Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Giám đốc DNNN: Làm ít, hưởng nhiều

Làm ít, hưởng nhiều
Sau khi Bộ Công thương công bố công khai mức lương của 120 lãnh đạo thuộc 11 tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ trong năm 2013, nhiều ngày qua dư luận, nhất là người lao động trực tiếp không khỏi xôn xao. Trong tình hình kinh tế khó khăn chung, người lao động nhiều khi không có việc làm, việc tăng lương cho người lao động, Quốc hội đã phải nhấc lên, đặt xuống tính từ đồng một thì mấy sếp to của các tập đoàn vẫn vô tư hưởng mức lương khủng.
Điều băn khoăn của người lao động liệu việc phân phối đồng lương như vậy trong một chế độ XHCN như vậy liệu có công bằng? Những vị sếp nhận bổng lộc lớn như vậy có khỏi quá với đóng góp, công sức họ bỏ ra?

Đành rằng, với những vị "chủ”, vị "tổng” có lương cao, đứng đầu bảng lần này toàn là những chỗ có tên tuổi, cũng đều vào diện "ăn nên, làm ra”. Ví như lương của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TCT Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) Đỗ Ngọc Khải vào diện cao nhất với 74,72 triệu đồng/tháng. Cũng đáng thôi, khi giờ đây nhà nhà, người người dùng dầu thực vật. Đến những vị phó của tập đoàn này lương cũng ngất ngưởng lương mỗi tháng khoảng 60 triệu cả. 

Tiếp đó là các vị sếp của các tập đoàn như Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… Như Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực có mức lương 65,81 triệu đồng/tháng. Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu 64,35 triệu/tháng. Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng có mức lương tháng 61,32 triệu đồng…Lương, thu nhập vậy cũng dễ hiểu, bởi đây đều là những lĩnh vực "độc quyền”. Ngành dầu khí thì cứ hút lên mà bán. Ngành điện hễ có khó khăn, gần lỗ thì lại tăng giá. Vậy nhưng cũng còn không ít các "chủ”, các "tổng” khác lương cũng đều ngất ngưởng từ 40- 57 triệu đồng/tháng cả…

Điều chốt lại, đây đã là các mức lương được coi là hợp pháp, đúng quy định, đã được Bộ Công thương soi kỹ.

Theo lệ đời, câu cửa miệng dân gian, rằng, làm nhiều thì hưởng nhiều, chả ai phải bàn cãi. Nếu các vị chủ, vị tổng làm lợi, mang lại tiền cho nước cho dân, thì việc họ được hưởng lương cao là chính đáng, người lao động chân tay, trực tiếp chả có gì phải so đo, suy bì. 

Phải chăng, ngay quy định của pháp luật cũng vì mục đích này. Rằng để kích cầu, để trả công xứng đáng cho chất xám, cho người có trách nhiệm, nên Nghị định 50, rồi Nghị định 51/2013/NĐ-CP cho phép trả lương, thù lao, tiền thưởng với các viên chức quản lý doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp nhà nước đến 36 triệu đồng/tháng. Pháp luật còn "mở” đến mức cho phép các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chi trả tiếp đến 50% mức lương tối đa, tổng đến 54 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra còn những thù lao, thưởng khác… Mức hưởng như vậy, còn cao gấp mấy lần của mức lương của Thủ tướng Chính phủ. 

Còn nhớ năm ngoái, khi vụ lương khủng của giám đốc 4 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh vỡ ra, với mức lương 2,6 tỷ đồng/năm, Văn phòng Chính phủ thống kê, thu nhập của Thủ tướng mỗi tháng chỉ hơn 17 triệu đồng. Và rồi, như Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã phải thốt lên: "Nghe mà choáng… Khi cả đất nước đang rất khó khăn, các anh làm như vậy có thấu tình, đạt lý không?”.

Lâu nay, người dân vẫn xì xầm, rằng "lương và lậu”. Nhiều khi lương ít đấy nhưng bù lại là "lậu” và các bổng lộc khác. Ở đây, lương công khai đã "khủng” vậy. Nếu người ta thống kê được các khoản "lậu”, các khoản bổng lộc khác của các sếp thì còn khủng đến đâu. Trong khi người công nhân, người lao động thu nhập chỉ 3, hay 5 triệu đồng. Có một phần không nhỏ công nhân thu nhập chưa đủ cho mức sống tối thiểu.

Chuyện các vị chủ, vị tổng làm nhiều, hưởng nhiều, hay pháp luật ưu tiên cho họ, những người có trách nhiệm, phát huy chất xám cũng là rất nên. Nếu như sòng phẳng, công bằng, đúng theo quy định của pháp luật thì chỉ nhìn vào khung bảng lương, người ta đã thấy các vị làm việc như thế nào. Đây cũng tạo ra thế ganh đua, cạnh tranh, tạo đà cho kinh tế, phát triển.

Vậy nhưng, lại là chuyện dân gian phản ánh một sự thực, rằng có không ít vị "làm ít, hưởng nhiều”. Hoặc là hưởng nhiều của các vị chưa được xã hội, đối tác, đồng nghiệp, người lao động "tâm phục, khẩu phục”. Chuyện làm ít, hưởng nhiều như 4 vị giám đốc của 4 công ty tại TP Hồ Chí Minh đã rõ. Còn như lương của các vị ở EVN, PVN cũng làm người lao động băn khoăn khi đây chưa phải là thực chất của cái sự "làm”. Còn không ít các doanh nghiệp khác, đã tự vẽ ra, đặt ra lương. Lương khủng, lương cao nhưng doanh nghiệp lại không phải ăn nên làm ra, thậm chí còn thua lỗ…

Đó là chưa kể một số lãnh đạo chỉ cần được mang cái danh "đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước” tại doanh nghiệp, nhiều khi chả làm gì cũng vẫn được ôm lương ngất ngưởng, như nhiều người nói "chuột sa chĩnh vàng”.

Rất cần phải xem lại chuyện lương khủng, việc "làm ít, hưởng nhiều”. Pháp luật đã quy định, nếu lợi nhuận không tăng, lương các chức danh chỉ được hưởng lương cơ bản như quy định. Còn như kinh doanh thua lỗ, người quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc phải ăn lương như chế độ công chức. Pháp luật cũng quy định cấm dùng quỹ lương của người lao động trả cho viên chức quản lý. Việc trả lương, thưởng phải công khai, minh bạch.v.v. Tuy nhiên lâu nay, nhiều doanh nghiệp chưa làm đúng, ngay cả cấp trên soi xét cũng chưa nghiêm.

Để không còn tình trạng làm ít, hưởng nhiều, lương khủng không thực chất, cùng với việc tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, việc trả lương cần phải được xem xét kỹ, tăng cường giám sát. Xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Kiên Long
(Đại Đoàn Kết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét