Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

'Không nhìn-Không nghe-Không nói'

'Không nhìn-Không nghe-Không nói'
Trần Nguyên Thắng - Ðền Toshogu (Ðông Chiêu Cung) là ngôi đền Thần Ðạo thờ Tướng Quân Tokukawa Ieyasu (Ðức Xuyên Gia Khang), một vị Shogun nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản vào thế kỷ 17. Ðây cũng là một ngôi đền Thần Ðạo rất quan trọng trong thành phố Nikko. Phong thái kiến trúc đền hết sức nguy nga rực rỡ cộng lẫn với các triết lý đời sống được các nghệ nhân Nhật Bản khắc họa trong đền thờ tạo thành một nét văn hóa riêng biệt cho thành phố Nikko nói riêng và Nhật Bản nói chung. Bạn có biết, hình ảnh ba chú khỉ một chú lấy hai tay che mắt, một chú bịt hai tai, và một chú bụm miệng mình lại là một hình ảnh nổi tiếng lan truyền khắp nơi trên thế giới được phát xuất từ ngôi đền Toshogu.

Ba con khỉ: “Không nhìn điều xấu xa. Không nghe điều xấu xa. 
Không nói điều xấu xa.” (Hình: ATNT Tours & Travel)
Trong ngôn ngữ Nhật Bản, khi bạn không nhìn thấy sự vật thì được gọi là “Mizaru.” Nếu bạn bị lãng tai hay không nghe thấy âm thanh quanh bạn thì đó là “Kikazaru,” còn nếu bạn bị cứng họng vì bất cứ lý do gì thì bạn sẽ là người đồng hành với hòa thượng “Nói Không Ðược/Không Ðược Nói” trong tiểu thuyết Kim Dung, và tiếng Nhật viết là Iwazaru.

Ba chữ “Mizaru-Kikazaru-Iwazaru” được xếp lại gần nhau và trở thành một câu ngạn ngữ nổi tiếng vào đầu thế kỷ 17 trong văn hóa Nhật Bản mà đã được Hidari Jingoro, một nghệ nhân trong truyền thuyết Nhật Bản thời đó đã đẽo khắc, tượng hình triết lý của ông qua hình ảnh ba chú khỉ. Cả ba chú làm động tác Không nhìn, Không nghe, và Không nói.

Thế nhưng tại sao Hidari Jingoro lại không dùng hình ảnh người để ám chỉ về triết lý của mình mà ông lại dùng đến “Khỉ” để nhân cách hóa lão “Tôn Ngộ Không.” Có lẽ câu trả lời vẫn thuộc về phần ngôn ngữ Nhật Bản. Tiếng Nhật “Saru” là “Khỉ, con khỉ,” “miru” là động từ “nhìn, nhìn thấy.” Khi nối hai chữ “miru-saru” thì người ta đọc là “mizaru” (không ai đọc là miru-saru cả) và có nghĩa “Khỉ không nhìn.” Tương tự như thế cho hai chữ “Kikazaru/Khỉ không nghe” và “Iwazaru/Khỉ không nói.” Chỉ có điều chúng ta nên phân biệt Khỉ-không-nghe không có nghĩa là Khỉ điếc, Khỉ-không-nhìn không có nghĩa là Khỉ mù, và Khỉ-không-nói không phải là Khỉ câm. Thế mới là triết lý “cùn cùn” của đời sống!


Khỉ mẹ nhìn xa cho tương lai khỉ con. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nếu bạn có dịp đến du ngoạn Ðền Toshogu (Ðông Chiêu Cung), sau khi bạn đi qua hai cổng thần đạo Tori, cũng chính là lúc bạn sẽ có dịp gặp “Chuồng ngựa thần” của đền. Ðây là nơi tạm trú của các con ngựa “thần” được ban tổ chức tuyển chọn để diễn hành trong các dịp lễ hội của đền. Tôi chưa có dịp bắt gặp bất cứ con “ngựa thần” nào ở trong chuồng này. Nhưng nhớ lại lần đầu tiên đến viếng đền Toshogu, tôi ngớ người khi nhìn thấy các tấm tượng gỗ được đục khắc hình ảnh Khỉ gắn chung quanh viền mái chuồng ngựa thần.

Ðó là tám tấm gỗ được đẽo khắc hình tượng diễn tả về hành trình đời sống của loài khỉ. Hidari Jingoro đã nhân cách hóa “Tôn Ngộ Không” để diễn tả về kiếp nhân sinh của con người. Trong số tám hình ảnh đẽo khắc trên viền mái chuồng ngựa thần, hình ảnh tấm “ba con khỉ che mắt không nhìn-bịt tai không nghe-bụm miệng không nói” nổi bật nhất, lấn át đi toàn thể ý nghĩa của bảy tấm tranh kia.


Khỉ con lớn dần và bắt đầu tự lập. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Qua các tượng khỉ gỗ, người ta có thể hình dung ra kiếp sống của khỉ mà nghệ nhân Hidari Jingoro đã nhân cách hóa ra kiếp sống con người. Khỉ con sau khi lọt lòng mẹ, lúc nào cũng sống ôm theo vòng tay Khỉ mẹ. Ðiều này làm cho khỉ mẹ lo xa cho tương lai khỉ con. Khỉ mẹ cố gắng dạy con ba điều “không nhìn các điều xấu xa quỷ dữ,” “không nghe các điều xấu xa quỷ dữ,” “không nói các điều xấu xa quỷ dữ.” Ðó mới chính là ý nghĩa thực dụng của các hành động bịt tai, che mắt, và bụm miệng. Khỉ mẹ đã chỉ cho khỉ-con con đường vui sống ngày sau khi khỉ mẹ không còn bên nó nữa. Ðộng tác “che-bịt-bụm” của ba con khỉ thực ra chỉ là hình ảnh của một chú khỉ con. Chú không mù mà phải sống như là không nhìn thấy điều tồi tệ, chú không điếc mà phải sống như không nghe những điều điêu dữ, miệng chú không câm nhưng chú phải nói những điều tốt hướng thượng, không điêu ngoa xấu xa. Những lời răn dạy của khỉ mẹ cốt ý chỉ muốn cho chú khỉ con được sống thảnh thơi thoải mái trong kiếp sống ngắn ngủi của chú.

Nhưng các bức tranh kế tiếp trên chuồng ngựa thần, tôi cho là quan trọng không kém. Khỉ mẹ dạy con là một chuyện, nhưng khỉ con ngày một lớn, tự lập lấy một mình. Chú ngước mặt nhìn trời, có lẽ lúc ấy chú háo thắng “coi trời chỉ bằng cái vung,” thích “hành hiệp” vào đời sống thiên-hạ-sự. Chú mon men tình yêu với nàng khỉ-gái-nhỏ-ngây-thơ, rồi khi thất tình lục dục lao đao. Chú lại thích được “dại khờ” như Xuân Diệu.


Khỉ con háo thắng, ngước mặt nhìn đời. (Hình: ATNT Tours & Travel)

“...Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương người ta giữ gươm đao.
Không muốn chữa, không chịu lành thú độc.”

Nhưng rồi, không chỉ tình yêu mà còn thêm những thất bại chua cay khác liên tiếp xảy đến cho chú khỉ con, đem đến cho chú những sự căng thẳng cùng cực và các cơn tuyệt vọng. Chú tê tái ê chề nhìn xuống hố thẳm cuộc sống như đang muốn chôn vùi chú. Nhưng may mắn, chú được một chú khỉ bạn an ủi và khuyến khích chú đứng lên, đi chữa “lành thú độc vết thương” hằn trên tinh thần và thể xác của chú.

Ðây là một trong những điểm mà tôi cho là rất quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật cho dù có thất bại như thế nào, bằng mọi giá và mọi cách họ đều cố gắng đứng lên bằng chính đôi chân của họ. Họ biết rõ, không ai ngoài chính họ mới giúp họ đứng lên được. Thất bại trong thế chiến thứ II, người Nhật đã sống trong tận cùng nghèo nàn và đói khổ. Họ đã nhẫn nại chịu nhục xây dựng đất nước, vươn lên đứng thẳng hùng mạnh như ngày nay và không một nước lớn nào có thể uy hiếp được họ. Các thiên tai động đất sóng thần của các năm 1995 Kobe và 2011 Fukushima càng làm cho họ chứng tỏ được tinh thần Võ Sĩ Ðạo tiềm tàng trong tinh thần Nhật Bản. Trong tâm tư, tôi vẫn cho sự tinh túy cao nhất của các bức tượng về kiếp sống “khỉ” là hình ảnh chú khỉ-bạn khuyến khích chú khỉ-con vươn sức đứng lên. Người Nhật có sức mạnh của một nụ cười thầm lặng.


Sau những căng thẳng thất bại trong đời sống, khỉ con chán chường tuyệt vọng. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tôi nhớ đến bài hát “Hãy Ngước Mặt Nhìn Ðời” của Lê Hựu Hà:

“...Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười...”

Cười để cho mọi chuyện trên đời này rồi sẽ qua đi cho dù bạn thích hay không thích. Tôi yêu thích câu nói của một vị thiền sư, “Mọi chuyện đời sống rồi sẽ qua đi.”


Ðền Ðông Chiêu Cung tại Nikko, Nhật. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Hình ảnh “Không nhìn-Không nghe-Không nói” các điều xấu giúp cho đời sống mình nhẹ nhàng hơn, không màng đến thiên hạ sự, nhưng vẫn hòa mình thoải mái vào mạch sống của dòng đời. Tấm tranh cuối miêu tả hình ảnh thời gian trôi qua, Khỉ-con có mái ấm gia đình, yêu đời và ngồi nhớ lại lời dạy của Khỉ mẹ năm xưa. Vòng nhân sinh “mọi chuyện rồi sẽ qua đi...”!


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=214921&zoneid=22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét