Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Chuyện vui về danh thiếp

Chuyện vui về danh thiếp



Nhân đọc bài “Ấn tượng danh thiếp” trên site của Trương Duy Nhất (nên xem, đúng là vui thật), tôi cũng có vài mẩu chuyện vui chia sẻ cùng các bạn.

Danh thiếp (tiếng Pháp carte de visite, tiếng Anh name card) theo chân thực dân Pháp du nhập vào nước ta từ thế kỷ 18. Trước đó, các cụ nhà ta có dùng cái “bái thiếp” thỉnh thoảng vẫn thấy nhắc đến trong truyện của Tàu không thì không rõ.

Tôi có đọc được ở đâu đó mô tả về hai cái danh thiếp thời kỳ đó. Một cái tên cơ quan là “Ngũ tinh tòa”, chức danh của chủ danh thiếp là “Cơ khí đả tự viên”. Nghe rất oách. Ngũ tinh tòa là văn phòng của hãng tàu thủy Năm sao (hoặc logo của nó có hình năm ngôi sao), cơ khí đả tự viên: cơ khí – máy móc, đả – đánh, tự – chữ, viên – nhân viên, tóm lại chủ nhân danh thiếp là nhân viên đánh máy chữ của hãng tàu thủy Năm sao.

Một cái danh thiếp khác chức danh còn hoành tráng hơn “Quận công, thái tử thiếu bảo, hàn lâm đại học sỹ, Lễ  bộ thương thư … đồng hương nhân”. Chủ danh thiếp là người cùng làng với cái ông có một mớ chức tước ở phần trước!


Noi theo gương các cụ, thời Vinashin “cũ” đã có người đùa sẽ làm một cái danh thiếp “Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch tập đoàn phu nhân đồng hương nhân”, người cùng làng với vợ cái ông kiêm cả ba chức nói trên! Đây là môt bước tiến, thời các cụ thì phải đồng hương với chính chủ mới có hiệu lực. Âu cũng là một thành quả của phong trào giải phóng phụ nữ trong cả nước nói chung (và nói riêng trong giới văn nghệ sỹ), không phải riêng Vinashin.

Tôi cũng đã tận mắt nhìn môt cái danh thiếp, trên cùng ghi chữ đỏ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam”, phần chức danh ghi vỏn vẹn hai từ “Công dân”. Nhìn đoán ngay ra là một ông trùm kiện cáo, hỏi lại thì đúng thật.


Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Hồng với dự án “luật nhà thơ” đang ồn ào dư luận,

Hai cái danh thiếp nêu trong bài của Trương Duy Nhất chưa bằng một cái khác của ông chủ một ‘tập đoàn” tư nhân kiêm ngôi sao sáng một thời tại Vinashin: nó được gấp làm đôi mới đủ chỗ ghi hết các chức danh.

Háo danh là bệnh chung của mỗi con người. Nhưng trong những thời kỳ “quá độ”, bệnh háo danh mới bùng phát một cách hài hước và cũng dẫn đến những hệ lụy không nhỏ.

Một ví dụ là trường hợp của thứ trưởng Cao Minh Quang. Ông quả thật không may và chắc rằng đang rất ấm ức vì dù sao cái bằng của ông cũng kế cận tiến sỹ rồi, trên candidat một bậc. Còn hơn khối ông chỉ ngủ qua một đêm đang từ “phó tiến sỹ” thăng lên “tiến sỹ” mà dân gian thì bảo “Con bò dắt qua biên giới …. “.

Cách đây hai năm, tôi còn được chào mời mất một số tiền và đi du lịch một tuần là có bằng tiến sỹ của Nga.


Quan niệm và cách sử dụng học vị của Việt nam cũng … “còn nhiều bất cập”. Tôi biết ít nhất hai trường hợp có học vị thật, rất giỏi về chuyên môn nhưng lại “bị” bổ nhiệm làm lãnh đạo. Kết quả một ông suốt ngày lo sự vụ và đi họp thay vì cứu sống được bao nhiêu người, một ông khác thì lơ ngơ về quản lý nên cuối cùng thân bại, danh liệt.

Cách đây ít hôm còn có báo đăng chuyện ở một viện nghiên cứu nọ, chị thủ thư của thư viện rỗi việc ra sức học, mỗi lần sinh con lại có thêm một bằng cấp mới. Kết quả cuối cùng chị được bổ nhiệm làm lãnh đạo đám kỹ sư suôt ngày lăn lộn ngoài hiện trường.

Trong tình trạng giáo dục hiện nay mà vẫn lạm phát như thế này. thì thật không còn gì phải bàn. Cũng không hoàn toàn lỗi tại những người được phong các loại chức tước, bằng cấp. Trong ngành y chẳng hạn, đó là điều bắt buộc. Và nếu bạn thân quen một bác sỹ nào đó, hãy thử hỏi xem cách họ làm các loại bằng ra sao.

Các cụ ngày xưa cũng có thời như thế, nếu không thì đã chẳng có câu ngạn ngữ “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” .

Và không cứ gì tiền, cái gì đã lạm phát đều mất giá. Có sinh viên khi quyết định bỏ dở hai năm học đại học Bách khoa Hà nội, xin học bổng ra nước ngoài đã nêu lên một trong các lý do “Bằng cấp toàn các thầy tự cấp cho nhau”. Cho nên mới có những bài viết cay đắng như thế này. về phong trào “Tỵ nạn giáo dục” và về “giáo sư” (và đây nữa)

Có lẽ chỉ có môt tình huống duy nhất cần phải cảnh giác cao độ với chức vụ và học vị, đi tìm năng lực thực của con người đó là khi đi khám bệnh, nhất là khám bệnh cho con. Tốt nhất là bạn nên dò hỏi đám y tá, bác sỹ mới ra trường về trình độ thật của ông bác sỹ mà bạn định nhờ cậy. Tuyệt đối không được tin vào mớ chức tước và học vị của ông ấy nếu bạn vẫn còn yêu mến cuộc đời.

Xét cho cùng, tất cả những “yếu kém, bất cập” nói trên đều là sản phẩm tất yếu của một thời kỳ quá độ. Có nhiều người xứng đáng với chức danh, học vị mà họ có và cũng nhiều người buộc phải chạy theo hư danh, hư vị nếu không muốn bị một kẻ dốt nát ngồi lên đầu. Hy vọng là sau đây 15, 20 năm những chuyện bi hài như trên sẽ hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét