Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Ngân hàng Nhà nước đang giám sát chặt nhà băng yếu kém

Ngân hàng Nhà nước đang giám sát chặt nhà băng yếu kém

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản giải trình chất vấn của đại biểu quốc hội, trong đó chỉ rõ các giải pháp đang được thực hiện nhằm tái cơ cấu ngân hàng và đảm bảo vốn cho sản xuất.
Lãi suất sẽ giảm nếu lạm phát tháng 11-12 dưới 1%

Một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu của tái cơ cấu ngân hàng là tạo ra hệ thống lành mạnh, đa dạng (loại hình, sở hữu), phù hợp với chuẩn mực, đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của người dân - doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định sẽ không để xảy ra đổ vỡ, rối loạn trong quá trình sắp xếp lại nhà băng.

Thống đốc tái khẳng định sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Thống đốc tái khẳng định sẽ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, quá trình này sẽ trải qua 3 bước mà trước hết là đảm bảo khả năng chi trả cho từng nhà băng. Tiếp đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án được duyệt. Cuối cùng, cơ quan quản lý sẽ chủ trì việc bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tập trung giám sát chặt hoạt động của các nhà băng yếu kém, xây dựng phương án xử lý với từng đơn vị. Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh và cổ phần lớn hỗ trợ các nhà băng nói trên trong việc đảm bảo thanh khoản, xây dựng phương án tái cấu trúc.

Về công tác quản lý, thanh tra, giám sát, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang phối hợp với Cơ quan công an điều tra, xác minh, làm rõ một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến cán bộ ngân hàng để xử lý nghiêm.
Riêng về xử lý các vi phạm trần lãi suất huy động, Thống đốc cho biết đã ban hành Chỉ thị 02, trong đó “mạnh tay” đình chỉ, miễn nhiệm 3 năm với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng vi phạm trần 14%. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ bị hạn chế hoặc đình chỉ hoạt động huy động, cho vay, hạn chế mở chi nhánh trong vòng một năm nếu vi phạm quy định này.
Cụ thể, trong thời gian qua cơ quan quản lý đã xử lý 2 nhà băng vi phạm, trong đó yêu cầu cách chức, buộc thôi việc một phó tổng giám đốc, cách chức một giám đốc chi nhánh và buộc thôi việc tổng cộng 11 cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Song song với 2 nhiệm vụ nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý, trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất, tiết kiệm chi phí, bớt lợi nhuận để giảm dần lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn cũng được hỗ trợ về thanh khoản, ưu tiên về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu và hỗ trợ (tái cấp vốn) tổ chức tín dụng tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 sẽ được giữ ở mức 12% để tạo đà cho tăng trưởng 15-17% trong những năm tới.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ giữ ổn định lãi suất điều hành và chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm dần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Nếu lạm phát có xu hướng giảm và ổn định, cơ quan điều hành sẽ xem xét giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm, tín dụng cho khu vực sản xuất tăng 15,7%, chiếm tỷ trọng 85% tổng dư nợ. Tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn tăng 24%, cho xuất khẩu tăng 58%. Từ tháng 9, lãi suất cho vay thông thường đã giảm xuống còn 17-19%, lĩnh vực ưu tiên là 15-18%. Cá biệt có những trường hợp vay để khắc phục hậu quả thiên tai hoặc doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ chỉ phải vay với lãi suất 13,5-14,5%.
Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét