Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Cách Trừ Hạn Hán Trên Thế Giới

Cách Trừ Hạn Hán Trên Thế Giới
 
 
Hạn hán kỉ lục đã làm khô cằn bề mặt của trái đất trong năm nay, từ Somalia tới Texas. Những tác động của nó trong việc cung cấp nước uống trên thế giới thật là kinh khủng. Cấp độ nước của sông Dương Tử ở Trung quốc, con sông lớn hạng thứ ba trên thế giới, xuống quá thấp trong mùa xuân này khiến 400.000 người sống dọc theo bờ sông không có đến một nguồn nước uống điạ phương nào cho đến khi chính phủ mở cửa đập Tam Hiệp vĩ đại của nó để giúp chống lại cuộc khủng hoảng này. Ở phía bên kia địa cầu, tại Đông Phi châu, khoảng 10 triệu người đã phải sống cam khổ dưới một cuộc hạn hán tồi tệ nhất của khu vực trong 60 năm qua. Và ở Texas, nơi nạn cháy rừng đã đốt 4 triệu mẫu đất (1,6 triệu hectares) vào mùa hè này, thiệt hại tài chính từ gia súc chết đói tới cây cỏ xác xơ đã đạt đến $5 tỉ đô la.
Những bất cập này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Theo một báo cáo mới từ McKinsey, tới năm 2030, nguồn cung cấp nước toàn cầu sẽ chỉ đáp ứng được 60 phần trăm tổng nhu cầu. Trong khí đó, chúng ta sẽ chi tiêu khoảng $50 tỉ tới $60 tỉ đô la mỗi năm để cố gắng tìm lối thoát. Nhưng, mặc dầu tình trạng khan hiếm nước là có thật, nó lại chưa xẩy ra, không phải vì chúng ta có nước ít hơn so với một thế kỉ trước. James Famiglietti, một giáo sư về khoa học về hệ thống trái đất và công trình dân dụng tại đại học UC Irvine, nói: “Chúng ta có cùng một lượng nước.” Nhưng chúng ta lại có thêm 250 phần trăm số người uống nước đó. Hơn nữa, sự thay đổi của khí hậu có nghĩa là nước đã “di chuyển đến những nơi khác, ngay cả khi dân số đang phát triển,” theo Famiglietti. Kết quả là không phải chỉ có sự thiếu hụt nước mà còn là sự không phù hợp giữa nơi có nước và nơi cần nước.

Trong quá khứ, chúng ta vượt thắng tình trạng thiếu nước bằng cách khoan nước ngầm, xây dựng đập và sắp dẫn các đường ống dẫn nước khổng lồ. Nhưng vần đề to lớn hiện nay đòi hỏi những giải pháp triệt để hầu thúc đẩy sự duy trì cũng như sự tăng gia nguồn cung cấp của nước. Peter Gleick tại Pacific Institute nói: “Một trong những lí do chúng ta đã quá lãng phí trong quá khứ là vì nó quá dễ dàng để tìm một nguồn nước khác. Nhưng thời đó đã qua rồi.”
Có rất nhiều ý tưởng mới đang hiện hành. Thí dụ, tại khu vực Punjab của Ấn độ, 6.500 nông dân trồng lúa và lúa mì đang thử nghiệm một thiết bị trị giá chỉ có $7 đô la có tên là máy đo độ căng để phân tích độ ẩm dưới mặt đất hầu giúp họ tránh dẫn nước quá nhiều vào vườn ruộng. Trong năm 2010, sử dụng máy đo độ căng này đã giúp nông dân cắt giảm lượng nước dùng tới 22 phần trăm. Cuộc thử nghiệm, tài trợ bởi PepsiCo và Columbia Water Center, sẽ mở rộng lên tới khoảng 50.000 nông dân vào năm 2012. Vì nông nghiệp chiếm 70 phần trăm lượng nước tiêu thụ toàn cầu, triển khai một cách qui mô việc sử dụng các thiết bị như vậy có thể đưa tới nhiều khoản tiết kiệm to lớn.
Trong khi không có một giải pháp duy nhất nào có lí cho khắp mọi nơi vì sự khác biệt về khí hậu, địa lí và chính trị địa phương của mỗi vùng, nhưng vẫn có một vài đáp án được đưa ra với những hiệu quả đáng kể. Chiến lược tốt nhất thường liên quan đến việc kết hợp nhiều chiến thuật với nhau. Dưới đây là năm cách thức tinh kì mà các cộng đồng trên toàn thế giới đang thực hiện để chống lại sự khan hiếm nước:
1. Giải quyết điều kiêng kị về nước vệ sinh và nước uống
Windhoek, Namibia
Cái ý tưởng uống nước được lấy ra từ nhà xí có vẻ như là một trò đùa khó ưa, nhưng thật ra không phải vậy. Được tước bỏ tạp chất và thử nghiệm chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nước tái chế là một trong các nguồn cung cấp nước rẻ tiền và đáng tin cậy nhất trên trái đất. Alex Prud’homme, tác giả cuốn The Ripple Effect, nói: “Đây là lúc mà chúng ta phải sử dụng một cách hợp lí bộ não để vượt qua ác cảm tự nhiên của chúng ta.” Tại Namibia, quốc gia khô cằn nhất ở miền nam sa mạc Sahara, nguồn nước thải tái chế như thế chiếm tới 35 phần trăm lượng nước uống trong thủ đô Windhoek của nước đó.
Nằm khoảng 1.500 mét trên mực nước biển và bị bao quanh bởi các dãy núi, Windhoek nhận được một số lượng mưa ít ỏi - chỉ có 36 cm bình quân mỗi năm – mà nó lại bốc hơi nhanh chóng trong một vùng khí hậu nóng nực và gió quần. Mặc dù Namibia nằm ở phía tây của Đại Tây Dương, Windhoek lại ở quá cao để việc khử muối có tính khả thi và quá xa để dẫn những đường ống đắt tiền từ các con sông lớn ở phía bắc và phía nam. Vì vậy, thành phố phát triển nhanh chóng này đã trước hết chuyển ngay sang việc sử lí nước thải chế biến vào năm 1968 khi các hồ chứa nước địa phương bắt đầu khô cạn. Nâng cấp vào năm 2002, Nhà Máy Thu hồi Nước Goreangab Mới, tốn khoảng $16 triệu đô la để xây dựng, hiện nay cung cấp 7,6 tỉ lít nước mỗi năm cho thành phố của hơn 300.000 cư dân trong việc ăn uống và tắm rửa.
Được đẩy qua một loạt các bộ lọc bằng cát và carbon cùng các màng siêu mịn - một số màng có lỗ nhỏ hơn một phần trăm chiều rộng của một sợi tóc - trước khi được khử trùng bằng chlorine và thử nghiệm cho những tạp chất, nước đã sử lí sau đó được trộn với nước ngọt dẫn vào từ một mạng lưới của ba hồ chứa nước khác nhau với một tỉ lệ 35 phần trăm nước đã sử lí và 65 phần trăm nước ngọt. Quá trình này rẻ hơn 37 phần trăm so với việc bơm nước từ những hồ chứa nước từ xa, và chi phí cho nước thải tái chế này chỉ tốn khoảng nửa xu cho mỗi lít nước được điều trị.
Những nhà kinh tế đang thuyết phục người ta bỏ qua những định kiến của họ. Trong năm 2008, Orange County, California, đã bắt đầu điều trị khoảng 265 triệu lít nước thải rồi sau đó dẫn nó vào các tầng ngậm nước dưới lòng đất. Trong khi đó, thủ đô Harare của Zimbabwe sẽ bắt đầu tái chế khoảng 79 triệu lít nước thải mỗi ngày vào năm 2014 để sử dụng làm nước uống.
2. Thành công với việc khử mặn nước biển
Perth, Úc
Phần lớn bề mặt của trái đất được bao phủ bởi các đại dương, do đó việc tìm kiếm một cách thức để biến vùng biển mặn của chúng ta thành một cái gì đó ngon miệng là một giải pháp đương nhiên. Khử muối, thường liên quan đến việc dùng áp suất cao để đẩy nước thông qua các màng lọc khi muối bị giữ lại phiá sau, đã trở nên ngày càng phổ biến, với hơn 15.000 nhà máy khử muối tạo ra khoảng 64 tỉ lít nước ngọt mỗi ngày.
Một trong những nơi mà việc khử muối trở nên có lí nhất là Perth (dân số 1,7 triệu), thành phố lớn nhất ở Tây Úc. Với lệnh cấm tưới nước vào ban ngày nghiêm ngặt và phần lớn các chủ nhà hứng giữ nước mua để tưới vườn, thành phố thủ đô của Tây Úc đã chuyển qua hệ khử muối trong năm 2007 như một chính sách bảo hiểm hạn hán khi mực nước ở các đập giảm xuống dưới một phần tư.
Ngày nay, một phần ba của 363 tỉ lít lượng nước cung cấp hàng năm cho Perth là từ các nhà máy của chính phủ ở vùng Kwinana và Binningup kế cận. Đến cuối năm 2012, một nửa lượng nước ngọt của thành phố sẽ đến từ hai nhà máy này; chúng được trang bị bởi các tín dụng năng lượng tái tạo từ gió và năng lượng mặt trời ở các trang trại. Hộ gia đình sẽ phải trả thêm $50 đồng trên số tiền $700 đồng của chi dụng trung bình hàng năm để trang trải chi phí xây dựng và bảo trì của những cung cấp bổ sung.
Khử muối không thể là đáp án của tất cả. Ngay cả khi công nghệ này đã được thực hiện ở Úc, Israel và vùng Vịnh Ba tư, dân cư ở một số cộng đồng ven biển California không bằng lòng với các chi phí này vì nó có thể lên tới năm lần nhiều hơn so với nước thải tái chế.
Tuy nhiên, các biện pháp mới dùng để giảm tác động sinh thái của việc khử muối, kết hợp với những ý tưởng tài tình về việc làm thế nào để giảm chi phí năng lượng cho các nhà máy, đang làm cho việc khử mặn được dễ dàng chấp nhận hơn. Trong tháng bảy, Siemens thông báo rằng họ đã thử nghiệm thành công một kĩ thuật khử muối mới được gọi là sự thẩm tách bằng điện bắt chước quá trình điện hoá lọc của thận con người và sử dụng ít hơn một nửa năng lực của phương pháp khử muối truyền thống.
3. Bắt buộc thu hoạch nước mưa
Bangalore, Ấn độ
Khan hiếm nước là một vấn đề không chỉ ở vùng có khí hậu sa mạc. Ngay cả Bangalore, ở miền nam Ấn độ, nơi được hơn 97 cm lượng nước mưa mỗi năm và được mệnh danh là Thành phố Vườn tược vì có địa hình đồi núi tươi tốt, đã phân phối nước máy cho 9,5 triệu cư dân trong những năm gần đây. Dân số Bangalore đã tăng gần 50 phần trăm từ năm 2001 vì dòng người lao động đổ xô vào thành phố, trung tâm của Silicon Valley của Ấn độ. Bây giờ, một nửa trong số 2.000 giếng nước của Bangalore - chiếm khoảng 40 phần trăm nguồn cung cấp nước của thành phố - đã cạn khô, và nước máy chỉ được mở ra hai hay ba giờ mỗi ngày. Tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng đến nỗi có người đã phải dùng nước đóng chai để tắm và phải mua nước từ các xe tải tư nhân chạy xung quanh thị trấn khi vòi nước thành phố đã đóng. Đối với người dân, đây là một sự bất tiện khá tốn tiền.
Trong năm 2009, khi nguồn cung cấp nước của Bangalore giảm 25 phần trăm dưới lượng 424 tỉ lít nước cần thiết cho mỗi năm, chính quyền thành phố cuối cùng đành dùng đến phương pháp bắt buộc những khu thương mại cũng như dân cư lớn hơn 223 mét vuông phải hứng trữ nước mưa. Trong chưa đầy hai năm, một nửa trong số 60.000 hộ gia đình trong hai khu vực trên đã bắt đầu thu hoạch nước mưa trên mảnh đất của họ.
Những người tuân thủ theo luật này đã làm như vậy mà không có một sự trợ cấp của chính phủ dưới bất cứ loại dạng nào, mặc dù chi phí thiết lập thường tốn khoảng $500 đô la. Tỉ lệ người hứng nước cao như thế có thể là do các lời đe dọa của chính phủ, hăm he sẽ cắt đứt nguồn cung cấp nước nếu họ không theo luật, một hình phạt khá hà khắc cho dân. Để làm sự chuyển tiếp trở nên dễ dàng, nhà nước đã thiết lập các hội chợ giáo dục, đào tạo 1.300 thợ ống nước và phát triển những bộ lọc rẻ tiền và nhỏ gọn để thay thế những thùng cát to lớn và kém hiệu quả đã dùng để lọc nước ở các nơi khác. Ngoài ra, hội đồng thành phố sẽ giảm thuế tài sản xuống 2 phần trăm cho những người thực hiện theo qui định vào cuối năm nay. Với chương trình mở rộng tới những khu đất nhỏ cũng như với tất cả các tòa nhà chính phủ và thương mại, A. R. Shivakumar, một trong những kiến trúc sư của chương trình, hi vọng rằng 40 phần trăm nguồn cung cấp nước của thành phố sẽ đến từ nước mưa thu hoạch trong vòng vài năm tới.
4. Khuyến khích việc bảo tồn nước
Albuquerque, New Mexico
Đuợc hưởng thụ một sự phong phú về tài nguyên nước ngọt, người Mĩ từ lâu đã nổi tiếng về tật xài nước thả dàn, tiêu thụ khoảng 556 lít nước cho mỗi người mỗi ngày - nhiều lần cao hơn cho mỗi người so với các đối tác khác sống ở vùng sông hồ bên Anh. Nhưng ngay cả những con trâu rút nước vũng này cũng có thể thay đổi cách sống của chúng: Albuquerque (dân số 550.000), trước đây là một trong những thành phố lãng phí nhất ở Mĩ, đã giảm lượng sử dụng nước ở mỗi đầu người xuống 38 phần trăm - từ 950 lít tới 662 lít cho mỗi người mỗi ngày - kể từ năm 1995, phần lớn bằng cách chi ra hơn $14 triệu đô la để bồi hoàn cho cư dân tất cả mọi thứ mà họ dùng để giảm lượng nước dùng, từ bồn cầu dùng ít nước tới cây vườn thân thiện với khí hậu.
Với chỉ có trung bình 23 cm nước mưa mỗi năm, Albuquerque, thành phố lớn nhất ở New Mexico, từ lâu đã ngốn một lượng nước khổng lồ cho việc tưới cây cỏ chung quanh nhà. Những năm 1980 gần đây, mỗi căn hộ đều cần có một thảm cỏ trước nhà, mặc dù thành phố thực sự nằm ở rìa phía bắc của sa mạc Chihuahua.
Nhưng kể từ năm 1996, cơ quan chức trách về nước của Albuquerque đã trả cư dân 7 xu cho mỗi thước vuông để gỡ bỏ thảm cỏ khát nước đó đi và thay thế với các thực vật bản địa cần ít nước để sống. Cho đến nay, khoảng 557.000 thước vuông sân cỏ đã được thay thế bằng cây dứa mĩ, cây Joshua, cây lan dạ hương và các thực vật phù hợp với sa mạc khác trong một phong cảnh được gọi là xeriscaping, mà hầu hết các vùng từ Las Vegas tới San Antonio đều theo.
Để kêu gọi người tiêu dùng cắt giảm việc xài nước trong nhà, Albuquerque đã thiết lập một tập hợp các giảm giá, bao gồm giảm $200 đô la cho một bồn cầu dùng ít nước, $75 đô la cho bệ đi tiểu không dùng nước, và $100 đô la cho máy giặt có hiệu quả cao. Thành phố thậm chí còn trả tiền cho mỗi người dân $20 đô la để họ tham dự các lớp về bảo tồn nước. Giám đốc bảo tồn nước của Albuqerque, Katherine Yuhas, nói: “Điều có hiệu quả nhất mà chúng tôi làm là giáo dục khách hàng của chúng tôi.”
Phạt tiền và tăng giá đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đó. Điều này có nghĩa là: Nếu anh làm đúng điệu thì chúng tôi sẽ thưởng cho anh nhiều tiền, nhưng nếu anh làm trật trẹo thì chúng tôi sẽ phạt anh chết bỏ. Từ năm 1995, thành phố đã thu được 1 triệu đô la tiền phạt, đó chỉ là với những chủ nhà xài nước quá nhiều khiến cho nó chảy tràn qua hàng xóm hoặc bật vòi phun nước từ 11 giờ sáng tới 7 giờ tối từ khoảng tháng tư đến tháng mười. Một lượt tăng giá nước mới sẽ được thi hành trong năm tới khiến cư dân phải trả thêm $3 đô la mỗi tháng, một gia tăng tổng cộng là 154 phần trăm kể từ năm 1995. Điều đó nghe có vẻ cực đoan, nhưng một số cho rằng giá nước thậm chí còn nên cao hơn nữa. Upmanu Lall, giám đốc Trung tâm Nước Columbia, cho biết: “So sánh giá của nước với giá xăng, giá nước vẫn còn quá thấp.”
Cú thọc nhẹ vào sườn cư dân này của thành phố đã có hiệu quả. Từ năm 1994, Albuquerque đã tiết kiệm được 380 tỉ lít nước. Tương đương với lượng nước cung cấp cho ba năm.
5. Khép lại dòng nước quí
Singapore
Nơi bảo tồn nước thành công nhất trên thế giới là một quốc đảo nhỏ có tên là Singapore. Nhỏ hơn thành phố New York và chật cứng với 6 triệu cư dân, cường quốc kinh tế này nằm ngay phiá trên đường xích đạo và nhận được nhiều mưa, nhưng không có chỗ để lưu trữ nó. Địa hình đông nghẹt dân cư và đất đai thẩm thấu toàn cát khiến nó không giữ nước được. Kết quả là Singapore đã phải nhập khẩu hơn 40 phần trăm của 1.4 tỉ lít nước dùng mỗi ngày từ quốc gia láng giềng Malaysia, nước mà Singapore tách ra và giành được độc lập chính trị vào năm 1965.
Để đạt được mục tiêu độc lập về nước nôi trước năm 2061, khi hợp đồng kí với Malaysia hết hạn, Singapore đã nhanh chóng khai thác các công nghệ mới, thúc đẩy việc bảo tồn nước và đảm bảo rằng mỗi giọt nước được sử dụng cũng sẽ là mỗi giọt nước được tái chế.
Giải pháp của Singapore gồm có bốn “vòi nước” chính. Thứ nhất, 17 hồ chứa nước, nhiều hồ trong số đó được tạo ra bởi sông được đắp đập, thu thập 254 cm của lượng mưa hàng năm của quốc gia. Thứ hai, tất cả các nước mưa chảy vào hệ thống cống rãnh của thành phố sẽ được tái chế thành nước uống. Thứ ba, thành phố sẽ khử muối từ nước biển xung quanh để cung cấp thêm 10 phần trăm nước uống cho người dân. Tuy nhiên ấn tượng nhất là hệ thống tái chế nước thải trị giá 3 tỉ đô la của Singapore, nó gom tất cả các nước từ nhà vệ sinh và các sử dụng khác trong nhà vào một đường hầm dài 48 km dưới lòng đất, rồi đưa nó đến bốn nhà máy để tái chế và thanh lọc nước qua công cuộc thẩm thấu ngược và những chùm ánh sáng cực tím. Nước này không được tái sử dụng để uống mà sẽ được dẫn đến nhà máy làm bánh bán dẫn silicon trong quá trình sản xuất cần rất nhiều nước của nó. Nước tái chế cũng được dùng để làm mát hệ thống điều hoà không khí thương mại trong những tòa nhà cao tầng đầy dẫy trong nước.
Cấu trúc giá cả nhiều tầng lớp của chính phủ sẽ phạt nặng những ai dùng quá nhiều nước. Sử dụng bồn cầu dội nước với hai cách (lượng nước dùng thay đổi theo cách xả chất lỏng hay chất rắn) và các thiết bị hiệu quả khác được nhà nước khuyến khích một cách mạnh mẽ.
Cynthia Barnett, tác giả cuốn Cách Mạng Xanh, một cuốn sách mới bàn về tình trạng khan hiếm nước, viết: “Họ đã trở thành nhà bảo tồn nước chủ yếu nhất của thế giới.” Trong năm 2010, người dân Singapore chỉ dùng 155 lít nước cho mỗi người mỗi ngày - một phần nhỏ so với sự tiêu thụ của người Mĩ – mà vẫn có thể hưởng được một trong những tiêu chuẩn đời sống cao nhất trên trái đất. Thậm chí nhiều hồ chứa nước của thành phố còn được dùng làm công viên nước, nơi mà mọi người tới để chèo thuyền và chơi các môn thể thao dưới nước khác. Đây là một bằng chứng thực thể cho thấy rằng bảo tồn và duy trì không có nghĩa là mất đi và tước đoạt.
ngon co lau, x-cafevn.org
Theo “Droughtbusters” của Anita Hamilton, Time, Vol. 178, No. 13, October 3, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét