Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Sài Gòn: Nghề sửa quần áo còn sống dài dài

Sài Gòn: Nghề sửa quần áo còn sống dài dài 
Văn Lang/Người Việt - Sài Gòn là một thành phố của vô số những dịch vụ, đáp ứng hầu hết những nhu cấu từ “thượng vàng” cho tới “hạ cám” của khách hàng. Nếu quý vị nào về Sài Gòn, thấy có những người dân ăn bận “không giống ai” thì cũng đừng vội cho là “gu” thẩm mỹ của họ kém, tất cả chẳng qua là vì túi tiền eo hẹp, cộng thêm cái lối suy nghĩ đã “thành nếp” của một thời nghèo đói kéo dài, đã buộc họ buông xuôi theo thói quen “chậc lưỡi” mà rằng: “Sao cũng được!”
Ðường Lý Chính Thắng (Yên Ðỗ cũ) với nhiều tiệm may và 
sửa chữa quần áo thời trang. (Hình: Văn Lang/Người Việt) 
Nghề sửa quần áo ở Sài Gòn là nghề không mới, cũng chẳng tân kỳ. Vì lẽ, nghề này là một nghề khiêm nhường, lặng lẽ nhưng đã tồn tại trên 30 năm nay, có lẽ sẽ còn tồn tại lâu nữa. Và nghề này, vô tình đã phản ánh đúng thực chất sự thăng trầm của nền kinh tế Sài Gòn, giữa những hào nhoáng xa hoa, là sự bần hàn, lam lũ của bao người lao động thị thành.

Chị C., nhà ở gần một ngôi chợ thuộc Gò Vấp, gia đình chị có một thời hết sức khó khăn. Ðó là khi ba chị, người đàn ông trụ cột của gia đình, đột ngột bỏ đi vượt biên mà không hề có một lời báo trước, rồi từ đó về sau là “bặt vô âm tín.”

Các em thì còn nhỏ, người mẹ thì nay ốm, mai đau, chị C. hoàn toàn chới với không biết lo toan gia đình ra sao khi mà xưa nay chị cũng quen sống trong sự bảo bọc của người cha. Nhưng “túng” thì phải “tính,” cũng may là chị C. cũng được học nhiều về nữ công gia chánh. Thế là chị C. kéo cái bàn máy may ra trước cửa nhà và treo bảng: “Tại đây có nhận sửa chữa quần áo.”

Gia đình chị C. cũng lần hồi sống qua ngày, khi má chị bán đi chỉ vàng cuối cùng để lo cho đàn con, cũng là lúc chị C. tạo được “thương hiệu” cho mình, nghĩa là chị đã được khách hàng tín nhiệm đem quần áo tới cho chị sửa.

Tiền công sửa quần áo của chị C. đủ để mua gạo, tiền chợ, tiền điện, nước.

Rồi đàn em của chị C. cũng lớn khôn, từng đứa một rời xa tổ ấm để lập những gia đình mới.

Rồi ba chị C. cũng gởi tin về. Sau bao năm định cư tại hải ngoại, ông gởi về cho má chị C. một khoản tiền lớn, kèm theo lời nhắn: “Má con bà bên đó dùng số tiền này tự lo đi, tôi bên đây đã có gia đình mới, không thể lo gì đừng đòi hỏi thêm.”

Nhà may Cường, chuyên sửa chữa quần áo 
thời trang ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) 

Má chị C. lặng lẽ kêu thợ tới xây lại ngôi nhà. Gia đình dọn lên lầu, phía dưới cho người ta thuê mặt bằng kinh doanh. Tiền cho thuê mặt bằng đủ để gia đình sống một cuộc đời bình thường, không còn phải phụ thuộc vào nghề sửa chữa quần áo của chị C. nữa.

Nhưng ngày ngày chị C. vẫn kéo bàn máy may ra một góc trước cửa nhà nhận sửa quần áo. Vì với chị C. công việc sửa quần áo không chỉ là kiếm tiền mà bây giờ còn là niềm vui, niềm vui của một người phụ nữ đã...luống tuổi.

Khác với chị C., chị L. quê ngoài Nam Ðịnh hai vợ chồng trẻ vô Sài Gòn làm công nhân may, với đồng lương eo hẹp chỉ dám thuê nhà trọ ở khu bình dân “bèo“nhất, còn lo dành dụm tiền gởi về quê.

Khi chị L. sanh con phải nghỉ việc, tất cả chỉ trông vào đồng lương của người chồng.

Giáp năm, chị L. cũng không thể gởi con cho nhà trẻ để đi làm vì không có hộ khẩu thành phố, gởi tư thì vừa đắt lại nghe nói mấy cô bảo mẫu cô nào cô nấy ác như... “dì ghẻ.” Ðành ôm con ra vỉa hè “kê” một tủ thuốc lá bán lẻ cho khách đi đường, nắng nôi bụi bặm mà cũng rất ế...

Có người quen, thấy chị L. con nhỏ cực khổ, gọi chị L. về cho thuê một góc vỉa hè phía trước nhà, đặt cái bàn máy may sửa quần áo.

Khéo tay lại siêng năng, chị L. làm không hết việc.

Cắt ống quần lên lai, chị L. lấy 15 ngàn đồng, bóp lưng quần cho vừa bụng lấy 20 ngàn đồng, sửa “tất tần tật” mọi thứ cho vừa ý khách chị cũng chỉ lấy có 60 ngàn đồng. Riêng với mấy cô cậu sinh viên chị L. luôn lấy giá rất mềm vì biết mấy đứa ở dưới quê lên Sài Gòn học cũng nghèo như mình.

Những người hành nghề sửa chữa quần áo kiếm 
sống trên vỉa hè. (Hình: Văn Lang/Người Việt) 

Chị L. cho biết, công việc sửa quần áo vỉa hè thấy vậy mà thu nhập cao hơn công nhân đi may cho xí nghiệp. Và chị L. cũng đang “mơ mộng” để dành ít tiền cho chồng đi học nghề lái xe, hay thợ máy vì theo chị nghề công nhân may xí nghiệp của chồng chị ngoài mức lương bèo thì còn rất bạc bẽo, khó mà trụ lại lâu dài được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì ngày nay đa phần người dân không còn đi tiệm may đồ nữa, mà chủ yếu đi mua đồ may sẵn về bận, vì vừa tiện lại vừa rẻ. Nhưng đồ may sẵn công nghiệp thì không thể vừa cho từng người, do vậy người mua bắt buộc phải đi sửa lại, do vậy mà nghề sửa quần áo ở Sài Gòn có đất để “dụng võ.”

Tiền công sửa ở những chỗ vỉa hè, bình dân thường bằng khoảng 10% giá trị của món đồ được sửa. Như cái quần jeans Việt Nam (mới) mua ngoài vỉa hè có giá là 150 ngàn đồng, cái quần jeans sida (second hand), cũng phải trên 100 ngàn đồng...Riêng với những món bèo hơn, bận để lao động thì ít ai sửa.Vì mua cái quần 30 ngàn đồng (hàng quá cũ), về bóp bụng, lên lai mất thêm 35 ngàn đồng nữa, người ta thấy nó...vô lý.

Nhưng ở Sài Gòn không chỉ có những chỗ sửa quần áo bình dân mà còn có những tiệm sửa chữa hàng thời trang cao cấp. Ða số những tiệm này nằm trên đường Lý Chính Thắng (Yên Ðỗ cũ).

Tiệm may Cường trên đường Yên Ðỗ rất được các quý bà, quý cô tín nhiệm trong việc may mới cũng như sửa chữa quần áo cho “vừa khít”với người. Dĩ nhiên giá cả ở đây có hơi cao hơn vỉa hè, như lên lai 40 ngàn đồng, bóp bụng có giá 70 ngàn đồng, sửa “tất tần tật” cho vừa người có giá 170 ngàn đồng. Một quần jeans may đo tại đây có giá là 250 ngàn đồng.

Nếu quý vị nào về Sài Gòn, thấy có những người dân ăn bận “không giống ai” thì cũng đừng vội cho là “gu” thẩm mỹ của họ kém, tất cả chẳng qua là vì túi tiền eo hẹp, cộng thêm cái lối suy nghĩ đã “thành nếp” của một thời nghèo đói kéo dài, đã buộc họ buông xuôi theo thói quen “chậc lưỡi” mà rằng: “Sao cũng được!”
Và cũng vì chuyện “túi tiền”của người dân mà nghề sửa quần áo ở Sài Gòn có đất sống dài dài... 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195367&zoneid=310#.VDJi6meSx2s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét