Lời ăn năn của công dân Nhật tại nghĩa trang Hợp Thiện
TP - Mồng một âm tháng bảy trời đã rả rích mưa báo hiệu cho một tiết Ngâu âm u của tháng cô hồn. Tiếp được cái meo của ông Đức Rùa (PGS Hà Đình Đức) đại ý, đã có nhiều thông tin về nghĩa trang Hợp Thiện rồi nhưng có cái này chưa thấy ở đâu viết cả…
Ông Hà Đình Đức tại Khu tưởng niệm…
Nghĩa trang Hợp Thiện là cách nói xưa về cái tên nghĩa trang cũ mênh mông thuở trước của Hà thành nay thuộc phường Vĩnh Tuy quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Những năm giữa bốn mươi của thế kỷ trước, hàng ngàn dân thường vô tội của nội thành, ngoại thành Hà Nội bỏ mạng trong những trận máy bay Nhật, Pháp oanh tạc. Họa đạn bom chưa dứt lại tiếp liền nạn đói khủng khiếp hậu quả của chính sách phát xít Nhật triệt hạ lúa hoa màu để trồng đay.Các chỗ đói nhất Ninh Bình là Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn. Dân số Ninh Bình là 96.000 người. Số người chết đói hai tháng khai là 3.325 người nhưng thật ra phải gấp ba nghĩa là độ 1 vạn.
Dân Phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) có 15 vạn người. Số chết đói mỗi ngày khoảng 500. Dân đói phải ăn cả củ chuối và ăn cả thịt người (Báo Quốc Quốc).
Hàng vạn lương dân Việt những tứ tán Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên… đói lả lê lết dồn tụ về Hà Nội những tưởng miền đấy sẽ có miếng ăn. Nhưng người dồn tụ về Hà thành càng lắm thì càng nhiều thê lương. Người lả và chết đói chồng đống.
Xác người chết bom, người chết đói được quy tụ dần về nghĩa trang Hợp Thiện chôn chung vào một hố khổng lồ. Hợp Thiện như là một nấm mồ tập thể lớn nhất Thủ đô. Sau này người ta phải dùng xi măng xây bao quanh cái hố chứa nhiều vạn hài cốt ấy nên có tên chung bể xương người chết đói.
Rồi biến thiên những vật đổi sao rời bao đổi thay cùng nạn nhân mãn. Nghĩa trang Hợp Thiện heo hút dần lên xã lên phường. Người sống ở lẫn rồi chen lấn người chết. Một Hợp Thiện, cụ thể là bể xương người chết đói bị xâm lấn thu hẹp và có nguy cơ chìm vào quên lãng. May, một nhóm người hằng tâm cuối những năm 90 đã kịp thời lên tiếng đòi thành phố Hà Nội các cơ quan có trách nhiệm phải kịp thời chấn chỉnh sao đó để Hà Nội có một khu di tích lịch sử không phải hào hùng mà bi thương!
Lại cũng may, đầu những năm 2000, Hà Nội đã kịp nghe ra và chuẩn thuận nhiều phương án tháo gỡ chỉnh trang để có Khu di tích mang tên Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945 khá là khang trang. Dẫu chưa hoành tráng (bây giờ có nhiều ý kiến đề nghị xây tượng đài?) lại ở vị trí khuất nẻo (Phường Vĩnh Tuy quận Hai Bà) nhưng may Hà Nội đã có một chứng tích lịch sử gợi cho hậu thế những thông điệp dân tộc, nhân văn…
Cũng cần nói thêm, trong những nhân sĩ trí thức hằng tâm ấy có PGS nhà khoa học Hà Đình Đức. Chính ông đã nhiều lần dẫn anh em báo chí trong đó có người viết bài này về Hợp Thiện từ khi khu tưởng niệm còn hoang sơ đổ nát. PGS Hà Đình Đức cũng giới thiệu chúng tôi làm quen với ông Đặng Văn Tuyến là người chuyên lo hương khói cho khu di tích. Chuyện ông Tuyến vốn là lái xe chiến trường Bình Trị Thiên từ năm 1970, đối mặt với bom đạn chết chóc, trở thành ông thủ từ coi sóc một khu tưởng niệm, một nghĩa trang có lẽ duy nhất nước mình là cả một câu chuyện dài phảng phất màu sắc tâm linh!
Trong một lần gặp, ông Tuyến cho biết, có rất nhiều khách thăm Khu tưởng niệm là người Nhật, khi đi đoàn, khi lẻ. Họ là nhà nghiên cứu, học giả, khách du lịch. Có cả những cụ đã cao niên. Ông Tuyến hỏi chuyện qua người phiên dịch được biết có người là lính Nhật đã từng tham chiến ở Việt Nam và Đông Dương.
Mải chuyện nên tôi đã quên bẵng ông Tuyến bao năm nay đang sở hữu cuốn sổ lưu niệm của Khu tưởng niệm…
Có cái này… chính là trong meo của PGS Hà Đình Đức lần lượt hiện lên những dòng cảm tưởng của người Nhật mà PGS chụp trích từ trong sổ lưu niệm mà ông Tuyến đang có…
Tôi cậy nhờ phóng viên Ban Quốc tế báo Tiền Phong Thu Loan (Trúc Quỳnh) nhờ người rành tiếng Nhật dịch…
Những dòng ăn năn trong cuốn sổ lưu niệm của người Nhật Bản.
Xin trích ra ít dòng
Ngày 7/10/2010
Chủ tịch hiệp hội hữu nghị Việt Nam- Okinawa
Kamata Takashi
Không nói được thành lời về sự thật lịch sử hiện trước mắt về hình ảnh 2 triệu người bị giết hại, luôn ở trong tâm trí thông qua những kiến thức lịch sử đã biết.
Để không tái diễn những đau thương đó thêm lần nữa, sẽ xây dựng một cách thiết thực mối quan hệ hữu nghị VN- Nhật thân thiết và hòa bình quốc tế.
Ngày 7/10/2010
Chủ tịch hiệp hội hữu nghị Việt Nhật:
Kazuo (không rõ họ?)
Tôi đã được dự Lễ hội Hà Nội – Thăng Long 1.000 năm.
Tôi cũng sẽ chuyển tải thông điệp về sự kiện kinh hoàng này trong chiến tranh cho những người Nhật Bản trẻ tuổi. Cầu chúc cho sức mạnh có thể xóa bỏ chiến tranh.
Đây cũng là dịp cho tôi mở rộng được tình hữu nghị bạn bè bốn phương với những người bạn trẻ Việt Nam.
Ngày 7/10/2010
Tôi lại tới thăm Khu tưởng niệm này sau 3 năm. Cầu cho sự kiện đau thương này không bao giờ xảy ra nữa.
(Chỉ có chữ ký)
Ngày 7/10/2010
Rất nhiều sự kiện đau buồn đã xảy ra ở đây.
Tôi nghĩ rằng chiến tranh gây ra đau thương cho cuộc đời mỗi con người.
Tôi nguyện cầu cho thế giới được hòa bình để con người không còn đau thương nữa.
Chúng tôi nghĩ rằng điều chúng ta có thể làm là học tập và hiểu biết hiện thực lịch sử để lịch sử không lặp lại.
Ký tên: Hiệp hội hữu nghị Việt Nhật (Không rõ họ tên. Chỉ có chữ ký)
Ngày 23/11/2010
Xót xa. Kính viếng
Taxi độc lập - Chi nhánh... Đảng cộng sản Nhật Bản. (Một loạt chữ ký. Không rõ họ tên)
Ngày 16/1/2013
Hiệp hội hữu nghị Việt Nhật
Thành tâm kính viếng (Một loạt chữ ký. Không rõ họ tên)
Ngày 16/1/2013 Cầu chúc cho chúng ta giữ gìn được hòa bình!
(Chỉ có chữ ký. Chưa rõ họ tên)
Với tư cách là người Nhật Bản tôi thực sự xin lỗi về sự kiện hơn 2 triệu người bị giết hại. (Nói như thế không phải là xong vấn đề, nhưng xin hãy tha thứ về nó).
Nhật Bản đã tiêu tốn rất nhiều tiền trong cuộc chiến tranh trong khi người dân Việt Nam phải chiến đấu chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngàn lần xin được tha thứ!
Nhật Bản sẽ cố gắng không để chiến tranh xâm lược xảy ra thêm nữa.
23/4/2008 (Chỉ có chữ ký. Không rõ họ tên)
Và nhiều trang, dòng khác…
Ngó những dòng chữ Nhật tuồng như thảo và trông có vẻ nhọc nhằn trích từ cuốn sổ ghi cảm tưởng của ông Tuyến, tôi bất giác nhớ đến âm sắc dõng dạc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vang lên trong không gian hội trường Lưỡng viện Quốc hội Nhật buổi chiều ngày 19/10/2006 trong dịp thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản.
Vượt lên trên những thăng trầm của lịch sử, năm 1973, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Nhật.
Với truyền thống nhân nghĩa, hòa hiếu, nhân dân Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và thể theo ý nguyện của nhân dân, Chính phủ chúng tôi đã dành ưu tiên cao cho việc mở rộng và tăng cường sự hợp tác về nhiều mặt với quý quốc - một nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có vai trò quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu.
Và đáp lại lời Thủ tướng, bà Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản đã đứng lên với chất giọng thong thả từ tốn
Quân phiệt Nhật trước đây đã gây ra những tội ác cho nhân dân Đông Dương trong đó có Việt Nam. Chúng tôi ngỏ ý xin lỗi cùng nhân dân Việt Nam...
Không riêng chi cánh báo chí mà những người Việt có mặt khi đó ở Hội trường của Quốc hội Nhật Bản đều có cảm giác xúc động bởi đây là lần đầu tiên trước đông đảo cử tri Nhật Bản, Quốc hội Nhật Bản đã có những lời chân tình như vậy.
Cả hội trường đó có một phút lặng phắc...
Chợt nhớ gần hơn, ngày 14/8, tại Tokyo, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập tới những lời xin lỗi trong quá khứ "Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ sự hối lỗi sâu sắc và gửi lời xin lỗi chân thành do những hành động của Nhật Bản trong cuộc chiến".
Trước đó, trong bài phát biểu lịch sử tại Quốc hội Mỹ ngày 29/4/2915 Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận rằng các hành động của Nhật Bản “đã mang tới nỗi khổ” cho người dân ở các quốc gia châu Á trước và trong thời gian xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ II.
“Lịch sử rất khắc nghiệt. Cái gì đã làm không thể sửa lại được. Từ sâu thẳm trong tim, tôi luôn nguyện cầu cho các nạn nhân…
Trước Lưỡng Viện Hoa Kỳ, Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ ăn năn về quá khứ. Những tràng pháo tay vang dội của các nghị sĩ Lưỡng Viện đã vang lên khi Thủ tướng Nhật dõng dạc về hiện tại. Đối với tình hình biển đảo tại châu Á, ba nguyên tắc của tôi là: thứ nhất, các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Và thứ ba, các quốc gia phải giải quyết khác biệt bằng biện pháp hoà bình.
Thủ tướng Nhật cũng giành thời gian thích hợp để đề cập đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Nhật - Mỹ. “Về đàm phán Nhật - Mỹ, đích tới đã rất gần. Hãy cùng nhau đưa TPP đến giai đoạn hoàn tất và ký kết bằng sự lãnh đạo chung của Nhật Bản và Mỹ”.
Như là cái cách gián tiếp để nhắc Việt Nam sẽ được hưởng phần lợi lớn qua TPP?
Lại bừng thức thêm một ký ức. Đúng 10 năm trước, người tiền nhiệm TT Shinzo Abe, TT Koizumi trong bài diễn văn tại Hội nghị Á Phi nhân 60 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2 cũng đã chân thành thế này: Việc Nhật bản xâm lược và thống trị thuộc địa đã gây ra những mất mát đau khổ lớn lao cho nhân dân nhiều nước đặc biệt là nhân dân các nước Châu Á. Cần phải nhận thức sự thật lịch sử một cách đúng đắn và luôn khắc sâu trong lòng sự ăn năn hối lỗi!
… Có chi như bỗng thoáng có sự gặp gỡ giữa các chính khách, những Thủ tướng Việt Nam với 2 ông Thủ tướng và Quốc hội Nhật cùng những công dân Nhật từng đến dâng hương tại nghĩa trang Hợp Thiện này?
Những thẳng thắn chân thành và ăn năn đã gặp nhau như một xu thế tất yếu của thời đại…
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/loi-an-nan-cua-cong-dan-nhat-tai-nghia-trang-hop-thien-903049.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét