Đâu chỉ là ngân sách hay nợ công
Huỳnh Thế Du - (TBKTSG) - Nhiều lãnh đạo muốn làm yên lòng công chúng bằng cách cho rằng các dự án (như sân bay Long Thành hay bắn pháo hoa) là từ vốn tư nhân hay vốn xã hội hóa chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Đó là từ một sự hiểu nhầm rất cơ bản về vai trò của Nhà nước, và về mục tiêu của chính sách công.Trả lời báo chí về dự án sân bay Long Thành ngày 21-10-2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng phần ngân sách dự kiến phải bỏ ra chỉ là 24.000 tỉ đồng trong mức đầu tư 7,8 tỉ đô la (khoảng 164.000 tỉ) của giai đoạn 1 và phần còn lại sẽ là các nguồn khác mà chủ yếu vốn tư nhân theo mô hình hợp tác công tư.
Hiểu đơn giản là áp lực nợ công hay chi tiêu từ ngân sách từ dự án này là không lớn và chúng ta/Nhà nước không phải quan tâm đến các khoản đầu tư tư nhân.
Dù các con số báo cáo trước Quốc hội ngày 29-10-2014 của bộ trưởng theo ủy quyền của Thủ tướng đã trở nên phức tạp và khó hiểu hơn rất nhiều, nhưng trấn an về nỗi lo gánh nặng nợ công và ngân sách cũng vẫn là thông điệp chính. Vốn tư nhân sẽ chiếm một phần lớn trong dự án này.
Hà Nội cũng đã nói rằng chi phí bắn pháo hoa trong dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô hay xây các cổng chào trong dịp 1.000 năm Thăng Long là vốn xã hội hóa. Hiểu nôm na là không phải tiền ngân sách của Nhà nước và đó chỉ là các khoản chi của doanh nghiệp nên đâu có gì phải lo.
Hai câu chuyện nêu trên phản ánh một sự hiểu nhầm rất cơ bản về vai trò của Nhà nước, từ đó dẫn đến những nhìn nhận không chính xác về mục tiêu của chính sách công.
Vai trò của Nhà nước?
Vai trò của Nhà nước hiểu một cách đơn giản là làm sao để mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh trở thành hiện thực càng sớm càng tốt. Nói cách khác, mục tiêu của chính sách công là để các nguồn lực trong xã hội được sử dụng hiệu quả nhất đồng thời đảm bảo công bằng.
Ngân sách nhà nước hay vay nợ chỉ là những công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò của mình chứ chúng không phải là tất cả.
Ở khía cạnh hiệu quả, vai trò của Nhà nước là làm sao cho tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao nhất trong giới hạn nguồn lực hiện có.
GDP được cấu thành bởi: tiêu dùng của các cá nhân (C), chi tiêu của Chính phủ (G), đầu tư (I), xuất khẩu (X), và nhập khẩu (M). Trong đó đầu tư bao gồm cả đầu tư của Nhà nước và đầu tư của tư nhân (GDP = C+G+I+X-M). Do GDP ở một thời điểm nào đó là giới hạn, nên nếu một thành tố tăng thì một hay các thành tố khác sẽ giảm.
Ví dụ, nếu chi tiêu của Nhà nước tăng thì có thể tiêu dùng của các cá nhân, đầu tư cho nền kinh tế hay xuất khẩu sẽ giảm và/hoặc nhập khẩu sẽ tăng. Hay, nếu tổng đầu tư toàn xã hội là 30% GDP thì khi đầu tư nhà nước tăng thì đầu tư tư nhân sẽ giảm.
Vấn đề cần quan tâm là thành tố nào có lợi hơn cả cho tăng trưởng kinh tế thì nên ưu tiên vì khoản chi tiêu nào cũng tác động đến việc tăng hoặc giảm GDP trong tương lai.
Nếu tiền được chi tiêu vào các hoạt động tạo thêm năng lực sản xuất cho tương lai như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe... thì khả năng sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Ngược lại, nếu tiền được dùng cho những khoản chi tiêu xa xỉ, thậm chí là có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá chẳng hạn sẽ không có tác động hoặc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Việc bắn pháo hoa hay xây cổng chào bằng ngân sách hay tiền của doanh nghiệp không quan trọng vì đằng nào thì một nguồn lực quốc gia cũng tan thành mây khói. Khi đó, nguồn lực dành cho những việc thiết yếu khác như giáo dục hay chăm lo cho người nghèo của toàn xã hội giảm đi.
Của dân do dân và vì dân
Thành tích hay kết quả quan trọng nhất của Nhà nước là làm cho việc phân bổ nguồn lực trong xã hội hiệu quả và đảm bảo công bằng. Ai sử dụng nguồn lực không quan trọng miễn là mọi thứ tốt lên.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận này dường như chưa phổ biến ở nước ta, nhất là ở các địa phương. Chính quyền thường chỉ “đếm” những gì mà mình trực tiếp làm được.
Những nội dung chính hay những vấn đề được tô đậm trong các báo cáo thường là Nhà nước đã làm được điều này điều nọ cho người dân. Người dân thường chỉ được xem là đối tượng được thụ hưởng chứ không phải là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Rất ít nơi xem kết quả mà người dân hay doanh nghiệp làm được là thành tích của mình. Vấn đề này cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và loại bỏ cách hiểu không đúng. Nhà nước của dân, do dân và vì dân cần được hiểu một cách thực chất chứ không chỉ là các khẩu hiệu mang tính dân túy hay “nói vậy mà không phải vậy”.
Yếu tố quan trọng nhất trong các quyết định đầu tư công
Với những phân tích ở trên, nhìn từ góc độ tổng thể nền kinh tế hay vai trò của Nhà nước thì dự án sân bay Long Thành là một khoản đầu tư và cả nền kinh tế sẽ cần phải có hơn 164.000 tỉ cho giai đoạn 1 và 393.000 tỉ (tương đương 18,7 tỉ đô la) cho cả dự án.
Nhìn từ vai trò của Nhà nước, vốn của ai không quan trọng vì vốn Nhà nước hay tư nhân vẫn là nguồn lực của cả nền kinh tế. Do vậy, quan tâm hàng đầu phải là lợi ích dự án mang lại có lớn hơn 393.000 tỉ đồng hay không chứ không phải chỉ là phần mà ngân sách phải bỏ ra hay vay nợ.
Nếu lợi ích lớn hơn chi phí (tính về một thời điểm) thì việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khoản đầu tư này sẽ làm tổn hại đến con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam.
Do vậy, nhìn từ vai trò của Nhà nước, nhất là các đại biểu Quốc hội, quan tâm hàng đầu nên là tìm ra các dự án có hiệu quả về mặt kinh tế để quyết định đầu tư chứ không thuần túy là ngân sách nhà nước hay nợ công.
Nhà nước cần nhìn bức tranh tổng thể là GDP và khả năng trả nợ của cả nền kinh tế chứ không phải chỉ là các vấn đề cục bộ.
Hơn thế, Nhà nước có công cụ thuế hay in tiền để điều tiết tỷ phần chi tiêu trong nền kinh tế cho nên không nên dùng nợ công là con ngáo ộp và cản trở việc xem xét các quyết định đầu tư. Đối với nợ công, vấn đề cần quan tâm là hiệu quả của các khoản đầu tư công và hiện tượng chèn lấn đầu tư tư nhân.
Tóm lại, với cách tiếp cận cho cả nền kinh tế, nhiệm vụ của Bộ GTVT nói riêng, Chính phủ nói chung là chứng minh rằng dự án sân bay Long Thành có tổng lợi ích lớn hơn tổng chi phí cho toàn nền kinh tế; và các đại biểu Quốc hội cần đảm bảo rằng các dự án do mình xét duyệt phải có hiệu quả kinh tế chứ không phải nhìn vào một vài khía cạnh nào đó.
http://www.thesaigontimes.vn/122288/dau-chi-la-ngan-sach-hay-no-cong.html/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét