Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể ?

Cực lực phản đối những bài báo như bài dưới đây. Người lao động VN hiền quá, nhất là những người ít học như công nhân và nông dân. Họ luôn luôn nhẫn nhục lao động với tiền lương không đủ sống..., và họ chỉ ngừng việc đấu tranh đòi quyền lợi khi thấy quá bất công, quá cực khổ. Ở nước ngoài, lãnh đạo quốc gia và các chuyên gia đều có chung nhận thức: khi bạn làm thuê cho ông chủ 3 năm mà bạn không giầu (khá giả) và không hạnh phúc, thì tức là bạn đang bị bóc lột để làm giầu cho ông chủ và xây đắp hạnh phúc cho ông chủ, và do vậy bạn nên đấu tranh đòi quyền lợi hay bỏ việc đó đi tìm việc khác. Thế mà ở VN, khi người lao động buộc phải kêu gọi nhau ngừng việc tập thể, thực chất là bãi công, đòi quyền lợi thì báo Lao động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động VN lại hăm dọa, khủng bố họ bằng câu "Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu". Vậy Báo Lao động có còn là tiếng nói của công nhân viên chức và người lao động như tôn chỉ mục đích trong Điều lệ của Tổng Liên đoàn Lao động VN không ? Tác giả bài viết này còn đem hợp đồng lao động ra đe dọa công nhân, mà không biết hợp đồng chỉ là những điều nguyên tắc, còn cuộc sống cực kỳ phức tạp, không có hợp đồng nào quy định chi tiết đủ cả. Lạm phát thế này không đòi tăng lương để chết đói à ? Xin nhớ lạm phát là giá bán hàng của doanh nghiệp tăng, vậy thì việc công nhân đòi tăng lương là hoàn toàn chính đáng. Lại còn tung tin dọa dẫm "ngừng việc tập thể thường gắn liền với các nhân tố, đối tượng đứng đằng sau chỉ đạo, kích động, không loại trừ cả âm mưu, động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau và các động cơ khác" và "ngừng việc tập thể lan rộng sẽ rất nguy hiểm và đe dọa đến an ninh trật tự xã hội, hậu quả nhà đầu tư, người lao động và nhà nước đều thiệt hại, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng". Đọc toàn những giọng bảo vệ chủ đầu tư nước ngoài, thấy thật khốn nạn cho thằng nhà báo và tờ Lao động.
Nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu
LĐO | 17/02/2022 | 
Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đã xảy ra nhiều vụ ngừng việc tập thể tự phát tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Bắc Ninh… làm dấy lên lo ngại về “phản ứng dây chuyền” của hiện tượng này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Nếu đình công, ngừng việc tập thể lan rộng sẽ gây nên những thiệt hại, hệ lụy tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế.

5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) trở lại làm việc sau khi ngừng việc tập thể. Ảnh: QĐ

Nguyên tắc cơ bản của quan hệ lao động là bình đẳng và tự nguyện. Doanh nghiệp thông báo, người lao động có nhu cầu tự nguyện xin vào làm việc. Trước khi làm việc, công nhân đã tìm hiểu về doanh nghiệp, điều kiện lao động, các chế độ lương bổng, phụ cấp, khen thưởng, kỉ luật lao động…

Đặc biệt, công nhân là đã tự nguyện ký vào hợp đồng lao động, có rất nhiều điều khoản cụ thể thì mới phát sinh quan hệ lao động. Doanh nghiệp phải bỏ chi phí đầu tư và chấp nhận rủi ro về kinh tế, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, thu nhập.

Người lao động cũng tạo ra giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước sẽ xử lý.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Còn bất ngờ kêu gọi ngừng việc tập thể tự phát là lợi dụng điểm yếu của doanh nghiệp, dùng sức ép tập thể buộc doanh nghiệp phải thực hiện các yêu sách của công nhân. Doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó và chịu thiệt hại vô cùng lớn. Nếu doanh nghiệp có 10 nghìn công nhân, họ nghỉ việc 1 ngày mà vẫn phải trả lương, tương đương với số tiền bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng (200 nghìn/công).

Chưa nói đến trường hợp vi phạm hợp đồng với đối tác bị xử phạt, thì thiệt hại có khi phải tính đến hàng trăm nghìn, hàng triệu USD. Hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp rơi vào thế chẳng đặng đừng nên phải nhượng bộ, nhưng sẽ làm phát sinh tâm lý e ngại, không có thiện cảm với người lao động.

Ngừng việc tập thể thường gắn liền với các nhân tố, đối tượng đứng đằng sau chỉ đạo, kích động, không loại trừ cả âm mưu, động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau và các động cơ khác. Đã có trường hợp người lao động không tham gia ngừng việc tập thể, muốn đi làm thì bị một số đối tượng ngăn cản hoặc đe dọa.

Ngừng việc tập thể lan rộng sẽ rất nguy hiểm và đe dọa đến an ninh trật tự xã hội, hậu quả nhà đầu tư, người lao động và nhà nước đều thiệt hại, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.

Do đó cần xử lý nghiêm khắc các hành vi kích động ngừng việc với động cơ xấu, ngăn cản, đe dọa người lao động đi làm.

Nói vậy không có nghĩa là dập tắt đình công, ngừng việc bằng mọi giá, thỏa hiệp để trù dập, gây thiệt thòi người lao động. Vấn đề là cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật, để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Đồng thời cần tăng cường đối thoại, minh bạch thông tin để tạo nên sự đồng thuận, chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.

QUANG ĐẠI
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghiem-khac-xu-ly-hanh-vi-kich-dong-ngung-viec-tap-the-voi-dong-co-xau-1015113.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét