi đến chán như cơm tẻ chiều đông ấy....Vì chẳng gì thì bác giáo cũng thừa bứa biết tôi là người chỉ thích ôm đồm ba mớ chuyện cũ rích, mốc meo, để nếu có dịp là chống gậy quanh quẩn như cái đèn cù đi tìm những hình ảnh nằm trong quá khứ qua các cụ ta xưa. Như cái trõng tre bên vỉa hè đầu đường cuối ngõ, trên đó có mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chai rượu trắng, chiếc điếu cầy, ống đóm, ngọn đèn dầu và cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc nước trà nụ vối đặc quánh mầu nâu đất, nghi ngút hương thơm ngào ngạt nồng ấm và chẳng thể thiếu những món ăn mộc mạc chân quê ngày nào trên đất Bắc…Thế nên về đến Hà Nội chuyến này, như thăm người tình cũ đã lỡ tuổi xuân thì, nhưng vẫn son phấn điểm trang, ân cần đon đả, sáng tinh mơ với bún ốc, bún riêu, sế trưa rọng rang hành tỏi với canh cua đồng, chiều tối với cơm tấm chợ làng Hương.
Chuyện cũ chuyện mới thì nay học thói kim tiền mãi bên trời Tây để có …”cơm chỉ”, nay bàn dân thiên hạ chỉ đâu nhà hàng mau mắn cơm bưng nước xách tới đó. Như cơm cá gỗ, xưa thì có “cơm niêu, nước lọ” ở phố hàng Giầy từ thuở nào chẳng một ai hay. Ngày ấy khách thập phương cứ quẳng ra ba hào chẵn là khuân ra cái mẹt có một niêu cơm nhỏ, kèm theo một cái đũa cả, chỉ một cái thôi, thế mới lạ đời và một đôi đũa ngắn, bốn cái chai nhỏ đậy nút bấc. Niêu cơm có miếng thịt lợn rán có đủ bì, mỡ và nạc, một miếng thịt gà mái có da vàng ngậy, môt dúm trứng cáy, một cánh mộc nhĩ. Còn bốn cái chai thì một chai đựng canh, một chai chứa nước mắm cà cuống, một chai rượu ngang và chai cuối cùng châm nước trà. Khách ăn cầm cái đũa cả đập vào cái niêu của làng gốm Thổ Hà một cái bốp, hóa ra công dụng của cái đũa cả tre gộc là như vậy, như thế.
Rồi khách ngồi bẹt xuống ghế, khề khà chấm mút bao lâu nhà hàng chẳng ai bận tâm. Trước khi phủi bụi cất bước, lau mồm qua loa thì nhất cử lưỡng tiện là quơ đôi đũa quẹt ngang mồm một cái cho đúng truyền thống, còn sỉa răng ư, xin mời đi chỗ khác chơi. Có muốn súc miệng sòng sọc rồi nhổ đánh tọet xuống đất cho xong bữa thì đã có cái tích trà vối, vốn sẵn nằm chỏng trơ trên cái trõng tre thấp lè tè. Tất cả khởi nguồn cho “cơm niêu”, “cơm chỉ” bây giờ và theo sách vở tam sao thất bản lưu truyền lại, thì thưa đó là món nhà quê, nhà mùa nay đã đi vào quên lãng và có cái tên như con cua con cáy chôn chặt nơi xó đồng là “cơm niêu, cơm lọ” của một thời quá vãng ngút ngàn đấy, thưa bác giáo.
Lại nữa, Hà Nội một thoáng hương xưa mà thiếu ít lá mơ xanh tím, củ riềng vàng nghệ, thì cũng mất mát đi một phần nào hương sắc của Thăng Long hoài cổ. Thiếu vắng hẳn thi vị trong một ngày gió bấc mưa phùn, chầu chực bên cửa sổ canh cái lò than tầu nổ tí tách, đằng cuối ngõ Hàng Lược, ở đấy có một quán không bảng hiệu. Bốn, năm đời cha truyền con nối, mà khách quen, không ai ngòai những sĩ phu Bắc Hà, nghênh ngang một cõi “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ còn có hay không”. Lại nữa, thập niên hai mươi ở phố Hàng Đồng, Hàng Hòm, ngõ Cống chéo, những tao nhân mặc khách, quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn. Chân đất vỗ bèn bẹt ngồi trên sạp gỗ tì tì đánh chén.
Nói cho ngay áo rách phải giữ lấy lề, ai quên bến lú mặc ai, chứ lu bu cách mấy thì về Hà Nội 36 phố phường chuyến này để đi tìm một chút hương hoa ngày cũ…Đã chót học đòi ăn mặc đầy đặn như người Hà thành bấy lâu, thế nên tôi đã phải cất công mầy mò đi tìm một nơi chốn có cái cái mái che mưa che nắng, ở đấy có một cái quán thịt chó cho ra dáng ra hồn, thưa bác.
Đã quen với cục phấn, bảng đen thì với bác giáo tôi nói năng có đôi chút trần tục thật đấy, nhưng cũng chẳng dấu gì bác, thịt chó với tôi như một lời mời gọi của tiền nhân cùng những người thân, đi kèm với một quá khứ đầy rẫy nhửng lá mơ, lá ổi. Cuối cùng thì tôi cũng đã có mặt ở ngõ Hàng Lược trong một ngày cuối năm để sả sui cùng tống cựu nghinh tân, sả sui đâu không thấy, chỉ thấy bàn dân thiên hạ, những cửa hàng đều đóng cửa từ chiều 30 đến mùng bốn. Mới mùng ba Tết, mặt trời mới đứng con sào, tôi đã xuất hành cầu âu để lò dò đến khu Nhật Tân chạy dài hun hút từ đê Yên Phụ đến gần đập đá, hoa nở rực hồng cả một vùng trời nhỏ bé. Và có bao nhiêu cây đào là có bấy nhiêu quán thịt chó, hàng chục, hàng trăm, ngút ngàn xa tắp, nhấp nhô theo đụn cát bờ dốc, hàng hàng lớp lớp như...Vạn Lý Trường Thành. Nhưng tất cả đều đóng cửa im ỉm, chó giắt gì đâu, bỗng thấy một quán vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào. Bèn bồn chồn, náo nức đẩy cửa như Lưu Nguyễn nhập thiên thai. Vậy mà người Thăng Long ngàn năm văn vật cũng có dăm mống, như ngày nào năm cũ cùng anh nhiêu, anh khóa, cũng đẳng cấp tôn ti với chiếu hoa cặp điều, tới trước thì mời quan bác lên trõng trên, chậm chân thì cũng đành để quan anh an vị dưới đất thô, mục hạ vô nhân nhưng cũng chiếu cói như ai. Đầu năm đầu tháng, tôi ngó quanh ngó quất như thăm chừng, thôi thì thượng điền tích thủy, hạ điền khan, nhắm cái dồi trước đã…
Mặt mày bác giáo đang nhăn nhúm như gái ngồi phải cọc, đúng là “chó thánh nhai ra chữ”, mắc mớ gì mà phải mang mấy đấng hậu sinh của ông thánh vạn thế sư biểu vào đây quấy hôi bôi nhọ cho nó rối rắm. Ấy vậy mà, bác cứ thử ngẫm lại mà xem, sau một vài chung lếu láo, nếu tôi có nhìn thấy cái đầu chó treo lủng lẳng nhe răng trắng nhởn như chào đón, để tôi nhồi nhét thêm mấy ông hủ nho, hủ nút thì cũng như thêm đũa thêm bát vậy thôi, thưa bác. Cũng như bài tản mạn này, đâu phải ăn không ngồi rồi mà có, cũng tầm chương trích cú trong Tứ Thư Ngũ Kinh cả đấy. Của khôn người khó, vẫn chưa xong, “dậu đổ, bìm leo, chó ỉa dập” lại còn thêm mắm thêm muối với họ hàng gia tộc cùng thông gia, thông điếu để có chuyện “chó đái dắt” mà hàn huyên với bác đây.
Sự thể tôi cứ dây dưa với nhà không số phố không tên của vỉa hè Hà Nội năm nào, chẳng qua là những ngày bẩy, tám tuổi, trời mưa phùn gió bấc lạnh se người như tháng bẩy mưa Ngâu. Hà tất thành sầu với cỏ cây, ông bác buồn tình bèn sai thằng cháu đi mua thịt chó về làm một cữ cho quên trời quên đất, vì nhìn đâu đâu cũng chỉ tòan một mầu xám chì thảm sâu, thảm thiết đến nẫu người. Trên đường về, một tay cầm cái đĩa thịt luộc mỏng tang, một tay cầm cút rượu bé con con,thằng nhóc tôi dò dẫm bấu năm đầu ngón chân xuống nền đất sét vì chỉ sợ vồ ếch thì rõ…trơ mắt ếch. Thằng cháu rỗi hơi chẳng biết làm gì là nhìn những những hạt mưa bụi lất phất như tuyết bay bay, mặc dù từ lúc cha sinh mẹ đến giờ, chẳng thấy đường mây xứ tuyết là cái chi chi. Để rồi nhởn nhơ về đến nhà, chẳng hiểu cớ sự gì mỗi thứ chỉ còn đúng một nửa, nghĩ hòai không ra, đến cả gần nửa đời người tôi vẫn chịu không hiểu nổi cái…túc duyên ngãu hứng này, thưa bác.
Sau dăm lát thịt chó luộc béo ngậy, những ngụm rượu trắng đầu đời ấy, bằng đến tuổi này, tôi vẫn nặng nợ với nó, như một cái nghiệp vậy thôi. Thì như nhà Bụt đã dậy chúng sinh: “Đi tu Phật bắt ăn chay – Thịt chó ăn được thịt cầy thì không” nghìn đời mấy ai lỡ quên là vậy đấy, thưa bác giáo. Bác nheo mắt ra ý ngại ngùng như ông nhà văn Hoàng Hải Thủy nghi nghờ làm gì có chuyện nhà chùa nuôi chó, thì đây tôi xin hầu bác một chuyện dân gian nhá:
Một hôm, có ông sư tu từ trên núi xuống chơi một nhà phú hộ trong làng. Mấy con chó trong nhà chạy ra, chúng sủa ầm ỹ. Nhà sư giả làm như không biết giống chi, hỏi nhà chủ rằng: “Nhà ông nuôi giống chim gì mà nó hót nghe hay quá thể vậy!” Ông phú hộ tuởng nhà sư xưa nay mải mê tụng kinh gõ mõ trong am, trong cốc xa lánh cõi đời trần tục nên…”chẳng biết chó gì” thật, cũng nói chiều ý rằng: “Bạch thầy, giống chim ấy ở dây nhiều lắm. Chúng tôi nuôi nó để lúc khách đến chơi, nó hót cho vui nhà ấy mà”.
Nhà sư ngồi chuyện trò lúc lâu, rồi nói với nhà chủ rằng:
- Chúng tôi ở trên chùa am thanh cảnh vắng, xưa nay chưa có giống chim nào như giống chim của nhà ông. Dám xin ông mở lòng từ bi cúng nhà chùa một con. Chúng tôi đem nó về, chúng tôi nuôi để nó hót cho vui chùa thì thật là quý hoá lắm thay.
Nhà chủ nghĩ bụng, một con chó cũng chẳng là bao, không lẽ chối từ, mới sai thằng dầy tớ lấy dây buộc một con chó dắt đi theo nhà sư. Ði duợc một quãng, nhà sư bảo thằng đầy tớ rằng:
- Thôi cho anh về, kẻo phiền lòng anh ra. Anh đưa con chim ấy đây, tôi dắt nó về chùa cũng đuợc rồi.
Chó thấy nguời lạ dẫn mình đi nên nó không chịu đi, cứ co dây giằng lại. Nhà su cố sức kéo dây, vừa dỏ mặt tía tai, vừa mắng vốn con chó rằng:
- Có đi không thì ... lá mơ … lá mơ !
Bác lại nhíu mày ra điều: Dào, tin nhảm gì chuyện xưa tích cũ. Thì tôi lại xin mạo muội thưa với bác chuyện đời nay, chuyện tiệm thịt chó bốn, năm đời ở trên gác xép phố Hàng Lược ấy. Sau cách mạng mùa đông, mùa thu nhảm nhí gì gì đó tiệm này bị cây đà, cây đề cấm tiệt, thế nhưng có người ở chốn Ba Đình tới nói nhỏ với chủ quán rằng ấy là cấm dân ngu cu đen ấy thôi, cuối tuần cứ mở cho quan chức…bồi dưỡng. Từ đấy có giai thoại vê Nguyễn Tuân viết trong Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh, ông này kể lể lể rằng:
“Tôi đưa Nguyễn Tuân về viện đại học Vinh ở Thanh Hóa để diễn thuyết, phó viện Trần văn Hối làm tiệc lớn chiêu đãi và thủ một chai rượu lễ tức chai vang ngoại đưa ra để thù tiếp nhưng Nguyễn Tuân làm lơ. Ông có ít cuốc lủi riêng mang đi chứ không uống tạp như Nguyên Hồng, Hoàng Trung hay Đoàn Phú Tứ. Bữa ăn có nhiều rau tươi, xà lách xanh non, cà chua, ớt đỏ, miến gà và có cả… tiết canh chó nữa. Tôi thấy Nguyễn Tuân chẳng mặn mà gì, ông lừng khừng gắp mấy miếng trứng tráng cho có lệ. Ông nói bâng quơ là tiết canh đánh giỏi là “tiết canh xâu lại” như xâu chuỗi hạt, rồi ông giao giảng chữ nghĩa, người công giáo mà bỏ đạo, gọi là “dở người”. Thí dụ “Ông tôi đã dở người”, “Nam Cao đã dở người”. Chỉ chai vang rượu lễ ông nói: “Rượu đàn bà, uống làm gì”. Trần văn Hối cụt hứng, buồn quá.
Nguyễn Tuân lôi gói cơm nắm trong ba lô, xắt mấy lát mỏng, ăn với ruốc, sau đó lấy bi đông rượu rót ra cái nắp uống. Rồi ông vừa ngó chai rượu lễ nằm chỏng chơ bên đĩa tiết canh và nhởn nha kể chuyện từng được một ông sư đãi một bữa thịt chó độc đáo. Thịt chó ướp gia vị, đặt vào giữa bông sen của nhà chùa, bó lại, đem đồ cho chín dừ. Món ăn vừa tục vừa thanh, vừa có vị chát của nhựa sen, vừa có hương thơm của hoa sen.
Tôi nhủ thầm trong bụng, thịt chó mà dám cho vào tòa sen, ông sư nào mà hỗn thế, có kể cũng chẳng ai tin. Nhưng vừa ăn vừa nghĩ đến cái tục, cái thanh của nó như Nguyễn Tuân thì ắt hẳn chắc cũng thú….”
Nghĩ phất phơ chuyện xưa chuyện nay một lát, đảo mắt ra ngoài bờ đê, gió sông Hồng hiu hiu thổi, tôi ung dung tự tại với những lát dồi mỏng, cắt xéo như miếng chuối xanh, ngào ngạt thơm phức. Gắp một miếng chấm muối tiêu chanh, rồi đưa cay một hơi rượu cẩm, thấy cả tiết, sụn, lá thơm, đậu xanh trong miếng dồi như gắn bó với nhau nồng ấm, thân thương. Hết một cút cũng đủ ngất ngây và trong những khoảnh khắc của tang bồng hồ thỉ, tôi chợt rung đùi mời gọi “trời đất mang mang ai người tri kỷ” và hòai cổ một thời cùng rượu làng Ngang, làng Hòang Mơ, để tri giao quái ngã sầu đa mộng với cụ Nguyễn Đăng Cảo của một thời bút nghiên. Mặc nhiên, có thể nói cụ là người đầu tiên có tên trong sử thi, cùng cái thú tiêu dao với ăn thịt chó, trước cả Đọan Trường Tân Thanh với Nguyễn Du, cụ mê mẩn thịt chó đến độ cứ có anh mực, chị vện là đổ vấy cho…tri thiên mệnh tuốt luốt qua bài thơ chữ Hán có cái tên cũng gợi cảm, gợi tình không kém là “Hành Lạc Từ”, trong đó có câu “hữu khuyển khả tu sát” với nghĩa rõ mười mươi là có chó cứ làm thịt, chạy trời không khỏi nắng là thế đấy, thưa bác.
Còn cụ Cảo, cụ Hạo gì ấy, cứ như Từ Thức đi tìm Giáng Tiên không bằng. Chuyện nghe như “chuyện chó đá vẫy đuôi”, nhưng lại nằm trong gia phả gia tộc của thằng em rể tôi. Nên cũng chẳng biết làm sao hơn, đành kể lể, như “chó chết thêm đồng riềng” vậy thôi:
“Cụ Nguyễn Đăng Cảo, còn được gọi là Nguyễn Đăng Hạo, người làng Hòai Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cụ đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh khoa Bính Tuất 1646, đời vua Lê Chân Tông, khóa này có 17 tiến sĩ. Thi hương, thi hội, thi đình, ngay cả khoa Đông Các, cụ đều đỗ đầu. Năm Kỷ Mùi, triều Phúc Thái nhà Thanh, thấy sao văn khúc giáng ở phía Nam, bèn cho sứ thần sang nước ta tìm nhân tài và may quá lại gặp được cụ. Sau khi thử tài, vua nhà Thanh phong cụ là lưỡng quốc trạng nguyên và phán: “Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”
Năm 1659, cụ được bổ làm Đông Các đại học sĩ, nhưng chỉ làm quan chưa đầy ba năm thì bị bãi chức vì tính cương trực nên không được trọng dụng. Cụ là người ngạo mạn, phóng đãng, nên lấy ngao du sơn thủy làm cái thú tiêu dao, vòng kiềm tỏa không ngòai “rượu Hòang Mơ, cờ Mộ Trạch” và thịt cầy. Cụ quy ẩn, một ngày cụ gặp một đạo sĩ râu dài tới rốn ở núi Lan Kha và xin tu tiên, đạo sĩ trả lời:
- Tu tiên có ba thứ phải ghét, năm thứ phải kiêng, trong những thứ ấy có thịt cầy.
Cụ gật đầu và chống gậy theo đạo sĩ lên núi học đạo, gần trưa qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong quán bay ra sực nức. Cụ thèm rỏ rãi, chịu trời không thấu bèn xin đạo sĩ cho một bữa chót cho…chót đời trước khi thành tiên. Ăn xong lau mặt thì cụ thấy đạo sĩ và chợ búa đều biến mất. Như Lưu Nguyễn lạc thiên thai về lại chốn trần ai, thì ra đây chính là chợ Cầu Lim làng Nội Duệ, chỉ cách núi Lan Kha non dặm đường mà thôi.
Cụ đứng ngẩn ngơ, buồn rầu một lúc rồi về”.
Vẩn vơ nhìn ra khoảng đường Nhật Tân buồn tênh và vắng ngắt, mênh mang hiu quạnh thật, lẩn thẩn với ngày là gió tháng là mây, cùng cái tiết hàn của trời cuối đông với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân, bà già cũng chết cóng. Vậy mà bà già chủ quán vẫn còn tươi tắn, trong một ngày đầu năm vắng vẻ như chùa Bà Đanh, đon đả ra chào khách, dông dài về một thời hòang kim. Kể lể nghề nhà, mấy đời sống bằng nghề thịt chó ở phố Hàng Than. Bà lân la ngồi trước mặt tôi, một chân bó gối trên chõng tre, một chân thòng xuống sàn nhà. Hơn thế nữa, đầu quấn khăn vành giây, bà vẫn giữ hàm răng đen hạt huyền, môi cắn chỉ và mượn miếng trầu là đầu câu chuyện, miệng bòm bèm, tung tẩy:
“Thầy cháu vẫn thường bảo: “chó tháng ba gà tháng bẩy, gà lọt dậu chó sáu bát”, những anh chị chó đang tuổi hoa niên, lúc ấy đem ra đụng thịt mới ngon. Con chó thui rơm, da nó vàng ươm, lớp bì mỏng tang, cái đuôi ngắn một mẩu, nhọn hoắt, dựng thẳng đơ, thật là ăn miếng nào rõ ra miếng ấy. Khi thui chó, đã đành thầy cháu phải kén rơm sạch, rơm mới, thầy cháu còn rị mọ nhét vào trong bụng nó một nắm lá ổi cho thơm lòng mát thịt. Mà nhà bác biết không, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, có qua nghề nhà mới biết, miếng nạc cắt ra ở đùi ngon một kiểu, miếng thịt cắt ra ở lưng có nhiều bì, lại ngon một cách khác, miếng nầm, tức phần có nhiều sụn ở ức thì nhất. Cháu cũng chả biết con chó có dây mơ rễ má gì với cây đậu xanh không, mà người ta dùng hạt đậu này để đắp vào vết thương bị chó cắn. Nhưng dồi chó thì nhất định phải làm bằng hạt đậu xanh, rang lên, xiết vỡ, thêm ít búp ổi, lá mơ lông, trộn với tiết. Luộc xong, thầy cháu phải hơ qua lửa cho se mịn lại, chứ không thì rỗng tuyềnh tuyệch, cắn nó ngậy, ăn nó bùi nghìn nghịt làm sao.
Cũng như món rựa mận…Mà nhà bác lầu bầu “dựa mận” với “rượu mận” gì đấy, giời ạ, “rựa mận” từ nhựa mận mầu đỏ tím như trái mận ấy, nói vô phép chứ nhà bác ăn thịt chó mòn răng mà chả biết chó gì sất cả. Cũng chẳng dấu gì chứ lại món này nhiêu khê lắm bác ấy ạ, nấu rất hao thịt và nhiều công, nào là phải bóp thịt kỹ với mắm tôm, mẻ và gừng già. Nhớ là gừng chứ không phải là riềng đâu bác ấy nhá, gừng càng già càng cay là như thế đấy. Xong phải đun liu riu đều lửa trong nồi gang, người Bắc mình gọi là ninh ấy mà, hay hơn cả là đun bằng nổi chả, úp vung vùi tro nóng, đốt rạ ở bên trên. Cho đến khi các miếng thịt đều sậm mầu như mầu mận chín, nước quánh lại sánh sành sanh là đúng cữ. Mấy cụ ở đây vẫn kháo nhau, món này kẹp với bánh đa hoặc ăn với bún thì sướng âm sướng ỉ cả ngày, hôm sau mùi vị vẫn còn lai láng, thịt dắt kẽ răng, sỉa răng sỉa lợi vẫn còn thơm phưng phức mùi gừng”.
Nghỉ nghơi một chút, bà lại nhởn nha: “Không nói bác ấy cũng biết, đã nói đến thịt chó là phải nói đến riềng, mẻ và mắm tôm. Ấy dạo này già rồi nên hay lẫn, quên không nói cho bác ấy nghe, ăn thịt chó không bị độc là nhờ cái nhà anh riềng đấy, thuốc Nam người mình dùng để chữa chứng đau bụng, dầy hơi, đi lỏng, kiết. Còn được gọi là cây gừng một lá, “láng giềng” của gừng nên còn được gọi là “giềng”. Lại lẩm cẩm nữa, quên khuấy nó đi mất bát mắm tôm chanh, cháu thả vào đấy vài lát ớt tươi, cho vào đấy lưng chén rượu trắng cho bay mùi. Trăm hay không bằng tay quen, chỉ quơ dăm vòng đũa là bát mắm tôm nổi bùng lên ngay, dậy thơm ngào ngạt...Thầy cháu vẫn nói, chả hiểu có đúng không, đã mắm tôm phải là gắt, nó là âm thanh chát chúa của tự nhiên, giống như tiếng chầu gõ vào tang trống gỗ, tiếng phách cật tre già trong dàn hát cô đầu, tiếng ngâm, tiếng hãm… ”. Rồi bà buông một tiếng dài thườn thượt “Rõ mấy cụ lắm chuyện”. Chêm tí vôi vào miếng trầu, bà chậm rãi: “Cụ Cử làng Bưởi sau mấy cút còn bốc nhằng, thịt chó vẫn là âm thanh náo nức của cuộc đời, nó biểu hiện sự sô bồ, tung hòanh và tháo cởi”. Rồi bà tặc lưỡi: “Giời ạ, rõ chán chữ với nghĩa của các cụ, cháu nghe cứ như dùi đục chấm mắm cáy ấy, chả ra làm sao sất cả”.
Đổi thế ngồi, bà lan man: “Ăn thịt chó phải uống rượu trắng Vân Điển, rượu thuốc hăng hắc mùi táo, tầu cam thảo thì vứt đi cho chó nó tha. Còn rượu nếp cẩm, nếp cái thì chả ra cái thá gì, nhạt thèo lèo như nước ốc. Nhưng có một thứ rất hợp với bia, ấy là món chả chó, món này dậy mùi nhất trong các thứ chả đấy nhà bác ạ, hơn cả thịt chả Nam Định quê cháu. Trước khi nướng đã được ướp riềng già, mẻ, mắm tôm trộn đều với nhau. Thịt chó cắt từng miếng bằng đốt ngón tay, vừa nạc vừa mỡ, xiên vào từng xiên rồi nướng. Mà lúc nào cũng phải là than tầu, than quả bàng lắm khói nên thâm thịt, vớ phải cái giống củi ẩm thì chỉ có mà đi tướt và phải quạt liền tay cho đỏ, thịt xèo xèo cháy, mỡ giỏ xuống than bốc khói thơm quyện vào thịt và đợi chín vàng như nghệ mới tươm tất. Bầy lên đĩa, thầy cháu còn cầu kỳ rắc lên ít sợi riềng khô”. Rồi bà chép miệng, bia và chả chó hợp nhau lạ lùng, thầy cháu vẫn nói vậy, nào cháu có biết mốc khô gì đâu, chắc ở đời này chẳng có thứ nào hợp với bia hơn là thứ chả chó, phải không bác. Mà bác ấy ạ, lạ một cái là ăn thịt chó phải có húng, mà cái húng ấy phải là…húng chó. Khác với húng dũi bò lan mặt đất, húng chó mọc thành cây, ra cành ra lá, lại ra cả hoa nữa, và ngon nhất ở được trồng ở làng Láng nên gọi quen là húng Láng, một đĩa húng chó, có thêm mấy cọng ngổ, mất nhát riềng tươi, một cái bánh đa vừng. Chấm miếng thịt nướng vào bát mắm tôm, làm một hớp bia một cái cho quên đời, nhâm nhi với miếng riềng, cọng húng, miếng bánh đa, thì giời đất ạ, ngon…quên chết đấy! Bác ấy ơi”.
Quán có khách, bà tất bật lẹt đẹt đi vào. Tôi ngồi nghĩ bâng quơ, một chuyến đò nên duyên, gặp bà chủ quán mau mắn và vui chuyện, đi nhẹ về nặng, nên tôi lại có thêm một mớ chữ nghĩa để sau này làm vốn. Chưa hết, cũng tự lâu lắm rồi, tôi không gặp lại cái khăn mỏ quạ, cái áo cánh nâu, dáng đi lòm khòm, nhai chầu bỏm bẻm, bỗng dưng không đâu lại u hòai về bà hàng thịt chó nào đó ven chợ, ven sông: “Ăn rồi xách nón ra về - Thấy hàng chả chó lại lê chân vào - Chả này bà bán làm sao - Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng không”
Theo hơi hướng mùi chả chó nướng của bà chủ quán, lục lọi ký ức tôi lơ mơ thả hồn về ông cậu chỉ hơn tôi hai, ba tuổi, nhưng cùng một thời đánh khăng, đánh đáo để mạn phép bác giáo, chẳng cần tôn ti để được gọi bằng “nó” cho gần gũi, để tôi tin rằng mỗi người có một cái số như định mệnh đã an bài. Thỉnh thỏang Tết nhất, tôi lại được nghe họ hàng kể chuyện ấy, số là nó ở quê bị ốm thương hàn, tay chân nó đã tính chuyện bắt chuồn chuồn, theo phong tục xưa vì trước kia nó bị đẻ rơi ở bờ ở bụi nên nhà mang nó ra chuồng lợn ủ trấu lấy khí âm, khí dương để nó có nằm xuống thì cũng không đến nỗi lạnh lẽo. Nghe tiếng kêu eng éc, nó bỗng dưng ngóc đầu dậy nhìn con lợn và thều thào muốn ăn tiết canh…chó, đòi gì lại đòi cái thứ yêu ma ấy không biết nữa. Nhưng nghĩ trước sau gì nó cũng về với ông bà ông vải nên các cụ chiều cái thằng ôn vật lần cuối, ăn xong nó không chịu chết nữa mà nhăn răng ra sống để thành thằng bạn thịt chó của tôi.
Để rồi tôi và nó đi đâu cũng có nhau, lê la hết quán này sang quán khác và được nghe nó luận về cái tên không thôi cũng thấy đầu bù tóc rối không phải là ít, như quán Cờ Tây, quán Cây Còn chẳng hạn, ngược xuôi chung quy cũng ở con cầy mà ra. Nhưng chưa hết, nó còn đào xâu chôn chặt với các cụ ta xưa ở cái thời đồ đồng, đồ đất gì ấy sách giáo, mác vào rừng săn, bắt gặp một con vật có bốn chân, đuôi cong mũi nhọn trông thấy cũng vui mắt. Thế là các cụ hè nhau ra mang về ngả thịt đánh chén, nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch, sau đến màn cây nhà lá vườn để ngả qua con “chấn bốn cho”, lại đến phiên nồi đồng nấu ếch, nồi đất nấu ốc, tiếp đến vì ngại bu nó mè nheo, thế nên các cụ cứ nhập nhằng với chồn, cheo, cáo, nên nói chại đi là….con cầy cho yên nhà yên cửa.
Với nó, nặng mùi kinh thư kinh điển như mắm tôm, mắm tép, nói có sách mách có chứng thì chẳng qua là vua Càn Long hành phương Nam được nếm qua món một sống hai chết này bèn gọi là “vương nhục”, tức vua của các lòai thịt, cóc nhái cũng vất đi. Dân Quảng Đông vốn sính nói chữ nên gọi là “Xực tam lục”, máy mó với cái bàn tính lách ca lách cách như đổ sí ngầu thì tam, lục cộng lại là “cửu”. Từ mảng chữ nghĩa ấy, người nước Nam ta gọi chại đi là “cẩu” rồi đất lề quê thói bắt qua “con cầy”, chỉ là chuyện méo mó của chữ nghĩa mà ra, thưa bác giáo.
Bác là nhà mô phạm cơm nhà quà vợ bấy lâu đã quen hơi, nay nghe thằng lẻo mép nó bàn thêm về “chuyện chó cắn mèo cào” nữa thì khi không ôm rơm rặm bụng. Thế nhưng như trên tôi đã thưa thốt với bác, nói xa chẳng qua nói gần thì thiển nghĩ cũng như thêm mắm thêm muối, động đũa động bát vậy thôì…Như bát bửu với chân gấu, môi đười ươi của bà Từ Hy thái hậu… thái thịt thì cũng chẳng có món nào lại tiếng dữ đồn xa, tiếng lành đồn gần tới âm phủ như “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ còn có hay không”. Để nó moi móc thêm…chuyện chó chết sau:
Có một thằng cẩu sau khi bị bỏ vào nồi nước sôi cạo lông trắng hếu, bèn lấy đó làm oan gia tương báo vì vắn hạn, vắn số nên xuống âm ty khiếu nại. Diêm Vương hỏi rằng chi đó, xong một tiếng “Be”, rồi cẩu ta cứ thẫn thờ thật tình kể lể rằng đầu giây mối nhợ, trăm tội ở cái be rượu làng Ngang, làng ngược của ông Chiêu Lỳ nên cẩu ta bị ngả thịt, nhồi nhét với những món như chả chìa với riềng, gừng già, nướng cho vàng ươm. Rựa mận bóp mẻ với lá mơ, lá ổi, ninh cho đỏ ối. Mắm tôm quậy cho tép chanh, ớt nổi lều bều trên mặt bát, phải đánh cho sủi bọt, sủi tăm bằng cái mắt cua đồng này kia. Nghe tả chưa xong, Diêm Vương cũng thờ thẫn sua tay “Thôi đừng kể nữa, tao thèm lắm rồi. Mà mày chết cũng đáng đời lắm, thằng cẩu”.
Chó chết chưa phải là hết chuyện, một lần khác nó gân cổ nằng nặc gọi lá mơ là “ngưu bì đống”, vì vậy da trâu qua nước Nam ta cũng hợp lẽ trời, lá mơ tam thể mà đi với tam khoang tứ đốm là đúng quá rồi, húng chó cặp với “nhất vàng nhì vện” thì có sai chạy gì đâu. Xa hơn chút nữa nó kể vung xích chó thì sách Bản Thảo Cương Mục đời Minh tôn vinh “hòang khuyển vi thượng, hắc khuyển, bạch khuyển thứ chi” thì lại được biến thái qua tiếng Nôm là “nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”. Chân quê theo ruộng vườn và thời khí thì thêm bớt với “Trời nắng chó trắng, trời mưa chó vàng – Mưa nắng làng nhàng chó nào cũng được”, để rồi tuyệt cú vẫn là “ngon như óc chó”, thưa bác.
Rồi nó thong dong mạc luận tiếp “nhất vàng, nhị vện…” thì hợp đạo lý nhân thường hơn là “nhất bạch nhị vàng”, khi không đang vàng, khoang, đốm lại lạc lõng chữ Hán lạch “bạch” vào đây. Hơn nữa cũng ít ai ăn chó trắng vì chó trắng cắn…ma, có kiêng có lành. Chẳng vậy mà các cụ kiêng ăn thịt chó đầu tháng, cuối năm để thành chuyện xưa tích cũ, như người Tầu kiêng ăn thịt chó vào tháng chín “cửu nguyệt vật thực khuyển” vì theo dịch lý tháng chín thuộc chi Tuất, nghe mịt mùng như tối ba mươi, chẳng nghĩa lý nước non gì sất cả. Riêng phần con này ngon hơn con kia là do mấy ông lái chó gọi cho có vần có điệu vậy thôi và nó chắc như bắp luộc “chó nào chẳng ăn cứt, ốc nào chẳng ăn bùn”, cá mè một lứa hết, vậy đấy thưa bác giáo.
Đột nhiên cái thằng cậu mèo mả gà đồng của tôi biệt tăm biệt tích, nghe phong phanh nó trốn lính ở trại di cư Lạc Dương hẻo lánh và buồn đến nẫu người. Và thề “trèo lên cây ớt rớt xuống bụi hành, ai chẳng lòng thành hành đâm thủng ruột” là cũng năm hết Tết đến, tôi mò tới thăm nó. Trưa hôm sau, hai thằng ngồi ở cái thềm đất cao, ngắm con đường đất đỏ ắng lặng đến ngáo người, có bóng cô hàng quẩy gánh nghiêng ngả theo gió sớm tự đằng xa…Như quen nhau từ kiếp trước, nó tinh nghịch gọi "Lại đây, chó". Cô hàng cũng chẳng vừa, áo chúc bâu quần cháo lòng, vừa đến gần, hất cái nón lá lên chanh chua: "Ai chó đấy". Đúng ra thì mấy chữ này, tôi có đọc qua đâu đó, nay mắt thấy tai nghe mới thấy hay hay mới đau và rồi thì, như khách quen, đâu cũng vào đó. Ngồi ngay bờ hè, cả đám chuyện trò nắng mưa với cô hàng...bầy hàng đúng theo nghĩa đen. Quanh năm suốt tháng, "Đi gánh đau vai - Nằm dài nhịn đói - Một vác dao bầu - Một xâu thịt chó", và gánh thịt chó quê mùa có món lòng, nó lại được thể múa rìu qua mắt thợ, làm lòng “dễ như…chó ăn trứng luộc”, mà phải chấm với nước mắm chanh mới đúng điệu. Thế là cô hàng con mắt có đuôi, cong cớn “Trai tơ lấy phải nạ dòng - Như nước mắm thối chấm lòng chó thiu” và tiếp là ngúng nguẩy, lườm với ngúyt. Nó vậy đấy, vì vậy về quê nhà chuyến này, mấy tuần sau ghé thăm nó, đón tôi ở trước cửa, câu đầu tiên nó ồ ề nói với tôi rất ư cụ lý Đình Dù là: “Vợ tớ quê mùa lắm”. Nó thở ra than rằng giầy dép còn có số, số nó là số…“chó bỏ giỏ cua”, vì vợ nó không ai ngòai cô hàng xáo năm nào.
Thế nhưng từ dạo ấy, nó không chịu đớp thịt chó nữa…Chó thật.
Gió sông Hồng vẫn hiu hiu lạnh, những cụm lau khô bên bờ dốc, phất phơ lay động như ngọn cỏ gió đùa, đầu năm quán vắng, trong một ngày nhàn hạ tôi vẫn còn lê la ngồi đấy như anh nhiêu, anh khóa đợi thời nhìn ra ngòai trông ngóng...hoa đào năm ấy còn chờ gió đông. Như đôi lần đã thưa với bác, tôi thường thì, có một chút men nồng đầu óc lâng lâng, lãng đãng phiêu bồng thì lại thích quay về một thuở mịt mùng gió mây, cũng chẳng đội đá vá trời gì cho cam, chỉ tự mường tượng hóa với một Tiêu Sơn, một Phạm Thái "Nào ai tỉnh, nào ai say...". Ai mà chả biết bác là nhà mô phạm với chữ nghĩa bổ làm đôi, sợi tóc chẻ làm tư, thế nên gì cũng phải có đầu có đũa, ăn trông nồi ngồi trông hướng, láo ngáo gì với nào ai tỉnh nào ai say ở cái nơi chốn đồng không mông quạnh này, áo mặc không qua khỏi đầu, bố ai mà tin được. Thì cũng chỉ một chút ngẫu hứng vậy thôi thưa bác, nói cho ngay thì bác có ngồi chênh vênh lửng lơ giữa trời và đất, lắng nghe ngọn gió rù rì qua gầm chõng, nếu không có cái yên sĩ phi lý thuần của cái thú thứ nhất quận công thứ nhì ị đồng thì bác cũng sẽ ngất ngây bồng bềnh với bao la của đất trời, chẳng là Tiêu Sơn, tiêu hóa để nổi trôi thì cũng học thói cụ Nguyễn Công Trứ: “Ôi nhân sinh là thế ấy – Như ngọn đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao – Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào - Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín”. Ai chẳng có những giây phút thả hồn theo mây khói, thưa bác giáo.
Thế nhưng say thì chưa say, vừa chợt tỉnh giấc mộng hòang lương, nhìn đồng hồ, cũng cũng đến lúc phải suôi Nam. Vào đến Sài Gòn cũng đã nhá nhem tối, bèn đánh khuèo một giấc. Chuyến về thăm nhà này, lại thêm chuyện họ hàng hang hốc để dông dài với bác giáo, như vừa tỉnh giấc mộng nam kha thì cũng đã sế trưa, bà chị tất tưởi ra chợ Ngã Ba Ông Tạ mang về đĩa thịt luộc lúc nào không hay, rau tươi, bánh tráng. Làm gần hết nửa đĩa nhưng vẫn có một cái gì lạc lõng, không thấy mềm môi, ngọt ở đầu lưỡi, hoang vắng về chiều...
“Chó đen quen ngõ”, mấy ngày sau tôi mầy mò tìm ra quán Lá Mơ đầu cầu Thị Nghè, bước vào quán đông nghẹt, đập chát vào mắt là một dàn rượu rắn thật bắt mắt, từ nhất xà đến ngũ xà, con nào con nấy cuộn mình nằm ngủ chèo queo, an giấc nghìn thu đến lạnh người. Đảo mắt một vòng, tôi như lạc vào thế giới của Đồ Phồn, Chí Phèo, bàn ghế thấp lè tè, bát đĩa cốc chai la liệt, ngổn ngang trên bàn dưới đất. Cái không khí xô bồ tuyệch tọac ấy vậy mà nên thơ mới chết người, cùng cái bát nháo của đám sĩ phu Bắc Hà hai nút, nồng nặc trong một cõi ta bà mù mịt khói hương, cùng khói thuốc lá ngập trời như bức tranh vân cẩu. Lững lờ bâng khuâng được một lúc, buồn tình như con thạch thùng ăn đêm, tôi tặc lưỡi một cái tách gọi đĩa trần như nhộng. Lại vẩn vơ đến chuyện kẻ Bắc người Nam, ngòai kia luộc, trong này hấp cách thủy, nhưng cũng đằm thắm ra phết chứ đâu có bỡn, thớ thịt lẳng lặng chui tuốt luốt vào tận chân răng, tê tê và ngưa ngứa. Không cần móc, sỉa, đưa cay một cốc tam xà xà là chui tuốt tuồn tuột xuống cổ họng, thêm một ngũ xà nữa thì lâng lâng và bần thần với những buồn vui lẫn lộn không đâu ùn ùn kéo về như nắng mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu..thịt chó, thịt cầy, thưa bác.
Chẳng dấu gì bác giáo, nhìn đám tửu đồ bát nháo mãi cũng chán, tôi đâm lạc lõng, lại dáo dác thả hồn theo mây khói về phố Hàng Hòm, ngõ Cống chéo, ở đấy những hình ảnh cùng mấy thợ ăn thịt chó ngồi bó gối quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn như thân quen cùng một cõi đi về. Để rồi gần hơn nữa, cái đầu cám hấp của tôi lại ngọ nguậy về Vũ Bằng, ông họ Vũ này bắn một câu thần tình gì đâu: “Đã định không nói, nhưng không nói không chịu được. Chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt chó như thấy thiếu thốn một cái gì khó diễn tả. Như thiếu vắng một người tình cùng những ngày tháng mênh mang hiu quạnh”. Rồi tôi lang thang lếch thếch trở về một thời quá vãng xa xăm với cụ Nguyễn Đăng Cảo, với cụ Nguyễn Du, với Nguyễn Tuân cùng vang bóng một thời với…thịt chó.
Ấy cũng là nỗi lòng của tôi lúc đó thưa bác, bỗng chợt nhớ ra chỉ còn một, hai ngày nữa là đến ngày về, để thấy hiu quạnh, trống vắng và trong tâm tư tôi lại dở chứng thương vay khóc mướn, món ăn trần tục lưu danh thiên cổ này, rồi ra cũng như cơm niêu, nước lọ, cùng một lứa bên trời lận đận, mai đây theo tôi sẽ đi vào cõi tịch mịch cùng quán vắng bên đường. Qua sông ai nỡ quên đò, thưa bác giáo.
Rồi ngày về cũng đến, đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng... Từ sế chiều đến tối khuya, họ hàng và bạn bè tới thăm hỏi và tiễn đưa, chỉ tội nghiệp bà chị cùng cha khác mẹ của tôi. Từ ngày hai chị em ra đời, cũng trên dưới năm mươi năm, chẳng một lần gặp mặt, năm 54, loáng thoáng nghe tên chị ở làng, chị ra Hà Nội thì tôi đu tầu há mồm vào Nam. Tôi đi hết biển thì chị đeo tầu hỏa vào Sài Gòn, sau này chị em cũng chỉ đắm thắm qua thư từ và hình ảnh. Chiều nay ngày cuối, chị tôi lại lẳng lặng dắt chiếc xe đạp, vất vả ngược suôi tận chân cầu Thị Nghè, mang về mấy đĩa cho cậu em tiếp bạn. Chị tôi vẫn chân chất quê mùa của hương đồng cỏ nội, lại thêm một lần đi nhẹ về nặng, gói ghém cho cậu em làm quà mang về. Chị ngồi bệt xuống sàn nhà, đếm từng miếng riềng, nhặt từng lá mơ, gói ghém đóng hộp, cúi đầu dấu nước mắt ngắn dài....”Chị thà coi như là hạt bụi - Em thà coi như hơi rượu say”.
Về đến phi trường, nhìn thấy cái bảng dọa nạt này kia nên tôi cũng ngại ngùng, bỏ thì thương vương thì tội, thôi cũng đành quẳng gánh lo đi nhẹ lấy mình cùng cỏ xót xa đưa, cỏ xót xa người. Thế nên ngần ngừ moi ra hai "hạt bụi" thả vào thùng rác. Cát bụi lại trở về cát bụi, bồi hồi tiếc nuối, như mất mát một cái gì không tên với một nhớ hai quên...
Phí Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét