Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Lê Việt Đức: tố cáo lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife

Lê Việt Đức: tố cáo lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife
https://www.facebook.com/groups/1114900596140859/
Chào các bạn, những nạn nhân cùa vụ Công ty bảo hiểm Manulife câu kết với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn tư vấn lừa đảo chiếm đoạt tiền, và những bạn đọc ủng hộ chúng tôi đòi lại số tiền đã bị chúng lừa đảo chiếm đoạt. Rất mong nhiều bạn tham gia vào trang này để loan tin cho toàn xã hội biết những hành vi lừa đảo của nhóm lợi ích Manulife - SCB và buộc chúng phải trả lại tiền cho các nạn nhân.
Tôi đăng dưới đây bài đầu tiên về trường hợp của tôi để các bạn biết và chia sẻ rộng rãi.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
––––––––––––––––
Hà nội, ngày 10 tháng 7 năm 2023
ĐƠN CẦU CỨU VÀ ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN SÀI GÒN (SCB) CÂU KẾT VỚI CÔNG TY BẢO HIỂM MANULIFE LỪA ĐẢO KHÁCH HÀNG BẰNG HÌNH THỨC TƯ VẤN ĐÓNG TIỀN TIẾT KIỆM - ĐẦU TƯ LÃI SUẤT CAO NHƯNG THỰC CHẤT LÀ MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ CỦA MANULIFE
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCH trung ương Đảng CSVN
- Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ
- Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội
- Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
- Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Bà Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
- Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội
- Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội
- Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
- Các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí, trang mạng...
- Ngân hàng SCB, Manulife (để thông báo)
Kính thưa các Ông, các Bà
Trước tiên, tôi xin được gửi tới các Ông, các Bà lời chào và những lời chúc tốt đẹp nhất. Kính chúc các Ông, các Bà luôn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, tiếp tục lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa, sớm đưa đất nước ta trở thành một nước văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng những việc làm tốt đẹp vì nước vì dân của các Ông, các Bà luôn luôn được người dân Việt Nam trong và ngoài nước trân trọng ghi nhận và ủng hộ.
Tôi xin phép được tự giới thiệu: tôi tên là Lê Việt Đức, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Tổng hợp KTQD Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghỉ hưu, hiện đang làm giáo viên cơ hữu khoa Kinh tế và Quản lý, trường Đại học Thăng Long. Tôi đang cư trú tại căn hộ số 2010, tòa nhà N03T8, khu Đoàn Ngoại Giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, tp Hà Nội. Tôi là đảng viên, hiện là Phó bí thư Chi bộ Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội giai đoạn 2008-2018. Trong thời gian công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi phụ trách quan hệ giữa Bộ với Chính phủ và Quốc hội nên đã có cơ hội trực tiếp được gặp và nghe các Ông, các Bà phát biểu tại nhiều phiên họp ở Trung ương. Tôi hiểu các Ông, các Bà đều là những người rất trăn trở với tình hình đất nước, đang toàn tâm toàn sức cố gắng tìm ra những giải pháp đưa đất nước sớm vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay, trở lại quỹ đạo phát triển cân bằng dài hạn và bền vững. Đặc biệt, tôi rất ủng hộ các Ông, các Bà là những người nói đi đôi với làm, luôn luôn hành động vì quyền lợi và cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, kiên quyết chống lại các nhóm lợi ích lừa đảo cướp đoạt tài sản của nhà nước và của nhân dân, nhất là các nhóm lợi ích trong những lĩnh vực nhạy cảm hiện nay như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Tôi gửi đơn này tới các Ông, các Bà vì tôi không biết phải gửi đi đâu để ở đó họ trực tiếp và kiên quyết xử lý việc tôi đề nghị dưới đây. Rất mong các Ông, các Bà sau khi nhận được sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển đơn này của tôi tới những địa chỉ xử lý phù hợp.
Đây là đơn tôi cầu cứu, khiếu kiện và đề nghị xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) câu kết với Công ty bảo hiểm Manulife lừa đảo khách hàng bằng hình thức tư vấn đóng tiền tiết kiệm - đầu tư an toàn, lãi suất cao nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Tôi là một nạn nhân và qua báo mạng và tivi, tôi mới biết cả nước có hàng nghìn, hàng vạn nạn nhân tương tự như tôi, nên tôi thấy đây thực chất là một vụ lừa đảo có tổ chức với quy mô lớn, có ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và xã hội nên cần báo cáo các Ông, các Bà và đề nghị các Ông, các Bà có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
1. Đối với trường hợp của bản thân tôi, vụ việc cụ thể như sau:
Khoảng tháng 4-5 năm 2021, trong một lần tôi đến rút tiền tiết kiệm và giao dịch tại Ngân hàng SCB chi nhánh Nguyễn Trãi, 183 Đường Nguyễn Trãi, Phường Thượng Đình, Quận Thanh Xuân, Thành Phố Hà Nội, hai nhân viên chi nhánh đã chủ động tiếp xúc với tôi rồi tư vấn tôi không nên gửi tiết kiệm mà nên đưa tiền cho Ngân hàng SCB để SCB đầu tư bằng cách mua cổ phiếu của 200 doanh nghiệp lớn nhất và có uy tín nhất trên thị trường chứng khoán. Họ bảo vì do SCB đầu tư, lại gộp chung tiền của rất nhiều người thành khoản lớn để mua cổ phiếu của 200 doanh nghiệp lớn nhất và có uy tín nhất nên rất an toàn và có lãi suất cao tới 15-16% mỗi năm. Họ còn bảo cứ khoảng nửa tháng quỹ đầu tư của SCB sẽ có tin nhắn hoặc gọi điện báo cáo tình hình đầu tư, và những khi thị trường lên cao, có lãi nhiều thì họ sẽ báo ngay để người đầu tư, tức là chúng tôi, có thể rút lãi ra tiêu nếu muốn. Họ cũng bảo có phần mềm có thể nạp vào điện thoại để khách hàng chủ động theo dõi tình hình đầu tư. Do điện thoại của tôi cũ nên không cài được phần mềm này. Họ cũng bảo chỉ bắt buộc phải gửi tiền trong 6 năm; sau 6 năm có thể rút hết cả gốc lẫn lãi. Tôi đã hỏi có tài liệu hướng dẫn nào bằng văn bản không thì họ bảo đây là sản phẩm mới nên chưa có. Thực tế người dân chúng tôi khi mở tài khoản, giao dịch hay gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thường không đọc các văn bản hướng dẫn, các quy định hay hợp đồng vì chữ rất nhỏ và quá dài. Cá nhân tôi đã giao dịch với SCB hơn 20 năm nên tôi rất tin tưởng SCB và do đó không hỏi thêm tài liệu hướng dẫn việc này bằng văn bản.
Từ tư vấn của hai nhân viên SCB trên, tôi đã tới chi nhánh SCB ở 391 Lạc Long Quân, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội nơi tôi thường giao dịch, gặp hai nhân viên SCB ở đây là cô Đào Thị Linh và một cô nữa tên là Anh. Tôi đã đem những thông tin trên hỏi lại các cô và được các cô xác nhận là đúng. Sau đó các cô giục tôi gửi tiền ngay để tính lãi suất ngay từ hôm đó, còn thủ tục hợp đồng sẽ làm từ từ trong những ngày sau. Khoảng một hai tuần sau, các cô bảo tôi đi khám sức khỏe với các cô. Tôi rất ngạc nhiên hỏi tại sao phải làm thế, thì các cô bảo chỉ là thủ tục. Đến thời điểm này, không có bất cứ nhân viên ngân hàng SCB nào nói tới từ “Manulife” và nhất là không ai nói tới từ “bảo hiểm”, toàn nói là gửi tiết kiệm dưới hình thức đầu tư vào các doanh nghiệp lớn nên rất an toàn.
Vì quá tin tưởng vào SCB, vì biết ở nước ngoài đa số người dân cũng đầu tư cổ phiếu thông qua ngân hàng của họ và rất thường xuyên có lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm rất nhiều, rồi nghĩ tới 200 doanh nghiệp lớn nhất và có uy tín nhất trên thị trường chứng khoán; doanh nghiệp này lỗ thì sẽ có doanh nghiệp khác lãi bù đắp... nên mặc dù phải đầu tư tới 6 năm (chưa bao giờ tôi gửi tiết kiệm thời hạn tới 2 năm), tôi vẫn tin tưởng chấp nhận bỏ ngay số tiền tiết kiệm vừa rút là 220 triệu đồng để tiết kiệm dưới hình thức đầu tư theo tư vấn của các nhân viên SCB.
Sau khi có kết quả khám sức khỏe, các cô gọi tôi tới ký hợp đồng. Như vậy tôi không được đọc hợp đồng khi đóng tiền mà chỉ được đọc sau rất nhiều ngày khi ký. Khi nhìn thấy hợp đồng ghi là “Hợp đồng bảo hiểm” và “Manulife”, tôi rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, các nhân viên SCB giải thích Manulife chỉ là đơn vị liên kết để cùng đầu tư. Tôi nhớ hai nhân viên SCB ở chi nhánh Nguyễn Trãi cũng nói vì SCB có công ty chứng khoán riêng nên công ty này sẽ dùng tiền của tôi để đầu tư. Thêm nữa, họ bảo trên bìa hợp đồng và tờ chính phía trong in rõ biểu tượng và tên ngân hàng SCB bằng mầu sắc rất đẹp nên tôi cũng tin thực chất hợp đồng là của SCB. Tiếp đến họ lại bảo “bảo hiểm” chỉ là hình thức, thực chất sản phẩm là “Tâm An Đầu Tư”, tức là đầu tư vào 200 doanh nghiệp lớn nhất và có uy tín nhất... Tôi biết ở VN có rất nhiều cách dùng ngôn từ lách luật nên chắc ở đây cũng vậy, nên ngay sau đó tôi đóng thêm 94 triệu đồng rồi 98 triệu đồng mỗi khi rút tiết kiệm.
Như vậy chỉ trong thời gian ngắn tôi đã đóng vào ngân hàng SCB 412 triệu đồng, mặc dù theo ký kết tôi chỉ cần đóng 50 triệu đồng mỗi năm. Đó là vì tôi được SCB tư vấn đây là hình thức đầu tư an toàn và có lãi suất cao do chính SCB đầu tư hộ nên tôi mới đóng nhiều và nhanh như vậy. Nếu biết là đóng để mua bảo hiểm nhân thọ thì không bao giờ tôi đóng, vì cả đời công tác tôi luôn luôn làm việc ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên đã có bảo hiểm của nhà nước và khám chữa bệnh ở Bệnh viện Việt Xô rất tốt; hơn nữa tôi thường xuyên luyện tập thể thao ở Câu lạc bộ Ba Đình và sức khỏe của tôi rất tốt; do đó tôi không có nhu cầu mua thêm bảo hiểm tư nhân. Chắc các Ông, các Bà đều hiểu bình thường không ai mua một lúc bảo hiểm sức khỏe tới 412 triệu đồng chỉ trong 1-2 tháng; chỉ khi bị lừa như tôi thì họ mới mua như vậy.
Trong suốt năm đầu tiên đóng tiền, tôi không hề nhận được bất cứ nhắn tin hay cuộc gọi điện nào của SCB và Manulife như họ hứa. Đã một số lần tôi hỏi SCB, thì họ lại bảo hỏi Manulife; gọi điện hỏi Manulife thì họ không trả lời, giục nhiều lần thì họ gửi qua mạng Manulife 1 bản báo cáo nhưng đọc rất khó hiểu, nói thực tôi không hiểu được. Rồi cứ thế, do công việc dạy học, chấm thi, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu khoa học và công việc của Chi bộ, tập thể dục thể thao... quá bận rộn nên tôi đành bỏ qua. Thời gian cứ thế trôi nhanh.
Do thái độ vô trách nhiệm của SCB và Manulife như vậy nên khi kỳ hạn năm 2022 tới, họ (nhân viên SCB và Manulife, nhưng chủ yếu là SCB, nhất là cô nhân viên tên là Gấm) nhiều lần gọi điện, gửi nhắn tin giục đóng tiền, tôi chỉ đóng đúng 50 triệu đồng theo cam kết. Trong năm 2023, tình hình cũng như vậy, và vì vẫn đinh ninh là SCB đang sử dụng tiền của tôi để đầu tư vào 200 doanh nghiệp lớn nhất và có uy tín nhất trên thị trường chứng khoán nên ngày 4/7/2023 (cách đây đúng 6 ngày), tôi đã nộp tiếp đúng 50 triệu đồng. Tổng số tiền tôi đã nộp đến nay là 512 triệu đồng.
Bất ngờ là khi xem chương trình thời sự 19h ngày 6/7/2023, tức là chỉ 2 ngày sau khi tôi đóng tiền đợt mới, tôi thấy tivi chiếu đúng hình ảnh hợp đồng bảo hiểm mà tôi mua của SCB lên màn hình, đồng thời thuyết minh “Các ngân hàng dụ dỗ người dân rút tiền tiết kiệm mua bảo hiểm nhân thọ với rất nhiều sai phạm có dấu hiệu vi phạm luật hình sự”, “Bộ Tài chính đã chuyển nhiều đơn thư tố cáo sang cơ quan cảnh sát điều tra”; và “Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm để xiết chặt quản lý, bảo vệ quyền lợi của người dân”... Đây chính xác là trường hợp của tôi.
Chính vì vậy ngay ngày 7/7/2023, tôi đã đến trụ sở công ty Manulife ở 27 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng Hà Nội, để tìm hiểu. Tại đây, nhân viên Manulife cho tôi biết: (i) Hợp đồng của tôi là hợp đồng bảo hiểm chứ không phải đầu tư – tiết kiệm an tâm, an toàn như tôi vẫn tin tưởng; (ii) Đây là Hợp đồng của tôi với Manulife chứ không phải SCB; SCB chỉ là người bán bảo hiểm hộ; biểu tượng và tên ngân hàng SCB in mầu rất đẹp trên trang bìa và trang chính bên trong chỉ là hình thức, không có ý nghĩa; (iii) Thời hạn đóng phí bảo hiểm của tôi là rất nhiều năm chứ không phải là 6 năm như nhân viên SCB nói; nếu rút tiền sớm sẽ mất tiền........
Tất cả những thông tin trên đều làm tôi quá sốc đến mất ăn mất ngủ mấy ngày liền; hôm nay mới tỉnh táo để viết đơn khiếu kiện này. Cả đời tôi là cán bộ công chức nhà nước, số tiền tiết kiệm cho tuổi già quá ít ỏi nên về hưu vẫn phải đi dạy thêm ở trường đại học, vậy mà chỉ vì một lần nghe nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn lừa đảo, tôi đã gần như mất sạch.
Tôi khẳng định các nhân viên của ngân hàng SCB đã cố tình che giấu thông tin hợp đồng bảo hiểm và hợp tác với Manulife để lừa tôi đóng rất nhiều tiền, đặc biệt là hai nhân viên SCB chi nhánh Nguyễn Trãi trong lần tư vấn đầu tiên. Họ liên tục rót vào tai tôi những thông tin bịa đặt để tôi tưởng đây là đóng tiền vừa mang tính tiết kiệm, vừa mang tính đầu tư, nhưng rất an toàn và có lãi suất cao.
Tôi cũng khẳng định Manulife cũng có ý định lừa tôi vì: (i) Họ cho in tên và lô gô rất đẹp của Ngân hàng SCB trên trang bìa và trong hợp đồng bảo hiểm; (ii) Họ chỉ đưa cho tôi bản phô tô hợp đồng chứ không phải bản gốc, mà theo luật thì bản phô tô không có giá trị pháp lý; (iii) Họ cũng tự điền các thông tin của tôi vào hợp đồng sau khi tôi đã ký, trong đó có những thông tin phi lý như thu nhập hàng tháng của tôi là 60 triệu đồng trong khi tôi chỉ là cán bộ nhà nước nghỉ hưu và đang dạy học thêm.
Tôi xin lỗi vì đã trình bày đã khá dài dòng sự việc của tôi; mục đích là để các Ông các Bà và các cơ quan và nhân viên trực tiếp xử lý việc này có đủ thông tin cần thiết về những sai phạm mang tính lừa đảo của nhóm lợi ích SCB – Manulife đối với hàng nghìn, hàng vạn khách hàng, từ đó có những biện pháp xử lý cứu giúp những nạn nhân trong đó có tôi.
2. Cầu cứu, khiếu kiện và đề nghị xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và Công ty bảo hiểm Manulife
Từ tình hình thực tế nêu trên, tôi cầu cứu và kiến nghị với Đảng và Nhà nước thông qua các Ông các Bà và các cơ quan chức năng:
a) Truy tố, xử lý hình sự Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và Công ty bảo hiểm Manulife về hành vi che giấu thông tin và lừa đảo khách hàng bằng hình thức tư vấn đóng tiền tiết kiệm - đầu tư lãi suất cao nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife.
Tôi tin chắc rằng nếu nhóm lợi ích SCB – Manulife đã thực hiện thành công một vụ lừa đảo quy mô lớn và trắng trợn như thế này trong suốt 2 năm qua nhưng nhiều người đóng tiền, nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật và người dân cả nước vẫn không biết, thì chắc chắn họ đã, đang và sẽ còn làm những phi vụ lừa đảo khác với những hậu quả khủng khiếp hơn cho đất nước và cho nhân dân. Đất nước chúng ta và Chế độ XHCN của chúng ta không phải là nơi để những doanh nghiệp lừa đảo thế này lộng hành.
b) Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn và Công ty bảo hiểm Manulife trả lại toàn bộ tiền gốc kèm theo một tỷ lệ lãi hợp lý cho người gửi tiền, trong đó có tôi, trong thời gian ngắn nhất, cụ thể là trong vòng 2 tuần đến 1 tháng. Tỷ lệ lãi này được xem như một khoản bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người dân đã bị họ lừa đảo.
c) Rà soát thanh tra tài chính, hợp đồng... của tất cả các Ngân hàng thương mại cổ phần và các Công ty bảo hiểm để phát hiện, xử lý hình sự những sai phạm có tổ chức và mang tính chất lừa đảo như vụ câu kết SCB và Manulife được tôi trình bày ở trên.
Kính thưa các Ông, các Bà,
Trên đây là các nội dung cầu cứu, khiếu kiện và những kiến nghị xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn câu kết với Công ty bảo hiểm Manulife lừa đảo khách hàng bằng hình thức tư vấn đóng tiền tiết kiệm - đầu tư an toàn và lãi suất cao nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ của Manulife của tôi gửi tới các Ông, các Bà.
Với niềm tin tuyệt đối vào tinh thần làm việc “cái gì có lợi cho người dân thì nhất định phải làm, cái gì có hại cho người dân thì nhất định phải tránh”... của các Ông, các Bà, tôi rất mong các Ông, các Bà khi nhận được đơn này, sẽ sớm những hành động thiết thực và hiệu quả để giúp người dân chúng tôi lấy lại được những đồng tiền tiết kiệm của mình từ những công ty, ngân hàng lừa đảo, đồng thời có những hình thức xử lý nghiêm khắc với những công ty, ngân hàng lừa đảo này.
Tôi rất mong nội dung thư này được đưa lên truyền hình, thông tấn, báo chí, trang mạng... để nhân dân cả nước biết và cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo ngày càng trắng trợn và tinh vi của nhiều công ty, ngân hàng.
Tôi xin chân thành cám ơn sự cảm thông, thấu hiểu và giúp đỡ của các Ông, các Bà.
Chúc các Ông, các Bà luôn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và hoàn thành tốt những ước mơ và hoài bão cao cả vì nước, vì dân của mình.
Người gửi đơn cầu cứu
Lê Việt Đức
ĐT 0917 733 173, laitranmai@gmail.com
PS: Thư này đã được tôi gửi cho Manulife qua email hôm 10/7 kèm theo đề nghị trả lại tôi tiền, nếu không tôi sẽ gửi tới các cơ quan nhà nước và báo chí để cầu cứu, nhưng đến hôm nay 20/7 tôi vẫn chưa nhận được trả lời của Manulife. Vì vậy, hôm nay 21/7 tôi mới chính thức gửi tới các Ông, các Bà. Trước đó, hôm 7/7/2023, tôi đã đến trụ sở công ty Manulife ở 27 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng Hà Nội viết đơn giải trình và yêu cầu trả lại tôi tiền, nhưng đến nay cũng không thấy Manulife trả lời.
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Lê Việt Đức đã cập nhật mô tả.

Quản trị viên
 1 giờ 
Tôi - Lê Việt Đức, chủ Blog toithichdoc.blogspot.com và trang FB này, đang bị Ngân hàng SCB và Manulife phối hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hợp đồng số 2952746922 tháng 5/2021. Tôi đóng tiền cho SCB để tiết kiệm và SCB đem đầu tư nhưng chúng biến tiền đó thành mua bảo hiểm của Manulife. Đến nay, dù đã nhiều lần đòi, chúng vẫn nhất định không trả. Được biết hàng nghìn người khác cũng bị lừa tương tự như tôi. Do vậy, tôi tố cáo các sai phạm, lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife lên Blog và FB này, đồng thời tố cáo với các cơ quan nhà nước có liên quan. Mong các bạn theo dõi và loan tin cho nhân dân VN ở khắp nơi trên thế giới biết để tẩy chay chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét