Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Từ thiện tại Việt Nam

Từ thiện tại Việt Nam

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
05.10.2011
Những đường phố tại những đô thị lớn nhất Việt Nam cho thấy những dấu hiệu không thể nhầm lẫn của sự thịnh vượng. Những chiếc xe hạng sang hiệu Mercedes và Lexus đã trở nên rất bình thường, và thỉnh thoảng, bạn có thể thấy bóng dáng của những chiếc Bentley hoặc Maybach lướt trên những đường phố chật cứng. Giới "nhà giàu mới" của Việt Nam hiện có thể tìm được những món hàng thời trang mới nhất trong các cửa tiệm hàng hiệu nằm dọc theo hàng lang của những khách sạn đắt nhất nước.
Việc tiêu xài lộ liễu có thể đã trở nên dễ thấy hơn nhiều tại những thành phố, nhưng du khách không phải nhọc công tìm kiếm hoặc đi xa khỏi những khu thị tứ để thấy một thực trạng kinh tế rất khác biệt đang hiện hữu trong đại đa số 89 triệu dân Việt Nam.
Tỉ lệ tăng trưởng cao liên tục, trung bình ở mức 7,3% trong thập niên vừa qua, đã làm tỉ lệ nghèo đói tại Việt Nam giảm thiểu một cách rõ rệt, từ mức cao đến 75% trong giữa những năm 1980 xuống còn 14,5% vào năm 2008. Tuy nhiên, những thành tựu này thì mong manh: cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tiếp diễn và những thách thức mới đang đòi hỏi mà quá trình chuyển hoá tại Việt Nam đang đối diện - từ lĩnh vực ngân hàng yếu kém và hệ thống giáo dục lạc hậu cho đến sự suy giảm môi trường và khoảng cách ngày càng lớn giữa nông thôn và thành thị - đã tạo khó khăn trong việc giữ nguyên tốc độ tăng trưởng này. Bên cạnh đấy, nạn lạm phát cao và đồng tiền bị mất giá đang làm suy yếu nỗ lực xoá đói giảm nghèo, đẩy nhiều người dân Việt Nam xuống lại dưới mức nghèo khổ chỉ trong vòng vài năm qua. Và, với việc Việt Nam đã leo lên thứ hạng quốc gia với thu-nhập-trung-bình-thấp vào năm 2008, nhiều tổ chức viện trợ quốc tế và song phương đã tuyên bố việc bắt đầu chuyển việc viện trợ sang những khu vực ít phát triển hơn.

Trước nhu cầu về ngân sách của nhà nước và với viện trợ nước ngoài sẽ giảm bớt trong những năm sắp tới, nguồn tài trợ lâu dài cần có để giải quyết nhiều thách thức phát triển của Việt Nam sẽ phải tìm từ những nguồn trong nước. Việt Nam có một truyền thống lâu đời về từ thiện và hỗ trợ cộng đồng, được phản ánh qua câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách." Nhưng cho đến hiện tại, vẫn chưa có được một nghiên cứu mang tính hệ thống nào về thói quen và xu hướng chia sẻ trong nước, về những cơ chế mà người dân và các công ty dùng để đóng góp, hoặc điều gì đã thúc đẩy việc hiến tặng. Để giúp trả lời những câu hỏi này, vừa qua Quỹ Châu Á đã hỗ trợ Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam ở Hà Nội tiến hành một giám nghiệm đầu tiên về đóng góp từ thiện nhằm nhận diện những mặt mạnh và yếu của hoạt động từ thiện hiện nay và đưa ra những đề xuất về chính sách nhằm tăng cường việc đóng góp từ thiện trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn quần chúng nói chung.
Khi được hỏi, những hộ dân thành thị lẫn nông thôn đều cho thấy họ rất muốn đóng góp từ thiện, ở tỉ lệ 51% thành thị và 73% nông thôn. Trong những đối tượng được đóng góp từ thiện, người dân đóng góp nhiều nhất cho thiên tai, người nghèo và những tổ chức từ thiện của tôn giáo. Trung bình, mỗi hộ gia đình đóng góp một lượng tiền mặt tương đương với khoảng 40 Mỹ kim mỗi năm, đây không phải là một số tiền lớn nếu so với mức thu nhập bình quân mỗi đầu người vừa trên 1.000 Mỹ kim hằng năm, và được xem là ít hơn nữa tại những vùng khác tại Việt Nam, đặc biệt là tại những khu vực nông thôn. Chúng ta có thể thấy rằng tiềm năng trong việc tăng cường đóng góp thì cao. 74% các hộ gia đình thành thị và 89%các hộ gia đình nông thôn nói rằng mức độ đóng góp hiện tại của họ là ít ỏi, với khoảng 90% hộ dân tại thành thị lẫn nông thôn cho biết rằng những đóng góp của họ không hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến hiện trạng kinh tế gia đình.
Về những khoản đóng góp từ thiện, đa số người dân muốn đóng góp qua những luồng từ thiện không chính thức, cụ thể là các chùa chiền và nhà thờ, hơn là những tổ chức từ thiện chính thức như cơ quan chính phủ, những tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, hoặc tại công sở. Tại thành phố, chỉ có 37% đóng góp qua ngã các tổ chức chính quy, trong khi ở miền quê, con số này tụt xuống còn 10%. Khi được hỏi tại sao người dân đóng góp từ thiện, nguyên nhân lớn nhất là lòng mong muốn chia sẻ những khó khăn với những người khác cũng như sự mãn nguyện có được. Noi gương hàng xóm cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là tại miền quê. Dữ liệu thăm dò liên tục cho thấy rằng người dân vùng quê quan tâm nhiều đến việc chia sẻ và tham gia các hoạt động từ thiện hơn là những người dân thành thị, trong khi có khoảng 20% người dân thành thị cho biết họ không hài lòng với hiệu quả và tính minh bạch trong các hoạt động từ thiện cũng như những phương tiện đóng góp mà họ có được hiện nay.
Điều tra trong lĩnh vực doanh nghiệp cũng cho thấy những kết quả bất ngờ, đáng lưu ý nhất là những khác biệt quan trọng từ các hoạt động từ thiện giữa các công ty tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian cuộc thăm dò được tiến hành, 66% doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rằng họ đang hỗ trợ ít nhất là một hoạt động từ thiện, so với chỉ 8% tại Hà Nội. Mức độ đóng góp cũng khác nhau rõ rệt: các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp nhiều hơn khoảng tám lần so với các doanh nghiệp tại Hà Nội. Những cuộc phỏng vấn sâu hơn cho thấy rằng những sự khác biệt này phản ánh tính năng động cao hơn của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc quảng cáo thương hiệu của mình và việc nhận thức trách nhiệm của tập đoàn kinh doanh đối với xã hội, cũng như tầm nhìn lâu dài về mối liên hệ giữa việc phát triển cộng đồng và sự tăng trưởng của lĩnh vực tư nhân.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến sự khác biệt về công tác từ thiện trong giới kinh doanh giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: chỉ có 32% doanh nghiệp tại Hà Nội tin vào tính hiệu quả của những hoạt động từ thiện, so với 56% doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp của cả hai thành phố than phiền về sự thiếu tính minh bạch, cởi mở và lòng tin đối với việc tiền từ thiện được sử dụng ra sao. Tuy thế, việc thăm dò các doanh nghiệp cho thấy có tiềm năng lớn trong việc tăng cường đóng góp từ thiện từ các công ty. 78% các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và 55% các doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết rằng đóng góp của họ là ít ỏi hoặc tương đối. Sự thành công của doanh nghiệp và giới lãnh đạo doanh nghiệp là yếu tố chủ chốt trong các hoạt động từ thiện của doanh nghiệp ấy, nhưng những chính sách đáng được khuyến khích như chế độ miễn thuế đã không hoặc đóng vai trò rất nhỏ trong những quyết định đóng góp từ thiện. Khi được hỏi những chính sách miễn giảm thuế đối với việc đóng góp từ thiện, đa số các đại diện doanh nghiệp đều không chắc chắn mấy về chính sách thuế hoặc nghi ngờ về những lợi ích mà chúng có thể đem lại.
Nhìn chung, cuộc điều tra cho thấy rằng khái niệm trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp còn rất sơ sinh tại Việt Nam và còn rất nhiều việc phải làm để tăng cường ý thức từ thiện trong lĩnh vực doanh nghiệp. Dù thế, những kết quả thăm dò hé lộ khả năng chia sẻ to lớn của quần chúng nói chung cũng như của lĩnh vực doanh nghiệp tại Việt Nam - nguồn hậu thuẫn đang rất cần cho nhu cầu phát triển của quốc gia. Trong khi lòng mong muốn chia sẻ dâng cao, cũng có sự mong mỏi về tính minh bạch và hiệu quả của các phương tiện đóng góp, cũng như có thêm nhiều hơn những tổ chức chuyên nghiệp có khả năng sử dụng những đóng góp này để thật sự đem đến tận tay những người thiếu thốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét