Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Tình nghĩa vợ chồng thật thà mà như. . . mơ !

Tình nghĩa vợ chồng thật thà mà như. . . mơ !
Tác giả: Đào Dục Tú
Với một vốn kiến thức văn học cận đại tầm tầm, người Việt mình tầm tuổi 70 “xưa hiếm nay không hiếm” trở lên, hỏi mười người như một, ai cũng thích bài thơ viết về người vợ tảo tần của cụ Tú thành Nam: “Quanh năm buôn bán ở mom sông- Nuôi đủ năm con với một chồng- Lặn lội thân cò khi quãng vắng- Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Thấy thấm thía nỗi kính thương cụ bà Tú Xương quá ! Mới đây, qua ông bạn vong niên trên tám mươi xuân nguyên là giáo viên văn thuộc hàng cao thủ đất học Nam Định hiện “di dân” cư ngụ ở làng Bắc Biên bên kia sông Cái, tôi được đọc lại và ảm thêm một lần nữa, biết thêm một lần nữa bài thơ “khóc vợ” của cụ Tú Mỡ. Tôi kính thương bội phần hơn xưa đối với các cụ bà. . . ngày xưa!

Tôi xem giữa những ngày “lắm chuyện nhức đầu” này ,có cơ may thấy thêm tình nghĩa vợ chồng của người Việt mình qua thơ hai cụ Tú nổi danh văn học trào phúng, một Xương,một Mỡ, thật đấy mà. . . ngỡ tưởng như mơ !

Ấy là “cụ Mỡ” nhớ cụ bà vừa khuất núi, chạy trước mình về với tổ tiên. Trước hết là cụ nhớ cái thường nhật làm nên cuộc sống thực “ngày lại ngày qua” của con người, của vợ chồng già :

Cơm dẻo canh ngọt đã đành
Miếng ngon món lạ bà giành phần cho


Mà đâu phải một ngày, một năm, một tháng. Hàng vạn ngày, vài vạn ngày dù đời khi đói khi no, khi vui khi buồn, khi được khi mất. Nghĩa là cả cuộc đời nên đòi hỏi biết bao tài đức của người nội tướng:

Nhớ tài đức đảm đang nội tướng
Nhớ công lao cấp dưỡng chí tình

Cảm động nhất là khi cụ bà như cây khô hết nhựa rồi, đã nằm bệnh rồi mà vẫn chỉ một mực chăm chăm lo cho chồng, đọc mà thấy rân rấn nước mắt; thương cảm quá:

Nhớ tôi ốm bà lo giúp đỡ
Khác nào cô y tá tận tâm
Nhớ khi giường bệnh đã nằm
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng


”Tôi mà chết thì ông sẽ khổ”
Vì cứ như câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông “

Ờ mà ai chả thuộc nằm lòng câu cổ ngữ- thành ngữ Việt “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nên chi cụ bà chả lo gì mình đang trọng bệnh “gần đất xa trời”, chỉ lo mỗi một việc đại sự hàng đầu ” tôi mà chết thì ông sẽ khổ”.

Có được người vợ, có được người hiền thê bạn đời trăm năm như thế, nên trước vòng đời không ai tránh được hạn kỳ sinh lão bệnh tử, không ai tránh được nỗi buồn khổ tử sinh ly biệt, nhất là ở tuổi già “hạt lệ như sương”, các cụ ông như cụ Tú Xương, cụ Tú Mỡ cùng hàng triệu hàng triệu cụ ông người Việt khác mới thấy đau lòng buốt ruột khi người bạn đời khuất bóng.

Chính bởi “tuổi già hạt lệ như sương- không ai chuốc lấy hai hàng chứa chan” (Nguyễn Khuyến- khóc Dương Khuê) nên cụ ông lại càng thấy mình bơ vơ trống trải, không có cách chi trút bỏ gánh sầu, cho vợi bớt nỗi nhớ thương. Còn trẻ mỏ đâu, còn dồi dào sức sống đâu mà. . . đưa được nỗi buồn tuôn trôi theo dòng lệ. Nên cụ Tú Mỡ mới nói lời yên ủi

Thôi bà hãy dầu lòng yên dạ
Giấc ngàn thu cho thỏa vong hồn. . .

Và cụ tâm sự với người đã khuất:
. . .
Tôi có khổ âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà nhà cửa vắng tanh
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình chơ vơ

Chẳng có gì khỏa lấp được nỗi buồn, chẳng có ai thay thế được hình bóng người bạn đời trăm năm trong cõi. Mà đôi mắt già nhìn vào đâu cũng chỉ thấy hình bóng ấy lọm cọm vào ra, lầm lụi ra vào, nhất là cái cơi đựng trầu, vật bất ly thân của cụ bà:

Khổ trông thấy cái cơi còn đó
Đã khô trầu khô vỏ khô cau
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi

Đọc lại một lần nữa, cảm lại một lần nữa bài thơ “khóc vợ” của cụ Tú Mỡ sau có dễ gần nửa thế kỷ, kể từ thuở tóc còn xanh. . . biếc xanh ngồi trên ghế nhà trường nay đã “hết duyên về già”, tôi cứ mường tượng các cụ bà ngày xưa, trong đó có bà nội tôi, một đời có khi lam lũ nhọc nhằn cơ cực đấy mà sống chỉ vì chồng vì con, vì người vì đời mà chẳng vì mình, chẳng vì mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay!

Các cụ thật xứng đáng được người đời vinh danh, được con cháu tôn kính. Và hai cụ bà “Tú Xương Tú Mỡ” thật xứng đáng được những người chồng... một Xương một Mỡ chưa bao giờ phai nhạt hình hài và sự nghiệp văn chương trào phúng trên văn đàn nước Việt thương kính các cụ vì và để lại cho đời, cho hậu thế những lời thơ trữ tình, ý tình thấm thía tâm can người đọc.

Sống trong ký ức độc giả “nhờ” thơ trào phúng, đả kích ,trào lộng, lấy cái cười “đánh địch” “đánh cái ác” “cười cái lố lăng” mà thơ trữ tình của hai cụ khóc vợ mình mới xúc động làm sao.

Ngoài cái tình kính thương với bạn đời, dấu ấn văn chương người ta thấy ở thơ chỉ giản dị là hai cụ đã nhận ra, đã chọn nét điển hình. Một là cảnh chen chân buôn bán ở mom sông, lúc quạnh vắng thân cò, khi eo sèo mặt nước trong thơ cụ. . . . Xương. Một là cái cơi đựng trầu đã “khô trầu khô vỏ khô vôi” gắn liền thân thiết với cụ bà thường nhật trong thơ cụ. . . Mỡ.

Thể thơ lục bát “trên sáu dưới tám” thuần Việt quen thuộc cùng với lời thơ giản dị, thâm trầm cũng làm cho câu thơ thêm phần biểu cảm, gợi cảm, giúp kẻ hậu sinh đẩy xa trí tưởng về một thời ông bà cha mẹ ta xưa “tay bưng đĩa muối chén gừng- gừng cay muối mặn. . .” sống với nhau giầu tình giầu nghĩa đến tận cùng “đầu bạc răng long” !

Liên tưởng “sự đời nước mắt soi gương” nhãn tiền, thấy tình nghĩa vợ chồng của các cụ ngày xưa thật thà đấy mà sao cứ như mơ, như thơ, như mộng, bạn đời ơi! . / .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét