Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Chỉ có ở VN: Bồi dưỡng đại biểu Quốc hội

Chuyện chỉ có ở VN là đại biểu QH VN được Đảng cử dân bầu, mỗi người chỉ biết một chuyên môn của mình, trước đó không hoạt động chính trị nên không hiểu những lĩnh vực khác. Khi bước chân vào tòa nhà Quốc hội lần đầu, họ như gà công nghiệp, cái gì cũng chỉ hiểu lơ mơ... do đó phải có những lớp bồi dưỡng kiến thức cho họ để họ biết mà bấm nút biểu quyết. Đơn cử cần giảng cho các tướng biết thế nào là tăng trưởng kinh tế, thu chi và thâm hụt ngân sách... Gọi là bồi dưỡng cho oai chứ thực ra là dạy cho họ những khái niệm cơ bản của tất cả những lĩnh vực kinh tế xã hội.
Đôi điều về bồi dưỡng năng lực hoạt động của ĐBQH
Công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử triển khai sắp được mười năm. Xin ghi lại đôi điều suy nghĩ để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này đối với ĐBQH.
Sắp tới đây Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng đại biểu dân cử sẽ được tròn mười năm hoạt động. Làm gì để các ĐBQH tham gia, và tham gia tích cưc, các cuộc bồi dưỡng có lẽ là một nội dung sẽ được tổng kết nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động của Trung tâm. Đã có một tỷ lệ không nhỏ các ĐBQH không tham dự được các hoạt động bồi dưỡng vì không sắp xếp được thời gian, hoặc vì không hội đủ điều kiện, hoặc vì những lý do khác.

1. Logic nhưng có phải là giải pháp tối ưu?
Sau mỗi nhiệm kỳ, cho tới nay Quốc hội Việt Nam được “thay máu” với khoảng 2/3 ĐBQH không ra tái cử cho khóa tiếp theo.

Việc các đại biểu khóa mới được cơ cấu được cử tri chấp nhận với mong muốn (nếu không nói là yêu cầu) các ứng cử viên phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của một ĐBQH sau khi trúng cử, và Quốc hội được cấu tạo từ đó phải thực sự có năng lực để là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất theo quy định của Hiến pháp.

Tỷ lệ ĐBQH được bầu có trình độ đại học trở lên khá cao. Tỷ lệ đại biểu là đảng viên cho tới nay chiếm trên 90%. Tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm cũng rất cao, khoảng 65 - 70%. Tỷ lệ đại biểu tái cử khoảng 30%.

Nhưng chưa hẳn vì thế mà ĐBQH khóa mới có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Do vậy, việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho ĐBQH khóa mới, đặc biệt cho các đại biểu trúng cử lần đầu tiên, là rất cần thiết. Và điều này đã được tiến hành từ gần mười năm nay.

Giải pháp nâng cao năng lực này rất logic trong logic cơ cấu ĐBQH như hiện nay, với các tỷ lệ vừa được nhắc lại trên đây. Nhưng liệu giải pháp này có phải là tối ưu hay không?

Chỉ có thể trả lời khi có những giải pháp khác, ở các cung bậc khác nhau, để so sánh. Chí ít và đơn giản nhất, trong giải pháp hiện hành, gia giảm các trị số khác nhau của bốn tỷ lệ nêu trên đây sẽ dẫn đến các phương án khác nhau để so sánh và để tìm ra phương án tối ưu.

Cũng có thể nghĩ đến phương án xem xét thêm, ngoài tiêu chí về trình độ văn hóa, mức độ hiểu biết về hoạt động của bộ máy nhà nước của các ứng cử viên được cơ cấu. Với phương án này công tác bồi dưỡng năng lực sẽ thuận lợi hơn vì thông tin về đối tượng bồi dưỡng sẽ rõ hơn, trong trường hợp này là hiểu biết về bộ máy nhà nước.

2. Làm gì để có được sự tham gia tích cực?

Sắp tới đây Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng đại biểu dân cử sẽ được tròn mười năm hoạt động.

Làm gì để các ĐBQH tham gia, và tham gia tích cưc, các cuộc bồi dưỡng có lẽ là một nội dung sẽ được tổng kết nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động của Trung tâm.

Đã có một tỷ lệ không nhỏ các ĐBQH không tham dự được các hoạt động bồi dưỡng vì không sắp xếp được thời gian, hoặc vì không hội đủ điều kiện, hoặc vì những lý do khác.

Có ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng này cần quy định về trách nhiệm tham gia theo hướng khuyến khích sự tự nguyện, cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ và cần có biện pháp thích hợp để thu hút sự tham dự của ĐBQH.

Cần làm rõ nội hàm của các cụm từ quan trọng này và cần quy chiếu về quyền và nghĩa vụ của ĐBQH đã được quy định trong Hiến pháp 2013 tại các Điều từ 79 đến 82.

Bồi dưỡng nội dung gì, cho ai, nên nhớ rằng ĐBQH là những “học viên đặc biệt” ở chỗ họ có ba chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Họ là những người hoạch định và quyết định chính sách (policy maker). Nội dung và phương pháp bồi dưỡng do đó phải thích hợp, bổ ích và luôn được đổi mới theo sự phát triển của đất nước ngày càng hội nhập với thế giới. Có như vậy mới khuyến khích sự tự nguyện.

Để bổ ích các nội dung truyền đạt nên dẫn chứng từ những ví dụ cụ thể trong hoạt động nghị trường (khi trao đổi về kỹ năng thảo luận, tranh luận, chất vấn), hay từ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở các vùng miền của đất nước (khi trao đổi về kỹ năng giám sát việc thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, về bình đẳng giới…) hay từ sự phức tạp của nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Với đối tượng bồi dưỡng đặc biệt như vậy, các báo cáo viên, ngoài yêu cầu về ý thức chính trị, phải là những người am tường và có kỹ năng về hoạt động nghị trường và đã thể hiện cụ thể các kỹ năng này.

3. Giới hạn của công tác bồi dưỡng và những thận trọng

+ Để làm tròn chức năng của mình, ngoài kiến thức và kỹ năng hoạt động nghị trường, người ĐBQH còn phải dành đủ thời gian cho công tác đại biểu, cần có chiều dày của vốn sống, và nhất là cái tâm vì dân.

Khi phải kiêm nhiệm thì khó mà dành đủ thời gian. Mỗi đại biểu được đào tạo và hoạt động trong một lĩnh vực nhất định trước khi được cơ cấu vào Quốc hội, vốn sống do vậy có nhiều lỗ hổng so với đòi hỏi của công tác nghị viện. Khi cái tâm của đại biểu còn bị chi phối mạnh mẽ bởi những yếu tố khác thì khó mà hết lòng vì dân trong hoạt động nghị trường. Rõ ràng đào tạo bồi dưỡng chỉ là điều kiện cần.

Nhấn mạnh thực tế này để đừng tuyệt đối hóa tác dụng của công tác đào tạo bồi dưỡng. Để tiến đến một Quốc hội hiệu quả và chuyên nghiệp, bao gồm các ĐBQH có năng lực và bản lĩnh, một mình công tác đào tạo bồi dưỡng là không đủ.

+ Một xu hướng thịnh hành hiện nay trong công tác giáo dục và đào tạo là chuẩn hóa công tác này bằng những tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình; tiêu chuẩn về nội dung, về phương pháp, về hình thức bồi dưỡng, về quy trình, các tài liệu mẫu, v.v…

Cách tiếp cận mang tính kỹ trị này, phổ biến trong đào tạo các ngành kỹ thuật và công nghệ, có những ưu điểm đồng thời nhận được những cảnh báo từ chính các nhà giáo về những nhược điểm tự bản thân nó, và những giới hạn đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Áp dụng cách bồi dưỡng này vào lĩnh vực hoạt động nghị trường càng phải thận trọng vì kết quả sẽ có khoảng cách nhất định với thực tế xã hội, với cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ mà ĐBQH cần nắm bắt với sự nhạy cảm cao nhất có thể được để hiểu, phản ánh vào nghị trường và giúp Quốc hội tìm ra giải pháp cho những khó khăn, những vấn đề mà cử tri đang gặp phải.

Cần phải thận trọng hơn nữa nếu sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng chuẩn mực hoạt động đại biểu, để xây dựng cơ chế đánh giá hoạt động của ĐBQH, để nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội.

4. Phối hợp trong công tác bồi dưỡng

Trong công tác bồi dưỡng cần có sự phối hợp rõ ràng, nhịp nhàng và chặt chẽ.

Trước tiên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Sự phối hợp phải thể hiện đúng Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội” (Điều 74, khoản 5 của Hiến pháp) chứ không lãnh đạo các cơ quan này của Quốc hội.

Sự phối hợp cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc thù giữa Ban Công tác đại biểu, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Sự phối hợp còn phải lấy trung tâm của công tác bồi dưỡng là đại biểu Quốc hội, những học viên đặc biệt, mà chức năng, quyền và nghĩa vụ được Hiến pháp quy định.

Chính vì các mối quan hệ này mà sự phối hợp cần được quy định phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=328969

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét