Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Để được Manulife hoàn tiền, người dân phải ký giấy… im lặng

Tin trong bài này cũ  rồi. Tuy nhiên tôi đăng lại vì tin cho biết từ tháng 5/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra 5 công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có Manulife Việt Nam. Tương tự, ngày 6 tháng Năm, Dân Trí cho hay công an đang vào cuộc điều tra việc SCB hoán đổi tiền tiết kiệm của khách hàng thành sản phẩm bảo hiểm “Tâm an đầu tư” của Manulife Việt Nam. Đến thời điểm đó, Công an thành phố HCM và Bộ công an đã nhận được hơn 300 đơn tố cáo về vụ việc. Như vậy tính đến nay Bộ Tài chính và Bộ công an đã có 6 tháng thanh tra và điều tra, vậy mà không hề thấy họ báo cáo cho các nạn nhân và nhân dân cả nước biết tiến độ và những kết quả ban đầu ra sao. Sự chậm trễ quá lớn này đáng bị Đảng, Nhà nước và nhân dân nhắc nhở, phê bình.
Để được Manulife hoàn tiền, người dân đều phải ký giấy… im lặng
Tuổi Trẻ và Tin Tức Online đưa tin ngày 5 Tháng Năm 2023, khi khách hàng tới công ty Manulife Việt Nam để điền vào các giấy tờ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ “Tâm an đầu tư” mà họ đã bị nhân viên ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lừa mua, Manulife Việt Nam hứa sẽ hoàn lại cho họ 100% số tiền đã đóng.

Tuy nhiên, những người nhận lại tiền hoàn trả từ công ty này buộc phải ký giấy im lặng, cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của “thỏa thuận giải quyết khiếu nại”, không được tiết lộ bất kỳ nội dung nào về thỏa thuận trên cho bên thứ ba (ngoại trừ cho cố vấn pháp lý của bên mua bảo hiểm, hoặc theo yêu cầu của tòa án có thẩm quyền).

Văn bản của Manulife Việt Nam buộc khách hàng nhận lại tiền hoàn trả, có đoạn: “Tôi sẽ không tiết lộ, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm/ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc này giữa tôi và công ty cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông và/hoặc mạng xã hội nào”.

Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận còn yêu cầu khách hàng phải chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và có bất kỳ hành động nào chống lại công ty Manulife Việt Nam.

Trước đó, hàng trăm khách hàng đã gửi khiếu nại tới các báo và gửi tố cáo đến công an về việc bị giả chữ ký, bị chuyển tiền từ ngân hàng tới công ty bảo hiểm trước khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết, bị một vị tổng giám đốc đã từ nhiệm ký tên vào hợp đồng bảo hiểm, chưa từng gặp đại lý bảo hiểm…

Theo Tuổi Trẻ, đa số khách hàng đã đồng ý ký tên, giữ im lặng để được nhận tiền (theo lịch hẹn là 10 ngày sau), còn số ít khách hàng cho rằng đã bị lừa nên sẽ khởi kiện.

Trước đó, ngày 26 Tháng Tư, Manulife Việt Nam họp báo cho biết sẽ liên hệ với các khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm “Tâm an đầu tư” đã gửi khiếu nại hoặc gửi trước ngày 30 Tháng Tư 2023 để cùng thảo luận giải quyết khiếu nại.

Ngày 6 Tháng Năm, Dân Trí cho hay công an đang vào cuộc điều tra việc SCB hoán đổi tiền tiết kiệm của khách hàng thành sản phẩm bảo hiểm “Tâm an đầu tư” của Manulife Việt Nam. Đến nay, Công an thành phố (Sài Gòn) và Bộ công an đã nhận được hơn 300 đơn tố cáo về vụ việc.

Nội dung là các cá nhân gửi tiết kiệm tại SCB khi đến thời hạn tất toán đã được các nhân viên SCB tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife Việt Nam.

Đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, các cá nhân này mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên SCB tư vấn. Họ không rút được tiền và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày, số tiền đầu tư trước đó sẽ bị mất, do đó các cá nhân này cho rằng SCB đã móc nối với Manulife Việt Nam có hành vi lừa đảo.

Lao Động ngày 6 Tháng Năm 2023 dẫn nguồn tin từ Bộ tài chính Việt Nam cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75,338 tỷ đồng ($3 tỷ 211 triệu), trong đó phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23,289 tỷ đồng ($992 triệu), tăng 2.55% so cùng kỳ năm ngoái, còn phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52,049 tỷ đồng ($2 tỷ 218 triệu), tăng 0.5% so cùng kỳ năm ngoái. Việc doanh số bảo hiểm nhân thọ tăng như vậy chắc chắn có công lớn từ các ngân hàng liên kết!

Với doanh số thu 4 tháng đầu năm khủng như vậy, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23,521 tỷ đồng (hơn $1 tỷ), tăng 20.7% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó, bảo hiểm nhân thọ chi trả 16,104 tỷ đồng ($686 triệu).

Cũng theo Bộ này, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 849,411 tỷ đồng ($36 tỷ 210 triệu), tăng 14.18% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó tổng tài sản các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118,871 tỷ đồng ($5 tỷ 067 triệu), các công ty bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730,540 tỷ đồng ($31 tỷ 142 triệu).

Riêng tổng tài sản của bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam thậm chí còn gấp nhiều lần một số ngân hàng thương mại trong nước.

Hiện nay, do có nhiều đơn tố cáo và email, điện thoại của người phản ảnh việc nhân viên ngân hàng lừa bán bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đang thanh tra 5 công ty bảo hiểm nhân thọ (các báo đều không cho biết tên các công ty này, nhưng hình ảnh cho thấy một trong 5 công ty là Manulife Việt Nam). Nếu bị phát hiện sai phạm, họ sẽ bị xử lý.

Đến ngày 25 Tháng Tư, Bộ Tài chính nhận được 192 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 299 kiến nghị, phản ánh qua email về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Ngoài ra, còn có 350 đơn tố cáo liên quan đến việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance).

Thanh tra Bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục quản lý bảo hiểm, làm việc với 5 công dân đại diện cho những người dân tố cáo. Bộ này cũng thông báo có đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các phản ảnh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, tất cả các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đều có sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để bán kèm, với nhiều loại quà tặng khác nhau, nhưng việc mời chào có vẻ trầm lắng, chứ không rôm rả bám sát khách hàng như trước.

Tin cũ trên mạng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét