Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Thêm hàng trăm khách hàng mệt mỏi khiếu nại bảo hiểm Manulife

Bài dưới đây viết vào tháng 5, lúc đó khách hàng đã mệt mỏi. Bây giờ đã tháng 12, hết ngày dài lại đêm thâu, lo lắng, nghĩ nhiều, căng thẳng triền miên, tuần nào cũng đến trụ sở của Manulife đòi tiền... Tôi không hiểu họ còn sức để tiếp tục đấu tranh với Manulife trong những tháng tới nữa không ? Sai phạm của Manulife quá rõ ràng với hàng vạn nạn nhân ở khắp nơi trên cả nữa, vậy mà các cơ quan nhà nước nước không có biện pháp gì với tập đoàn bảo hiểm lừa đảo này sao ?
Thêm hàng trăm khách hàng mệt mỏi khiếu nại bảo hiểm Manulife
22/05/2023 BÔNG MAI - Hơn 150 khách hàng vừa kéo tới trụ sở của Công ty Manulife (Q.7, TP.HCM) để khiếu nại liên quan đến bảo hiểm 'Tâm an đầu tư' bán qua SCB, đề nghị được giải quyết nhanh chóng, không rề rà kéo dài quá lâu gây mệt mỏi.

Khách hàng kéo tới trụ sở Công ty bảo hiểm Manulife (Q.7) để khiếu nại bị "hô biến" từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: BÔNG MAI

Ghi nhận vào hôm nay 22-5, có hơn 150 khách hàng đã kéo tới Công ty Manulife (Q.7, TP.HCM) để khiếu nại. Trong đó có một nhóm đã khiếu nại nhưng công ty hẹn ba tháng nữa trả lời, nhóm còn lại vào hôm nay mới cùng khiếu nại.

Yêu cầu Manulife không dây dưa

Các khách hàng này đều tố bị tư vấn mập mờ khiến họ hiểu nhầm đang tham gia hình thức mới tại ngân hàng là gửi tiết kiệm - đầu tư có lãi cao, nhưng sau đó bàng hoàng phát hiện thực chất đã mua bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" của Manulife bán qua Ngân hàng SCB.

Chị La Tuyết Phượng cho biết vào đầu tuần trước đã cùng cả trăm người tới khiếu nại, sau đó nhận được câu trả lời là công ty sẽ xem xét và phản hồi chậm nhất vào 15-8, tức phải chờ thêm ba tháng.

"Thời gian quá lâu, suy kiệt tinh thần. Nếu Manulife xem việc giải quyết đơn khiếu nại là việc lớn, thì cần phải bố trí thêm người để giải quyết rốt ráo, nhanh chóng, chứ không thể để khách chờ đợi quá lâu. Ba tháng sau nếu công ty tiếp tục trì hoãn hoặc không giải quyết tốt thì khách hàng sẽ đi về đâu?", chị Phượng bức xúc.

Trong khi đó, anh Liên Khải Phúc cho biết cả hai vợ chồng đã nộp tổng cộng gần 200 triệu đồng cho Manulife nhưng không ngờ rằng đã mua bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải gửi tiết kiệm - đầu tư. Đáng chú ý, anh phản ánh bị giả chữ ký trên giấy xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm.

Cầm bảng lương trên tay, chị Nguyễn Thị Tuyết Chinh (29 tuổi) cho biết gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp ba đã không thể học tiếp. Sau cả chục năm đi làm, chị tích góp và tới Ngân hàng SCB để gửi tiết kiệm, nhưng sau đó bị mập mờ chuyển sang bảo hiểm nhân thọ của Manulife với tổng số tiền 197 triệu đồng.

Mặc dù là nhân viên siêu thị với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, nhưng trong hợp đồng bảo hiểm lại ghi làm nghề "kinh doanh tự do/buôn bán" với thu nhập tới 50 triệu đồng/tháng. Đang ở trọ nhưng trong "Bảng khai báo thông tin về tài chính" lại ghi chị có một "nhà đất" nằm ở đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh) với giá trị 25 tỉ đồng.

Sẽ báo cơ quan chức năng nếu phát hiện sai trái

Vào giữa tháng 5, Manulife cho biết đối với bất kỳ khiếu nại nào của khách hàng được gửi sau 30-4, “công ty sẽ tuân thủ theo quy trình khiếu nại thông thường hiện hành một cách chủ động và nghiêm ngặt mà chúng tôi đã và đang áp dụng”, sẽ liên hệ để thông báo ngay khi có kết quả đánh giá.

“Bất kỳ trường hợp nào mà chúng tôi tìm thấy bằng chứng về hành vi sai trái trong quá trình tư vấn, công ty sẽ thực hiện biện pháp kỷ luật cứng rắn đối với các cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc báo cáo tới các cơ quan chức năng".

Bên cạnh hàng trăm người đang khiếu nại và chưa được giải quyết xong, từ đầu tháng 5 này cũng có nhiều khách hàng khác (nộp đơn trước 30-4) đã lên Công ty Manulife để đối chất 1-1 và được trả lại 100% tiền đã nộp.


Đang ở trọ, nhưng chị Tuyết Chinh cho biết không hiểu vì sao trong giấy tờ liên quan đến việc cấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lại thể hiện chị có "nhà đất" trị giá tới 25 tỉ đồng ở quận Bình Thạnh - Ảnh: BÔNG MAI


Khách hàng đưa ra các chữ ký trong các giấy tờ khác nhau để so sánh, khẳng định bị giả chữ ký (đỏ) trên giấy xác nhận đã nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: BÔNG MAI
Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo bán bảo hiểm qua ngân hàng

Sau 2 tháng triển khai đường dây nóng, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 491 kiến nghị, phản ánh cùa người dân liên quan đến bảo hiểm. Đáng chú ý, bộ này đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng.

https://tuoitre.vn/them-hang-tram-khach-hang-met-moi-khieu-nai-bao-hiem-manulife-20230522123908844.htm?fbclid=IwAR1uz8AwXvhepAAJqGCM-cAJVtdUjzLCv5VA6hXOn9n3loiDM5HuB68l8-w

1 nhận xét:

  1. Không nên mua bảo hiểm nhân thọ. Tuần tới tôi sẽ hủy ngang hợp đồng với Manulife dù hợp đồng có thời hạn 20 năm mà chỉ phải đóng phí 15 năm năm, 5 năm còn lại không phải đóng phí nữa. Tôi đã đóng phí được 14 năm rồi. Tiền gốc đã đóng hơn 550tr, bây giờ nếu hủy ngang thì được trả lại 358tr (mất 192tr~35%). Nếu gửi NH với lãi gửi 6% thì mất 758tr. Tuy nhiên, nếu đóng phí thêm 1 năm nữa để đến 6 năm sau để hết thời hạn hợp đồng thì về giá gốc 650tr có thể được hoàn trả lại. Nhưng vô hình sẽ mất 1.3 tỷ nếu như gửi NH 6% ngay từ kỳ đầu. Thường vay NH thì lãi suất cho vay cao hơn lãi huy động 4%, tức là khoảng 10%/năm. Nếu vay để đầu tư, tức là không vay NH thì sẽ được số tiền 820tr vào thời điểm chấm dứt hợp đồng. Vậy tốt nhất là mình tự bảo hiểm cho mình bằng cách đặt ra kỷ luật tích lũy tiền hàng tháng (coi như bỏ lợn) đến khi đủ tiền thì mua vàng. Tính trượt giá thì mỗi năm tôi bỏ ra 1.5 cây vàng SJC để mua bảo hiểm, đến nay thì đã thành 21 cây và với giá thị trường sẽ được hơn 1.5 tỷ vậy mà thu về chỉ được 358tr. Đành rằng mua BHNT là phòng tránh rủi ro, chẳng ai muốn bị rủi ro cả. Nên theo tôi thì mình tự bảo hiểm cho mình là tốt nhất.

    Trả lờiXóa