Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Những nấm mồ tập thể dần bị lãng quên

Những nấm mồ tập thể dần bị lãng quên
Dấu tích nạn đói Ất Dậu đến nay chỉ còn là bể xương người khổng lồ ở nghĩa trang Hợp Thiện giữa lòng thủ đô và những bãi tha ma Gò Lâu, Mả Quán... còn sót lại ở các vùng quê. Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu / Nạn đói năm 45 trong ký ức người còn sống

Chiều đông, Hà Nội chìm trong cơn mưa phùn và đợt rét đậm kéo dài. Nghĩa trang Hợp Thiện nằm trong ngách sâu hun hút của ngõ 559, đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng. Nếu không muốn bị lạc, người đi viếng phải hỏi thăm mấy lần, rồi gọi điện cho người quản trang theo số điện thoại ghi trên tấm bảng treo ngoài cổng. Năm 2013, nghĩa trang được tôn tạo, mở thêm một cổng từ phía đường Minh Khai. Khách vào nghĩa trang bằng cổng này phải đi nhờ qua bãi đỗ xe của một hãng taxi nên ít người biết đến.



Nơi an nghỉ của nạn nhân trong nạn đói năm Ất Dậu nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Người quản trang tên Đặng Văn Tuyến (63 tuổi) gắn bó với nơi đây tròn 10 năm. Ông kể, khu này trước là ngoại ô Hà Nội, rộng mênh mông. Năm 1968, ông đi qua thấy cỏ lau mọc đầy, không có tường bao quanh. Phố thị đổi thay, Hợp Thiện thu hẹp lại chỉ còn 158 m2.

Bể chứa xương người đã được ốp đá, phần nổi chứa tiểu sành, còn phần xương quy tập nằm dưới lòng đất. Video: Thanh Tùng.

Nghĩa trang chẳng có gì ngoài tấm bia đá khắc bài tế của giáo sư Vũ Khiêu với những lời ai oán: Có cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất; bức tường đơn sơ đắp dòng chữ "Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945"; bệ đặt bát hương, ngôi nhà thờ và bể chứa xương người lớn nhất Việt Nam.

Hàng chục nghìn sinh linh chết không gỗ ván, không bia mộ tìm được nơi mai táng trong một nấm mồ chung. Bể chứa ấy được ốp gạch hoa, bên trên bày hai hàng chậu cảnh. Nếu người quản trang không nói thì chẳng ai hay. Phần nổi của bể chứa nằm trên mặt đất xếp đầy tiểu sành như người ta xếp từng lớp cá. Còn phần chìm sâu dưới lòng đất sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu chính ông không biết.

Trên tường, nơi khách thắp hương treo những hình ảnh quy tập xương cốt đồng bào do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại. Đây là thân hình xác xơ vì đói, nhìn không ra đàn ông hay đàn bà; kia là chồng chất xương sọ được xếp lại trong hầm đem chôn mà người yếu bóng vía sẽ không dám ngắm.

Người dân quê từ các vùng Thái Bình, Nam Định, Hải Dương... ùn ùn kéo lên Hà Nội ăn xin. Người sống ngắc ngoải được đưa xuống trại Giáp Bát, khi ấy còn gọi là làng Tám, thuộc tổng Thịnh Liệt, Thanh Trì. Người đói lả, chết còng queo bên vệ đường thì đưa về đây chôn.

Trông coi nghĩa trang nhiều năm, ông Tuyến biết có nhiều ngôi nhà xây dựng xung quanh khu này, khi đào móng phát hiện đầy xương người lẫn tiểu. "Có nhà đào được hơn 80 chiếc tiểu sành, không mang ra nghĩa trang khác chôn được vì không có đất, đành quây lại một góc nhà rồi để bát hương thờ cúng", ông kể.

Ngày rằm tháng 7 âm lịch, người ta vẫn tổ chức làm lễ cầu siêu cho người đã khuất. Người dân thi thoảng đến viếng vào ngày rằm, mùng một. Còn ngày thường thì nghĩa trang khóa cửa, ai đến gọi thì ông Tuyến mở cửa.

Ông cho hay, người Việt có khi không biết nghĩa trang này, nhưng nhiều người Nhật Bản đến Việt Nam thì lại biết rất rõ ràng. Họ là nhà sử học, nhà nghiên cứu, khách du lịch, có những người từng tham chiến ở Việt Nam. Thậm chí, có người đến đây rồi còn quay lại vài lần. "Mỗi lần đến thắp hương, họ đều nói rằng rất tiếc vì những sai lầm mà thế hệ đi trước đã gây ra thảm họa cho người Việt Nam. Rất nhiều người cúi đầu, nói câu xin lỗi", ông cho hay.



Dòng cảm tưởng của những người Nhật đã đến nghĩa trang Hợp Thiện. Ảnh: Hoàng Phương.

Ở các vùng quê từng được coi là "tâm đói", dấu tích còn lại là một số gò, quán với nhiều cách gọi như Mả Đói, Gò Lâu, Mả Ma...

Trước đây nghĩa địa thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định) nằm cách làng gần 2 km, vốn là chân ruộng ngập nước. Ông Vũ Viết Ruông, nhân chứng nạn đói cho biết, bãi tha ma chôn người chết đói nay đã là ruộng canh tác hoa màu. "Người chết đói nhiều, song từ trước tới nay trong làng không có một ngày giỗ chung, hay một nơi thờ tự để tưởng nhớ đến người xấu số. Họ sống không có miếng ăn, chết không có nơi thờ cúng", cụ ông 85 tuổi ngậm ngùi.

Làng biển Phú Xá (xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa) có nhiều người chết đói nhất xứ Thanh năm Ất Dậu. Nơi chôn cất họ được dân làng gọi tên là cồn Mả Quán. "Người chết nhiều đến nỗi không còn chỗ táng nên mồ cứ lấn dần phần đất của người sống, lấn luôn ra biển. Hầu hết nấm mồ thời đó đã bị sóng biển cuốn trôi hoặc gió và bão cát xóa dần dấu vết. Con cháu đời sau có khi không tìm thấy xương cốt ông cha", ông Nguyễn Xuân Tài, người thôn Thủ Phú (một trong ba thôn của làng Phú Xá) kể.

Cồn Mả Quán nằm sát bờ biển hiện nay được quy hoạch thành khu du lịch. Ông Tài nhớ chuyện mấy năm trước, có lần đơn vị thi công tuyến đường liên thôn gần cồn Mả Quán còn múc được rất nhiều xương ống và sọ người. Người dân xây nhà đào được xương cốt liền lấp đất lại chứ không quy tập sang khu vực khác.

Ông Vũ Viết Ruông (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) chỉ vào mảnh đất chân ruộng, trước đây vốn là nghĩa địa chôn người chết đói ở thôn Tồn Thành. Ảnh:Phương Hạnh.

Nạn đói quét qua Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) khiến xã này chỉ còn lại 1/3 dân số. Xưa kia, 5 thôn trong xã đều có những khu mồ tập thể nằm rải rác. Nay chỉ còn sót lại nghĩa địa Gò Lâu nằm ở thôn Hiên.

"Đến năm 1972, bom Mỹ dội xuống cánh đồng cạnh Gò Lâu. Thanh niên, dân quân xã đi lấp hố bom còn phát hiện nhiều xương cốt bị bom cày xới tung lên. Giờ chân ruộng lấn dần, cũng chẳng còn mấy mộ. Xương cốt của những người chết đói năm ấy, có lẽ tan hết vào cánh đồng thôn Hiên rồi", bà Hoàng Thị Nụ (91 tuổi) nhà cạnh Gò Lâu cho biết. Bà Nụ trầm ngâm bảo, nhắc đến Gò Lâu, Mả Đói, chỉ có các cụ trong làng mới biết là nơi chôn người chết đói, chứ người trẻ sinh sau đẻ muộn thì chịu thôi.

Chủ tịch UBND xã Tây Lương, ông Phạm Ngọc Thạch, thừa nhận: "Tôi nghe các cụ trong làng kể lại nên mới biết đó từng là mộ tập thể của người chết đói. Do quy hoạch đất ở, nhà cửa cứ lấn dần lên, hiện nay vết tích những nơi đó còn lại rất ít. Ngoài nghĩa địa Gò Lâu, trong xã cũng không có nơi nào để tưởng niệm hàng ngàn người chết đói năm ấy".

Ngoài những mộ tập thể có tên, được người xưa chôn cất còn có mộ do vô tình nước lũ đưa về, như ở cửa Ba Lạt (Hồng Thủy, Giao Thủy, Nam Định). Năm xưa, xác chết đói của dân chài trôi từ thượng nguồn về đều nổi ở doi cát gần cửa Ba Lạt. Dân xã Hồng Thuận đã chôn cất và dựng ngôi miếu thờ, lấy tên gọi là Bách Linh. Ngôi miếu ấy giờ trở thành "nhà chung" của người chết đói, chết đuối nơi cửa sông, cửa biển.

Trên khắp 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ từ Quảng Trị trở ra đều có những khu mồ tập thể, như bãi Âm hồn, khu Hai Dốc (thành phố Thái Nguyên), khu mộ ở Làng Trung (Nghệ An) hay những nấm mồ hoang ở Thổ Ngọa (Quảng Bình). Qua thời gian, những cái tên ấy chỉ còn là dĩ vãng. Dưới lòng đất, xương cốt tiêu tan, phía trên đó là trụ sở cơ quan, nhà dân, cánh đồng, trường học.

Nhóm phóng viên
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhung-nam-mo-tap-the-dan-bi-lang-quen-3131869.html




Ý kiến bạn đọc ()
Theo tôi, nên có một ngày tưởng niệm nạn đói năm 1945 để nhắc nhỡ và kêu gọi tất cả mọi người cần tiết kiệm không lãng phí thức ăn 
Abc - 08:42 15/01
Tôi ủng hộ ý kiến của bạn. Đó là nén tâm hương dành cho những đồng bào xấu số và lời cảnh tỉnh cho những người đang sống hôm nay.
Lan Nhi - 08:57 15/01
Rất thích ý kiến của bạn! Giống như phong trào Kế hoạch nhỏ để khuyến khích các cháu bé quyên góp giấy cũ, ngày kỷ niệm nạn đói 1945 cũng có thể là ngày nhắc nhở mọi người tiết kiệm lương thực và tổ chức quyên góp gạo, tặng thức ăn ... cho người nghèo.
Rất cảm ơn VNEX đã đưa tin về nạn đói năm 45, ko có những bài báo này, thế hệ đi sau, chắc chắn sẽ ko bao giờ hiểu hết đc những ngày đen tối của dân tộc ta
được mà bạn, vẫn nghe ông bà kể hoài, có điều không chi tiết từng khu vực thôi,
MÌNH CHỈ NGHE CÁC CỤ NÓI HỌ HÀNG CẢ LÀNG MÌNH DI CƯ VÀO NAM TRÁNH NẠN ĐÓI ...
Vì chiến tranh mang tới quá nhiều đau thương nên chúng ta cần quý trọng hòa bình hơn.
Xin thap 1 nen nhang
tuanmthp - 08:33 15/01
Mấy ngày nay đọc về nạn đói khoé mắt cay cay. 
Dao - 08:41 15/01
Mình cũng vậy không gì đâu thương bằng.. Với lòng chân thành xin dâng 1 nén nhan và cầu mong cho linh hồn họ được siêu thoát.
Thương người dân mình quá. Thật thảm thương! Cầu mong cho linh hồn họ sieu thoát và được hạnh phúc đầy đủ ở kiếp sau.
Cảm ơn Vnexpress rất nhiều, các bạn trẻ nên đọc để hiểu thêm giá trị cuộc sống!
Doc lai nhung bai viet ve nan doi 1945 ma thay dau xot cho dan toc minh.
Sau khi đọc loạt bài về nạn đói năm 1945 tôi mới thấy rõ hơn về tòan cảnh miền bắc lúc bấy giờ, dù học lịch sử và văn học đều nhắc đến những chuyện này từ Chị Dậu, Lão Hạc của Nam Cao cho đến Một Bữa No của ...  
Một bữa no là của Nam Cao bác ạ ^^
Hien Dinh - 11:47 15/01
Ở các khu làng quê Bắc bộ ngày nay, những ngôi trường Tiểu học hay Trung học cơ sở, Ủy Ban đa phần đều là nơi tập kết của những hài cốt người chết đói năm 1945.
Tuan - 15:59 15/01
Ông Nội của con đã mất trong nạn đói, đến nay, con cháu không biết ông mất ở đâu, thời điểm nào, hài cốt còn hay mất. Đến bố con cũng chưa được 1 lần gặp ông. Hôm nay đọc bài này thấy khóe mắt cay xè.
654321 - 09:45 15/01
Đọc bài này tôi cám thấy ngẹn ngào. Sao Việt Nam mình lại có những năm như vậy, Hàng vạn người chết vì đói, rét.. Cám ơn VNE đã đăng bài này để thế hệ trẻ chúng tôi được biết, để quý trọng cuộc sống này hơn, tiết kiệm hơn, ...  
Tôi sống ở phố Minh Khai, mà đến bây giờ qua Vnexpress mới biết có một nghĩa trang chôn những người chết đói năm 1945 ở ngõ 559 Kim Ngưu. Đúng là nên có những bài viết như thế này để người dân Việt Nam hiểu lịch sử nước mình hơn!
Nguyễn - 10:03 15/01
nên xây tượng đài tưởng niệm để nhắc nhở thế hệ sau. 
viettel55 - 10:01 15/01
Chúng ta nên lập 1 đài tưởng niệm cho đồng bào đã chết vì đói, để thế hệ con cháu sau nay nhớ lấy lịch sử đau thương của dân tộc, nhớ về thế hệ ông cha đã ngã xuống, và lấy đó làm ý trí phấn đấu cho lớp trẻ sau này.
Đọc bài báo tôi lại nghĩ đến câu chuyện ông nội tôi kể lại cố những cảnh mẹ chết rồi nhưng con vẫn ôm lấy mẹ đòi bú vì khát sữa...! Thật đau sót thay!
tiep1106 - 10:09 15/01
Tôi cung đã tìm hiễu nhiều bài viết về nạn đói năm 45! Nhưng serie bài viết của vnexpress rất xúc tích và cảm động! Chiến tranh đã mang lại quá nhiều thuong đau cho dân tợc Việt nam! Xin mọi ngưòi hay quy tron no! Thanks again Vnexpress!!!
Đúng vậy chúng ta cần 1 ngày giỗ chung cho họ và để nhắc nhở thế hệ sau về nỗi đau lịch sử và những giá trị của hoà bình. 
Hungphat - 10:03 15/01
Chúng ta đã có nhiều gạo để xuất khẩu, nhưng không bao giờ được để các thế hệ sau quên mất những chuỗi ngày đen tối của dân tộc. Cảm ơn Vnexpress về chuỗi bài viết này.
Khanh Le - 09:55 15/01
Đọc bài thơ của GS Vũ Khiêu mà trào nước mắt. 
Tùng - 09:39 15/01
 Cầu cho các vong linh siêu thoát, ta cần quý thức ăn đừng phung phí!
ky uc buon nhu nay nen lang quen mai mai
at - 08:39 15/01
Không bao giờ được lãng quên, biết, nhớ và tưởng niệm về những ngày đau thương ấy của dân tộc mới thấy sự tự do, hạnh phúc và no đủ ngày hôm nay giá trị đến nhường nào.
com lam - 09:17 15/01
Ký ức này buồn nhưng không thể lãng quên và không bao giờ được phép lãng quên bạn nhé !!!!
chuyện này ,mình dc học trong chương trình. đến nay mới biết địa điểm, có cơ hội mình sẽ ra viếng nhang.
Bóng Ma - 09:45 15/01
Tôi làm nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Có một điều tôi cảm thấy luôn băn khoăn là : Tại sao người Việt nghèo vậy mà họ vẫn hoang phí. Ăn uống đâu được bao nhiêu mà họ gọi la liệt rồi đổ vào thùng rác cả. Trong khi du khách nước ngoài rất nhiều tiền, nhưng họ làm ngược lại... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét