Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Những ý kiến… giật mình

Việt Nam là điển hình của một xã hội lộn ngược, do đó chẳng có gì đáng phải giật mình. Về ODA, thối nát nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi chủ trương "huy động" được ODA càng nhiều càng tốt. Không biết bắt đầu từ khi nào (ODA được nối lại cho VN từ năm 1993) nhưng khi về nước năm 1998 tôi đã viết một số bài phê phán chính sách phát triển dựa vào vốn nước ngoài quá nặng ở Việt Nam (ví dụ bài này) và phản ánh với lãnh đạo Bộ KH&ĐT, nhưng lãnh đạo cười khẩy, bảo không huy động ODA thì lấy tiền đâu để đầu tư ? Tôi còn đề nghị tạm thời giảm mạnh tỷ lệ vốn đầu tư ngân sách trên GDP để chấn chỉnh nâng cao hiệu quả đầu tư trước đã. Thực tế tôi đã viết nhiều bài chỉ rõ vốn ngân sách và tín dụng ưu đãi càng nhiều và dễ dãi thì càng bị lợi dụng và càng kém hiệu quả. Chỉ khi chất lượng đầu tư được cải thiện rõ rệt; quy trình quy phạm đầu tư phải được xác định rõ ràng và phải được quản lý bằng Luật được Quốc hội thông qua thì mới nên mở rộng đầu tư ngân sách và vay ODA. Về chuyện này, lãnh đạo nói phải làm đồng thời, vừa tăng cường quản lý đầu tư, vừa mở rộng vốn đầu tư; nhưng trên thực tế thì các bác chỉ tâp trung vào mở rộng vốn đầu tư. Cơ chế quản lý vốn đầu tư nhà nước nói chung, vốn ODA nói riêng, trong suốt thời đại hai Bộ trưởng Trần Xuân Giá và Võ Hồng Phúc hầu như không có gì thay đổi. Hậu quả thế nào chúng ta đều biết.
Những ý kiến… giật mình
ODA là nguồn vốn vô cùng quan trọng, dùng để đầu tư phát triển nền kinh tế của đất nước. ODA do Chính phủ vay, nhưng người trả nợ là dân. Còn Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân, có vai trò giám sát toàn bộ các hoạt động, điều hành của Chính phủ, trong đó có việc giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, để sao cho những đồng tiền đó được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Thế nhưng trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII này, ý kiến ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã khiến cả xã hội phải giật mình, khi bà nêu một sự thực, là Quốc hội với cơ quan giám sát tối cao, và người dân, trong tư cách người trả nợ cuối cùng, hoàn toàn đứng ngoài quy trình về ODA.

Người dân hoàn toàn đứng ngoài quy trình về ODA thì đã hẳn. Bởi ai cho họ “đứng trong”? Dân chỉ biết về ODA qua những gì được những cơ quan có trách nhiệm công bố. Mà ở ta, mọi vấn đề được công bố đều có… định hướng, đều khác với thế giới.

Đến GDP, đến nợ công, nợ xấu… mà cách tính toán của ta cũng còn khác với thế giới nữa là.

Còn Quốc hội thì sao? Theo ĐB Lê Thị Nga thì 20 năm chúng ta vay vốn ODA, Quốc hội chưa hề giám sát. Nếu thế, đây là điều thực sự gây “sốc” cho hàng triệu cử tri.

Thế cho nên làm 1 km đường cao tốc ở ta mới tốn đến 12 triệu USD, mà vừa làm xong đã nứt toác, trong khi ở Mỹ người ta làm một km cũng loại đường ấy chỉ tốn có 4,5 triệu USD; ở Trung Quốc chỉ tốn 5 triệu USD.

Vì thế nên chúng ta mới có công trình văn hóa xây dựng hết những 3.200 tỷ nhưng xây dựng xong rồi thì để cho thuê làm đám cưới. Có làng văn hóa xây dựng hết 3.200 tỷ nhưng xây dựng xong rồi thì để… thả bò.

Thế nên Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng chỉ mới rà soát mấy công trình giao thông trọng điểm mà đã cắt giảm được tới 40.000 tỷ đồng.

Chuyện các vụ án tham nhũng, nhận hối lộ liên quan đến ODA như vụ PMU 18; vụ Huỳnh Ngọc Sỹ; vụ JTC, đều do nước cho ta vay vốn ODA phát hiện. Cho mình vay mà người ta còn biết xót cho việc sử dụng đồng vốn vay của mình.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Tại sao người ta lại lăn xả vào để làm 1 km đường, để xây dựng một cây cầu, nhỏ thôi, là đã có thể trở nên giàu có?”.


Chưa có vị ĐBQH nào trả lời hay dám trả lời câu hỏi đó. Nhưng nhân dân thì trả lời được ngay. Đường sá, cầu cống… phần lớn được xây dựng từ tiền đi vay ODA. Mà tiền đi vay, thì tha hồ lãng phí, tha hồ xà xẻo, tha hồ lại quả phần trăm phần nghìn.
Nợ công đã ở mức 64% GDP, ngấp nghé mức báo động đỏ (vượt quá 65% GDP) rồi. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vào ngày 29/10 vừa qua, Chính phủ đã bảo đảm nguồn ngân sách để trả nợ công là không quá 25% tổng chi ngân sách.

Đã phải dùng đến 70% tổng thu ngân sách để chi thường xuyên. Lại thêm 25% để trả nợ. Thì còn được mấy phần trăm nữa để chi đầu tư phát triển?

VŨ HỮU SỰ
(Nông Nghiệp)

http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134071/van-de-du-luan/nhung-y-kien-giat-minh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét