Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

"Kiếp sau, em xin làm... bia Sài Gòn"

"Kiếp sau, em xin làm... bia Sài Gòn"
Nguyễn Xuân Quang Huy - Nếu bạn là một cô gái, bạn có muốn mình được ví với bia Sài Gòn không? Câu trả lời của tôi: Tôi muốn. Rất muốn. Muốn quá đi chứ! Tôi đang cố tìm các thương hiệu bia lớn, tạm gọi là các “cô gái” đến từ khắp thế giới, xem có cô nào được ưu ái như cô thôn nữ xanh xanh vàng vàng bia Sài Gòn kia không, tại cái xứ sở ham vui này, thì tôi đành chấp nhận thất bại, để nhận câu trả lời là “không”.

Cô gái ấy không kiêu sa lộng lẫy, dáng chỉ lùn lùn chủn chủn không chân dài, vị cũng chẳng sắc sảo mà hiền hiền, nhạt nhạt, đến độ mà chẳng mấy tay bất lương nào thèm nhái như các “cô gái” có tên có tuổi khác, thế mà “không phải dạng vừa đâu”!

Nàng “thôn nữ” được phủ bằng một lời tuyên ngôn “dáng hợp thời, vẻ truyền thống” ấy, đã đi khắp một chiều dài đất nước hình chữ S này. Đến đâu, nàng cũng vui cười hòa bình với các chị em từ năm châu, như không có chuyện gì xảy ra.

Và nàng đến Hà Tĩnh, thì mọi thứ đã khác.

Nghe đâu, Hà Tĩnh không đơn giản chỉ là một mảnh đất để nàng dừng chân như bao nơi khác. Mà Hà Tĩnh, là “quê hương” của ông, bà, chú, bác nhà nàng.

Bởi không ít những nhân vật cộm cán cho đến không cộm cán, ở cái tập đoàn Sabeco mà nàng trú ẩn, đều là con cháu Hà Tĩnh mình thương cả.

Thế nên, khi nàng về Hà Tĩnh, mà được sủng ái, thì đâu có gì khó hiểu. Không được sủng ái, thì mới là điều không hề dễ hiểu.

Mức độ sủng ái nàng ở mảnh đất này cho đến nay, không chỉ dừng lại ở việc phải “uống theo chỉ thị”.

Xin dừng vài giây cho một niềm tiếc nuối, là cụ Nguyễn Công Hoan đã thành người thiên cổ, chứ sống đến giờ, chắc “tinh thần thể dục” của cụ còn thua xa cái “tinh thần uống bia theo chỉ thị” này.

Cái làm nàng hài lòng, thậm chí có thể bĩu môi với chị em thế giới rằng “chúng mày không có cửa ở đất này, đất này là của bà”, là cách mà một số VIP ở cái tỉnh nắng gió với nhiều người dân lam lũ này, đã nói là làm. Và làm, cũng rất đậm đà.

Đó, nàng đã được các “người hùng” này chứng minh với việc sờ gáy 7 ông giáo ở sở Giáo dục - Đào tạo của tỉnh, vì cái tội không ngó ngàng đến nàng.

Khổ thế, đến cả cái tình yêu dành cho nàng, các chàng cũng không được quyền lựa chọn một cách tự nguyện nữa, mà làm theo chỉ thị.

Nàng làm mọi người nhớ đến Võ Tắc Thiên. Thích chàng nào thì chàng ấy phải “chiều” thôi, không thì trảm. Đúng nhỉ?

Nhưng các “người hùng” chỉ xem đó là cấp độ nhẹ để chứng minh sự cung phụng dành cho nàng.

Cấp độ áp đặt theo chiều rộng được thực thi, với tất cả các nhà hàng đến quán cơm bụi, các điểm bán sỉ đến các quầy tạp hóa, là chỉ bán mỗi mình nàng thôi.

Các cô khác dù được bao người mến mộ yêu thương cũng đố có ngóc đầu lên nổi ở cái xứ này. Vì sao? Lại chỉ thị.

Để rồi một không khí “cưỡng chế” bởi nàng đã bao trùm miền nắng gió. Bắt đầu là những ông quan bà quan nho nhỏ cấp xã, phải chạy theo chỉ thị, phải thực thi chỉ thị, than giời than đất là đến khổ đến sở để vận động thanh niên trai tráng sử dụng nàng.

Các cửa hàng thì sống trong sợ hãi, luôn để sẵn nàng trên bàn để đối phó với đoàn kiểm tra bất cứ lúc nào.

Các anh công chức sau giờ ham vui, muốn uống bia gì cũng phải uống lén lút, để rồi mỗi bàn nhậu cứ phải đặt nàng tênh hênh lên đấy để đề phòng sếp đi qua lại mất công bị kỷ luật, khiến vợ con khổ lây.

Nàng như một vì sao… chổi, quét xuống cái đất này khiến bao chàng khốn đốn.

Nhưng nói thế cũng oan nàng lắm! Ở đây, các người hùng quan chức cũng tạo điều kiện để nàng trở thành một nàng thi - nàng nhạc đúng nghĩa. Để giúp nàng “tỏa sáng” cái vẻ đẹp tâm hồn lấp lánh bên trong.

Bằng chứng là, không ít các “nhạc sĩ đại tài” địa phương đã phải đưa nàng vào bài hát của mình cho vừa lòng lãnh đạo.

Và bài hát là đây: “Chẳng mấy khi có dịp về nơi biển/ Thăm sức khỏe bà, thăm cháu thăm con/ Được uống bia Sài Gòn Hà Tĩnh/ Sảng khoái lắm bà ơi thêm mát dạ mát lòng...”, hay “Bia Sài Gòn Hà Tĩnh ai cũng mến cũng thương/Vừa sảng khoái, uống rồi còn nhớ mãi”.

Bài hát đó được hát trong một liên hoan văn nghệ địa phương, chứ chẳng phải là nhạc chế hát bừa đâu nhé! Tiết mục này đã mang đến cho xã Hộ Độ (huyện Thạch Hà- Hà Tĩnh” giải 3 thần thánh đấy!

Nàng, hiện hữu là một thôn nữ, dù đi xa mấy nẻo về làng thì các “đầu gấu trai làng” cũng bảo vệ tới cùng. Bảo vệ để “trai làng mình phải lấy gái làng mình”. “Vẻ truyền thống, dáng hợp thời” là đây chứ đâu!

Câu chuyện từ nãy là câu chuyện của “cô thắm về làng”. Thực tế, khi ở chốn thị thành showbiz bon chen, nàng vẫn là một cô gái gắn liền với những yêu chiều cưỡng chế.

Đã có một cuộc thi người đẹp do công ty của một Á hậu qúy bà cấp thế giới đứng ra tổ chức, đã phải lấy tên cuộc thi là: “Tôi yêu bia Sài Gòn”. Thế cơ mà.

Trong cuộc thi ấy, nàng được xưng tụng như thế. Tất cả các nhan sắc, kể cả cái quý bà thế giới kia cũng phải ôm nàng lên mà nói lời yêu, dù trong lòng có cay đắng ghen tị đi chăng nữa. Thế cơ mà!

Nên, nếu có kiếp sau, tôi xin được làm nàng. Xin được là bia Sài Gòn, để cả thế gian này phải bị cưỡng chế yêu tôi!


http://soha.vn/xa-hoi/kiep-sau-em-xin-lam-bia-sai-gon-2015092514090421.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét