Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Nga tuyên bố có thể đặt căn cứ quân sự ở Donbass

Hôm nay mình dạy học cả ngày, bây giờ mới mở mạng xem thấy tình hình Ukraine nóng thật. Nga đã chính thức công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Điều này mình đã dự đoán từ lâu, nếu tình hình Ukraine không có chuyển biến tích cực, nếu Ukraine cứ dựa vào phương Tây để chống Nga thì trước sau gì Putin cũng công nhận các vùng ly khai của Ukraine. Nga hiện giờ đã bị đẩy vào chỗ không quyết tử thì không thể tồn tại nên bắt buộc phải làm như vậy. Đằng nào Nga cũng đã bị phương Tây ép đến cùng cực rồi, có bị trừng phạt nhiều hơn cũng thế thôi. Mình tin rằng khả năng Mockba tấn đông Kiev rất thấp, nhưng cũng không thể loại trừ nếu Mỹ và phương Tây cứ tiếp tục leo thang chơi đểu Nga, nhất là mở rộng NATO sang phía Nga và mang vũ khí vào các nước mới gia nhập NATO này. Vấn đề bây giờ là liệu Nga có kích động được người dân Ukraine lật đổ chính quyền hiện tại và thành lập một chính quyền thân Nga hay không mà thôi. Thương cho người dân Ukraine có những người lãnh đạo không biết mình biết người. Sống cạnh thằng hàng xóm hung dữ và có thực lực mà cứ dựa vào người khác để chơi đểu nó thì khi bị nó đánh cho đau đành phải chịu đựng; pháp luật không bảo vệ được người yếu thế đâu. Nga đã đặt được căn cứ quân sự ở Ukraine (Donbass) thì con đường vào NATO của Ukraine đã hoàn toàn bị chặn đứng theo điều lệ của NATO.
Nga tuyên bố có thể đặt căn cứ quân sự ở Donbass
Nga có thể đặt căn cứ quân sự tại vùng này - theo thỏa thuận mới được tiết lộ. Dựa trên thỏa thuận được ký kết bởi Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/2 với lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine, Nga đã giành được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực này.

Nga và lãnh đạo của DPR cùng LPR dự kiến ký kết thỏa thuận độc lập về hợp tác quân sự và bảo vệ biên giới. Nội dung này nằm trong dự thảo luật Hạ viện Nga dự kiến xem xét ngày 23/2.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Putin cũng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Tối 21/1, sau cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Putin đã phát biểu gửi thông điệp tới người dân trong nước. Cuối bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine.

Mặc dù các hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Nga và các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, Duma Quốc gia Nga đã công bố các tài liệu mới bao gồm các nội dung về việc xây dựng tuyến phòng thủ chung chống lại "sự xâm lược bên ngoài" và quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhau.

Theo RT, Điều 5 của luật rất đáng chú ý. Theo đó, luật cho phép cả hai bên ký kết có quyền "xây dựng, sử dụng và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, căn cứ và các đối tượng khác trên lãnh thổ của họ". Điện Kremlin đã ra lệnh cho quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới hai khu vực này, trong khi chờ một hiệp ước chính thức về hợp tác quân sự.

Điều 6 cấm cả hai bên "tham gia vào bất kỳ khối hoặc liên minh nào chống lại một trong hai bên" và sẽ không cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng để phát động các cuộc tấn công chống lại nhau.

Điều 11 quy định việc di chuyển tự do của công dân giữa các bên ký kết và buộc cả Nga và các nước cộng hòa tự xưng phải "phát triển và thực hiện một loạt các biện pháp đã thỏa thuận để điều chỉnh quy định ra vào lãnh thổ của công dân các nước thứ 3".

Điều 13 cũng bắt buộc các bên ký kết phải bảo vệ "bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ của họ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển" những bản sắc này đồng thời đảm bảo các quyền của cá nhân và tập thể thiểu số "mà không chịu bất kỳ hành vi nào của sự đồng hóa trái với ý muốn của họ".

Việc Nga có thể đặt căn cứ quân sự tại vùng Donbass có thể coi là "một cú đấm" đối với Ukraine. Phản ứng lại động thái này, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm người Mỹ tham gia vào các hoạt động kinh tế ở Donetsk và Lugansk. 

Trong khi đó, rạng sáng 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng vội vã tuyên bố rằng các biên giới đã được quốc tế công nhận của Ukraine sẽ không thay đổi, dù Tổng thống Putin quyết định công nhận độc lập cho 2 khu vực Donetsk và Lugansk.

1h sáng điện thoại Điện Kremlin réo ầm ĩ: Nga bắt máy rồi lập tức "giội gáo nước lạnh"?

Khoảng 1h sáng ngày 21/2 (theo giờ Moscow), điện thoại Kremlin đổ chuông ầm ĩ. Cuộc "mật đàm rạng sáng" này kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vòng 24 giờ. Cuộc "mật đàm rạng sáng" này kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Zelensky, Putin, Biden, Putin... Từ sáng sớm ngày 20 đến 21/2, ông Macron mở cuộc chạy marathon "ngoại giao điện thoại" để làm trung gian khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo bốn nước. Cuối cùng, nỗ lực tưởng như được đền đáp: Phủ tổng thống Pháp Elysee phát đi thông điệp cho biết Tổng thống Macron đề xuất hai đồng cấp Putin và Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh về ổn định chiến lược và an ninh châu Âu, và "trên nguyên tắc, cả hai bên đã đồng ý".

Những tưởng Tổng thống Macron có thể thở phào nhẹ nhõm, và "những nỗ lực ngoại giao vào phút chót để tránh một cuộc xung đột lớn" cuối cùng đã đi đến hồi kết. Tuy nhiên, Nga lập tức "giội gáo nước lạnh": Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 21/2 cho biết còn "quá sớm" để nói về hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, và Nga chưa có kế hoạch cụ thể.

Đồng thời, trong quá trình hòa giải của Tổng thống Macron, tình hình ở Ukraine trở nên vô cùng phức tạp. Ngay trong đêm ngày 21/2, Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp an ninh liên bang cấp cao nhất và sau đó, đưa ra một thông điệp tối quan trọng: Công nhận độc lập đối với hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).

Trước đó, một màn đối đầu hỏa lực gay gắt đã xảy ra ở miền đông Ukraine, lực lượng vũ trang ly khai Ukraine và quân chính phủ đã bất đồng, cáo buộc bên kia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Phía Nga cho biết vào ngày 21/2, quân đội Nga đã ngăn chặn một đội trinh sát Ukraine vượt sang biên giới Nga và 5 trinh sát trong số này đã bị tiêu diệt.

Vào ngày 20/2 (giờ địa phương), Tổng thống Macron đã có một ngày dài bận rộn. Điện Elysee trước đó tiết lộ, ông Macron sẽ thực hiện "nỗ lực ngoại giao vào phút chót" để tránh xảy ra xung đột lớn. Có thể thấy, ông Macron đã tiến hành cuộc chạy marathon "ngoại giao điện thoại" kéo dài hơn 24 giờ.

Vào sáng cùng ngày, Tổng thống Macron đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về các kế hoạch khả thi nhằm đảm bảo tình hình, "giảm leo thang ngay lập tức".

Ngay buổi chiều, nhà lãnh đạo Pháp có cuộc điện đàm đầu tiên trong ngày với ông chủ Điện Kremlin. Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 105 phút, hai bên nhất trí ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay và tổ chức cuộc họp nhóm tiếp xúc ba bên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong vài ngày tới.

Trong một tuyên bố, Điện Kremlin viện dẫn các hành động khiêu khích của lực lượng an ninh Ukraine là lý do khiến leo thang căng thẳng. Ông Putin nhắc lại rằng Mỹ và NATO cần phải coi trọng các yêu cầu an ninh của Nga và đáp ứng các yêu cầu đó một cách cụ thể và thực chất.

Vào tối cùng ngày, ông Macron đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khoảng 15 phút. Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố sau đó rằng hai bên đã thảo luận về "các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang diễn ra" để đáp lại việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine.

Vào sáng sớm ngày 21/2 (1h giờ Moscow), Tổng thống Macron đã gọi điện lần thứ hai cho Tổng thống Putin trong vòng 24 giờ. Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận cuộc điện đàm kéo dài một giờ và hai nguyên thủ tiếp tục thảo luận về tình hình xung quanh Ukraine.

Sau đó, Điện Elysee ra thông cáo công bố kết quả "ngoại giao qua điện thoại" của Tổng thống Macron.

Ông Macron gợi ý rằng, Tổng thống Biden và Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh về ổn định chiến lược và an ninh châu Âu, sau đó là hội nghị thượng đỉnh với tất cả các bên liên quan. "Tổng thống Biden và Putin trên nguyên tắc đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh", tuyên bố cho biết. Cuộc hội đàm sẽ chỉ được tổ chức nếu Nga không "xâm lược", và nội dung cuộc gặp thượng đỉnh sẽ do Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Nga Lavrov chuẩn bị khi họ gặp nhau vào ngày 24 /2 tới.

Phía Mỹ đã xác nhận thông tin này, nhưng đồng thời cho biết Mỹ cũng sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt "nhanh chóng và nghiêm khắc" đối với Nga nếu Nga phát động chiến tranh.

Sau bốn cuộc điện thoại cho bốn Tổng thống Zelensky, Putin và Biden, cuộc chạy marathon "ngoại giao điện thoại" của ông Macron tạm thời kết thúc.

Tuy nhiên, đến lúc này, ông Macron chưa thể "kê gối ngủ ngon" và phải tiếp tục quan sát phản ứng của các bên sau khi Nga tuyên bố công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét