Món quà ông Phạm Quang Nghị tặng TNS McCain
Kim Dung: Đọc bài này mình thực sự sửng sốt. Ngay cả với bạn bè thân thiết cũng không nên gợi lại cho họ hình ảnh hoặc kỷ niệm buồn của họ khiến họ thấy khó chịu. Nữa là trong quan hệ đối ngoại. Vì theo lối ứng xử của người Việt, đó là sự bất nhã, làm tổn thương người ta đang muốn kết giao. Không biết vị “thông tuệ” nào tham mưu việc này. Hay mình “ngu ngốc” quá nên không hiểu được sự tinh tế? Thứ tư duy khoái trí kiểu “nông dân” vãn luôn ngự trị ngay giữa công đường, trên bàn ngoại giao. Thành vô duyên!
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao tặng Thượng nghị sĩ
John McCain bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch
Trong quan hệ Việt – Mỹ, thời điểm tháng 7 được đánh dấu bởi những sự kiện quan trọng: 15-7-1995 hai nước thiết lập quan hệ bình thường hóa; 25-7-2013, hai nước ký tuyên bố chung cấp cao, xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Và lần này, cũng vào dịp nửa cuối tháng 7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có lời mời một đoàn do cấp Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam dẫn đầu sang thăm.Tháp tùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lần này, chúng tôi có dịp được dự một cuộc gặp đặc biệt lôi cuốn và đầy ấn tượng giữa Thượng nghị sĩ John McCain với vị khách tới từ Việt Nam.Được nghe về con người này đã lâu, có lẽ là từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ diễn ra vào thời kỳ rất khốc liệt trên bầu trời và mặt đất Thủ đô Hà Nội. Và việc máy bay của viên phi công này bị bắn rơi, rồi ông ta nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Bức ảnh được ông coi là kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ, xen lẫn tự hào ai đó đã tặng, được ông treo ngay cạnh cửa ra vào trong căn phòng làm việc của ông. Bức ảnh đó tuy không còn được nét cho lắm, nhưng cũng đủ để nhận rõ về ông và những người dân Hà Nội bơi xung quanh, đang cố tìm cách đưa ông lên bờ. Và nếu như tôi nhớ không nhầm, thì sau đó John McCain còn có may mắn được nhà văn Nguyễn Tuân trực tiếp vào trại giam Hỏa Lò để phỏng vấn và mời hút thuốc lá.
Đã gần tuổi 80, với dáng người chắc đậm, mái tóc màu bạch kim, phong thái linh hoạt. Nghe nói, ông vừa từ phòng họp Quốc hội, tham gia một cuộc bỏ phiếu rồi trở về phòng làm việc tiếp các vị khách Việt Nam.
Ông hồ hởi, nhiệt tình bắt tay Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Quang Nghị. Chào hỏi với một thái độ thân thiện những người đến từ đất nước mà ông không ngần ngại thừa nhận, cho tới lúc máy bay của ông bị bắn rơi vào ngày 26-10-1967, ông đã có trên 20 phi vụ xuất kích từ Hạm đội 7 để ném bom miền Bắc Việt Nam.
Khi hỏi Trưởng đoàn Việt Nam quê tỉnh nào. Được nghe trả lời là ở Thanh Hóa, ông cất tiếng nửa ngạc nhiên, nửa như thán phục:
- “Ồ, nơi đó có cầu Hàm Rồng, một lưới lửa phòng không thật là khủng khiếp; và cả Bắc Việt Nam lúc bấy giờ là một trận địa phòng không thật là khủng khiếp”. Trong một câu, có đến hai lần ông nhắc đến từ “khủng khiếp”.
Có lẽ, đấy cũng là cách ông giải thích lý do vì sao máy bay của ông đã bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Tôi xin không đi vào ngõ ngách những câu chuyện riêng về công việc trao đổi ngoại giao của hai người, những nội dung vừa quan trọng, vừa thiết thực, nói theo cung cách ngoại giao, là những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Tôi chỉ xin ghi lại những mẩu chuyện bên lề cuộc đối thoại.
Về Thượng nghị sĩ J.McCain, nếu ai đó đã từng đọc bài giới thiệu khá dài trên mạng thì sẽ biết được rất nhiều thông tin vô cùng ấn tượng về ông. Một con người đầy cá tính, mạnh mẽ và quyết đoán, đã từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Trên những trang mạng đó cũng có cả tấm ảnh chụp cảnh dân quân Hà Nội đang vây bắt ông, hay có thể nói là đang ra sức cứu ông ở hồ Trúc Bạch, trong đó có một người đang cố quàng vào cổ ông chiếc phao cứu sinh để ông không bị đuối nước.
Đại để, mở đầu cuộc gặp, với sự chủ động vào đề của Trưởng đoàn Việt Nam bằng những lời nêu lên cảm tưởng, nhận xét về ý nghĩa, tầm quan trọng cuộc gặp này, rằng tên tuổi và những đóng góp của Thượng nghị sĩ J.McCain từ vài chục năm qua đã trở nên rất quen thuộc với nhân dân Việt Nam. Ông cùng Thượng nghị sĩ John Kerry – nay là đương kim Ngoại trưởng Hoa Kỳ, rất tiếc phải bay đi gấp Trung Đông để giải quyết những vấn đề của cuộc khủng hoảng vừa mới bùng phát ở dải Gaza nên đã không thể ở lại Washington để tiếp Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Quang Nghị theo như kế hoạch đã tiên liệu – và vị tướng đã về hưu John Vetsy… là những người đi tiên phong trong quá trình thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Và cho đến tận ngày hôm nay, chúng tôi vẫn cảm nhận được ở Thượng nghị sĩ J.McCain vẫn hừng hực một bầu nhiệt huyết, muốn làm nhiều việc hơn nữa để góp phần thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, theo đúng tinh thần đối tác toàn diện mà hai bên đã chính thức ký kết.
Cuộc làm việc hôm đó thời gian kéo dài hơn dự kiến. Những tưởng, với vẻ bận rộn ban đầu, ngài Thượng nghị sĩ sẽ sớm kết thúc câu chuyện, chào khách để chia tay. Nhưng cuộc gặp đã diễn ra theo chiều ngược lại. Và những cử chỉ, tình tiết cuối của cuộc gặp mới đặc biệt và ấn tượng làm sao. Cả chủ và khách đều dành cho nhau những sự bất ngờ, mà ngay cả chúng tôi là những thành viên tham dự cũng không ai tiên liệu trước được.
Ngài Thượng nghị sĩ J.McCain cất tiếng hỏi: “Thưa ngài Phạm Quang Nghị, sau đây ngài có còn bận gì không?”.
- “Không. Thưa ngài, sau cuộc gặp này là tôi đã hoàn thành chương trình làm việc trong ngày. Tôi có thể cùng ngài tiếp tục cuộc nói chuyện. Nhưng, trước khi kết thúc, tôi muốn tặng ngài một tấm ảnh. Thật tình, tôi không biết ngài có muốn có nó hay không? Nếu ngài không thích thì ngài có thể không công bố cho bất kỳ ai được biết. Còn ngài thích, thì tùy ngài”.
Trong chúng tôi, không phải ai cũng biết trước món tặng phẩm rất ư là bình thường, xét về mặt thông lệ tặng quà cũng như về giá trị vật chất mà Trưởng đoàn ta sắp trao cho Thượng nghị sĩ J.McCain.
Thì ra, đó là hai tấm ảnh, lớn bằng khổ giấy A4, vừa mới chụp trước ngày đoàn lên đường, ghi lại tấm bia tại đường Thanh Niên bên hồ Trúc Bạch. Chính nơi đây 47 năm về trước vị thiếu tá phi công hải quân J.McCain đã bị quân và dân ta bắt làm tù binh. Và sau đó, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã dựng lên tấm bia với kích cỡ khá là khiêm tốn nên không thật mấy gây chú ý cho những người qua lại.
Hai tấm hình chụp chiếc bia, ghi hình ảnh viên phi công đang giơ tay đầu hàng, cạnh đó là những thanh thiếu niên đang thong dong đi dạo ven hồ đã làm cho ngài Thượng nghị sĩ thực sự hào hứng và xúc động. Nó gợi lại cho con người mà chúng tôi đang ngồi bên cạnh nhớ lại quá khứ – một quá khứ thật là khốc liệt và đầy ý nghĩa với cả người “từ trên trời rơi xuống” theo đúng nghĩa đen, và những người “từ dưới đất xông lên”, vít cổ chiếc máy bay của vị thiếu tá phi công năm xưa, bây giờ là một Thượng nghị sĩ có thâm niên và uy tín lớn trong chính giới Hoa Kỳ.
Sau khi ngắm nhìn tấm ảnh, chúng tôi có đôi chút thảng thốt, e ngại bởi ngài Thượng nghị sĩ vốn rất nổi tiếng là thẳng thắn và bộc trực, kể cả trong chính trường cũng như trong đời thường, chỉ tay vào góc tấm ảnh: “Tôi rất cám ơn ngài đã tặng tôi bức ảnh. Nhưng có một chi tiết trong này làm cho tôi cảm thấy không thể hài lòng (người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là “bị xúc phạm”). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.
Trong lúc chúng tôi chưa biết phải ứng xử ra sao, thì Trưởng đoàn ta đã lên tiếng giải thích. Một sự giải thích rất chân xác, như ta vẫn thường nói, rất có lý, có lẽ chứ không phải là một sư biện minh hay né tránh về lời than phiền của Thượng nghị sĩ J.McCain: “Tôi xin được giải thích với ngài thế này. Với người Việt Nam chúng tôi, bất cứ ai là phi công lái máy bay, chúng tôi đều coi họ thuộc lực lượng không quân. Như ngài biết đấy, ở Việt Nam, vào lúc bấy giờ chúng tôi làm gì có hàng không mẫu hạm, làm gì có lực lượng không quân của hải quân”.
Mà quả thật, vào những năm cuộc chiến tranh phá hoại được tiến hành ở miền Bắc nước ta, bộ máy tuyên truyền của nước Mỹ đã hết lời tán dương “Sức mạnh không thể tưởng tượng được của không lực Hoa Kỳ”. Cho nên, việc Hà Nội ghi trên tấm bia, thiếu tá phi công J.McCain là của không lực Hoa Kỳ nào có hàm ý hạ thấp địa vị của ngài. Và ngoài ra, những người làm tấm bia lưu niệm này mấy ai biết được còn có một lý do khác sâu xa hơn thế.
Nghe lời giải thích, ngài Thượng nghị sĩ dường như hiểu ra được lý do của một sự nhầm lẫn vô tình. Thật ra, ít ai hiểu được ý tứ sâu xa của sự thắc mắc, sự không hài lòng của ngài Thượng nghị sĩ. Đó là bởi cá nhân ngài luôn rất tự hào là người đã được sinh ra trong một gia đình, như mọi người thường gọi là “con dòng cháu giống”. Ông nội là đô đốc hải quân. Rồi cha lại cũng là đô đốc hải quân. Đến lượt ngài, tuy chưa được phong là đô đốc, nhưng cũng là phi công hải quân. Và ngài còn vui vẻ tiết lộ, con trai ngài bây giờ cũng đang ở trong lực lượng hải quân. Thảo nào, cái điều làm cho ngài rất thắc mắc không phải vì Việt Nam đã dựng bia về sự kiện máy bay do ngài lái đã bị bắn rơi, mà vì việc ngài “bị” ghi là phi công “thuộc không lực Huê Kỳ”. Với nước Mỹ, không lực Hoa Kỳ vốn sinh sau đẻ muộn so với lực lượng hải quân. Và cũng có thể, theo như đánh giá của ngài, xét về mặt bề dày trận mạc thì lực lượng hải quân mới thật là nổi trội. Vì thế, ngài không hề có ý bày tỏ sự không hài lòng về tấm bia, mà ngược lại ngài luôn tự hào về điều đó. Chả thế mà đã có lần ngài đề nghị với các vị khách Việt Nam khi sang thăm nước Mỹ, rằng ngài rất mong thành phố Hà Nội luôn quan tâm, giữ gìn vệ sinh cho khu vực xung quanh tấm bia. Nghe nói những lần tới thăm Việt Nam, ngài đã từng dừng xe để chụp ảnh bên tấm bia này.
Câu chuyện mà hôm nay chúng tôi được biết thật là thú vị. Dường như, Trưởng đoàn của ta cũng không muốn kéo quá dài thời gian cuộc gặp, nếu không thì ông cũng có biết bao là chuyện hấp dẫn để nhắc lại những kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh mà Trưởng đoàn của ta vốn cũng từng là người trong cuộc; từng trong đội ngũ hàng triệu thanh niên Việt Nam có một thời thanh xuân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, từng hứng chịu không biết bao nhiêu là trận bom đạn kể cả ở quê hương ông, nơi có cầu Hàm Rồng lịch sử cũng như những tháng năm ông chiến đấu ở chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.
Thủ đô Washington buổi chiều ngày 23 tháng 7, một ngày thật đẹp trời, chúng tôi đã được chứng kiến một cuộc tiếp khách, trao đổi những công việc hệ trọng của hai đất nước vốn đã từng là cựu thù của nhau, diễn ra trong bầu không khí cởi mở, với tinh thần khép lại quá khứ, mở ra tương lai giữa những con người đại diện cho hai đất nước, đã từng trải qua cuộc chiến vô cùng ác liệt. Từ kết quả của cuộc gặp cấp cao vào chính những ngày này năm trước, hôm nay họ đã gặp nhau trong tinh thần hai bên thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác toàn diện, “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”. Đó cũng là tinh thần nhân văn, nhân đạo của một dân tộc mà từ hơn 600 năm trước Nguyễn Trãi đã từng tuyên cáo: “Tắt lửa chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở”, mà cuộc gặp hôm nay giữa Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị và Thượng nghị sĩ J.McCain là một biểu hiện rất cụ thể và sinh động.
Rồi với dáng đi nhanh nhẹn, ngài Thượng nghị sĩ có lời mời: “Hôm nay, tôi xin mời ngài Trưởng đoàn Việt Nam và các bạn hãy đi theo tôi. Tôi sẽ đích thân làm người hướng dẫn các ngài thăm tòa nhà Quốc hội”.
Ngài Thượng nghị sĩ đã dẫn chúng tôi thăm, trực tiếp giới thiệu từng địa điểm, từng căn phòng, nơi họp chung, nơi nghỉ ngơi giữa giờ, nơi đặt tượng các vị Tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ, nơi tổ chức nghi thức lễ tang khi các vị Tổng thống qua đời, v.v… Dừng lại ở một căn phòng, ngài Thượng nghị sĩ vui vẻ giải thích với Đoàn vì sao lại có thuật ngữ “vận động hành lang”. Đó là nơi các Thượng nghị sĩ vừa nghỉ giải lao, vừa tiếp xúc với các cử tri, quan khách để đối thoại, vận động thuyết phục họ ủng hộ cho những đề xuất, chủ trương kiến nghị của mình. Tại căn phòng đó, có treo ảnh chân dung những thượng nghị sĩ nổi tiếng trong hoạt động “vận động hành lang” của nước Mỹ.
Trưởng đoàn ta đã đặt một câu hỏi rất thú vị: “Thưa ngài, tôi thấy tất cả các vị trí đẹp trong căn phòng này đều đã treo ảnh các Thượng nghị sĩ tiền nhiệm tiếng tăm. Vậy sau này, ảnh của ngài sẽ được treo ở đâu?”.
Bất ngờ vì câu hỏi ấy, Thượng nghị sĩ J.McCain tươi cười, chỉ tay: “Có lẽ đến lượt tôi, ảnh của tôi sẽ được treo ở trên trần nhà”.
Hai đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã được cả thế giới biết tới, thậm chí là đã quá nổi tiếng bởi một cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm. Rồi lại thêm đúng 20 năm Hoa Kỳ thực hiện chính sách bao vây cấm vận. Tổng cộng vừa tròn nửa thế kỷ.
Những người dân của hai đất nước, nhất là những con người đã trải qua cuộc chiến tranh ấy, hôm nay còn sống, thì cũng đã không còn trẻ trung nữa, và dù sao những kỷ niệm về cuộc chiến tranh đẫm máu ấy vẫn phải ghi vào sử sách. Song cái mà chúng tôi cảm thấy sự bứt phá, chính là ở quyết tâm của hai đất nước, hai dân tộc trong việc khép lại quá khứ, mở ra tương lai, đúng như tinh thần lời văn được ghi trong tuyên bố chung của hai vị lãnh đạo, đại diện cho hai quốc gia vốn là cựu thù của nhau. Đó là những câu chữ được ghi một cách trang trọng vào trong Tuyên bố chung cấp cao đúng những ngày này năm trước. Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Trưởng đoàn của ta đã long trọng nhắc lại tại các cuộc gặp, làm việc ở thủ đô nước Mỹ: “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của mỗi nước, của khu vực và trên toàn thế giới…”.
Cuộc tiếp Trưởng đoàn Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội của Thượng nghị sĩ J.McCain kết thúc khi chúng tôi cùng đứng trên ban công lớn của tòa nhà Quốc hội. Ngài Thượng nghị sĩ chỉ tay ra quảng trường rộng bao la trước mặt, những thảm cỏ xanh trải dài cho tới Đồi Capitol và Tháp Bút chì. Với giọng nói trầm hơn lúc ban đầu, ngài Thượng nghị sĩ nhắc lại: “Nơi đây vào những năm 60, 70 thế kỷ trước đã từng diễn ra những cuộc mít tinh, biểu tình với hàng vạn người Mỹ xuống đường yêu cầu Chính phủ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Còn hôm nay tại nơi đây, ngài Thượng nghị sĩ bắt tay Trưởng đoàn Việt Nam, rồi lần lượt từng người chúng tôi. Trong chúng tôi, nhiều người đã từng dự các cuộc tiếp ngoại giao, những cuộc đàm phán, thương lượng với đủ các đối tác, nhưng với những gì vừa diễn ra, quả là một cuộc tiếp thật khác thường và đặc biệt. Một cuộc tiếp của một Thượng nghị sĩ đại diện cho nước Mỹ đã từng có những kỷ niệm sâu sắc trong đời về một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử ở một đất nước xa xôi, cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, với các vị khách đến từ Việt Nam.
Ngày nay, du khách từ Việt Nam tới Hoa Kỳ, hoặc từ Hoa Kỳ tới Việt Nam đều phải trải qua khoảng 20 giờ bay. Nhưng chuyến đi này của chúng tôi, có lẽ phải nói thêm rằng, mỗi công dân của hai nước, để đến được với nhau hôm nay, là đã vượt qua cả một chặng đường dài đầy chông gai, có cả máu và nước mắt, đã phải đi qua những năm tháng chiến tranh và cấm vận rồi mới có được hòa bình. Để rồi, một bản tuyên bố chung có tầm quan trọng lịch sử, được long trọng ký kết, để xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị của nhau, cùng cam kết phấn đấu cho hòa bình và thịnh vượng của hai nước, của khu vực và trên toàn thế giới.
(Hà nội mới)
Tàu chỉ đạo Ngị chơi xỏ lá để phá mối quan hệ Việt-Mỹ đấy
Trả lờiXóaNhớ lần Lê Khả Phiêu tiếp Bill Clinton ông khen tổng thống Mỹ thời trẻ đã trốn lính để phản đối chiến tranh VN.Bill Clinton kể lại trong hồi ký mình lúc đó ông muốn chui xuống đất.
Trả lờiXóaBức hình tặng này cho thấy cỏ đã được trồng rất đẹp, vòi phun nước, có không gian đẹp hơn, có du khách thưởng lãm,... Điều này muốn nói: "Chúng tôi trân trọng và chăm sóc di tích này". Đây không phải là xỏ lá, đây là sự trân trọng.
Trả lờiXóa