KIẾP NGƯỜI
Bây giờ thì “nó” đang ở trong nhà bà, đang ngủ trên cái giường mà “nó” đã cùng con trai bà... Lúc tối qua khi bà đang dọn dẹp chuẩn bị đi ngủ, thì ngoài ngõ có tiếng gọi: Bà ơi... Bà Sênh vội lập cập ra cửa giương cặp mắt kèm nhèm nhìn thấy một thiếu phụ dắt thằng bé khoảng lên bốn lên năm bước vào.Bà lão dè dặt:
- Tôi khỏe. Chị đây ...chị đây là?
Người phụ nữ ngồi xuống ghế, quay mặt về phía ánh sáng:
- Dạ con là con bé ngày xưa đã... đã ở đây ba ngày... hồi anh Sinh... Bà không nhớ ra ạ!
- Ôi giời. Sao bây giờ khác thế. Mà sau đấy đi đâu? Thế đây là con chị à? Được mấy tuổi rồi?
Bây giờ thì bà đã nhận ra người của ngày xưa. Mặt thị không khác mấy nhưng người thì hơi đẫy ra. Không biết đến đây có việc gì. Cha tổ bố nhà “nó”... tưởng đã quên rồi bây giờ “nó “lại đến. Duyên nợ gì nữa. Ngày ấy mọi việc đã sòng phẳng rồi mà. Cũng tại mình, thấy nó chăm sóc thằng Sinh chu đáo, thấy thằng Sinh vui vẻ mà mình thương, giữ “nó” ở lại ba ngày. Ba ngày có “nó” trong nhà ấm áp hẳn lên. Đôi lúc mình cảm giác “nó”như đứa con dâu thật sự. Mình giả “nó” nửa chỉ vàng chứ có ít đâu. Nửa chỉ vàng cho ba ngày... Nửa chỉ vàng tích cóp bòn nhặt mấy năm mới có... Nhưng cũng chẳng tiếc. Con bà chả cần ăn, con bà chỉ cần vui... vả lại một ngày nên ngãi... thì nửa chỉ vàng có là gì. Bà nhớ rõ lúc “nó” run run tay cầm nửa chỉ vàng, rồi “nó” lồng vào ngón nhẫn tay trái trong khi mặt cúi xuống ngượng nghịu như muốn nói điều gì. Lúc ấy bà sợ nó kỳ kèo đòi thêm, nên cố đẩy “nó” xéo nhanh đi cho rảnh.
- Ngày ấy con còn làm thêm bên bãi Quất hơn tháng nữa... đến khi biết là có bầu thì buộc phải về, mấy lị mẹ con cũng già yếu quá. Con về nhà được một thời gian rồi sinh thằng bé này.
- Thế bố nó là ai? Bà lão hỏi mà nghe trong bụng hồi hộp.
Người phụ nữ cúi mặt, ngập ngừng:
- Thân phận con... làm sao biết được.
Bà già lại lộn tiết: Cha tổ bố nhà “nó”.... có cái loại đàn bà đẻ con ra không biết bố nó là ai. Thật chả ra cái giống người!
Bà nhìn sang thằng bé. Nó đang giấu mặt vào lòng mẹ. Tự dưng bà thấy có nét gì quen quen. Nhưng trong đầu bà giờ chỉ đậm nét khuôn mặt thân thương dù dị dạng đầu to mắt trố, cặp môi dày xuệch xoạc và cái miệng đầy dãi rớt...
- Hôm nghe tin anh Sinh mất, con có sang... Nhưng không dám vào- Người phụ nữ nói tiếp... Con chỉ biết đứng ngoài. Thân phận con nhơ nhuốc... vào chỉ làm bẩn mắt mọi người... Nhưng con thấy cách bà đối xử với con như là đối với con người, cách mà anh Sinh đối với con... con không thể quên. Một ngày nên ngãi bà nhỉ.
Phải rồi... con trai bà mất sau đấy non một tháng. Bà chả nhớ gì vì lúc ấy bà đang tuyệt vọng. Đang lệt bệt say... nào để ý đến ai. Vả lại con bà đã chết rồi..
- Cùng cực quá mà con phải làm nghề nhơ nhuốc. Được gặp bà, thấy hoàn cảnh của bà, được bà thương yêu thì con tỉnh ra. Khổ như bà mà vẫn sống, vẫn cố lo cho con mình. Con còn trẻ, còn khỏe chả nhẽ lại chịu đầu hàng số phận. Vậy là sau đấy con về quê ở trên Tuyên làm ruộng làm nương nuôi mẹ nuôi con. Rồi cũng đủ sống. Vất vả nhưng thanh thản bà ạ. Thằng bé này chưa biết biển. Lúc nào nó cũng hỏi biển là gì hả mẹ. Con cho cháu xuống đây cho nó biết. Định đưa cháu sang bãi nhưng mà con sợ bà ạ. Sợ cái ngày xưa, sợ người quen chèo kéo... rồi con nhớ ra bên này còn có bà. Nên con xuống xe ở đây xin bà cho mẹ con con nghỉ nhờ một đêm rồi sáng mai con cho cháu sang bãi cho nó biết biển. Chiều mai con lại về Tuyên.
Ôi vậy ra bà đã mừng hụt tưởng là... Cha tổ bố nhà “nó”, biển thì có cái gì mà phải vất vả đầy đọa thằng bé đường xa dặm thẳng. Mà cái thằng bé đến là dễ ngủ... nó đã leo vào lòng mẹ ngủ khì khì. Chắc là cu cậu đi đường mệt. Nhìn mẹ con nó bà lại nhớ về ngày xưa... lúc thằng Sinh còn bé.
Trong buồng có tiếng gọi “mẹ ơi”. Tiếng gọi trong vắt. Như tiếng thằng Sinh ngày còn bé. Bà lão giật mình định chạy vào buồng... Phải rồi, ngày xưa mỗi khi nó ngủ dậy bao giờ cũng cất tiếng trong vắt gọi “mẹ ơi”. Những lúc như vậy dù bận việc gì bà cũng phải chạy vào ôm lấy con trai nựng nịu: “Ôi thằng giống của mẹ”... Còn bây giờ là tiếng gọi của thằng bé con nhà “nó”. Nhưng tiếng gọi ấy làm bà lão tỉnh hẳn. Tỉnh rồi thì ngẩn ngơ nhìn chai rượu trên tay. Thì làm thêm hớp nữa... hơi men xộc lên mũi làm bà lão suýt chết sặc. Cha tổ bố nhà nó... làm sao thế này. Ngồi định thần một tý rồi bà bước ra sân vươn vai nhìn giời đất. Mọi sự vẫn bình yên. Hôm nay chắc nắng to. Hơi lạnh buổi sáng làm bà rùng mình. Thôi phải vào nhà kẻo nhỡ cảm thì khốn. Ai lo cho.
Trong nhà hai mẹ con đã chuẩn bị xong. Người phụ nữ đến trước bà: “Con xin cảm ơn bà. Con xin phép bà mẹ con con đi...”
- Ở lại nấu cơm mà ăn rồi hẵng đi. Cho chắc dạ, cơm hàng cơm quán có đâu ra đâu. Tao dạo này sáng ra chả cơm nước gì. Cứ vài hớp rượu là xong.
- Thôi con xin phép bà. Bà cố giữ gìn sức khỏe. Mẹ con con đi kẻo nắng...
Ngần ngừ một tý rồi người phụ nữ cúi mặt, tay phải vuốt vuốt ngón tay trái lấy ra cái nhẫn:
- Cái này ngày xưa bà cho con. Con đã coi như là kỷ vật quý. Giờ con xin gửi lại để bà dưỡng già.
Bà già ngạc nhiên: cái nhẫn nửa chỉ ngày xưa. “Nó” vẫn còn giữ. Giời ạ. Thì ra “nó” cũng không đến nỗi nào. Tự dưng bà thấy người đàn bà này đã gắn bó với mình trong suốt quãng thời gian qua dẫu rằng chẳng hề gần nhau. Giá mà mẹ con nó...
Bà nhìn thằng bé... Bây giờ trời sáng rõ bà mới nhìn kỹ. Bà gặp những nét thân quen của ngày xưa xa lắc... Thằng Sinh... thằng Sinh... ngày còn bé.
Người phụ nữ cầm lấy tay phải của bà lão, gỡ bàn tay của bà xòe ra đặt cái nhẫn vào lòng bàn tay ấy. Bà lão đờ người đứng như trời trồng.
- Con chào bà nào... rồi mẹ con mình đi- Người mẹ giục đứa con.
Thằng bé khoanh tay cúi đầu:
- Cháu chào bà ạ!
Lại cái giọng trong vắt của thằng Sinh ngày xưa. Con đã về đấy phải không Sinh. Con đã về với vẹn nguyên hình hài tinh khôi mà mẹ cha đã cho. Có phải Sinh không con?
Bà rùng mình. Nhìn ra ngõ. Hai mẹ con nhà “nó” đã khuất bóng.
Linh cảm mách bảo với bà đúng là con thằng Sinh thật rồi. Đúng là cháu bà rồi. Giời ơi! Phúc đức quá. Cháu tôi. Cháu tôi! Như người mộng du, không kịp nghĩ thêm bà hấp tấp chân đất lao ra ngõ.
Vấp phải hòn đá, bà ngã sóng xoài... Đau quá.... Bà thất thanh “Cháu ơi... Sinh ơi”... Không có tiếng trả lời. Ôi giời.... cha tổ bố nhà nó... đến cái tên của hai mẹ con nó bà cũng chưa biết thì lấy gì mà gọi bây giờ.
Chợt bà khựng lại. Cái nhẫn đâu rồi? Thôi kệ! Mất thì thôi. Vàng cũng chẳng để làm gì... Phải gọi thằng cháu của bà quay giở lại. Lạy giời lạy Phật cho thằng bé là cháu ruột của con. Rõ ràng thằng bé là cháu ruột của mình. Ông ơi! Sinh ơi! Nhà mình có người nối dõi rồi. Giời còn thương đến.
Bà thấy ông Sênh đang dệch miệng cười... thằng Sinh cũng đang dệch miệng cười... chân tay khuều khào nhũn nhão... Cười mà như mếu.
Bà lão rùng mình: Cháu ư... Thằng bé đang khỏe mạnh đẹp đẽ như thế... nếu là cháu của bà thì... thì đến mười năm tuổi... thì nó sẽ lại bị... Rồi nó lại bị đọa đày như bố nó. Rồi mẹ nó lại khốn khổ như bà. Giời cao đất dày ơi sao ác thế! Ý nghĩ ấy làm bà lão nghẹn thở. Có cái gì bóp nghẹt quả tim, tựa như có hòn đá nặng đè lên lồng ngực già nua. Máu ứ trên mặt...
Cha tổ bố nhà nó! Sao khổ thế! Bà lão òa khóc nức nở. Rồi bà định thần lại: làm sao thằng Sinh lại có con được cơ chứ. Ý nghĩ ấy làm bà nguôi ngoai đôi chút. Nhưng cái dáng người, khuôn mặt, ánh mắt và nhất là giọng nói của thằng bé vẫn ám ảnh bà. Lạy giời, lạy Phật, lạy Bồ tát cứu khổ cứu nạn. Sinh ra kiếp người mà không cho kiếp người ấy được hạnh phúc là trọng tội. Con có tội! Chỉ vì thương con, ngã lòng một chút... mà con đã làm khổ hai kiếp người. Cầu mong thằng bé không là cháu của con!
Nhưng nếu nó không là cháu của bà thì sao... Ờ nhỉ, dù thế nào thì nó vẫn đáng thương.... mái nhà này vẫn nên cần với mẹ con nó, thằng bé thích biển yêu biển đến thế cơ mà.
Quên cái chân đau. Bà tấp tểnh đi tìm thằng Vường. Sực nhớ thằng Vường đã đi xuất khẩu lao động mấy năm nay rồi! Giời ơi lú lẫn hết rồi... Tìm ai bây giờ, nhờ ai bây giờ... bà tất tả chạy như người ngủ mơ, vừa chạy vừa lẩm bẩm:
- Con cắn rơm cắn cỏ lạy Giời, lạy Phật, lạy Bồ tát cứu khổ cứu nạn. Cầu mong trên ban cho thằng bé không phải là cháu của con. Nếu con phải chết ngay cũng được, chỉ mong ban cho thằng bé không phải là cháu của con...
http://cuaran.blogspot.com/2014/11/kiep-nguoi-truyen-ngan-cua-mai-tien-nghi_18.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét