Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Vợ chồng

Vợ chồng
Ts. Lê Thiện Phúc - Hai tiếng “vợ chồng” rất quen thuộc với mọi người, nhưng trong quan hệ vợ chồng thì hình như không ai giống ai, mặc dù thông thường khi người ta quyết định đi đến hôn nhân thì ai cũng muốn có hạnh phúc với nhau.
Tuy nhiên hạnh phúc không đơn giản được xây dựng bằng một công thức cố định nào đó, mà chủ yếu là nó bắt nguồn trong tư tưởng và hành động của hai người trong cuộc, tức là hai vợ chồng; mặc dù định nghĩa về hai chữ hạnh phúc thì không đơn giản như vậy!

Vấn đề hạnh phúc rất bao la và không thể được quyết định bằng một vài yếu tố cụ thể nào, cho dù là yếu tố tinh thần hay yếu tố vật chất. Tuy nhiên, khi người ta cảm thấy hài lòng về một cái gì đó thì có thể nói là người đó có được hạnh phúc rồi. Như vậy trong quan hệ vợ chồng, muốn có được hạnh phúc thì phải làm sao tạo được sự hài lòng cho nhau. Điều nầy thật ra không phải đơn giản; trái lại nó rất phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực xây dựng mới thành công được.

Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào một số vấn đề trong quan hệ vợ chồng, để từ đó suy nghiệm ra vợ chồng được hạnh phúc và không hạnh phúc là do đâu mà ra.

Một cách tổng quát mà nói thì cách cư xử với nhau sao cho tương hợp là điều tối quan trọng. Cách cư xử nầy liên quan mật thiết với lời nói và việc làm trong sinh hoạt hàng ngày của hai vợ chồng. Lý thuyết thì nghe dễ nhưng thực tế thì khó thi hành cho nên mới có những xung đột và bất hoà xảy ra làm cho vợ chồng không được hạnh phúc, thậm chí có thể đi đến chia tay.

Qua bài viết nầy hy vọng chúng ta có cơ hội chia xẻ tâm tư và suy nghĩ để ứng dụng vào cuộc sống vợ chồng để tìm được hạnh phúc bên nhau. Những vấn đề được nêu ra trong bài viết nầy nhằm mục đích tạo cơ hội cho mỗi người suy tư để quán chiếu lại các tình huống liên quan tới những lời nói và hành động của chính mình trong quá khứ, hầu từ đó mình có thể quyết định tự sửa đổi để tìm lấy hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, trước hết cần xác nhận ở đây là bài viết nầy chỉ nêu ra các khía cạnh tiêu cực trong quan hệ vợ chồng, mặc dù tình huống tích cực và vui vẻ bên nhau hy vọng chiếm đa số. Nêu ra các tình huống tiêu cực để chúng ta cùng nhau rút tỉa kinh nghiệm và sửa sai. Việc làm nầy dễ thực hiện qua bài viết nhưng khó làm qua đối thoại trực tiếp bởi vì giấy mực tự nó không có tự ái, không có sân si mà con người thì có!

Cũng giống như trong sinh hoạt vợ chồng, người ta thường nêu ra các vấn đề tiêu cực, phiền hà đáng trách chớ ít khi nào nhắc tới những tình huống hài lòng đáng khen. Người ta hay quên những điều hạnh phúc và dễ nhớ những cái bực tức, ưu phiền với nhau. Nếu không khéo xử thì tình trạng nầy có thể trở nên nghiêm trọng và từ đó dẫn đến chia ly.

Trong sinh hoạt vợ chồng cũng như trong các tương quan giao tế khác, sự giao tiếp đối đãi bằng lời nói với nhau là một trong các sinh hoạt tối quan trọng. Nói như thế nào để cho người nghe được hài lòng và chấp nhận là điều then chốt nhất trong quan hệ giữa hai người. Tuy nhiên, việc khéo dùng lời nói trong quan hệ giữa hai người không phải là yếu tố duy nhất để đem lại sự hài hoà, mà trái lại người nghe cũng phải có trách nhiệm hợp tác thì mới thành công viên mãn được. 

Chúng ta có thể tưởng tượng trong một cuộc điện đàm bằng điện thoại, khi người ở đầu dây bên nầy nói thì người ở đầu dây bên kia phải lắng nghe thì cuộc điện đàm mới có hiệu quả. Khi hai người đối thoại với nhau, dù là trực tiếp hay qua điện thoại, người nầy nói thì người kia nghe, chớ cả hai người cùng nói thì ai nghe? Điều nầy đơn giản quá mà hình như ít ai để ý thực hiện trong một một số tình huống tương quan vợ chồng thành ra khiến người ta mới có cảm tưởng là ai cũng giành nói chớ không muốn nghe! Nguyên do của hiện tượng nầy là ở chỗ người nói không có cơ hội nói hết cái ý của họ khi người nghe không kiên nhẫn chờ đợi! Khi cả hai người cùng nói thì dĩ nhiên không có người nghe, và vì muốn chiếm cơ hội nói ra được cái ý của mình trong tình huống cả hai cùng nói thì âm điệu gia tăng phút chốc trở thành chiến tranh bằng lời nói! Lúc nầy không còn ai nghe ai, và có khi không cần để ý đến tính cách hợp lý trong lời nói của mình, bởi vì cố gắng nói nhanh, nói lớn để “thắng cuộc”! Bởi vậy ông bà ta nói rằng “No mất ngon, giận mất khôn” là trong tình huống nầy.

Rút từ kinh nghiệm “chiến tranh bằng lời nói” trong tình huống vừa nêu, chúng ta có thể học được gì để duy trì hạnh phúc vợ chồng? Chúng ta có thể tự kiềm chế và kiên nhẫn lắng nghe hay không? Khi chúng ta bình tỉnh lắng nghe để cho người nói nói hết ý của họ thì nhất định sẽ không còn gì để nói nữa! Lúc đó đến phiên ta nói và mặc sức mà nói, chớ đâu có mất cơ hội để nói! Vì vậy, trong một cuộc đối thoại, cho dù là giữa tình huống bất hoà ý kiến đi nữa, nếu mỗi người có chút ý thức về vai trò của người nghe thì cuộc đối thoại chắc sẽ không trở thành một cuộc đấu khẩu to tiếng, vừa không lịch sự vừa không đem lại lợi ích gì cho ai cả.

Thật ra đối tượng của bài viết nầy là những người đã trưởng thành, và vì vậy đề nghị hướng dẫn về cách ăn nói có vẽ không thích hợp, nhất ở giữa thời đại văn minh tân tiến ngày nay. Tuy nhiên mục đích của bài viết nầy là chỉ nhằm nhắc nhở chớ nó không thể nào là một “bài học giáo khoa thư” như trong kho tàng văn học cổ truyền Việt Nam. Thiết tưởng nhắc nhở là một điều cần thiết cho nhiều người, bởi vì người ta thường có bản tính dễ quên. Người ta quên mình là ai trong từng giây phút hành động, nói năng. Người ta dễ quên cái quá khứ nhọc nhằn; quên cái bất tiện trong cuộc sống hôm qua và không bằng lòng với hiện tại dù hiện tại họ có được nhiều lợi ích hơn quá khứ! Người ta ước mơ trông đợi cái chưa có và coi thường cái hiện có trong tay!

Riêng đối với người đàn ông hay người chồng thì về phương diện thể xác, cuối cùng rồi người đàn bà nào cũng giống nhau thôi; có khác chăng chỉ là về phương diện đức hạnh và lòng chung thủy. Đây là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định phẫm chất của một người vợ để tạo ra hạnh phúc trong đời sống gia đình. Dĩ nhiên người chồng phải biết trân quí cái phẫm chất đáng được trân quí ấy của người vợ thì mới có hạnh phúc được.

Biết trân quí có nghĩa là phải biết đáp lại bằng cử chỉ, bằng hành động tán thưởng tương ứng, khi cả hai vợ chồng cùng đáp ứng lời khuyên "Hãy cho nhau những gì ta có, kẻo mai nầy không có để cho!" Thật vậy, những thứ ta có thể cho nhau bao gồm tài sản và cả cơ hội chung sống bên nhau nữa! Tất cả đều không thường hằng, tức là không tồn tại mãi mãi theo thời gian! Đây là một ý niệm thực tiễn dựa theo triết lý "Vô Thường" rất phổ thông trong đạo Phật ngày nay mà mọi người nên suy gẫm vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét