Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Khi trò gọi trường là... nhà tù

Khi trò gọi trường là... nhà tù
TT - Đang lướt Facebook tôi bất ngờ khi thấy N.H.T., học sinh giỏi vừa đậu thủ khoa một trường đại học tại TP.HCM, viết trong phần học vấn của mình: “đã học tại X prison” (đã học tại nhà tù X). Nơi T. gọi “X prison” chính là một trường tư thục ở TP.HCM, hằng năm có tỉ lệ học sinh đậu đại học khá cao, nhiều em đậu thủ khoa, á khoa.
Ảnh minh họa, internet
Khi vào trang “X prison” kia, tôi càng ngạc nhiên hơn khi trang này có tới 12.500 lượt like. Nhìn kỹ lại thì hình đại diện trên trang Facebook kia chính là logo của trường X bị sửa lại khi thêm vào hình vẽ... các song sắt. Không chỉ T. mà nhiều học sinh cùng lớp với T. và nhiều cựu học sinh trường này cũng ghi trên Facebook là “đã học tại nhà tù X”.

Lâu nay, trường X nổi tiếng vì lịch học nặng và “kỷ luật thép”. Nội quy của trường cũng như hầu hết các trường nội trú khác đều khá khắt khe khi cấm học sinh mang điện thoại vào trường, đồ đạc, cặp sách của học sinh thường xuyên bị kiểm tra, giờ giấc học tập, sinh hoạt của học sinh cũng bị thầy cô và giáo viên quản nhiệm quản lý chặt chẽ.

Có lẽ một phần nhờ “kỷ luật thép” mà trường X luôn có tỉ lệ học sinh đậu đại học cao, được nhiều phụ huynh tin cậy gửi gắm con em mình. Vẫn biết rằng phương pháp giáo dục, quản lý nghiêm mà nhà trường áp dụng nhiều năm nay đã mang lại những thành tích tốt, nhưng thành tích tốt mà học sinh lại xem ngôi trường mình đang học như nhà tù thì thật đáng buồn.

Môt cựu học sinh trường X chia sẻ: “Thật ra em và các bạn cũng không có ý gì sâu xa hay trách móc khi gọi là trường mình là “nhà tù”, bọn em đều xác định tư tưởng để đậu đại học thì phải cố gắng “tình nguyện ở tù”. Đó chỉ là một cách gọi vui bởi thời gian học ở trường bọn em bị quản lý quá chặt, cảm thấy rất mất tự do. Có lần em lén xài điện thoại buổi tối bị phát hiện, cô quản trú đã bắt em tự tay nhúng nước cho điện thoại hư không xài được nữa”.

Hầu hết học sinh các trường nội trú chỉ biết có học, học và học. Lịch học bắt đầu từ sáng sớm kéo dài tới tận tối mịt. Sống nội trú, tách biệt với gia đình, những công việc thường ngày các em ở độ tuổi này nên tự làm đều có người phục vụ. Có em sau đậu đại học, vào ở ký túc xá đã hỏi rất ngô nghê: “Ở đây quần áo mình phải tự giặt sao?”.

Liệu những cô cậu học trò đậu đại học với số điểm chót vót này có thật sự là quả ngọt của giáo dục khi mà các em thiếu những kỹ năng sống rất cơ bản?

Mặc dù biết thành tích mà trường X đạt được nhiều năm nay rất cao, thậm chí nhìn vào số thủ khoa, á khoa đại học của trường, không ít người sẽ nghĩ đây là một trường chuyên chứ không phải trường tư thục; mặc dù nhiều học sinh vẫn hồn nhiên nói rằng “ở tù cũng vui lắm” nhưng sao tôi vẫn thấy băn khoăn quá.

Làm sao không băn khoăn khi thấy học sinh các trường khác thường lập nhóm, lập trang trên Facebook với tên “Trường THPT ABC thân yêu”, còn các em khi nói về trường cũ lại dùng từ “nhà tù” đầy nặng nề, châm biếm kia?

Ý THI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét