Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Tết Trung thu và sự xa xỉ

Tết Trung thu và sự xa xỉ
Ngày nay, có những chiếc bánh trung thu giá lên đến hàng triệu đồng, nhồi vào trong đó đủ thứ sơn hào hải vị bổ dưỡng mẫu mã sang trọng; có những chiếc lồng đèn con nhà giàu nơi thành phố có giá bằng một tháng lao động của vợ chồng anh công nhân nghèo, những mâm cỗ với hàng ngoại nhập với chi phí vài chục triệu đồng... đang cho thấy Trung thu vẫn được biểu hiện rất đúng với vẻ hào nhoáng của một đời sống phú quý sinh lễ nghĩa.
(TBKTSG) - Cứ đến dịp Tết Trung thu, nhiều người trưởng thành từ những vùng quê nghèo thích ôn lại chuyện ngày xưa đi đón trăng bằng những chiếc đèn lon, đèn giấy tự chế hay ăn những chiếc bánh nướng nhân dừa rẻ tiền mà cha mẹ phải chờ chực mới mua được ở những cửa hàng tạp hóa ngoài chợ. Ký ức tuổi thơ thường lấp lánh bởi màu thời gian.

Hẳn nhiên, bây giờ nhắc lại, chúng ta thích khoác lên những hình ảnh đó sự bay bổng, trong trẻo của những đêm trung thu thanh đạm đã mất. Nhưng thử hỏi, vào cái thời khốn khó của thời kỳ bao cấp đó, trong bối cảnh làng quê nghèo, cha mẹ ta, những người lớn nhìn bọn trẻ quê thiếu thốn đạm bạc trong đêm tết trăng rằm so với lũ trẻ ở thị trấn, xa hơn, ở đô thị, lòng trí họ ra sao? Người lớn có thật sự hài lòng với cảnh nghèo hay ngậm ngùi mơ tưởng về những đêm rằm sung túc hơn?

Đặt những câu hỏi đó, cũng là dịp để ta thử đặt mình vào tâm trạng của những người nghèo nơi những miền quê xa hôm nay. Cuộc sống vẫn còn những miền quê như thế, vẫn còn những người cha, người mẹ không lo nổi nhu cầu thiết yếu căn bản cho con cái chứ nói gì đến chuyện tận hưởng những đêm tiệc trăng đủ đầy đúng nghĩa. Mâm cỗ trăng hay chiếc đèn lồng giấy kiếng vẫn là thứ xa xỉ trong suy nghĩ của nhiều đứa trẻ nghèo.

Khi tra cứu lại sách sử văn hóa, tôi chợt giật mình nhận ra tục ăn Tết Trung thu là thứ sản phẩm sinh ra ở chốn đô hội phồn hoa trong thời đại cực thịnh chứ nào phải ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Cụ Phan Kế Bính cho rằng, tục treo đèn bày cỗ trung thu là xuất phát từ điển tích dưới triều vua Đường Minh Hoàng, còn tục rước đèn thì có tự đời nhà Tống bên Trung Quốc. “Hôm ấy là sinh nhật, vua Minh Hoàng truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn, bày tiệc ăn mừng, rồi ta cũng theo mà thành tục. Tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống. Vì tục truyền rằng: trong đời vua Nhân Tôn, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên làm con gái mà đi hại người. Bấy giờ ông Bao Công mới cho dân gian làm đèn con cá giống như hình nó mà đem rong chơi ngoài đường, để cho nó sợ mà không dám hại người nữa. Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật” (Trích từ Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính).

Cụ Mai Viên Đoàn Triển thì viết rõ hơn trong An Nam phong tục sách, rằng: “Tết này (tức, Trung thu) bắt chước tết Thiên Thu của Đường Minh Hoàng bên Trung Quốc, thường chỉ thịnh hành ở thành phố”.

Câu chuyện những tập tục ở chốn cung đình lan tỏa ra dân gian, có lẽ ban đầu là nơi kinh thành mà đi về những vùng quê, từ nước nọ sang nước kia qua con đường du hành văn hóa, kể cũng kỳ thú. Song, nếu không truy nguyên tận nguồn gốc, ta dễ nghĩ đó là thứ sản phẩm của ta, sinh ra cho cộng đồng sung túc thái hòa mà dễ quên rằng, phía sau một phong tục có nguồn gốc cung đình hào nhoáng, là một đời sống “thượng lưu”, phía sau nó là biết bao chênh lệch, bất bình đẳng trong xã hội.

Tác giả Nhất Thanh nhận ra sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội qua cái Tết Trung thu, rằng: “Ở thành thị, trai tráng tụ hội thành đoàn rước sư tử rước rồng. Sư hí cầu, Long tranh châu, múa nhịp nhàng, điệu bộ uyển chuyển lúc hùng hổ mải miết, là những vũ khúc ngoạn mục với điệu nhạc độc đáo một trống một não bạt.

Nhiều nhà đốt pháo mừng khi đám rước đi qua dừng lại trước cửa nhà múa. Có lệ thưởng tiền chẳng nhiều thì ít; bọn trai tráng lập hội múa sư, múa rồng là vì ham chơi, không phải để kiếm lợi, tiền thưởng của các nhà họ sẽ dùng vào việc tu bổ hoặc mua sắm đồ đi rước. Nhiều nhà treo giải thưởng tiền và pháo trên cao bảy tám thước, họ đứng trên vai nhau xếp thành bậc thang cho người đội đầu sư tử leo lên giật giải bằng được.

Trung thu là tết của trẻ con, nhưng cũng là dịp biếu bánh, biếu ông bà cha mẹ chú bác anh em, biếu thầy dạy học, biếu bố mẹ vợ, biếu chỗ ân tình bạn bè. Biếu với ý nghĩa trước hết là mùa nào thức ấy, sau là nghĩ đến trẻ con.

Ngày trước ở Hà Nội vào dịp Tết Trung thu, đến phố Hàng Mã như đi vào rừng đèn giấy đủ kiểu, đủ màu, đi qua phố Hàng Đường, Hàng Buồm, người đứng chen chúc trước cửa tiệm đợi mua bánh tết đông như nêm cối.

Nhiều nơi có tục nam nữ thanh niên tụ họp nơi quang đãng mát mẻ hát trống quân, trông trăng, ba bốn đêm liền.

Tuy vậy, ở thôn quê hẻo lánh nhất là những nơi đồng chua nước mặn, người bần nông thường không biết Trung thu là gì. Trời sao trời ở không cân?/Kẻ ăn không hết, người lần không ra!” (trích Đất lề quê thói - phong tục Việt Nam - Nhã Nam & NXB Hồng Đức in lại năm 2015 từ bản in xuất bản năm 1970 của cơ sở ấn loát Đường Sáng).

Ngày nay, có những chiếc bánh trung thu giá lên đến hàng triệu đồng, nhồi vào trong đó đủ thứ sơn hào hải vị bổ dưỡng mẫu mã sang trọng; có những chiếc lồng đèn con nhà giàu nơi thành phố có giá bằng một tháng lao động của vợ chồng anh công nhân nghèo, những mâm cỗ với hàng ngoại nhập với chi phí vài chục triệu đồng... đang cho thấy Trung thu vẫn được biểu hiện rất đúng với vẻ hào nhoáng của một đời sống phú quý sinh lễ nghĩa. Tính xa xỉ đô thành, sự ngụy trang một xã hội sung túc của nó ngày càng được đẩy cao trong xã hội thị trường. Và nếu đắm đuối trong sự lộng lẫy lung linh đó, có khi ta dễ dàng quên những khoảng tối cuộc sống không khỏa lấp được, những tương phản ngay bên cạnh mình.
http://www.thesaigontimes.vn/136077/Tet-Trung-thu-va-su-xa-xi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét