Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Mèo, chuột và ngoại ngữ

Mèo, chuột và ngoại ngữ
Hiệu Minh 15-12-2023 - Có câu chuyện ngụ ngôn kể về lũ chuột biết mèo đang rình nên cứ nằm im không chịu ra khỏi hang. Mèo nghĩ ra kế, rướn cổ rồi sủa: “Gâu… gâu”.

Cho rằng mèo đã bị chó đuổi đi nên lũ chuột kéo ra kiếm ăn. Mèo lập tức vồ lấy một chú. Vừa ăn, mèo vừa gật gù tâm đắc: “Biết ngoại ngữ có hơn”!

Câu chuyện ngụ ngôn trên hóa ra có nhiều trong đời thực. Trong thế chiến II, nhiều người lính Nga bị bắt làm tù binh đã thoát lưỡi hái tử thần vì họ biết tiếng Đức. Thời nay, các chính khách thạo vài thứ tiếng, đôi khi có những cú “vồ” ngoạn mục.

Năm 2007, Thủ tướng Australia, John Howard, vừa kết thúc diễn văn chào mừng ông Hồ Cẩm Đào trong một bữa tiệc chiêu đãi nhân hội nghị APEC thì ông Kevin Rudd đứng lên chào bằng tiếng Trung, không phải một câu mà phát biểu mấy phút liền.

Khi đó ông Rudd thuộc Đảng Lao động đang tranh cử với Đảng Tự do Australia của đương kim Thủ tướng Howard.

Một chính khách trẻ trung, mắt xanh mũi lõ, nói tiếng Trung Quốc lầu lầu, mới nghe cứ tưởng giọng của Giang Trạch Dân, đã gây ấn tượng rất mạnh cho tất cả khách đến dự. Thấy mông mình đang nóng trên ghế, John Howard hiểu đảng của mình dễ mất chiếc ghế Thủ tướng chỉ vì đối phương biết “nỉ hảo”(!)

Đương nhiên, không phải do thạo ngoại ngữ mà Kevin Rudd đã thắng cử sau đó 4 tháng khi ông đúng 50 tuổi, nhưng riêng việc biết tiếng Trung – ngôn ngữ của một nước đông dân nhất thế giới, và rất khó học với người phương tây đã giúp ông Rudd nhiều lợi thế, nhất là trong mắt các cử tri có học vấn.

Một thời Anh, Pháp, Mỹ làm mưa gió trên thế giới nên nhiều người phải học thêm những ngoại ngữ của các nước này. Khối Đông Âu và Việt Nam theo Liên Xô thì phải biết tiếng Nga. Xứ ‘Mặt trời mọc’ giỏi, mình cũng nên học tiếng Nhật.

Ngày nay Trung Quốc đang trở thành cường quốc, đang gia tăng sức mạnh trong khu vực và trên thế giới. Chính khách nào hiểu văn hóa, lịch sử Trung Hoa và nếu biết tiếng Trung sẽ giúp xử lý những bất đồng dễ dàng hơn, đôi khi đạt được thế thượng phong trong ngoại giao.

Mình biết anh David Dollar, Giám đốc Quốc gia của World Bank (WB) tại Bắc Kinh. Ra khỏi WB, anh được Kho bạc mời về làm đặc trách với Trung Quốc. Lý do đơn giản, David “phang” tiếng Tầu như gió. Rồi một hôm nghe tin anh đang làm cho chính phủ Bắc Kinh.

Lãnh đạo mấy tỉnh Trung Quốc gần biên giới Việt Nam đã lệnh cho các quan chức địa phương học ngoại ngữ. Mỗi cán bộ phải biết khoảng 100 từ tiếng Việt. Với vốn 300 từ có thể nghe hầu hết các đối thoại hàng ngày, nên khi đã biết 100 từ thì việc học thêm vài trăm từ nữa chỉ còn là vấn đề thời gian.

… Xứ ta: Chiến lược ngoại ngữ kiểu cây tre

Nước mình không có chiến lược ngoại ngữ có lẽ do ngoại giao cây tre. Lãnh đạo cao cấp ít thạo ngoại ngữ, hiếm vị như cụ Hồ. Cụ biết tiếng Trung như tiếng mẹ đẻ, làm thơ bằng tiếng Hán, hiểu sâu sắc nền văn hóa đặc sắc quốc gia này. Vì thế, chuyện đối nhân xử thế với người hàng xóm phương Bắc tương đối thuận buồm xuôi gió.

Những năm 1960, các thế hệ sinh viên chỉ thiên về học tiếng Nga, sau này là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, rất ít người để ý học tiếng Trung.

Những năm sau xảy ra chiến tranh biên giới, có lẽ do ý thức hệ, do cái nhìn “lệch lạc” của ngành giáo dục, tiếng Trung hầu như biến khỏi các trường học. Các khoa tiếng Trung lèo tèo, rất ít sinh viên theo học. Mới đây tiếng Trung được đưa vào chương trình, tiếng Anh không phải thi.

Trong gần 100 triệu dân ta, ai là người hàng ngày mở internet và vào đọc website tiếng Trung? Hay tất cả bắt đầu là BBC tiếng Việt, VietNamNet, Tuổi Trẻ, giỏi hơn thì sang các trang tiếng Anh CNN hay Washington Post.

Thêm một ngoại ngữ là có cơ may hiểu thêm một nền văn hóa, “sống” thêm một cuộc đời. Còn “bài trừ” ngoại ngữ, coi là văn hóa “ngoại lai”, là kẻ thù nên không thèm học tiếng của họ như quan niệm trong quá khứ, phải chăng đó là cách nhìn thiển cận?

Hiểu trực tiếp người ta nói gì qua những ngôn từ ngoại giao ẩn ý chắc hành xử dễ hơn là phải đợi phiên dịch bận đi tè. Quan hệ bền vững nhất vẫn là quan hệ dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng để đạt được điều đó thì chính khách phải biết đọc và nghe bài phát biểu gốc.

An ninh và phát triển quốc gia trong tâm thế hội nhập, xét cho cùng còn là chuyện giáo dục có tầm nhìn xa, có chiến lược hợp thời, nhất dạy ngoại ngữ, đâu là trọng tâm.

Chuyện vui con mèo khôn ranh học “ngoại ngữ gâu gâu” để vồ chuột, cũng đáng để chúng ta và ngành giáo dục suy ngẫm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét