Tham nhũng ở Trung Quốc: Tác động và giải pháp
Hai nét đặc biệt của nền kinh tế Trung Quốc giúp giải thích tại sao TQ tham nhũng nhiều mà vẫn tăng trưởng kinh tê cao. Thứ nhất, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những khoản đầu tư công lớn một cách bất thường, điều mà theo nghiên cứu của tôi dường như không bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi tham nhũng. Thứ hai, vì xã hội được kiểm soát chặt chẽ nên nó dẫn đến tham nhũng có tổ chức. Khi các nhà chính trị học cho rằng tham nhũng đôi khi có thể giúp nền kinh tế phát triển, họ thường nghĩ tới Trung Quốc như một ví dụ điển hình. Trong một nền kinh tế mà một số ngành vẫn bị trói buộc bởi những luật lệ và bị quản lý một cách sâu rộng, những khoản hối lộ để đổi lấy giấy phép đôi khi có thể mang lại một phần nào đó bề ngoài của một thị trường tự do.
Quả thật, tuy tham nhũng thường gây tác hại đến phát triển kinh tế, nhưng có lập luận cho rằng sau khi Trung Quốc bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường vào cuối những năm 1970, tham nhũng là một điều xấu xa cần thiết, bởi vì hoàn cảnh khởi đầu đặc biệt của nước này, đó là sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và quy mô thương mại quốc tế hạn chế.
Tuy nhiên, giờ đây những nỗ lực chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến người ta phải xem xét lại ảnh hưởng của tham nhũng đến nền kinh tế Trung Quốc. Do sự thay đổi và hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu, hạn chế tham nhũng bây giờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao.
Hầu hết những nhà kinh tế nào đã phân tích ảnh hưởng của tham nhũng đều đi đến kết luận rằng tham nhũng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Trong một nghiên cứu thực nghiệm trên nhiều quốc gia đầu tiên về vấn đề trên và được xuất bản 20 năm trước, tôi chỉ ra rằng mức độ cảm nhận tham nhũng càng cao (dựa vào khảo sát các nhà đầu tư) thì sẽ dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế càng chậm, phần lớn bởi vì đầu tư tư nhân sụt xuống thấp hơn. Nhưng không có một mối liên hệ giữa tham nhũng và giảm đầu tư công trong dữ liệu khảo sát đa quốc gia, có thể bởi vì những dự án cơ sở hạ tầng lớn tạo ra nhiều cơ hội để “đút lót”.
Những kết quả trên đã được lặp lại bởi rất nhiều nhà nghiên cứu và được chứng thực bởi nhiều nghiên cứu dựa trên các mẫu và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Các nghiên cứu đầu tiên, kể cả của tôi, dựa theo cảm nhận của các nhà đầu tư (về tham nhũng) vào đầu thập niên 1980, và vì thế chỉ tập trung vào các nền kinh tế thị trường (chúng ta có thể hiểu vì sao công ty tư vấn chịu trách nhiệm khảo sát vào lúc đó không phân tích các nước cộng sản). Bất luận thế nào thì Trung Quốc, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh đến mức chóng mặt cộng với tham nhũng sâu rộng, vẫn là một trường hợp cá biệt lớn.
Hai nét đặc biệt của nền kinh tế Trung Quốc giúp giải thích tại sao họ có thể bơi ngược dòng được. Thứ nhất, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi những khoản đầu tư công lớn một cách bất thường, điều mà theo nghiên cứu của tôi dường như không bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi tham nhũng. Thứ hai, vì xã hội được kiểm soát chặt chẽ nên nó dẫn đến tham nhũng có tổ chức. Như các nhà kinh tế học Andrei Schleiger và Robert Vishny lập luận hồi đầu thập niên 1990, điều này ít gây hại hơn là tình trạng tham nhũng đến mức hỗn loạn mà các nước trong khối Liên Xô cũ phải trải qua trong những năm chuyển đổi chính trị đầu tiên.
Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp biết phải hối lộ ai và phải chi bao nhiêu, và họ có thể yên tâm rằng, đổi lại họ có thể tiến hành đầu tư. Ngược lại, khi mà tham nhũng ở mức hỗn loạn, thì các doanh nghiệp đối mặt với nhiều điều không chắc chắn hơn, vì khi hối lộ một quan chức này thì vẫn không chắc là mấy vị khác sẽ không đòi chung chi nữa.
Tuy nhiên, rõ ràng là tham nhũng đang lan tràn ở Trung Quốc. Bên cạnh sự vơ vét hối lộ và mua quan bán chức trong quân đội và chính phủ, các phóng viên điều tra phát hiện ra rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc – cũng giống như ở nhiều nước khác – nắm các cổ phần đáng kể trong các công ty lớn (thường là thông qua họ hàng hoặc bạn bè). Điều thú vị ở đây là giá trị của các công ty này có thể gia tăng khi có tin đồn rằng các quan chức quyền lực đứng sau lưng chúng.
Có thể tin rằng, nếu không có tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu thì bước tiến của Trung Quốc hướng tới kinh tế thị trường sẽ không bền vững về mặt chính trị. Bằng cách cho phép các quan chức chính phủ có phần trong miếng bánh tăng trưởng kinh tế , việc tự do hóa nền kinh tế và mở cửa cho thương mại quốc tế – một trong những chìa khóa dẫn đến thành công cho kinh tế Trung Quốc – đã trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng khi Trung Quốc trở thành một nền kinh tế hiện đại và ngày càng hội nhập hơn, thì tham nhũng sâu rộng sẽ gây hại nhiều hơn có lợi. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã đi đến kết luận rằng, từ góc độ của bền vững chính trị (và không tính đến khả năng tranh chấp quyền lực trong nội bộ), thì quá nhiều quan chức trong nhóm các “đại gia” sẽ làm “dân đen” tức giận.
Từ góc độ kinh tế, với việc Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với những luật lệ của thương mại quốc tế và một nền kinh tế phát triển chậm lại, những lập luận ủng hộ chống tham nhũng đã trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Như phân tích rất thuyết phục của Nicholas Lardy cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng được dẫn dắt bởi thị trường thay vì nhà nước, và các công ty tư nhân sẽ là nguồn lực tăng trưởng quan trọng trong những năm tới. Nhưng nếu muốn điều này xảy ra thì khối tư nhân phải không bị cản trở bởi tham nhũng.
Không may thay, việc bắt bớ các quan chức cao cấp như đã diễn ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây không đủ để giảm mức tham nhũng một cách bền vững. Giảm mức can thiệp sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế và khuyến khích cạnh tranh mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm những đặc lợi gần đến mức độc quyền vốn đã khuyến khích tham nhũng. Điều này nếu muốn xảy ra thì các thủ tục rườm rà phải được cắt giảm và nền kinh tế phải được giảm điều tiết.
Thách thức chính trị lớn nhất trong tương lai gần sẽ là làm sao thuyết phục được các quan chức chính phủ chấp nhận một tầng lớp doanh nhân ngày càng lớn mạnh và giàu có hơn quan chức, trong khi tiếp tục cải cách nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
Nguồn: Paulo Mauro, “Curbing Chinese Corruption”, Project Syndicate, 15/09/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Paulo Mauro là nghiên cứ viên cấp cao tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Curbing Chinese Corruption
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Nguồn: Paulo Mauro, “Curbing Chinese Corruption”, Project Syndicate, 15/09/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Paulo Mauro là nghiên cứ viên cấp cao tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Curbing Chinese Corruption
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét