Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Tại sao thị trường nhà đất VN hoàn toàn đóng băng ?

Tại sao thị trường nhà đất VN hoàn toàn đóng băng ?
Thị trường nhà đất VN hoàn toàn đóng băng, Việt+ sẽ lấy tiền của ai để giải cứu? Báo chí đưa tin bất động sản đang trong tình trạng đóng băng.

Đóng băng là thế nào? Hậu quả ra làm sao? Bao giờ băng mới tan? Thật là những câu hỏi hóc búa, các cụ đã nghỉ hưu, có mấy cụ tham gia thị trường bất động sản, tiền ăn không đủ mơ màng gì đến chuyện kinh doanh nhà đất.

Trong số các cụ có ông Tuyền trước đây là chuyên viên kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem ra còn có chút am hiểu.

Ông Tuyền nói với các cụ:
- Thực ra nó rất dễ hiểu, bao giờ cũng vậy khi làm ăn chộp giật nó cũng có nhiều mánh lới, móc ngoặc với nhau nên mới rối tung khó hiểu như thế.

Đóng băng có nghĩa là mua bán bất động sản không có giao dịch. Trong khi nhu cầu xã hội về nhà ở vẫn cấp bách. Theo suy luận, trong chế độ của ta kiểu gì nhà nước cũng phải tháo gỡ tảng băng này, bằng mọi cách.

Câu chuyện ở đây bắt đầu từ truyền thống “tay không bắt giặc” của các cụ tổ chúng ta truyền lại.

Nhà đầu tư mua một miếng đất nhưng không hề có một xu dính túi, họ phải vay ngân hàng, và miếng đất ấy chính là tài sản thế chấp. Như vậy, thực chất hầu hết các dự án là tài sản của ngân hàng theo đúng nghĩa của nó.

Ngân hàng cũng chẳng có đồng nào, tiền là do người dân gửi vào để hưởng lãi suất.
Đến đây dễ nhận thấy ngân hàng là đơn vị trung gian, ngân hàng có mệnh hệ gì là nhà đầu tư, và người gửi tiền mắc hạn.

Nhà đầu tư để có một miếng đất phải chi phí rất nhiều để bôi trơn, họ cần số tiền nhiều hơn giá trị thực của dự án để triển khai và cả mục đích chiếm đoạt.

Giữa ngân ngân hàng và nhà đầu tư cùng nhau thổi giá, móc ngoặc với nhau định giá đất lên gấp nhiều lần để rút tiền cùng nhau chia chác hưởng lợi.

Để huy động được vốn, ngân hàng phải đẩy lãi suất tiền gửi lên cao, dĩ nhiên lãi suất cho vay cũng vì thế mà tăng lên đến 15- 25%.

Hậu quả là giá nhà đất đến tay người tiêu dùng cao ngất ngưởng.

Tham gia thị trường bất động sản còn có các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ bất động sản. Các căn hộ được mua bán sang tay từ người này đến người khác.

Đa số các nhà đầu tư thứ cấp cũng tay không bắt giặc, hầu hết trong số họ cũng phải vay ngân hàng.

Một miếng đất có thể rất có nhiều nhà đầu tư vay ngân hàng, lần sau phải vay nhiều hơn lần trước.

Giá nhà đất bị thao túng, đẩy giá đến giới hạn khi người tiêu dùng không thể chịu được- hay nói chính xác là sức mua dừng lại chính là thị trường bất động sản đóng băng.

Vậy cứu sự đóng băng này như thế nào?

Thông thường khi hàng hoá bán chậm, biện pháp hạ giá xả hàng được thực hiện.
Thị trường bất động sản không thể làm được điều này.

Nếu hạ giá nhà đầu tư sẽ không đủ tiền trả gốc và lãi ngân hàng.

Trong trường hợp này thông thường ngân hàng sẽ xiết nợ, đem tài sản ra đấu giá. Ngân hàng cũng không dám làm điều này vì như thế số tiền thu lại không bằng số tiền cho vay.

Lúc này hậu quả của việc định giá, thổi giá cao mới lộ ra. Trên thực tế đã chứng minh hầu hết các ngân hàng không dám xiết nợ, bằng hình thức đấu giá với các chủ đầu tư không trả được lãi và gốc cho ngân hàng.

Các chủ đầu tư ỳ ra, tuyên bố cứ xiết nợ đi, dự án còn đấy, giá thị trường như thế thừa sức trả ngân hàng.

Đây chính là nguyên nhân giá nhà đất bị kìm không thể tụt được xuống, bán được hay không bán được không quan trọng. Để đấy còn sống, bán đi là chết, đi tù cả lũ.

Bất động sản đóng băng chính là lý do không thể xử lý các khoản nợ của ngân hàng.

Chính phủ họp yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay cứu bất động sản. Dự án đã triển khai không bán được, lãi và gốc chưa trả được, nay lại cho vay tiếp không ngân hàng nào dám làm liều được nữa. Chính phủ có chỉ đạo mãi bằng biện pháp hành chính cũng không phá được tảng băng này.

Bao nhiêu năm để cho các nhóm lợi ích dùng ngân hàng lũng đoạn nền kinh tế, bây giờ xử lý hành chính đã muộn.

Cần phải mạnh tay cắt bỏ khối u độc hại này.

Còn cách nào cứu được nữa không?

Vẫn có cách đó là nhà nước bỏ tiền ra mua lại các dự án, đồng thời kết hợp tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, xử lý truy thu với những cá nhân, tổ chức tham nhũng.

Như vậy ngân sách nhà nước phải bỏ ra một số tiền khổng lồ - tiền ấy lấy từ đâu ra?
Cứ thằng dân mà móc chứ ở đâu nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét