Đằng sau 'Zero Covid' của Trung Quốc là lợi ích nhóm
Gần đây, một đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện của học giả Harvard Hoàng Vạn Thịnh (Huang Wansheng) đã bị rò rỉ trên Internet. Trong đó là những tiết lộ đáng kinh ngạc của ông tại một cuộc họp riêng ở Trung Quốc vào tháng 1 năm nay, bao gồm cả ý đồ của chính quyền Trung Quốc đằng sau chính sách phòng chống dịch bệnh “Zero Covid” (Không ca nhiễm Covid nào).Từ năm 1997, ông Hoàng Vạn Thịnh là trợ lý cấp cao của Giáo sư Đỗ Duy Minh (Du Weiming), một học giả Tân Nho giáo tại Đại học Harvard, và là nhà nghiên cứu tại Viện Harvard-Yenching. Ông tiết lộ trong cuộc trò chuyện này rằng, nửa năm sau khi đại dịch bùng phát, vào tháng 7/2020, Trung Quốc đã chi 170.000 nhân dân tệ (khoảng 27.000 USD) mua vé máy bay một chiều khẩn cấp triệu hồi ông về Trung Quốc để dẫn dắt một dự án khoa học và công nghệ phòng chống dịch do “đích thân ông Tập Cận Bình chỉ huy".
Học giả Harvard Hoàng Vạn Thịnh (Huang Wansheng). (Ảnh chụp màn hình)
Đằng sau "Zero Covid" là nhóm lợi ích của chính quyền Trung Quốc
Ông Hoàng Vạn Thịnh nói, tại sao hiện nay tình hình “Zero Covid’ của Trung Quốc vẫn tồi tệ như vậy? Nguyên nhân là do việc xét nghiệm PCR và phát triển vaccine tiêm chủng của Trung Quốc đều bị các nhóm lợi ích và tầng lớp quyền quý trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng để kiếm bộn tiền.
Ông lấy ví dụ, theo thông tin mà ông có được gần đây, một tập đoàn ở Trung Quốc đã kiếm được 670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 105,8 tỷ USD) chỉ nhờ vào xét nghiệm PCR. Giáo sư Lý Linh (Li Ling) tại Đại học Bắc Kinh từng cho biết, thu nhập kinh tế từ hoạt động chống dịch của Trung Quốc trong năm 2020 là khoảng 67 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,58 nghìn tỷ USD). Vậy con số thu nhập không tưởng của tập đoàn kể trên mới chỉ chiếm 1% trong số tổng thu nhập chống dịch trên toàn Trung Quốc.
Học giả Harvard nhấn mạnh rằng, không có quốc gia nào trên thế giới miễn dịch theo cách này. Loại phòng chống dịch bệnh này là để tăng cường lợi ích cho các nhóm lợi ích của ĐCSTQ. Các “găng tay trắng” của quan chức cấp cao ĐCSTQ và người nhà của họ đang nhúng tay vào kit xét nghiệm PCR. Vậy nên mới dẫn đến tình trạng cả khu vực chỉ có 1 hoặc 2 ca nhiễm nhưng toàn bộ cư dân phải làm xét nghiệm. Bởi vì điều họ muốn là bán được lượng lớn kit xét nghiệm và kiếm được lợi nhuận khổng lồ.
Ông nói rằng, kể cả vaccine của Trung Quốc cũng vậy, việc bắt buộc tiêm 3 hay 4 mũi đều liên quan đến các nhóm lợi ích đứng sau. Khi ông Hoàng Vạn Thịnh nói về điều này, một người nào đó bên cạnh đáp lại: "Vấn đề này lớn đấy. Vấn đề sức khỏe đã trở thành vấn đề chính trị!".
Khi đề cập đến biến thể Omicron, ông Hoàng cho biết sau khi bùng phát Omicron trên toàn cầu, Hoa Kỳ và Châu Âu đã phát hiện ra rằng mặc dù trình tự di truyền của loại virus biến thể này vẫn là trình tự của SARS-CoV-2, nhưng nó chỉ lây nhiễm ở đường hô hấp trên. Việc lây nhiễm Omicron sẽ tạo ra miễn dịch tự nhiên, và còn có thể chống lại các biến thể virus khác – những loại có thể lây nhiễm vào phổi. Vì vậy, cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều coi đây là cơ hội hiếm có để đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa toàn diện. Dự kiến, Hoa Kỳ và Châu Âu về cơ bản có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng Ba.
Hệ thống y tế Trung Quốc là sự sụp đổ mang tính hệ thống
Tại Hoa Kỳ, hàng chục triệu người đã bị nhiễm bệnh trong một thời gian rất ngắn, nhưng tại sao không có khủng hoảng và thảm họa y tế cộng đồng? Ông Hoàng Vạn Thịnh cho rằng, đó là do hệ thống y tế xuất sắc của Hoa Kỳ. Mỹ đã hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, và năng lực y tế cơ sở rất mạnh, đặc điểm của nó là “chăm sóc tại chỗ” (Point of Care). Ông nói, ví dụ, một bệnh nhân có thể được điều trị hoàn toàn thông qua bác sĩ gia đình
Nhưng ở Trung Quốc, quyền lực của hệ thống y tế quá tập trung. Ông nói, toàn bộ vấn đề của ngành y tế Trung Quốc bắt nguồn từ cơ chế quyền lực. Quyền lực tập trung quá mức nên các lợi ích liên quan cũng ở mức độ tương tự. Nguồn lực y tế của Trung Quốc đều tập trung ở các bệnh viện lớn, điều này khiến họ bị quá tải. Tập trung quyền lực quá mức đã gây ra những thảm họa lớn đối với sự sinh tồn của người dân Trung Quốc.
Ông cho biết đã viết một báo cáo cho các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, với hy vọng chớp cơ hội đại dịch để xây dựng lại hệ thống y tế cơ sở của Trung Quốc và học hỏi từ hệ thống y tế của Mỹ.
Học giả này cho rằng, nền tảng hệ thống y tế của Trung Quốc còn yếu kém, không thể thiết lập một hệ thống y tế công cộng hiệu quả cho toàn dân. Nếu mở cửa hoàn toàn như các nước Âu - Mỹ thì không thể đảm bảo rằng hệ thống y tế sẽ không sụp đổ.
Còn một lý do khác khi nói rằng hệ thống y tế của Trung Quốc là một sự sụp đổ mang tính hệ thống. Đó là khả năng nghiên cứu và phát triển độc lập của Trung Quốc rất kém. Việc nghiên cứu và phát triển thuốc, thiết bị y tế và kit xét nghiệm đều dựa vào nhập khẩu nước ngoài. Theo tiết lộ của ông Hoàng, các khoản tài trợ hàng năm của chính phủ và vốn tư nhân vào ngành dược phẩm là vài nghìn tỷ nhân dân tệ, nhưng 90% trong số đó được sử dụng để mua bằng sáng chế nước ngoài. Ông nói, hầu hết tất cả các thiết bị y tế cốt lõi của Trung Quốc đều được nhập khẩu. Cho đến nay, thiết bị chụp CT phổ biến nhất được sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa vượt qua được thử nghiệm; 88% các loại thuốc thử được Trung Quốc sử dụng trong xét nghiệm đều là hàng nhập khẩu.
Ông Hoàng Vạn Thịnh cho rằng, để xét xem các dịch vụ công của một quốc gia có hoạt động tốt hay không thì việc chăm sóc y tế là quan trọng nhất, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng. Kế đến là giáo dục và hưu trí.
Theo thông tin công khai, ông Hoàng Vạn Thịnh tốt nghiệp Viện Triết học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 1981. Ông từng là Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Triết học So sánh của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Từ năm 1997 đến năm 2020, với tư cách là một học giả Đại học Harvard, ông từng đảm nhiệm vị trí giáo sư thỉnh giảng hoặc được tuyển dụng đặc biệt tại 5 trường đại học, trong đó có Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc.
Về tính xác thực của đoạn ghi âm này, ngoài mối quan hệ giữa các nhân vật trong đoạn ghi âm với ông Hoàng Vạn Thịnh, phóng viên còn so sánh đoạn ghi âm bài phát biểu của ông tại Hội nghị Các nhà tư tưởng Internet lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 11/2018. Cách phát biểu và giọng nói trong hai đoạn ghi âm là hoàn toàn giống nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét