Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Ngẫm chuyện tượng đài xứ người

Ngẫm chuyện tượng đài xứ người
Văn hóa tượng đài, ở xứ người, hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nhận thức qui hoạch tượng đài, đến cách biến qui hoạch ấy thành giá trị thẩm mỹ bền vững và thói quen tôn vinh người được dựng tượng...

Bức tượng người sáng lập Apple - Steve Jobs 
mới được đặt ở Budapest. Ảnh: Pilotafrica
Nếu bạn có dịp đi đến nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này: hầu như không thành phố nào, lớn hay nhỏ, lại không có tượng và tượng đài ngoài trời. Điều đáng chú ý nữa là, tất cả các tượng và tượng đài ngoài trời ấy, dù mới dựng vài chục năm hay vài trăm năm trước, đều được làm bằng chất liệu bền vững là đá hoặc đồng. Điều đáng kinh ngạc nữa không thể bỏ qua: tuyệt đại đa số các bức tượng ấy đều là các tác phẩm điêu khắc có đẳng cấp về tay nghề sáng tạo. 

Tượng đài được dựng lên là để ghi nhớ công lao của một người hoặc để tôn vinh những giá trị nào được xem là phổ biến đối với quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Vì vậy, tượng được làm bằng chất liệu nào và đặt ở những vị trí nào luôn được xem là những nguyên tắc quan trọng. Không thể có một qui hoạch đô thị nào, vùng dân cư nào có thể được xem là văn minh nếu trong qui hoạch ấy thiếu các không gian công cộng và các công trình (văn hóa) công cộng quan trọng trong đó có tượng và tượng đài.

Ở Hungary có đến gần 1.000 tượng và tượng đài đã được dựng lên tại thủ đô Budapest và các vùng dân cư khác, dù đó là làng xã hay thị trấn. Năm 2008, khi người viết bài này đưa đoàn công tác của sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm việc với chính quyền Budapest, phía bạn cho biết: trong số gần 1.000 tượng và tượng đài hiện có ở Hungary, khoảng một phần tư được xây dựng sau năm 1945, còn lại đều làm trước đó, nhiều tượng và tượng đài đã có từ vài trăm năm. Chất lượng công trình tượng đài về mặt nghệ thuật điêu khắc và vật liệu xây dựng đều còn tốt.

Hai nguyên nhân quan trọng đưa tới kết quả ấy. Thứ nhất, sự lựa chọn và thẩm định chính xác ngay từ đầu tác giả điêu khắc và chất liệu làm tượng để đảm bảo giá trị thẩm mỹ và sự bền vững theo thời gian. Tất cả các tượng đều được làm bằng đá hoặc bằng đồng và có thể nói đều đạt tới hoàn hảo, bất kể đó là tượng có kích thước lớn hay nhỏ. Thứ hai, luôn có trong ngân sách của chính quyền trung ương và địa phương khoản chi phí gìn giữ và duy tu công trình tượng và tượng đài.

Ở khu du lịch Hồ Balaton nổi tiếng, trong một khoảng rừng tự nhiên có cây cao, có thảm cỏ, có những lối đi trồng hoa và những băng ghế gỗ, khách nghỉ chân có thể ngắm nhìn những cụm tượng nhỏ đặt rải rác. Mỗi bức tượng kể với người đời nay về họ tên, năm sinh năm mất và công tích đáng nghi nhớ của các bậc tiền nhân bằng những dòng chữ khắc trên biển đồng hoặc khắc thẳng vào chân tượng bằng đá. Không có rêu phong và rác thải xung quanh khu vực tượng đài. Nhưng hoa tươi thì thỉnh thoảng vẫn được ai đó đặt trang trọng bên chân tượng. Văn hóa tượng đài hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác như vậy đó, từ nhận thức qui hoạch tượng đài, đến cách biến qui hoạch ấy thành giá trị thẩm mỹ bền vững và thói quen tôn vinh người được dựng tượng.


Tượng sư tử uy nghi ở quảng trường Trafalgar. Ảnh: World-visits

Ở London, tượng đài được đặt tại rất nhiều vị trí quan trọng của thành phố. Chỉ cần nêu một ví dụ về cụm tượng đài ở quảng trường Trafalgar – được mệnh danh là “trái tim của London” để biết Hoàng gia và Chính phủ Anh chú trọng qui hoạch tượng đài và điều chỉnh cẩn trọng như thế nào. Quảng trường Trafalgar thuộc tài sản của Hoàng gia Anh nhưng do chính quyền London quản lý. Được xây dựng để tôn vinh trận thủy chiến Trafalgar vẻ vang của Hoàng gia Anh trong cuộc chiến tranh với Napoleon (21.10.1805), quảng trường Trafalgar có công trình chính là tượng đài hình trụ (column) cao vút với tượng của Đô đốc Lord Nelson đặt trên định cột và dưới chân tượng đài là 04 tượng sư tử lớn uy nghi bằng đá – biểu tượng sức mạnh của Hoàng gia Anh. Từ trên ban công mặt tiền của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh quảng trường tuyệt đẹp với cụm tượng các nữ thần đặt trên đài phun nước hình tròn và một số tượng danh nhân lịch sử tiêu biểu như tượng Henry Havelock – Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Anh chết trận ở Ấn Độ năm 1857; tượng Geoge Washington – người đã lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến tranh với nước Anh và là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.v.v

Quảng trường Trafalgar khởi công năm 1820 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư John Nash và hoàn thành vào năm 1840. Trong cụm công trình quảng trường Trafalgar còn có Bảo tàng mỹ thuật quốc gia và Nhà thờ Saint Paul danh tiếng. Đứng giữa quảng trường Trafalgar mới thấy được sự hài hòa của toàn cụm kiến trúc tượng đài, không tượng nào bị che khuất về tầm mắt hoặc thiếu sự hài hòa về kích thước. Mỗi bức tượng có thể xem là một tuyệt tác điêu khắc bằng chất liệu đồng và đá. Từ qui hoạch hoàn chỉnh này, Hoàng gia Anh và chính quyền Wesminster London những năm sau đó đã tiếp tục mở rông không gian 2000 mét vuông nữa để biến Trafalgar thành nơi tụ tập của công chúng, nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Hoàng gia và đất nước. Việc mở rộng diện tích sinh hoạt công cộng đảm bảo nguyên vẹn vị trí và tầm nhìn đối với các tượng đài nằm trên quảng trường. Công chúng nườm nượp kéo đến đây tham dự các sự kiện lớn hàng năm như lễ đón chào Noel, đón chào năm mới, khởi động các chiến dịch thể thao quốc gia và quốc tế.

Tháng 7.2011, chiến dịch quảng bá cho các tập phim kết thúc loạt phim Harry Porter cũng diễn ra tại đây với sự hiện diện của gần 10.000 khách. Qui hoạch cụm tượng đài trên quảng trường Trafalgar cho thấy tầm nhìn xa của những người quản lý đô thị London cách nay 191 năm. Giá trị của tầm nhìn ấy là đã đem lại cho London một địa điểm vô cùng danh tiếng, thu hút khách du lịch chỉ đứng sau cung điện Burkingham. 


Tượng chú chó tên Bobby ở Edinburgh

Nhưng, nếu nói về cách nhận thức và cách làm tượng đài ở xứ người, điều làm cho người viết bài này thực sự khâm phục và thú vị chính là câu chuyện một chú chó được dựng tượng ở thành phố Edinburgh – thủ phủ của Scotlan. Chú chó ấy có ông chủ là một người Edinburgh tên John Grey. Chú chó tên Bobby ấy rất khôn ngoan và giúp ích rất nhiều cho chủ của mình, luôn theo sát ông chủ như hình với bóng. Khi chủ của Boby qua đời vào năm 1858, Bobby mới hai tuổi. Chú chó nhất định không rời ngôi mộ của ông chủ mình, nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, từ chối mọi sự chăm sóc và lời mời mọc về nhà, chỉ để được nằm bên ngôi mộ. Cứ như thế suốt 14 năm, Bobby chết vào năm 1872 và được con cháu ông Greig làm tang lễ và chôn bên cạnh chủ của chú với tấm bia mộ ghi: Bobby, chết năm 1872, được 16 tuổi...

Câu chuyện về Boby kéo dài suốt 14 năm, lan truyền sâu đậm trong đời sống của người dân Edinburgh. Và, chính quyền thành phố đã quyết định cho phép dựng tượng chú chó Bobby tại chỗ gần nơi xưa kia là nhà của gia đình Greig, nay là ngôi nhà mang tên Greifriars Bobby. Đến Edinburgh, một trong những câu chuyện người dân kể cho du khách nghe là tượng chú chó Bobby – được dựng lên để tôn vinh lòng trung thành, một trong các giá trị sống mà con người cần có./.

Nguyễn Thế Thanh
http://nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/do-thi-dang-song/7220/ngam-chuyen-tuong-dai-xu-nguoi.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét