Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Tại sao nghề giáo là nghề cao quý nhất ?

Nhân dịp ngày 20/11, tôi đăng lại bài tôi đã viết cách đây 2 tháng. 
Tại sao nghề giáo là nghề cao quý nhất ?
Trưa nay tôi có đăng một bài trong đó viết "Đất nước, người dân có hai nghề cao quý nhất là trồng người và cứu người thì bây giờ đều đang thối nát nhất". Bây giờ mở ra xem bình luận, thấy có một bạn bình luận chửi rủa rất mất dạy, buộc tôi phải xóa đi và chặn luôn không cho vào xem trang của tôi nữa. Riêng câu bạn ấy khẳng định "Nghề nào cũng như nhau, làm gì có nghề cao quý hay không cao quý, tào lao", thì tôi thấy cần giải thích rõ một một chút.

1. Nghề cao quý bậc nhất
Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”.

Tại sao lại nói nghề giáo là nghề cao quý? Tại sao chỉ nghề giáo là nghề cao quý? Nghề cao quý này đã đi vào ý thức của biết bao thế hệ người Việt, đặc biệt là sự tin yêu, quý trọng dành cho những người mang trọng trách lớn lao, là những người miệt mài với bảng đen, phấn trắng.

Công bằng mà nói nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng đáng quý vì xã hội phân công mỗi người mỗi việc và làm nghề nào cũng phải có trách nhiệm. Do đó, không có nghề cao quý mà chính con người mới làm nên nghề cao quý đó.

Nhưng nghề giáo lại đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống và cả nhân cách nữa; điều này chỉ có nghề giáo mới làm được ! Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, nhận thức được thế giới quan và nhân sinh quan, đồng thời trang bị cho con người những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống. Cho nên người xưa mới nói tương lai của mỗi dân tộc nằm ở khối óc và trái tim của các thầy cô giáo.

Thật sự rằng có mấy ai thực sự thành công mà không có sự dạy dỗ của thầy cô? Dù có tài giỏi nhưng cốt lõi mà bạn cần học đó chính là làm sao để nên người, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nhân cách này hoàn thiện được ngoài gia đình thì phần công lao rất lớn nhờ thầy cô dạy bảo.

Nói theo cách hiện nay là “giáo dục toàn diện”. Tính cao quý của nghề giáo còn được thể hiện ở phẩm chất, tài năng, năng lực của người thầy. Người thầy luôn luôn phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống để học sinh và toàn xã hội noi theo.

Không biết ngẫu nhiên hay tất nhiên mà nghề giáo được xem là nghề tạo ra những nghề khác trong xã hội. Nói đơn giản hơn là không có người thầy thì sẽ không có những nghề khác trong xã hội. Bởi dù chúng ta là ai, chúng ta đang làm việc gì, thì cũng từng được ngồi dưới ghế nhà trường, trong các lớp dạy nghề... và đều đã nhận được sự truyền đạt dạy dỗ của thầy cô.

Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả... Trong những khó nhọc, chông gai đó, chính người thầy đã tiếp bước, đã thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức cho tất cả chúng ta.

Người thầy, với vai trò định hướng phải cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng chính chiếc đò tri thức. Để từ đó, mỗi chúng ta phải vươn ra biển lớn bằng sức lực, bằng trí tuệ và bằng lời bảo ban từ nhiều năm trước của các thế hệ thầy cô.

Những cống hiến của người thầy không chỉ dừng lại ở mỗi cá nhân, mà còn là những tập thể và cả xã hội, rất thiết thực và đáng quý vô cùng. Không phải ai cũng có thể trở thành một người giáo viên tốt, một người giáo viên giỏi nếu không có lòng yêu nghề, không có tình yêu thương con trẻ, sự quan tâm, tận tâm, sự hy sinh, nhẫn nại…

Không phải ai cũng hiểu hiểu hết được những áp lực xung quanh các thầy cô như yêu cầu về nghiệp vụ không chỉ giỏi năng lực mà cũng cần phải thường xuyên học hỏi, đổi mới tư duy, nắm bắt được những xu hướng của nền giáo dục hiện đại cần gì, yêu cầu gì, phương pháp giảng dạy mới như thế nào…

Rồi áp lực về việc dạy trẻ, đâu phải học trò nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời, chính vì vậy đối với những đối tượng học sinh không nghe lời, lại phải có những biện pháp giảng dạy khác, không phải là sự trừng phạt mà phải là từ tấm lòng mới có thể cảm hóa được học sinh.

Rồi áp lực từ phía phụ huynh học sinh khi gửi gắm những niềm tin dạy dỗ con cái của mình để chúng thành người, thậm chí khi con cái mình có nhiều khuyết điểm thì lại có những cái nhìn thiếu thiện cảm về trách nhiệm của thầy cô.

Và rộng hơn là áp lực từ phía xã hội với cái danh “cao quý nào bằng nghề nhà giáo”, mang danh “trồng người” với nhiệm vụ lớn lao chuyên chở trí thức. Do đó, chỉ có những người giáo viên đủ đức, đủ tài mới có thể vượt qua được những thử thách đó. Không chỉ dừng lại ở những áp lực như đã được nêu trên. Rất nhiều người yêu nghề mà cũng khó sống được với nghề khi cơ chế vào biên chế còn nhiều hạn chế, bất cập và bất công đặc biệt đối với những thầy cô giỏi, có những đóng góp thiết thực với học sinh, với ngành giáo dục.

Vì nghề giáo mang trong mình những trọng trách lớn lao mà không nghề nào có được nên người thầy bao giờ cũng được người dân tôn kính. Dẫu có đổi thay thì hình ảnh người thầy xưa và nay vẫn vậy, vẫn đức độ và tài năng.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống ngàn đời của dân tộc, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao biến cố của thời gian, bối cảnh lịch sử nhưng truyền thống đó vẫn mãi trường tồn. Đã là người thầy, thì phải hội đủ cả tâm lẫn tầm.

Tâm là lương tâm với nghề nghiệp, cái tâm đối với đồng nghiệp, là trách nhiệm với học sinh và xã hội.

Tầm là tài năng, phải có sự am hiểu rộng sâu về chuyên môn, phải nắm vững tâm lý người học, phải là chỗ dựa vững chắc cho người học.

Có thể nói, nghề nhà giáo đòi hỏi nhiều về phẩm chất đạo đức, nhân cách và thiên về sự gương mẫu chứ không chỉ cần có năng lực như trong các ngành nghề khác. Trong mọi hoàn cảnh, người thầy phải vượt qua mọi khó khăn về vật chất để làm tốt công việc của mình.

Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất là làm sao để tất cả mọi người đều được hạnh phúc và nghề giáo đã mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

2. Vì sao chọn nghề giáo viên? Nghề giáo viên có ý nghĩa gì?

Nghề nhà giáo luôn một nghề thiêng liêng, cao cả, cả đời theo nghề luôn sống cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục dù nghề này khiến nhiều người ái ngại chỉ vì công việc vất vả nhưng nhận chế độ mức lương khá “bèo bọt”.

Nếu hỏi vì sao chọn nghề giáo viên chắc hẳn sẽ có rất nhiều lý do, vì bố mẹ chọn đi theo con đường truyền thống gia đình, vì không có lựa chọn nào tốt hơn,….nhưng trên hết thì muốn theo nghề giáo đến cùng chúng ta cần rất nhiều thứ đó là sự đam mê, nhiệt huyết với nghề, là kiên nhẫn với học sinh, là tôn trọng nghề nghiệp mình theo đuổi…

Thêm nữa, nghề giáo đòi hỏi các thầy cô phải là những người có lối sống chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói đến các mối quan hệ sống xung quanh. Dù cuộc sống còn chật vật, khó khăn nhưng đã làm nghề giáo viên thì các thầy cô luôn giữ phải được nếp sống giản dị, luôn hết lòng vì công việc, luôn tận tâm với nghề.

Khi bạn chọn theo đuổi ngành sư phạm, tùy thuộc vào trình độ, năng lực chuyên môn, bạn có thể trở thành:

Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Giảng viên đại học, cao đẳng;
Giáo viên dạy nghề cho các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục

Nghề giáo viên được xem là một nghề vinh quang do đó để trở thành một người thầy cô chân chính bạn phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức. Bên cạnh đó người thầy cô cũng là người cần có bản lĩnh, tính nhẫn nhịn và không được cho phép mình được bất mãn trước học trò dẫn đến những tổn thương đáng tiếc cho học trò và gia đình học trò. Rèn luyện mình làm sao để trở thành một người thầy cô giáo thương yêu học trò, dìu dắt các em đến sự thành công trong học tập.

Nghề giáo đòi hỏi người thầy phải làm chủ công việc… Để gắn bó được với nghề giáo và trở thành người thầy tốt, bạn cần có định hướng đúng năng lực và nguyện vọng của mình vì sao chọn nghề giáo viên, giải thích được nó thì bạn sẽ sống mãi với nghề này.
Một số điều sau đây sẽ làm cho bạn trở nên vô cùng hạnh phúc và tự hào khi thấy mình đã trở thành thầy cô giáo:

- Bạn sẽ là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ: Là một nhà giáo bạn được nắm trong tay vô số cơ hội truyền đạt và dạy dỗ cho hàng trăm các bạn trẻ. Bạn là người trực tiếp uốn nắn các em từ những buổi ban đầu chập chững. Vì vậy bạn hãy hỏi bất kỳ ai rằng, ai, người nào có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đối với một đứa trẻ và cuộc đời của nó sau này ? Và cơ hội bạn nghe được nhiều nhất đó chính là thầy, cô giáo.

- Bạn sẽ là diễn viên, nhà hùng biện, người kể chuyện và nhà tổ chức chuyên nghiệp trước rất nhiều khán giả trẻ: Là giáo viên bạn sẽ phải đảm nhiệm tất cả các công việc trên và thậm chí còn hơn thế rất nhiều. Bạn sẽ có cơ hội đối mặt với nhiều thách thức. Bạn phải truyền cảm hứng, hướng dẫn, vui chơi với các em thông qua các hoạt động và các kinh nghiệm mà mình đã từng trải qua. Trong một ngày đứng trên bục giảng bạn phải thể hiện được khả năng tổ chức, lên kế hoạch, đào tạo và vui chơi. Bạn sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhận thấy thành quả sau những giờ hoạt động này.

- Bạn sẽ thấy dạy học là việc vô cùng có ý nghĩa: Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc mang đến niềm vui, sự thăng hoa cho mình thì nghề giáo sẽ cho bạn tất cả những cảm giác đó. Không chỉ dạy dỗ rập khuôn những điều trên sách vở, hướng các em làm theo lẽ phải và theo pháp luật… Là một giáo viên, bạn có thể giúp đỡ, khai trí cho tầng lớp trẻ trong xã hội cũng như đào tạo một thế hệ công dân và người lao động tốt cho tương lai của đất nước.

- Bạn sẽ thấy để dạy tốt học tốt, bận sẽ phải luôn luôn trau dồi, học hỏi: “Học, học nữa, học mãi” luôn luôn là châm ngôn hành động của những ai yêu nghề giáo. Kiến thức là vô tận và bởi vậy những người thầy, người cô liên tục phải trau dồi, rèn luyện và tìm hiểu những điều mới, những cách dạy mới thông qua sách báo hay những lớp học dành cho cán bộ giảng dạy để không bị tụt hậu so với nền giáo dục của các nước trên thế giới. Có như vậy bạn mới có đủ khả năng để dìu dắt cho những thế hệ tương lai của đất nước.

- Cuối cùng bạn sẽ rất tự hào khi thấy tất cả mọi người trong xã hội, từ những kẻ lưu manh mất dạy đến những nhà lãnh đạo quốc gia... đều tôn trọng và yêu quý các thầy cô giáo: Nếu bạn là một giáo viên, bạn có thể tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Giáo viên được yêu quý, tôn trọng vì rất nhiều lý do và có lẽ lý do mà họ được mọi người ngưỡng mộ nhất đó là lòng kiên nhẫn, khả năng điều khiển và truyền đạt cho hàng chục con người trong mỗi lớp học.

Và vì tất cả những lý do chúng ta đã dành nguyên ngày 20/11 (Ngày nhà giáo Việt Nam) hàng năm để cả xã hội tỏ lòng biết ơn cũng như ngợi ca công lao của những người thầy người cô và chính bản thân bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét