Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Kiến tạo có nghĩa không ôm đồm

Kiến tạo có nghĩa không ôm đồm
Xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, có hiệu quả; phát huy mạnh mẽ chức năng kiến tạo, phát triển của Nhà nước là ước mơ về một nhà nước hiện đại, văn minh và sáng tạo của tất cả mọi người. Thế nhưng khi đi vào những sự việc cụ thể, cái quán tính ôm đồm, bao biện vẫn còn rất mạnh, gây cản trở cho con đường cải cách hành chính thật sự.
Ví dụ loại này có nhiều - ở đây chỉ xin nêu hai trường hợp mang tính thời sự nhất. Bộ Nội vụ hiện đang soạn thảo một nghị định về văn hóa công sở, trong đó dư luận quan tâm đến những chi tiết như bỏ xưng hô “chú - cháu”, “bác - cháu” nơi công sở. 

Thoạt nhìn, nỗ lực của Bộ Nội vụ là đúng đắn bởi tình trạng xem công sở như một gia đình nối dài là phổ biến; cách xưng hô như người trong gia đình với nhau làm giảm hiệu lực cơ quan công quyền, gián tiếp dẫn tới sự nể nang, phe cánh hay sự xuê xoa đáng trách.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu Bộ Nội vụ có nhất thiết phải soạn một nghị định về chuyện này hay không, đó có phải là chức năng kiến tạo của bộ máy nhà nước không và quan trọng nhất, có văn bản nào bao quát hết mọi ứng xử, mọi mối quan hệ, mọi ngóc ngách phức tạp của cuộc sống để chi phối hết không?

Với chức năng kiến tạo, trách nhiệm của Bộ Nội vụ là làm sao việc tuyển dụng công chức không rơi vào chỗ gửi gắm, đưa người thân vào; việc thăng tiến của công chức dựa vào những tiêu chí rõ ràng để bất kỳ ai cũng biết mà phấn đấu. Đó là gốc rễ của vấn đề văn hóa công sở. 

Chuyện xưng hô chỉ là hình thức bên ngoài và nên để các yếu tố khác chi phối. Các yếu tố đó chính là các chuẩn mực văn hóa mà xã hội dày công gầy dựng ngay từ khi còn ngồi dưới mái nhà trường đến khi ra đời hòa nhập vào xã hội. Chuyện xưng hô, ứng xử không chỉ nơi công sở mà còn trong doanh nghiệp, trong các cộng đồng đa dạng và trong xã hội nói chung không thể nào chịu sự chi phối của một nghị định mà phải là giá trị được chia sẻ từ thâm tâm của những người tham gia. Nói cách khác, đó là vai trò của giáo dục, của sự gương mẫu, lòng tự trọng và của sách báo...

Trường hợp thứ nhì là chuyện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang làm dự thảo một thông tư về hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp trong đó có những điều rất khó khả thi như: cấm “Sử dụng tên đất nước trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc”.

Nhìn qua quy định này ai cũng thấy sẽ cần thêm một thông tư nữa để hướng dẫn thế nào là “tên đất nước trong thời kỳ bị xâm lược” hay ai là “những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa”... Cách làm hay nhất là trả gánh nặng đánh giá đó cho xã hội, doanh nghiệp nào đặt tên phản cảm sẽ bị đào thải, Nhà nước không việc gì phải lo cho chuyện đặt tên. Nếu cần nữa thì nên cụ thể hóa danh sách các tên doanh nghiệp không được sử dụng, vừa chính xác, khoa học vừa không còn chỗ cho tranh luận lúc cấp giấy phép.

Đó là cách thức kiến tạo, làm giảm gánh nặng công việc, lại nâng cao hiệu quả khi điều được quan tâm là kết quả chứ không phải quy trình.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét