Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Chưa xuất quân, Putin đã ghi được nhiều bàn thắng lớn

Chưa xuất quân, Tổng thống Putin đã ghi được nhiều bàn thắng lớn
Bắt cả thế giới phải theo dõi nhất cử nhất động của chủ nhân điện Kremlin, đưa Matxcơva trở lại trung tâm bàn cờ ngoại giao quốc tế, nhìn nhận sức mạnh quân sự lợi hại của nước Nga và tạm thời bắt Kiev quên đi tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO. Chưa cần xuất quân xâm chiếm Ukraina, tổng thống Vladimir Putin đã ghi được những bàn thắng quan trọng trong cuộc đọ sức với phương Tây, qua đó bảo đảm an ninh cho nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (G) cùng đô đốc Nikolai Yevmenov, tổng tư lệnh Hải quân Nga, thứ hai bên phải, và bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (T) tham dự duyệt binh Ngày Hải quân ở St. Petersburg, Nga, ngày 25/07//2021. AP - Alexei Nikolsky

1) Mỹ và phương Tây bất lực

Vẫn chưa thể khẳng định tình hình tại biên giới giữa Ukraina và Nga đã « được hạ nhiệt hay chưa » cho dù là Matxcơva trong chưa đầy một tuần, đã ba lần thông báo giảm quân số và khí tài khỏi khu vực « nóng ». Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, vẫn nêu lên kịch bản « chiến tranh cận kề ».

Chính quyền Kiev và cả giới tài chính Âu Mỹ nóng lòng muốn thoát khỏi bế tắc hiện nay, bởi viễn cảnh chiến tranh Ukraina khiến các sàn chứng khoán từ New York đến Luân Đôn, Paris hay Frankfurt... đều mất giá nghiêm trọng.

Tại điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin dường như không vội làm sáng tỏ tình hình, bởi bối cảnh tranh tối tranh sáng đó cho phép ông đạt được một số mục tiêu quan trọng trong cuộc đọ sức với phương Tây.

Điểm thứ nhất khiến nguyên thủ Nga hài lòng là kịch bản chiến tranh hay hòa bình tại châu Âu đang được đặt tại Matxcơva. Điển hình là lãnh đạo Pháp và Đức, hai nước lớn tại châu Âu, đều đã nhanh chóng mở kênh đối thoại trực tiếp với tổng thống Nga. Paris và Berlin hài lòng với cam kết của Matxcơva « không gây thêm căng thẳng ». Tổng thống Nga, theo một kịch bản được dàn dựng với ngoại trưởng Lavrov để ngỏ khả năng tháo gỡ bế tắc bằng con đường ngoại giao cho dù là « tất cả những phương án vẫn được đặt trên mặt bàn ».

Thắng lợi thứ nhì là nước Nga đã trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vào lúc chính quyền Biden muốn tập trung sức lực về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Nga đã bắt Mỹ phải quan tâm trở lại đến Matxcơva, không còn xem quốc gia trải rộng trên hai châu lục này là một « cường quốc khu vực ».

Thành công thứ ba của tổng thống Vladimir Putin là về mặt quân sự, chỉ cần phô trương thanh thế, dồn dập điều quân đến sát vùng biên giới với các trang thiết bị quân sự và khí tài cũng đủ để để thị uy cả với Ukraina, cả với châu Âu và nhất là với Mỹ.

Thêm vào đó như nhà nghiên cứu Taniana Kastouéva-Jean, viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI ghi nhận trên đài truyền hình Pháp France 5 (hôm 16/02/2022), phản ứng thái quá của phía Mỹ về nguy cơ Nga xâm chiếm Ukraina bắt đầu tạo ra một sự rạn nứt giữa Kiev với Washington. 

Đành rằng về mặt chính thức tổng thống Zelensky một mực tin tưởng vào « anh cả » Hoa Kỳ nhưng Kiev ý thức được rằng Mỹ không đưa quân sang Ukraina trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định điều đó. Chính quyền Zelensky « kẹt giữa hai làn đạn » và trong mọi trường hợp, « trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết ». Đó là lý do giải thích vì sao Kiev đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên « bình tĩnh ». Đây có thể là dấu hiệu báo trước Ukraina sẽ dừng lại đúng lúc, không gia nhập liên minh quân sự NATO trở thành tiền đồn của phương Tây sát cạnh nước Nga.

Vào lúc các nhà phân tích quốc tế tiếp tục đồn đoán về những nước cờ của Nga về thời điểm Matxcơva ra lệnh xâm chiếm Ukraina, tình báo Hoa Kỳ liên tiếp báo động về khả năng Ukaina bị tấn công thì điện Kremlin đã đạt được mục đích khuynh đảo chính quyền Kiev bằng những phương tiện « không quá tốn kém » như chuyên gia về địa chính trị, Frédéric Encel, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po Paris ghi nhận. Những phương tiện đó gồm các chiến dịch tấn công tin học, dùng lính đánh thuê của nhóm Wagner gây rối tại miền đông Ukraina, hỗ trợ phe nổi dậy đòi ly khai thoát khỏi vòng kiểm soát của Kiev và kèm theo đó là các chiến dịch tuyên truyền làm lung lạc công luận, thí dụ như phao tin Kiev dùng vũ khí được Hoa Kỳ viện trở để chiếm lại Donbass.

Theo giáo sư Encel, đó là những « kênh can thiệp không đòi hỏi nhiều phương tiên tài chính » nhưng cũng đủ sức đem lại hiệu quả mong muốn, cho phép mặc cả ngang hàng với phương Tây để bảo đảm an ninh về lâu dài cho Liên bang Nga. Đó là thắng lợi thứ tư của tổng thống Vladimir Putin.

Bàn thắng thứ 5 quan trọng không kém mà tổng thống Vladimir Putin đang nhắm tới đó là thâu phục trở lại một số các nước từng thuộc ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Sau tuyên bố hôm 17/02/2022 của tổng thống Alexandre Lukachenko, để ngỏ khả năng cho phép Nga triển khai vũ khí, kể cả vũ khí nguyên tử, trên lãnh thổ Belarus là bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy Matxcơva đã ít nhiều đạt được mục tiêu này.

Tuy vậy cuộc đọ sức giữa một bên là tổng thống Vladimir Putin và bên kia là các nước phương Tây vẫn chưa hạ màn. Giám đốc viện nghiên cứu về Ukraina, European Expert Association, Maria Avdeeva cho rằng Matxcơva sẽ tiếp tục cứng giọng với Âu- Mỹ cho đến khi nào được « công nhận là một đối tác ngang hàng ». 

Hơn nữa, thắng lợi của chủ nhân điện Kremlin chưa được trọn vẹn, bởi như chuyên gia về Nga, Fiona Hill, viện Brookings ghi nhận : những tính toán của tổng thống Putin về Ukraina là động lực khiến NATO và Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết hơn. Đó có lẽ đã là một nước cờ không nằm trong kế hoạch của Vladimir Putin.



2) Ukraine "thương tích nặng nề", đau hơn xát muối

Dù cho chưa có viên đạn nào được bắn ra, Ukraine đã nhận về những "thương tích nặng nề" đầu tiên từ đòn đánh của Tổng thống Putin.

Kể từ tháng 11/2021, Nga đã liên tục vây hãm Ukraine từ phía bắc, phía đông và phía nam với lực lượng tiềm tàng lên tới hơn 130.000 quân. Hoạt động bồi đắp quân sự này được coi là lớn nhất ở châu Âu trong ba thập kỷ qua và làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột lớn nhất trên lục địa kể từ Thế chiến II.

Đã liên tục có những cảnh báo của phương Tây về khả năng Nga sẽ tấn công chỉ trong một vài ngày tới, dù Moscow luôn lên tiếng bác bỏ. Điều đặc sắc là dù cho chưa có viên đạn nào được bắn ra, tờ New Voice of Ukraine đánh giá Kiev đã nhận về những "thương tích nặng nề" từ đòn đánh của Tổng thống Putin.

Không ngạc nhiên khi sự tinh quái của ông Putin đã khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế sợ hãi. Trong khi công chúng mải nhìn vào những hình ảnh vệ tinh về hoạt động tích lũy quân của Nga, bên trong Ukraine, tình hình kinh tế thực sự tồi tệ.

Do ảnh hưởng của căng thẳng vài tháng qua, chính phủ Ukraine và các công ty lớn của Ukraine đều không thể phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng hryvnia của Ukraine mất giá, giảm xuống mức thấp so với đồng đô la. Trong khi đó, gần như tất cả đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đã không còn.

Với tình hình không ổn định, các doanh nghiệp ngày càng miễn cưỡng trong việc đưa ra các cam kết tài chính và một số công ty đa quốc gia đã yêu cầu nhân viên phải rời khỏi đất nước.

Bảo hiểm đã trở thành một vấn đề đau đầu đối với nền kinh tế Ukraine, khi các công ty bảo hiểm vận chuyển và các chuyến bay thương mại giương cao cờ đỏ về những nguy hiểm khi đi tới Ukraine. Không cần phải nói, ngành du lịch và kinh doanh lữ hành gần như bị gián đoạn.

Trong vài năm qua, tỷ lệ bảo hiểm cho Ukraine - ngoại trừ Donbass, nơi mà các công ty bảo hiểm luôn tránh xa - đã tăng vọt. Vào cuối năm 2016, một công ty có 10 triệu USD sẽ phải trả khoản phí bảo hiểm hàng năm là 55.000 USD. Ngày nay, phí bảo hiểm là 250.000 USD.

Mặc dù không có số liệu chính xác, nhưng sẽ hợp lý khi cho rằng mối đe dọa về một cuộc tấn công toàn diện của Nga đã khiến Ukraine mất hàng tỷ USD, gây ra khó khăn lớn đối với quốc gia này.

Khó định lượng hơn là cái giá phải trả về cơ hội kinh tế bị mất đi trong tương lai. Nói một cách đơn giản, các chiến thuật đe dọa của chính quyền Putin là một cách tuyệt vời để vây hãm Ukraine trong tình trạng kinh tế tồi tệ và dễ bị tổn thương trước sức ép của Điện Kremlin.

Trông chờ vào sự cứu trợ bên ngoài

May mắn thay, xuất phát điểm tài chính của Ukraine vào đầu cuộc khủng hoảng là khá tốt. Nợ công của nước này đã giảm xuống dưới 50% GDP, trong khi nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều từ giá hàng hóa nông nghiệp và quặng sắt tăng cao trong hai năm qua.

Các đối tác phương Tây của Ukraine cũng tăng cường cung cấp tài chính. IMF được cho là sẽ sớm cử một phái đoàn tới Ukraine và có ý định ký kết một thỏa thuận mới ngoài 2,2 tỷ USD còn lại trong thỏa thuận dự phòng trị giá 5 tỷ USD sẽ được giải ngân vào mùa xuân năm 2022.

Liên minh châu Âu đã cung cấp 1,2 tỷ EUR hỗ trợ tài chính kinh tế vĩ mô. Pháp đã cung cấp số tiền tương tự. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề nghị bảo lãnh khoản vay 1 tỷ USD, trong khi Canada đề nghị 0,5 tỷ USD. Nhìn chung, con số này chiếm khoảng 6,4 tỷ USD.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu đều có thể cung cấp khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. Cùng các quỹ song phương khác, tổng hỗ trợ tài chính của Ukraine vào năm 2022 sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Với sự ủng hộ của quốc tế và ý chí chính trị thống nhất, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể đưa Ukraine đi đúng hướng và là cách duy nhất để đối đầu trước sức mạnh to lớn của Nga.

Nhưng đó là câu chuyện của thì tương lai. Ở hiện tại, ông Putin có lý do để hài lòng khi có thể khiến các doanh nghiệp Ukraine ngã gục mà không cần đưa xe tăng qua biên giới.

Nguồn: Tổng hợp từ tin trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét