Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Các đại tá trẻ, giờ này các anh ở đâu

Chuyện thừa thiếu
Hồi trước còn túc tắc đi làm, buổi sáng việc nhàn, hay kéo một ông anh ra Lê Quý Đôn uống cà phê. Có lần ông anh bảo, chắc nước mình phải đợi đến khi các tay đại tá trẻ cầm quyền mới khá được. Có lần khác nói chuyện quan chức mê tín cúng bái ngày càng nặng, ông anh lại tặc lưỡi bảo: thế là quay lại thần quyền.
Người ta vẫn nói: nhân dân nào thì chính quyền như thế. Xã hội Việt Nam có bao nhiêu cái xấu thì ở chính quyền có bấy nhiêu cái xấu. Chỉ khác ở chỗ ở trong chính quyền thì cái xấu ấy có điều kiện để phóng đại lên ngàn lần. Xã hội Việt Nam khiếm khuyết bao nhiêu cái tốt, thì chính quyền cũng khiếm khuyết ngần ấy cái tốt, mà còn thiếu hơn ngàn lần.

Xã hội này thừa: tăm tối, tham lam, bạo lực.
Xã hội này thiếu: khoan dung, điềm tĩnh, can đảm.


Những gì tệ nhất của đất nước này đều có thể dùng những cái thừa cái thiếu trên đây để giải thích.

Tâm tư của ông tá mong có hàm tướng là biểu hiện lòng tham của người dân quen thói nóng vội, đặt vào môi trường nhà nước bị phóng đại lên nhiều lần. Cũng thế nhưng thêm chất bạo tàn coi khinh thiên hạ, ông quan đầu tỉnh vội vàng bổ nhiệm con mình vào chức vụ ngon ăn. Đến cái trường đại học nhà nước bé tí ti cũng thiếu điềm tĩnh, thừa háo danh, toan tính gắn huy chương tứ tung trong nội bộ cốt để phong thần lẫn nhau mà lòe thiên hạ.

Thời chiến tranh đã đành, đến thời hòa bình lãnh đạo cũng vẫn thừa tối tăm và thiếu điềm tĩnh. Tầm nhìn cứ tưởng xa hóa ra ngắn tũn. Vội vội vàng vàng đâm quàng bụi rậm. Doanh nhân, trí giả cũng chẳng hơn gì. Tất cả đồng lòng với nhau mà đánh quả. Quốc gia, tổ quốc chẳng qua là đất và nước. Bán hết mặt đất vàng nhanh tay đút túi, rồi sẽ có ngày rao bán mặt nước vàng .

Chủ nghĩa tư bản man rợ đã đến nước Việt ngay sau những năm đổi mới. Rồi sau 30 năm mặc sức vùng vẫy đớp hít no no say, nay nó đã chính thức lột vỏ để trở về đúng bản chất: chủ nghĩa cộng sản vơ vét.

Đúng lúc ấy giàn khoan và đường băng ở Biển Đông đâm thẳng vào mặt.

**

Sớm hay muộn nước Việt cũng phải chọn con đường để trở thành “phú quốc cường binh”. Mọi lựa chọn khác đều có nguy cơ rơi vào nô dịch.

Nhưng trước đó xã hội phải chấp nhận để chính quyền “qua đò” thêm một lần nữa: quay trở lại với chủ nghĩa cộng sản liêm chính, thanh lọc từ chính quyền đến người dân, trước khi qua bờ bên kia để lột xác trở thành một nền cộng hòa dân quốc. Việc thanh tẩy thể xác và tinh thần, phải chính tay mình làm, người bên ngoài không bao giờ làm nổi.

**

Năm 1967 đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gọi đám sĩ quan trẻ tuổi Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu đang khuấy đảo nền chính trị Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ là “Young Turks”. Tiếng Việt nôm na là: “Đám đại tá trẻ”.

Những sĩ quan trẻ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đấy đã xóa bỏ đệ nhất cộng hòa của Việt Nam mà dựng nên đệ nhị cộng hòa.

Tổ chức Những Người Trẻ Ottoman (tiếng Thổ: Yeni Osmanlılar) là một tổ chức do các trí thức Thổ thành lập, lúc đầu hoạt động bí mật. Đây là nhóm trí thức bất mãn với kết quả cải cách (tanzimat) của chính quyền lãnh đạo đế quốc Ottoman vốn kéo dài 30 năm mà vẫn không đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, nợ nước ngoài chồng chất và bị ngoại bang đe dọa. Mục tiêu của nhóm Young Ottoman là hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cải cách chính quyền theo hướng lập hiến để thoát khỏi chế độ tăng lữ (sultanate). Năm 1867, một hoàng tử Thổ tên là Mustafa Fazil Pasha chạy qua Pháp và bảo trợ cho tổ chức này. Từ đó nhóm có tên bằng tiếng Pháp.

Ba thập kỷ sau, những thành viên trẻ hơn trong nhóm, có đầu óc cải cách mạnh mẽ hơn nữa, được biết đến với tên tiếng Pháp là Les Jeunes Turcs (tiếng Thổ: Jön Türkler) đã tiến hành một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa (Young Turk Revolution năm 1908) nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn thể chế tăng lữ để đưa đế chế Ottoman trở thành nhà nước cộng hòa.

Những người Thổ trẻ tuổi ấy đã dựng nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại từ đống đổ nát tối tăm của đế quốc Ottoman đang bị phương tây xâu xé.

Nổi lên từ cuộc cách mạng Young Turck Revoution và cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại liên quân Châu Âu, sĩ quan Mustafa Kemal dần dần trở thành người lãnh đạo tối cao và là người sáng lập nhà nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa và được quốc hội Thổ chính thức “phong danh hiệu” cha già dân tộc (Atatürk).

**

Cuối thế kỷ 18, các đế quốc phương đông như Ottoman, Nhật Bản, và cả đế quốc con con ở giữa Ấn Độ và Trung Hoa, tức xứ Cochinchina (Indochina) tức Việt Nam ngày nay, đều bị các cường quốc phương tây gây sức ép.

Cả ba nước đều có những cải cách mạnh mẽ từ trong nội tại. Với Thổ là phong trào Young Ottoman, ra công khai từ năm 1867. Ở Nhật là cách mạng công nghiệp, chính thức hóa sau khi Nhật Hoàng Minh Trị lên ngôi năm 1868. Còn ở Việt Nam chỉ lóe lên một chút khi Minh Mạng cử trí thức qua Châu Âu học hỏi từ năm 1839 nhưng kết quả không được thu nhận do Minh Mạng qua đời 2 năm sau đó (1841).

Nhưng tới đầu thế kỷ 20 chuyển biến chính trị xã hội ở ba nước này rất khác nhau. Đến năm 1905 Nhật đã thành cường quốc sau chiến thắng hải quân Nga Hoàng. Năm 1908 cuộc cách mạng thay đổi thể chế của Young Turks thành công. Cũng lúc đó, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu mới loay hoay bắt đầu công cuộc cách mạng cứu nước của mình (1906-1908). Phần lớn tài sản của Đông Du học tập Nhật Bản tạo ra, từ Nguyễn Háo Vĩnh đến Tâm Tâm Xã đều có tác động lâu dài đến lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhưng nói chung, mặc dù cực kỳ xuất sắc, cả hai đại cao thủ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đều không có thành tựu cuối cùng.

**

Ở đế chế Ottoman, nền chính trị sultanate (tăng lữ) dù đã nỗ lực cải cách tới 30 năm (giống đổi mới 30 năm ở ta hiện nay) nhưng (cũng giống ta) không thoát khỏi lạc hậu, tối tăm và bất công xã hội. Nhà nước yếu đuối cả về tài chính lẫn quân sự. Bị cường quốc bên ngoài (từ Habsburg của Áo đến Catherine của Nga) chèn ép đe dọa. Thế nước xuống đáy, cách mạng nổ ra.

Sau Thế chiến thứ nhất, các đại tá trẻ người Thổ dẫn dắt nhân dân tiến hành cuộc chiến giành độc lập, chiến thắng liên quân của các cường quốc Châu Âu, đã tự mình nắm lấy chính quyền rồi bắt đầu một công cuộc cải cách triệt để.

Họ viết một hiến pháp hoàn toàn mới, họ tách giáo quyền khỏi chính quyền (tương tự đưa Đảng ra khỏi nhà nước).

Họ thế tục hóa quốc gia bằng cách đóng cửa các trường Hồi giáo (giống đóng cửa trường đảng), họ bỏ tất cả các biểu tượng Hồi giáo khỏi nơi công cộng (giống bỏ việc treo cờ búa liềm ở nơi công cộng).

Họ bổ nhiệm người không phải giới tăng lữ vào bộ máy chính quyền (giống bổ nhiệm người ngoài đảng vào bộ máy nhà nước).

Họ chuyển thủ đô từ Istanbul tới Ankara, cải cách lịch bằng cách bỏ lịch “âm” của người Thổ và sử dụng lịch phương tây. Họ cải cách chữ “quốc ngữ” để chuyển qua dùng ký tự latin để dễ dàng xóa mù chữ và nâng cao dân trí.

Chủ nghĩa thế tục (secularism) pha trộn với các chủ nghĩa cộng hòa, dân túy, quốc gia …đã hình thành hệ tư tưởng của sĩ quan Mustafa Kemal (Atatürk) và dần dần trở thành nền tảng giá trị của thể chế nhà nướcThổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

**

Nếu có một thế lực siêu nhiên nào đó muốn cải tổ đất nước Việt Nam cho tốt lên, liệu họ sẽ khai minh cái xã hội này trước hay cải tổ chế độ trước ? Có lẽ họ sẽ chọn cách thứ hai cho đỡ vất vả. Dạy dỗ một dúm đầu sỏ có tư chất có lẽ nhanh và hiệu quả hơn 90 triệu dân đen vốn lười lao động, sợ học hành và có thú vui rất mọi rợ là ngáng chân và tụt quần nhau.

Cách đây một thế kỷ, có một bọn gọi là Thực Dân Pháp đã ảo tưởng mình là một thế lực siêu nhiên nên đã cố gắng làm việc ấy. Và tất nhiên những gì chúng nhận được chỉ là một Điện Biên Phủ.

Chúng cải cách bộ máy hành chính cai trị. Kế thừa mô hình quản lý nhà nước của triều đình Huế, bọn Pháp dần dần đưa lối cai trị dân sự quan liêu vào để xây dựng chính quyền thuộc địa ở xứ Annam. Đến giờ nhìn lại có thể nói thể chế ấy, đặc biệt ở Nam Kì thuộc Pháp, khá tiên tiến và hiệu quả trong cai trị lẫn bóc lột.

Bọn Pháp cũng không chỉ cải cách bộ máy cai trị và tạo ra hàng loạt ngôi sao chính trị rất đắc lực và hiệu quả trong cai trị, chúng còn góp phần cải tạo xã hội Việt Nam cực kỳ trì trệ, tối tăm và bảo thủ bằng các chính sách văn hóa giáo dục thời Albert Sarraut. Việc cải cách xã hội này, mà bọn Pháp gọi rất đúng từ là “khai hóa”, đã tạo ra hàng loạt ngôi sao có tư tưởng cách mạng.

Nguyễn Gia Kiểng tóm tắt việc này trong mấy câu: thực dân Pháp còng tay người Việt và dẫn vào thế giới tiến bộ.

Thế có nghĩa là thất bại.

Nếu anh bắt một thằng mọi vốn chỉ biết cởi truồng rằng đẹp và lịch sự thì phải mặc quần tây, kết quả là thằng mọi sẽ đánh cho anh vỡ mặt rồi mặc quần đùi rách rồi cứ tưởng thế là văn minh nhất quả đất.

Đấy là lý do ngày hôm nay chúng ta phải sống với một thứ giáo quyền có tên gọi “chủ nghĩa cộng sản vơ vét”.

**

Khác với triều đình Huế với các ông vua tự thân yếu kém lại nồng nhiệt nắm quyền trực tiếp điều hành đất nước, khi các tàu chiến phương tây kéo đến yêu cầu nước Nhật phải mở cửa, thì triều đình của Nhật Hoàng chỉ là bù nhìn. Quyền lực thực sự nằm trong tay các tướng quân Shōgun.

Các Shōgun cũng không tập quyền mà quyền lực phân tán vào các lãnh chúa địa phương Daimyō (đại danh). Vì quyền lực phân tán, chế độ shogunate vừa yếu về kinh tế, vừa kém về quân sự đã không dám chống cự với phương tây, ngày càng bảo thủ, suy đồi.

Một số Daimyō nổi dậy dẹp bỏ hệ thống quyền lực của các Shōgun và dồn quyền lực vào Nhật Hoàng vốn đang chỉ là bù nhìn.

Các nhà lãnh đạo trẻ nổi lên qua đảo chính quân sự, chính là các “Young Turcks” của Nhật Bản, đã quy tụ lại sau lưng Nhật Hoàng. Trước tiên họ “chế tạo” ra một ông vua mới mẻ và cực kỳ hiện đại. Họ cải hóa ông vua Mutsuhito trẻ tuổi, thiếu cá tính bên trong và nhợt nhạt hình ảnh bên ngoài trở thành một đấng trượng phu ngạo nghễ, minh triết, phong cách rất phương tây và có tầm nhìn xa vượt thế kỷ.

Khi ông hoàng trẻ ấy lên ngôi , chính là Nhật Hoàng Minh Trị (Meiji).

Minh Trị, nghĩa là cai trị một cách sáng suốt, bọn tây dịch ra là “enlightened rule”.

Sự nghiệp cai trị sáng suốt ấy về thực chất nằm trong tay những nhà cai trị (ruler) mới toe đứng sau Nhật Hoàng. Họ có tài năng xuất chúng và có tầm nhìn xa hàng thế kỷ. Họ được gọi với tên “nhóm đầu sỏ Minh Trị” (Meiji Orligarchs, Phiên Phiệt).

Nhóm đầu sỏ này dốc hết tâm trí để cải cách cả thể chế lẫn xã hội Nhật Bản.

Dưới khẩu hiệu Phú Quốc Cường Binh (fukoku kyōhei), Nhật Hoàng quyết tâm đưa nước Nhật đến với văn minh phương tây, bởi vậy nước Nhật tự thân hăm hở lao vào văn minh khai hóa (bunmei kaika).

Khác với Tổng thống Mustafa Atarktuk phải đọc một bài diễn văn dài 36 tiếng trước quốc hội để diễn giải và thuyết phục đất nước đi theo con đường hội nhập với các giá trị văn minh bền vững của nhân loại, vì Nhật Hoàng là Thiên tử (giống Tổng Bí Thư nói với đảng viên của mình) nên chỉ cần vắn tắt có năm ý (ngũ cá điều) trong lời tuyên thệ nhậm chức của mình. Trong đó có “truy tầm kiến thức khắp thế giới để củng cố quốc gia vững mạnh”.

Những việc mà Nhật Hoàng và nhóm Minh Trị Đầu Sỏ chủ động thực hiện với xã hội Nhật hồi đó, thì ở Annam bọn Pháp cũng cưỡng bức thực hiện: dùng quốc ngữ, tăng tỷ lệ biết đọc biết viết, mở ngân hàng, xây đường sắt, xây hải cảng, thiết lập các hệ thống thông tin liên lạc.

Vậy nên khác với người Nhật biết tự may âu phục cho mình và tôn trọng bộ âu phục ấy. Người Việt ta bỏ khố chuyển sang quần đùi rồi vẫn khinh miệt quần tây. Thế nên Phan Chu Trinh có gào khản cả cổ mà khai minh vẫn chỉ đến minh khai là chấm hết. Cải cách xã hội ở Nhật vì thế mà thành công sâu rộng, còn cải cách xã hội ở Việt Nam chỉ thành công ở nhóm nhỏ thượng lưu, và tiếc thay phần lớn nhóm này sau đều bị coi là phản động (xem Trong Vỏ Hạt Dẻ phần 1).

Nhưng có những thứ nhóm đầu sỏ Minh Trị làm với thể chế Nhật mà bọn Pháp cũng làm với xứ Annam nhưng chưa hiệu quả. Đó là Nhật Hoàng cử những cá nhân xuất sắc của Nhật qua Châu Âu tìm hiểu các mô hình nhà nước có thể phù hợp tốt nhất với nước Nhật. Những trí thức ấy đã chọn mô hình của tể tướng Bismarck. Họ copy cả hiến pháp của nước Phổ và mô hình đế chế Phổ do Otto Von Bismarck dựng nên. Một trong những lý do mà nhà nước Nhật có ảnh hưởng đến Châu Á, là do mô hình của Bismarck xây dựng một nước Phổ có ảnh hưởng đến Châu Âu. (Nhật can thiệp vào Đông Dương rất nhiều, xem Vỏ hạt dẻ phần 2).

Câu chuyện ở xứ Annam ta giống mà cũng khác. Mô hình cai trị do Pháp bản địa hóa từ hệ thống chính trị mẫu quốc và áp vào nền chính trị bảo hộ. Cũng tốt, nhưng chưa phải là phù hợp nhất.

Cải cách thể chế ở Annam thất bại là vì bị ép buộc, còn ở Nhật thành công vì tự nguyện, tự nguyện cải cách từ phía Nhật Hoàng và nhóm lãnh đạo đầu sỏ, và cả tự nguyện lắng nghe công luận.

Điều đầu tiên trong trong năm lời tuyên thệ lên ngôi, Nhật Hoàng hứa với dân của mình (như tân TBT hứa với đảng viên): “Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định”.

**

“Phú quốc cường binh” là câu chuyện của nước Nhật ngày xưa, nhưng cũng là câu chuyện của nước Việt ngày nay.

Tách giáo quyền khỏi chính quyền là câu chuyện mà đế chế thần quyền Ottoman lạc hậu phải triệt để cải cách trước khi trở thành thể chế cộng hòa cũng là câu chuyện mà Việt Nam bên lề đế quốc Trung Hoa phải suy nghĩ nếu muốn mình cũng văn minh ít ra bằng nước Thổ nghèo nàn bên lề các cường quốc Âu Châu.

Cải cách xã hội là câu chuyện của Nhật Hoàng ngày xưa, của Phan Chu Trinh ngày trước và vẫn tiếp tục là của Việt Nam ngày nay. Cải cách thể chế cũng vậy, nhưng không phải là một cuộc cách mạng tất tật chính quyền về tay mình, mà phải là một sự tiến hóa mà bước đầu tiên phải làm là đưa chính quyền trở lại với giá trị vĩnh cửu: sự liêm chính.

**

Nhưng mà, các đại tá trẻ, giờ này các anh ở đâu hehehehe.

5 Xu
(Blog 5 Xu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét