Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Ơi cô gái miền Tây!

Ơi cô gái miền Tây!
Lê Diễn Ðức: Tôi rất thích các cô gái miền Tây, có lẽ vì từ lúc chưa biết miền Tây là gì đã chịu ảnh hưởng của bài hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến. Hình ảnh cô gái miền Tây thon thả, da trắng mịn mà, tóc dài với “dáng đứng Bến Tre,” trong bộ bà ba, gây ấn tượng đậm nét trong tôi.
Con gái miền Tây xinh đẹp có lẽ do thổ nhưỡng và điều kiện sống thoải mái, khoáng đạt. Họ hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc con cái mẫn cán và chiều chồng. Những điều này từ lâu đã đi vào tục ngữ, ca dao Nam Bộ.
“Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh 
Ðội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương”...
Con gái miền Tây ngoan, bao dung và dâng hiến:


“Thịt bò, thịt sấu,
Tai gấu, gân nai,
Bột khoai, bún nấm,
Nước mắm, tiêu hành,
Sâm banh, rượu chát,
Cô nhắc, la ve,
Cà phê, bánh mì sữa,
Ðãi anh một bữa 
Cho phỉ ân tình,
Ngày sau anh có ở bạc biết tình con gái ngoan.”

Con gái miền Tây sở hữu một chất giọng ngọt ngào, nói chuyện thật thà, dễ nghe, khiến những ai khó tính nhất cũng phải dịu xuống:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”

Họ cũng nhí nhảnh và tinh nghịch thông minh:

“Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời,
Một trăm thứ ong, ong chi không đánh?
Một trăm thứ bánh, bánh chi không nhưn?
Một trăm thứ gừng, gừng chi không lá?
Một trăm thứ cá, cá chi không đầu,
Một trăm thứ trầu, trầu chi không cuống?
Một trăm thứ rau muống, rau muống chi không dây?
Một trăm thứ cây, cây chi không trái?
Một trăm thứ gái, gái chi không chồng”...

Bên cạnh sắc đẹp và những đức tính tốt trời cho ấy, họ còn có đầu óc năng động và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội.
Không cần nói đâu xa, một số phụ nữ đẹp và tài giỏi quê ở miền Tây Nam Bộ hiện đang là biểu tượng của giới doanh nhân Việt Nam.

Mai Kiều Liên, một phụ nữ có khuôn mặt dịu dàng, đắm thắm, tổng giám đốc Vinamilk, đứng thứ 25 trong danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á” do tạp chí “Forbes” bình chọn.

Mã Ðào Ngọc Bích, cô gái Sóc Trăng, có nét đẹp sang trọng, hấp dẫn, tổng giám đốc công ty Thiên Thần Sắc Ðẹp (Viện chăm sóc da công nghệ cao Angel Beauty) được vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc năm 2013.

Ðặng Thu Thảo, sinh viên đại học Tây Ðô, hoa khôi của đồng bằng sông Cửu Long, đại diện cho sắc đẹp của Việt Nam khi cô đoạt vương miện Hoa Hậu năm 2012.

Lỡ dại

Thật không may cho tác giả của bài “Gái miền Tây và 3 chữ ‘N’ nổi danh thiên hạ” đăng trên tờ “Trí Thức Trẻ” hôm 12 tháng 8, 2014.

Tác giả đã dại dột “vơ đũa cả nắm” khi nhận xét “phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái ‘ngu dốt’vô đối.”

Bài viết bị dư luận “ném đá” tơi bời, cho là một kiểu câu “view” rẻ tiền, kỳ thị vùng miền, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam!

Không oan lắm, tuy nhiên trong bối cảnh xã hội hiện nay, tôi có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với người viết bài đó.

Trong bài viết, tính tích cực không thiếu. Nét đẹp và đức tính ngoan ngoãn của các cô gái miền Tây rõ ràng đã được tác giả đánh giá cao xen lẫn nét hài hước:
“Về độ “ngon,” độ “ngoan” thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây.”

“Xin được nói về chữ “ngon” của gái miền Tây trước - cái làm tôi choáng ngợp đầu tiên. “Ngon” ở đây tôi muốn nhắc tới chính là vẻ đẹp cơ thể với làn da trắng, dáng chuẩn của gái miền Tây. Giọng nói ngọt ngào đó của các em gái miền Tây, tôi không tìm thấy ở con gái miền nào hết.

Ngoài ra, theo tôi đánh giá, gái miền Tây còn nổi tiếng là những cô gái “ngoan” đúng với nghĩa đen. Tôi khâm phục bởi em cũng như nhiều cô gái miền Tây đã gặp vì thấy em rất có hiếu với bố mẹ và gia đình của mình”...

Tác động của xã hội

Ðọc toàn bài viết ta có thể suy đoán đối tượng mà tác giả nhắm tới là các cô gái miền Tây trẻ tuổi. Những gì đang diễn ra trong xã hội miền Tây đã có tác động vào nhận định của tác giả.

Trên báo chí trong nước trước đó cũng đã có một số bài tuy không nói xấu nhưng phản ảnh một thực trạng chẳng tốt đẹp gì.

Bài “Gia đình bạn trai cấm yêu vì em là gái miền Tây” [VnExpress 14.04.2014] có đoạn:

“Cha mẹ bạn trai cấm cản vì cho rằng người miền Tây như em không đàng hoàng, đàn bà con gái thì chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage...

Như em biết, con gái miền Tây đa số được ba mẹ rất cưng chiều ít phải làm lụng từ nhỏ. Ðiều kiện làm ăn sông nước vất vả nên công việc chủ yếu từ bao đời là đánh bắt và công việc ấy dành cho đàn ông, nên những cô gái thường chăm lo việc nhà, ít được đi học và an phận ở nhà lo nội trợ.

Từ nếp sống đó dẫn đến suy nghĩ trong nhiều gia đình miền Tây muốn con gái của họ lấy được những người chồng giàu có để được nương nhờ. Hơn thế nữa, nhiều cô gái không được học hành nên sự hiểu biết còn hạn hẹp. Một số ít vì không phải bươn chải cực khổ, nên vẻ đẹp như nét duyên trời cho, cộng thêm giọng nói ngọt ngào là nguyên nhân thu hút họ vào những ngành nghề nhạy cảm mà xã hội không chấp nhận được.” [1]

Một bài khác “Gái miền Tây lười, ít học và muốn một bước lên bà chủ” 

[Vitalk.vn ngày 02.11.2013] viết:

“Chung quy lại cũng chỉ vì hai chữ, nghèo và lười. Trong mắt con gái miền Tây, họ sợ nhất là nghèo đói, vậy nên câu cửa miệng của những cô gái nơi này là “không có tiền cạp đất mà ăn à?” Họ muốn giàu nhưng không chịu khó làm lụng, không được học hành đến nơi đến chốn nên cách duy nhất là phải tìm cách kiếm một thằng chồng giàu có, một bước lên bà chủ. Nhưng không phải ai cũng may mắn như Ngọc Trinh, có sự nghiệp, được nhiều người biết tới. Nhiều cô có chút nhan sắc đành sống bằng nghề buôn hương bán phấn như hoa hậu Mỹ Xuân. Những cô gái khác có nhan sắc thuộc hàng tầm tầm thì nghĩ ngay đến những ông chồng già nua nhưng giàu có xứ Ðài Loan hoặc Hàn Quốc. Tất nhiên họ không biết rằng những phế phẩm của xã hội bên đó mới chấp nhận lấy gái Việt Nam. Và họ gào lên khi biết mình bị lừa, thậm chí, không chịu được khổ cực, họ đành phải nhảy lầu để kết thúc.” [2].

“Phong trào” con gái miền Tây “sôi sục” lấy chồng nước ngoài đã có tiền lệ suốt từ nhiều năm qua. Ðiều này dường như đã “ăn sâu vào tâm trí” người dân nơi đây.

Bài “Buồn vì vấn nạn lấy chồng ngoại quốc” trên tờ Nông Nghiệp ngày 15.01.2014, viết:

“Có hàng trăm ngàn cuộc hôn nhân mà đa số là gái miền Tây. Ðài Loan bão hòa, sang đến Hàn Quốc, cũng đa số con gái miền Tây. Giờ thì tới lấy chồng Trung Hoa lục địa. Các cô gái có chữ hiếu, nhưng các cô ít học, đơn giản về hạnh phúc và bản thân cái nghèo nó còn nhục hơn là đi lấy chồng mà không yêu. Ðó là vấn nạn như mọi vấn nạn chứ không chỉ là phong trào, hay hiện tượng nữa.” [3]

Theo bà Lê Thị Mai, trưởng bộ môn Xã Hội Học của Ðại Học Tôn Ðức Thắng, đồng bằng sông Cửu Long có đặc trưng “gạo trắng nước trong,” môi trường sống quá dễ làm cho người ta lười và chỉ muốn hưởng thụ.

Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh và Xã Hội nói, “Việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đã làm biến đổi chuẩn mực xã hội, thay đổi quan niệm về giá trị hôn nhân trong một bộ phận người dân. Chính những biểu hiện và nhận thức sai lệch này đã đẩy không ít cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo biến cuộc hôn nhân của mình với người đàn ông không quen biết thành phương tiện để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.”

Ông Ðoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn Hóa Học, Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, nhận định:

Cùng với văn hóa thoáng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chính nền giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long còn quá yếu, đặt biệt với phụ nữ, đã đưa đến những hệ lụy trên.”

Bà Lê Thị Mai cho rằng, “Vì tính cách của nhiều người dân ở vùng này lười nên không nhận thấy tầm quan trọng của tri thức, tự bằng lòng với bản thân, tính cạnh tranh thấp và an phận. Cùng với vùng miền núi phía Bắc, miền Tây đang có thành quả giáo dục kém nhất nước, đặc biệt là giáo dục cho phụ nữ.” [4]

Xử lý quá quắt

Trong bối cảnh tổng thể trên, việc tác giả thêm chữ “N” thứ ba cho “phần lớn” các cô gái miền Tây cũng là điều dễ hiểu. Nó xuất phát từ cái nhìn vào một hiện trạng phổ biến và tâm lý va chạm với thực tế phũ phàng.

Báo điện tử “Trí Thức Trẻ” bị đình bản 3 tháng, xử phạt hành chính 207 triệu đồng vì bài viết là quá quắt và xử lý tùy tiện theo cảm tính của nhà cầm quyền Việt Nam.

Bị dư luận chỉ trích, tờ báo rút bài xuống và đã có lời xin lỗi chân tình, thiết nghĩ cũng đã đủ. Lấy chế độ quản lý báo chí độc quyền để ra một quyết định hành chánh xử phạt là đi quá giới hạn của quyền được nói của người dân. Nếu tờ báo bị kiện vì ai đó cảm thấy bị tổn thương, thì nơi giải quyết phải là tòa án. Nhưng bài báo lại không tấn công một cá nhân cụ thể nào, mà kiện tập thể thì nghị định của thủ tướng lại không cho phép.

Trong một xã hội báo chí tự do, tờ báo chắc chắn sẽ chẳng mệnh hệ gì, ngoài sự phê phán của dư luận.

CzesBaw MiBosz, giải thưởng Nobel Văn học 1980, có “thành tích” nói xấu dân tộc Ba Lan, vẫn được Quốc Hội Ba Lan vinh danh. Ông từng viết, “Nếu người ta cho tôi phương pháp, tôi sẽ làm nổ tung đất nước này trong không trung,” hoặc “Người Ba Lan phải là con lợn”...

Với Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), cũng không ai nói ông “xúc phạm” dân, khi viết:

“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan”

Ghi chú:

[1]: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/gia-dinh-ban-trai-cam-yeu-vi-em-la-gai-mien-tay-2977281.html



Di Nguyen3 days ago

Bài viết mới nhìn vào có thể có vẻ hợp lý, nhưng có nhiều điểm không ổn.

Thứ nhất, "ngu" là chữ nặng, dùng trên báo chí rất không nên, nhưng tác giả Lê Diễn Đức, có vẻ vì chưa bao giờ tôn trọng phụ nữ, không nhận ra 2 chữ "ngon" và "ngoan" đã có vấn đề. "Ngoan" là khen kiểu xoa đầu, kiểu ở trên nhìn xuống, kiểu tự cho mình ở bậc cao hơn và phụ nữ thấp hơn; "ngon" là so sánh phụ nữ như thức ăn, món hàng. Phụ nữ có người này người kia, nhưng người độc lập, muốn bình đẳng.. chắc chắn không thích bị "khen" là "ngon" hay "ngoan".

Thứ 2, ví dụ trong bài về Ba Lan không tương đương, vì câu đó nói về dân Ba Lan nói chung, không phải chỉ phụ nữ Ba Lan hoặc chỉ người dân 1 khu vực như trong bài báo về "gái miền Tây". Ví dụ Tản Đà cũng tương tự. Tác giả nên dùng ví dụ khác.

Ngôn ngữ, giọng điệu, lập luận... của bài viết 3 chữ N nặng hơn, có thể xem là phân biệt giới tính và phân biệt vùng miền, thậm chí hate speech. Cách xử lý của nhà nước VN có thể không đúng, nhưng bài viết như thế cũng phải đưa ra tòa chứ không thể muốn viết gì thì viết. Không có cái gọi là tự do ngôn luận tuyệt đối.

Thứ 3, tác giả bảo phụ nữ miền Tây thế này thế nọ thế kia, xin hỏi tác giả biết gì về điều kiện sống, điều kiện học tập đi làm, chất lượng mọi thứ... ở miền Tây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét