Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Viễn cảnh kinh tế Á Châu

Viễn cảnh kinh tế Á Châu
Khi hội nhập vào kinh tế ASEAN rồi cả khối TPP có 800 triệu dân, Việt Nam có thể trui rèn khả năng cạnh tranh và còn tìm ra nhiều nguồn cung ứng khác về đầu tư, kỹ thuật và nguyên vật liệu để khỏi lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc rồi bị Bắc Kinh uy hiếp về an ninh. Người dân Việt Nam phải được biết rõ hơn về những ngả đường mới và sẽ tự chuẩn bị cho mình cơ hội tranh thủ những mục tiêu cao xa hơn. Hãy nhớ đến kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan tại Đông Bắc Á để khỏi làm một nước chậm tiến trong khối ASEAN hay là một quận huyện vệ tinh của Bắc Kinh.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015. AFP
Sau khi Hiệp ước TPP vượt qua được một bước then chốt vào mùng năm vừa qua, tình hình kinh tế của các nước Đông Á sẽ biến chuyển ra sao? Câu hỏi đó dẫn chúng ta về hai đầu máy kinh tế trong vùng là Trung Quốc và Nhật Bản và về những bài toán an ninh đang đặt ra trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên Lam yêu cầu chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa phân tích bối cảnh đó trong chương trình Diễn đàn Kinh tế tuần này.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, chúng ta còn non ba tháng nữa là sẽ hết năm 2015 đầy biến động kinh tế tài chính lẫn an ninh trên toàn cầu. Nếu việc Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương gọi tắt là TPP đã tiến được một bước then chốt sau năm năm đàm phán giữa 12 quốc gia trên vành cung Thái bình dương, người ta chưa thấy ngay kết quả vì từng nước còn phải vượt qua tiến trình phê chuẩn và tổ chức để áp dụng. Trong khi ấy, kinh tế Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu trì trệ đáng ngại cho các nước khác trong khu vực. Vì vậy, kỳ này chúng tôi xin đề nghị ông trình bày cho bức tranh toàn cảnh của khu vực Đông Á trong những tháng cuối năm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi theo dõi tình hình và nhất là trước sự quan tâm của thính giả, tôi xin đi vào vấn đề an ninh trước khi phân tích tình hình kinh tế.

- Trước hết, khi thăm viếng Hoa Kỳ tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố bên Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa biển Đông Nam Á. Sự thật không hẳn như vậy vì Bắc Kinh tiếp tục củng cố hệ thống quân sự trên các đảo nhân tạo họ xây dựng tại vùng quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp với các nước. Cũng vì vậy mà Hoa Kỳ bắn tiếng là sẽ điều động chiến hạm vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo này để khẳng định việc bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước. Thật ra chiến dịch mệnh danh “tự do hàng hải”, gọi tắt là “Fonop” mới chỉ được các giới chức Mỹ loan báo chứ chưa có cơ sở hay thời điểm rõ rệt bằng cuộc thao dượt hải quân mệnh danh là “Malabar” giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ dương. Năm nay lại có thêm Nhật Bản với sự tham gia của hàng không mẫu hạn Theodore Roosevelt cùng một tiềm thủy đĩnh nguyên tử. Tôi thiển nghĩ rằng đấy là chỉ các tín hiệu thăm dò vì cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và Nhật Bản đều đang có ưu tiên khác.

Nguyên Lam: Như vậy, ông cho là việc chiến hạm Hoa Kỳ xuất hiện tại vùng biển Đông Nam Á trong vài ngày hay vài tuần nữa như các giới chức quân sự Mỹ đã bắn tiếng chỉ là tín hiệu trắc nghiệm phản ứng mà thôi? Thế thì ưu tiên của Trung Quốc trong thời gian tới là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hôm Thứ Ba 13 vừa qua, chúng ta có thêm chỉ dấu từ Trung Quốc về nạn kinh tế sa sút qua thống kê suy sụp về xuất nhập khẩu trong Tháng Chín khiến các thị trường tài chính thế giới đều sụt giá. Như vậy, xu hướng đình đọng kinh tế của Trung Quốc ngày càng rõ hơn và dù Bắc Kinh có can thiệp vào các thị trường cổ phiếu hay ngoại hối thì cũng chỉ để hãm đà suy giảm chứ không thể đảo ngược nổi trào lưu này.

- Nói về ưu tiên thì trong Tháng 10 này lãnh đạo Bắc Kinh phải tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ 5 của Khóa 18 để 205 Ủy viên Trung ương đảng hoàn tất văn kiện chỉ đạo cho Kế hoạch năm năm, từ 2016 đến 2020. Sau kỳ họp đó, ta sẽ thấy Bắc Kinh xác định thực tế suy trầm và đề ra nhiệm vụ phương hướng cải cách và quản lý kinh tế cho năm tới. Các nước nên theo dõi việc thảo luận, tranh luận hay chỉ tiêu tăng trưởng năm tới để thẩm định khả năng quản lý kinh tế của Bắc Kinh.

- Ngoài ra, cũng thuộc bối cảnh cần chú ý, lãnh đạo Trung Quốc còn phải tiến hành đợt kiểm tra thứ ba và sau cùng của chiến dịch diệt trừ tham nhũng và truy cứ trách nhiệm đảng viên cán bộ trong vụ sụt giá cổ phiếu lẫn các tai họa dồn dập tại Thiên Tân trong Tháng Tám vừa rồi. Cũng trong chiều hướng ấy, ta còn phải xét tới số phận của 26 doanh nhiệp nhà nước đã bị điều tra về tham nhũng để thẩm xét ý chí cải cách cơ chế và chuyển hướng kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc.

Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì từ nay đến cuối năm, ưu tiên của Bắc Kinh là giải quyết các bài toán kinh tế và chính trị nội bộ nên những biểu dương về sức mạnh quân sự họ trình bày trong Tháng Chín có khi chỉ là mặt nổi bên ngoài đế trấn an ở bên trong, có phải vậy không?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ thế và không mấy lạc quan về khả năng ứng  phó của họ mà chờ đợi hàng loạt tin tức về thanh lọc hàng ngũ hoặc truy lùng các ngân hàng chui đã dính dấp vào việc tẩu tán tài sản ra ngoài. Ngoài một núi nợ xấu thì giải quyết các bài toán kinh tế tài chính ấy là công việc gần như toàn thời của các cơ quan hữu trách trong bộ máy đảng và nhà nước. Tôi e rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp nhiều khó khăn hơn là bên ngoài có thể nghĩ.


Nguyên Lam: Bước qua nền kinh tế đứng hàng thứ ba của địa cầu là Nhật Bản thì ông thấy tình hình ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã lấy rủi ro lớn khi tiến hành việc bình thường hóa vai trò quân sự của Nhật qua một khóa họp kéo dài của Hạ viện và tung ra một kế hoạch cải cách mới. Uy tín của Chính quyền có sa sút nên ông Abe vừa phải cải tổ Nội các và trong mấy tháng tới sẽ ra sức kích thích kinh tế. Với lạm phát không tăng, xuất khẩu sút giảm trong tình trạng trì trệ chung của khu vực Đông Á, kể cả Trung Quốc, Nhật Bản sẽ còn bơm tiền và có khi chấp nhận tình trạng ngược ngạo là tài trợ với lãi suất âm. Có thể là vào một kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh của việc áp dụng Hiệp ước TPP.

Nguyên Lam: Thưa ông, giữa hai cường quốc kinh tế đều có vấn đề nan giải trong nội bộ thì các quốc gia Đông Nam Á sẽ xoay trở thế nào?
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chúng ta cần chú ý đến ba chuyện trước mắt. Thứ nhất là tình trạng sa sút kinh tế của Trung Quốc sẽ còn gây nhiều biến động cho các nước lân bang, nhất là khiến hối suất hay tỷ giá đồng bạc càng giảm so với đồng Mỹ kim. Thứ hai, nạn sụt giá nguyên nhiên vật liệu, kể cả xăng dầu, tiếp tục gây khó khăn cho các nước xuất khẩu thương phẩm. Thứ ba là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ phải nâng lãi suất, dù rất nhẹ và nhiều phần là vào tháng cuối năm khiến các nước Đông Nam Á càng thêm kẹt vì khung cảnh quốc tế.

- Trong ngắn hạn thì như vậy, nếu nhìn ra một viễn ảnh xa hơn thì ta không quên là từ năm 1997 rồi từ Thượng đỉnh tại Bali của Indonesia vào năm 2003, Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN đã đề xuất sáng kiến hội nhập kinh tế vào một khối thống nhất. Đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC. Tiêu chí của kế hoạch lớn lao này là thành lập một thị trường chung cho toàn khối vào năm 2020. Nhưng đến Thượng đỉnh của khối ASEAN vào cuối năm 2007, các nước quyết định hoàn thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN sớm hơn hạn định, không phải là năm 2020 mà vào cuối năm 2015, ngày 31 Tháng 12 tới đây. Ngay trước mắt thì kỳ hạn ấy là một dịp cho các nước kịp thời thực thi việc hội nhập về cả kinh tế lẫn xây dựng hạ tầng cơ sở với nhau hầu tránh được những hiệu ứng bất lợi đến từ Trung Quốc hay Nhật Bản.

Nguyên Lam: Tức là trong khi dư luận quốc tế xôn xao và chú ý đến Hiệp ước Xuyên Thái bình dương TPP thì 10 nước của Hiệp hội ASEAN đã có một kế hoạch hội nhập từ trước rồi và đến cuối năm nay thì coi như phải hoàn tất. Thưa ông, đặc tính của việc hội nhập ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ 12 năm trước, Hiệp hội ASEAN muốn lập ra một thị trường chung cho toàn khối, từ sản xuất đến buôn bán với nhau, trong mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh và phát triển công bằng của cả khu vực và hội nhập khu vực này vào nền kinh tế toàn cầu. Muốn tiến tới một thị trường có bốn đặc tính ấy, các nước đã vạch ra lộ trình hợp tác như phát triển nhân dụng, tiêu chuẩn hóa khả năng chuyên môn của nguồn nhân lực và thường xuyên tham khảo ý kiến chung về chính sách kinh tế, tài chính và về các biện pháp tài trợ xuất nhập khẩu, v.v…

- Ngoài ra, trước khi Bắc Kinh quảng cáo cho “Con Đường Tơ Lụa” hay tung sáng kiến và bạc tiền về “Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu”, gọi tắt là AIIB, thì thật ra Hiệp hội ASEAN đã đề xướng việc nối kết mạng lưới hạ tầng cơ sở vật chất lẫn điện tử giữa các nước, tạo nền móng cho việc giao dịch và lập ra chuỗi cung ứng trên không gian mạng, kêu gọi sự tham gia của tư doanh, v.v….

- Người ta quá chú ý đến ảnh hưởng của Trung Quốc mà quên rằng các nước ASEAN đã tiến hành những việc cụ thể ấy trong thực tế với nhịp độ khá nhanh. Vì vậy mà họ mới đặt kỳ hạn hoàn thành sớm hơn. Tôi nghĩ rằng trong khi chuẩn bị điều kiện hội nhập vào khu vực TPP sẽ chỉ có trong thực tế của vài năm tới, Việt Nam nên cho quốc dân và doanh nghiệp biết rõ hơn về sự xuất hiện của Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong vài tháng tới, trước khi ASEAN chính thức công bố vào ngày 31 Tháng 12 này. Đấy cũng là một bước không nhỏ cho nỗ lực “Thoát Tầu” và khai thác cơ hội mới của một kỷ nguyên mà kinh tế Trung Quốc hết còn là hãng xưởng toàn cầu như trong mấy chục năm qua. Việc hội nhập kinh tế ASEAN còn là mối lợi an ninh chiến lược khi Bắc Kinh đang uy hiếp nhiều nước trong khu vực.

Nguyên Lam: Khi chúng ta tạm tổng kết về tình hình kinh tế trong mấy tháng cuối năm thì Nguyên Lam thấy viễn ảnh ngắn hạn có thể là sự sa sút hay suy trầm xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn xa hơn chân trời ngắn hạn của một năm thì các nước Đông Nam Á và riêng Việt Nam cũng có nhiều triển vọng khả quan và rộng lớn hơn cho lâu dài. Thưa ông có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ như vậy và cho là Việt Nam đang có một bước hội nhập chặt chẽ hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN dù sao cũng đã quen thuộc và gắn bó. Từ bước hội nhập đó như một cuộc thao dượt, Việt Nam có thể mở ra một khung cảnh hợp tác rộng lớn và đa diện hơn, đó là Khu vực TPP. Muốn như vậy thì nên rà soát lại xem các xứ khác chuẩn bị và tổ chức ra sao để gia tăng khả năng cạnh tranh bằng năng suất cao chứ không bằng lương thấp.

- Khi hội nhập vào kinh tế ASEAN rồi cả khối TPP có 800 triệu dân, Việt Nam có thể trui rèn khả năng cạnh tranh và còn tìm ra nhiều nguồn cung ứng khác về đầu tư, kỹ thuật và nguyên vật liệu để khỏi lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc rồi bị Bắc Kinh uy hiếp về an ninh. Người dân Việt Nam phải được biết rõ hơn về những ngả đường mới và sẽ tự chuẩn bị cho mình cơ hội tranh thủ những mục tiêu cao xa hơn. Hãy nhớ đến kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan tại Đông Bắc Á để khỏi làm một nước chậm tiến trong khối ASEAN hay là một quận huyện vệ tinh của Bắc Kinh.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi hôm nay.

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét