Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Từ 16 chữ vàng đến tinh thần 4 tốt tới 4 kiên trì...

Từ 16 chữ vàng đến tinh thần 4 tốt tới 4 kiên trì...
GIỚI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC – VỐN TỪNG ĐỀ RA “16 CHỮ VÀNG” VÀ “TINH THẦN BỐN TỐT” ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG CHO QUAN HỆ VIỆT TRUNG – NAY ĐANG RA SỨC QUẢNG BÁ “BỐN KIÊN TRÌ”.
Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa đến Việt Nam. Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam với cả hai tư cách trên (lần đầu năm 2015, lần sau năm 2017). 

Vài giờ trước khi chiếc phi cơ chở ông Tập Cận Bình hạ cánh ở phi trường Nội Bài, tờ Nhân Dân giới thiệu một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình, trong đó, ông ta nhấn mạnh, ông ta cảm thấy Việt Nam “vô cùng thân thiết”, đến Việt Nam “giống như đến thăm họ hàng, láng giềng”.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã từng đề ra “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để định hướng cho quan hệ Việt - Trung. Trong thư gửi cho tờ Nhân Dân để cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN giúp quảng bá trước chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung Quốc, Tập Cận Bình vỗ về người Việt: “Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”!

Đặc biệt, ngay trước khi sang thăm Việt Nam hai ngày, ông Tập Cận Bình có bài viết trên Nhân dân Nhật Báo, trong đó ông đưa ra 4 “kiên trì” trong quan giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. 

Cụ thể:
- Kiên trì tin cậy lẫn nhau.
- Kiên trì hài hòa lợi ích.
- Kiên trì hữu nghị, thân thiết.
- Kiên trì đối xử chân thành.

Ông Tập quả là người thật thà, thẳng thắn, những điều ông đề cập ở trên là những thứ khúc mắc nhất trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm quan hệ hai nước. Vì những khúc mắc này hàng triệu người dân hai nước phải chết trong các cuộc chiến tranh, nói chính xác hơn là các cuộc xâm lược của Trung Quốc với Việt Nam.

Người Trung Quốc luôn muốn thôn tính Việt Nam, muốn Việt Nam phải thành một nước chư hầu, điều này không chỉ diễn ra trong thời kỳ các vua chúa phong kiến Trung Quốc cầm quyền.

Kể từ khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời, quan hệ Việt- Trung thắm thiết hơn bao giờ hết. Nhưng dù thắm thiết “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng,Vận mệnh tương quan” với 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, Trung Quốc vẫn xâm lược Việt Nam trong chiến tranh Biên giới năm 1979, ủng hộ cung cấp vũ khí cho Kherme đỏ đánh Việt Nam, thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và nhiều hành động quân sự khác ở biên giới phía Bắc và Biển Đông.

Cần nhớ, cho dù ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội VN vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam “nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau" nhưng ngay hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền của TQ (???).

Nguồn vốn ODA của Trung Quốc tham gia vào các dự án ở VN thường đắp chiếu tan hoang vì công nghệ lạc hậu, ì ạch chậm tiến độ hết năm này đến năm khác… Biển Đông bị cấm khai thác tài nguyên, đánh bắt cá… Chất độc hại TQ tuồn vào Việt Nam làm suy kiệt nòi giống cả một dân tộc…

Với những hành động như vậy, hỏi rằng Việt Nam có thể tin cậy Trung Quốc?

Về phía Việt Nam chính sách không nhất quán; lúc ngả theo Liên Xô chống lại Trung Quốc, lúc kết thân với Mỹ và phương Tây khiến Trung Quốc phật lòng khó chịu. Quả là khó tin cậy.

Từ khi Trung Quốc đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, giấc mộng nghìn năm của người Trung Quốc muốn làm bá chủ thiên hạ lại sống dậy.

Trung Quốc muốn vươn ra thế giới, trước hết các lân bang không phải là kẻ ngáng đường. Nếu Việt Nam cứng cổ giấc mộng bá chủ của Trung Quốc sẽ khó thành hiện thực.

Vậy làm sao phải thuần hoá được Việt Nam?

Mấy nghìn năm khuất phục bằng vũ lực không được, nay trong thế giới hiện đại lại càng khó. Nhưng để Việt Nam theo phương Tây lớn mạnh là điều tuyệt đối không thể chấp nhận của giới cấm quyền Trung Quốc. Cách tốt nhất là làm cho Việt Nam sống lay lắt, những người cầm quyền bị tha hoá, nhu nhược sẽ dễ bị TQ sai khiến phục tùng. 

Việt Nam cạnh một láng giềng tham lam như Trung Quốc quả là khó có đối sách hợp lý để vừa tránh xảy ra xung đột, vừa phát triển được đất nước.

4 Kiên trì ông Tập đưa ra là một thực tế, nó biểu hiện một điều là quan hệ giữa hai nước đang thiếu tin cậy, không chân thành, không hữu nghị, không hài hoà lợi ích.

Đây chính là thông điệp ông Tập gửi cho lãnh đạo đảng của Việt Nam giải quyết, và Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thực hiện 4 kiên trì này.

Cái khó nhất của những người lãnh đạo Việt Nam là họ thừa hiểu tim đen và bản chất của giới lãnh đạo Bắc Kinh, dù thế này hay thế khác Trung Quốc sẽ tìm mọi cách bắt họ lệ thuộc, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam.

Nước nhỏ, yếu lệ thuộc nước lớn mạnh cũng có sao, nhiều khi lại là điều tốt. Nhật Bản, Hàn Quốc còn lệ thuộc vào chiếc ô quốc phòng, thậm chí vào đồng đô la của Mỹ.

Nhưng lệ thuộc Trung Quốc vẫn mất chủ quyền, mất đất đai, mất biển đảo, vẫn nghèo, thì quả là ấm ức, nuốt không trôi.

Thực chất quan hệ Việt - Trung từ hàng nghìn năm đã mất lòng tin với nhau, làm gì có tin cậy, chân thành, hữu nghị, hài hoà lợi ích- toàn nói một đằng, làm một nẻo; nên 16 chữ vàng, 4 tốt, 4 kiên trì cùng với hàng nghìn khẩu hiệu hoa mỹ trong quan hệ Việt- Trung có thể nào trở thành hiện thực ?

Nguồn: Trên mạng
https://vnexpress.net/chu-tich-tap-can-binh-neu-4-kien-tri-trong-quan-he-viet-trung-4687646.html#:~:text=Hai%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20%C4%91%E1%BB%81u%20gi%C6%B0%C6%A1ng%20cao,Hi%E1%BA%BFn%20ch%C6%B0%C6%A1ng%20Li%C3%AAn%20H%E1%BB%A3p%20Qu%E1%BB%91c.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét