Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Để người nước ngoài phải nhắc, xấu hổ lắm!

Thương xá Tax: Để người nước ngoài phải nhắc, xấu hổ lắm!
(Tin tức thời sự) - Để người nước ngoài can thiệp vào thì đúng là thấy hơi mắc cỡ, xấu hổ, di sản của nước mình mà không có ý thức chủ động bảo tồn. Giới ngoại giao châu Âu đề nghị bảo tồn Thương xá tax / Thương xá Tax: TP.HCM không giữ thì lạ lắm!
Nên di chuyển xây dựng tòa nhà 40 tầng ra
 khỏi vị trí khác, giữ nguyên Thương xá Tax
Chối bỏ lịch sử, muốn thể hiện tư duy trọc phú
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 7/10, KTS Trịnh Duy Anh - Giảng viên Trường Đại học kiến trúc TPHCM bày tỏ sự bức xúc: "Ở đây, việc phải bảo tồn Thương xá Tax là chuyện không thể bàn cãi, một đô thị mà cứ đập hết những di sản kiến trúc thì sẽ là một đô thị mất hết phần hồn, mất hết ký ức.

Mà đã trở thành một đô thị mất hết ký ức thì phần nào cũng như người đãng trí. Vừa rồi thấy thành phố làm hàng loạt việc như là chặt bỏ công trình cũ, xây công trình mới, tôi hoàn toàn không đồng tình".

Lấy ví dụ cụ thể, ông Anh chỉ rõ, như ngay dãy nhà ở Đồng Khởi, dãy nhà gần UBND thành phố, trước đây toàn là những ngôi nhà cao tầng cổ rất đẹp, nhưng sau một thời gian cứ thế là đập hết, thực sự rất lấy làm tiếc.

Còn riêng đối với thương xá Tax, ông Anh cho rằng, tuy nó không hoàn toàn còn nguyên trạng như lúc ông nhìn thấy lần đầu, bởi nó cũng đã bị sửa chữa, cải tạo nhiều, nhưng dẫu sao đi chăng nữa nó vẫn còn những phần đáng để bảo tồn, đó là 2 mặt của công trình này ở phố đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, đây là những phần đáng để giữ lại.

Ông nhấn mạnh: "Theo quan điểm của tôi, để bảo tồn thì chỉ cần nhích tòa nhà 40 tầng sang phía Thủ Thiêm một đoạn, thì muốn xây bao nhiêu tầng cũng được, thậm chí nếu theo quy hoạch thì chắc chắn trong tương lai sẽ đẹp hơn. Còn nếu cứ hành xử theo kiểu này phá bỏ lịch sử thì chả mấy mà sẽ mất đi SG".

Hơn thế, chia sẻ cảm xúc, ông Anh giãi bày: "Nhiều lúc đi qua trung tâm SG, tôi không dám ngước nhìn lên, bởi tôi đã ở đây nhiều năm, có nhiều thứ tôi có cảm giác luyến tiếc lắm, như tòa nhà ở chỗ Vincom 2, nó bị đập đi tôi cũng rất tiếc".

Chính vì vậy, ông cho rằng, đề nghị của Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TPHCM là hoàn toàn có cơ sở, chắc chắn họ đã có kinh nghiệm của người đi trước, có thể trong quá trình phát triển họ đã phải trả giá cho việc loại bỏ các di tích lịch sử, nên đã có những bài học, nên họ muốn VN hãy gìn giữ khi chưa quá muộn.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại ở đây, đó là quyết định cuối cùng không phải ở người dân mà là những nhà quản lý, nên các nhà quản lý cần phải cân nhắc giữa cái được và cái mất, rất có thể cảm thấy sự phát triển, nhưng đánh đổi lại sẽ mất những gì.

"Tôi nghĩ rằng, một hộp kính xây lên thì xây ở Hà Nội, Vũng Tàu hay ở đâu cũng thế, trong khi mình đang có một di sản có giá trị lịch sử, mà mình lại bỏ nó đi, thì chắc chắn nó sẽ cắt đi quá khứ của thành phố. Có nghĩa chúng ta đang chối bỏ quá khứ. Hơn nữa, phải người nước ngoài phải lên tiếng chứng tỏ là chúng ta phải xem lại mình. Thương xá Tax cũng chỉ là một ví dụ để mà chúng ta xem lại nhiều công trình khác, phải hết sức trân trọng các di sản, biết lắng nghe. Chứ để người nước ngoài can thiệp vào thì đúng là tôi thấy hơi mắc cỡ, xấu hổ lắm", ông Anh chia sẻ.

Bởi theo ông thì khi đã mất đi một phần ký ức, thì phải nói là một số lượng rất nhiều người yêu thành phố này, những người trên mức yêu là ngưỡng mộ Sài Gòn nói chung, Thương xá Tax nói riêng sẽ thấy nó không có hấp dẫn. Phải nói Thương xá chính là vị trí khắc họa Hòn ngọc Viễn Đông của Sài Gòn xưa, nên lại càng phải trân trọng, giữ gìn, phải nhìn thấy giá trị của nó rất cao về mặt lịch sử, kể cả thẩm mỹ.

Khi xây một công trình cao chót vót lên, chúng ta sẽ đánh mất quá khứ, mọi thứ trở lên kệch cỡm, giống kiểu nhà giàu khoe của, chỉ thể hiện một tư tưởng hết sức trọc phú.

Đừng xé nhỏ, nên xây dựng ở khu đất khác


Đồng tình quan điểm của ông Anh, KTS Trần Đình Nam - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cũng cho hay: "Xu hướng là từ những năm 80, 90, chúng ta đã có những kiểu tu sửa, nhà xuống cấp quá thì bỏ hết phần bị sụp, khôi phục toàn bộ mặt cứng, phần nào giữ lại được thì sẽ giữ, đưa cái mới vào kết hợp với cái cũ, cái cũ được trình bày trong cái mới".

Thế nhưng, đối với Thương xá Tax, theo quan điểm của ông Nam thì đó là một di tích lịch sử, nét riêng của Sài Gòn, đây cũng chính là tiềm năng du lịch, làm nên sự khác biệt cho thành phố, nên nếu như phá bỏ đi thì không khác gì đang hủy hoại tiềm năng du lịch vốn có của nó, chứ không phải bình thường.

Ông Nam cho biết thêm: "Đây cũng như là một mỏ vàng, thế mà chúng ta bỏ đi, chỉ người nào đi Thái Lan, Singapore, Malaysia rồi thì mới thấy, những nước này công trình cổ rất ít, nhưng họ vẫn cố gắng giữ lại để thu hút du khách tới. Nghịch lý là ai cũng biết Singapore họ rất thiếu đất, mà chúng ta lại dư đất, vậy tại sao lại làm như thế?".

Mặt khác, theo quy hoạch của thành phố, ông Nam chỉ rõ, ở khu vực Thương xá không riêng gì công trình này, mà còn có cả một quần thể, rất nhiều công trình cổ, nếu xé lẻ đi thì những công trình đó sẽ thành vô vị, Hòn ngọc Viễn Đông sẽ tự dưng mất đi.

Để bảo tồn, ông Anh phân tích: "Khu đất của Thương xá hiện nay khá lớn, ở cả hai mặt đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, nên hai mặt tiền này có giá trị nhất, còn phía bên trong là khu vực cầu thang trung tâm cũng có giá trị. Còn khu vực đất đằng sau cũng đã cải tạo vài lần, nên có thể thay đổi được để tăng thêm diện tích sử dụng, nhưng số tầng cao phải hết sức cẩn thận.

Nếu như xây dựng tòa nhà mấy chục tầng thì sẽ khiến người dân có cảm giác khó chịu khi nhìn vào khu vực đó. Đứng từ phía quảng trường của nhà hát UBND, xuôi đường Nguyễn Huệ ra bờ sông, một công trình cao ốc ở đó, sẽ không mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Thương xá có 1 góc cong, có 1 mái hiên rộng, đây là dấu ấn đẹp, nên cố gắng gìn giữ hình ảnh đó, còn công trình mới có thể lui vào trong".

Còn theo ông Nam, nếu đã có ý định bảo tồn, thì không thiếu chuyên gia về bảo tồn để đưa ra những phương án, thậm chí tổ chức cuộc thi các phương án, tìm được phương án tốt nhất.

"Nhắc đến Sài Gòn ai cũng nhớ đến Hòn ngọc Viễn Đông, đó là những gì gắn liền với Sài Gòn từ thưở sơ khai, Thương xá Tax là 1 trong những phần quan trọng, nên hãy cố gắng bảo vệ", ông Nam khẳng định.

1 nhận xét:

  1. Sự thật đây chỉ là một " Sự trả thù giai cấp ". Chúng ta hẳn biết, trước khi là " Tư bản đỏ "thì họ vốn là giai cấp bần nông, cố nông hay nói chung là giai cấp Vô sản. Vì thế,trong quá khứ ăn sâu vào tiềm thức và khởi phát thành hành động thì những gì là hào nhoáng cùng to lớn, đẹp đẽ đều là của tư sản, đồng nghĩa của giai cấp thống trị, bóc lột và mại bản thì đều phải phá bỏ và khuất mắt !Chính vì thế khi có dịp thì với quyền hành trong tay cộng tư duy định kiến bần nông có sẵn thì đều không thương tiếc.Thêm nữa, với họ sẵn không có 1 kỷ niệm đẹp nào và những vị trí đó họ từng không đặt chân đến do hận thù và nguy hiểm thì cớ gì phải tiếc thương và lưu giữ lại ? Hẳn nhiên là vậy thôi : Một tư duy hẹp hòi và thiển cận nằm trong 1 hệ thống bao che và ngầm ý đồng tình !!

    Trả lờiXóa