DĂM BA HẠNH PHÚC LẺ
1. Nàng đẹp. Khi nàng ngồi bên bàn ăn ở những nhà hàng ấm cúng và sang trọng, những bông hoa trong lọ pha lê lấp lánh phải rướn người né sang hướng khác, nhìn chỗ khác, để khỏi phải nhìn ra cảnh đau lòng: cái cười kia còn rạng rỡ hơn hoa. Xuất hiện ở cửa cổng biệt thự, vẻ điềm tĩnh của căn biệt thự bỗng dưng bốc hơi. Điểm nhấn ở cổng kia làm toàn bộ khung cảnh rộn rực, tim đập liên hồi kỳ trận.Lời nàng nói cũng đẹp. Lần đầu tiên gặp anh, nàng thỏ thẻ tiếng tơ.
- Anh đoán thử coi, bên trong em có mặc nội y không?
Một cây đàn vĩ cầm mặc váy hồng, có khuôn mặt đẹp ngồi trước mặt anh. Câu nói ấy đung đưa trước mặt anh. Cái chân ghếch chéo lên, trắng ngần những lửa dục cũng đung đưa như thế. Chiếc giày cao gót đỏ, vẽ lên trong không khí một đường cong, như lưỡi dao bén ngọt của thổ dân Châu Úc.
Cái cách nàng tiếp cận anh có giống cái cách anh tiếp cận với đồng tiền không nhỉ? Nàng cần tiền. Cố nhiên rồi. Nhưng có vẻ nàng cần cơ hội nữa. Bởi cơ hội có giá hơn tiền gấp tỷ lần. Nàng đang cặp bến một bãi xe ô tô nghĩa địa ở Busan Hàn Quốc. Nàng sẽ mua về bán ở Việt Nam. Kiếm lời? Hay nàng đứng đó mà ngóng sang bãi “rác” xe lu, xe trộn bê tông, xe cần cẩu như anh ngày xưa? Anh tự hỏi vậy. Bởi anh còn đang mường tượng cảnh ấy, ở Busan Hàn Quốc, khi lần đầu tiên anh vớt lên mẻ tiền lớn nhất Sài Gòn thời ấy. Anh còn nghe gã hướng dẫn người Hàn trả lời.
- Ồ! Cái đám rác xe lu, xe trộn đó hả? Cho không! Cho không! Ông chỉ cần thuê tàu chở về cảng Việt Nam. Chúng tôi còn cảm ơn ông vì đã thu dọn bãi rác ấy cho chúng tôi.
Cho không là thế nào? Là ba chiếc xe, chuyên chở bằng đường biển, về tới quê nhà, bỏ ra chừng trăm triệu. Ba chiếc xe ấy đóng ba cái mộc lên giấy, hiện ra một tỷ đồng trong túi anh. Cả bãi rác ấy… Cả bãi rác ấy… hèn hạ lắm cũng kiếm được chục tỷ tại Việt Nam. Vậy thì anh còn mua xe hơi second-hand về đó làm gì nữa! Hai tuần nữa anh sẽ trở thành đại gia ở Sài Gòn thôi mà!
Anh buột miệng.
- Cô đến với tôi, là vì cô cần tiền, hay cô cần một cơ hội?
- Em cần cơ hội. Tiền chắc chắn sẽ đến sau. Em thành thật chưa anh?
- Nội y của cô à… Chà! Khó nói quá. Chắc phải sờ mới biết.
- Thượng đế cho em một bộ nội y đẹp lắm. Anh tin đi. Em đã yêu ba lần. Một đạo diễn. Một diễn viên. Một đại gia về chứng khoán. Vớ vẩn hết. Em bỏ họ. Họ bỏ em. Gặp ai em cũng gặp được tiền. Nhưng không ai trong số đó cho em được cơ hội.
- Cô cần cơ hội loại nào?
- Loại đàn bà nhất. Em cần anh. Em cần có con với anh. Em cần kiểu gien giống anh trong người con trai em.
- Và kèm theo đó là nhà cửa, xe cộ, đất cát. Tôi thích cách nói thẳng của cô. Tóm lại cô cần hết thảy là bao nhiêu?
- Bao nhiêu? Suốt đời anh chỉ biết hỏi bao nhiêu? Có những cái anh không thể có được bằng câu hỏi bao nhiêu!
Nàng nói đúng. Anh phải trả bao nhiêu năm để mua lại những mối quan hệ đang ngày càng thoi thóp, hấp hối trong gia đình anh? Vợ anh không còn coi anh là ông chồng khả kính trong nhà nữa. Cô ấy trả đũa lại anh bằng những thói đê hèn nhất mà đàn bà có thể nghĩ ra. Cô làm nhục, làm mất mặt anh bằng nhiều cách. Đối với anh, việc đó không còn quan trọng nữa. Cái anh chê trách cô ấy nhất là đã kể hết mọi hành vi, mọi xấu xa mà anh đang có. Tất nhiên cô không kể những cái được, những cái hay của anh từ trước đến nay. Cô kể cho con mình. Con anh, thằng lớn, đã mười sáu, mười bảy tuổi đầu, được nước nhà không còn có nóc, nên lêu lổng ăn chơi, bỏ học. Phải trả thù cha mình như thế mới đáng! Đứa nhỏ hơn, bé gái, chỉ mới năm tuổi. Nó đã mang nghiệp chướng nào mà phải nghe mẹ nó dông dài những tội tình của cha nó. Nó hỏi mẹ chữ khốn nạn nghĩa là gì? Mẹ nó trả lời “Khốn nạn là… là như cha mày ấy!” Mục đích của vợ anh là giữ lấy anh, giữ riết lấy anh, nhân danh hạnh phúc gia đình. Mục đích là tốt, nhưng cách thực thi lại sai mất rồi. Cô đã lệch khỏi mục đích quá xa. Cô đã sai. Nhưng có người đàn bà nào trên đời này chịu công nhận mình sai chưa nhỉ?
Tóm lại, những việc đại loại như vậy, anh phải trả “bao nhiêu” để giải quyết được? Nếu anh ly dị vợ, tài sản cưa đôi. Với hàng chục tỷ đồng trong tay, không bao lâu sau vợ anh sẽ cống nạp sạch cho những thằng nhân tình bảnh trai của cô ấy. Con anh sẽ bị tống ra đường. Và hiện tại, chẳng phải thằng lớn con anh đang tự nguyện để được “tống ra đường” đó sao? Chịu đựng nhau để duy trì hôn nhân nhão nhề này cũng chẳng phải là giải pháp. Hỡi ôi, nếu giải pháp được bày bán ở siêu thị nào đó thì anh ắt hẳn đã mua rồi, bất kể nó “bao nhiêu”.
Nàng nói xong câu ấy rồi trở mặt giận, không biết thiệt hay giả. Một chiếc xe hơi “độ lại” (tức là làm mới lại, nhưng không phải là phiên bản gốc của hãng sản xuất), lướt qua mắt anh trên đường phố, anh cũng biết tỏng là thiệt giả. Những vụ “làm giá” bè cánh nhau để bóp chết những nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu ớt trên thị trường chứng khoán cũng không thoát khỏi cái nhướng mắt của anh. Còn khuôn mặt sáng ngời đang phụng phịu kia, anh chịu, biết không nổi giả thiệt. Anh thở dài nhìn xuống cặp vú mịn bướng bỉnh dưới làn áo lụa của nàng. Nàng không mặc nội y! Anh nói với nàng.
- Ta về thôi. Hôm khác đi uống rượu. Hôm nay tôi không hứng thú.
Nàng nhìn anh rưng rưng nước mắt. Sự lạnh tanh, lạnh ngắt của người đàn ông này làm cô vừa thích, vừa tức tối. Nàng cũng chẳng muốn gấp gáp làm gì, bởi nàng đã có lắm kinh nghiệm chuyên trị những gã nhà giàu có trí tuệ loại này. Nhưng nàng muốn phát ngôn như vậy, tranh luận như vậy với anh, cốt để buổi tối nay thêm ấm cúng. Không xong hôm nay rồi. Cuộc chạm mặt đầu tiên này hỏng bét rồi. Nàng thở dài.
- Ừ, mình về. Goodnight!
- Don’t tell me goodnight!
Anh mỉm cười nói tiếng Anh. Nàng chợt nhớ ca sĩ Lobo với lời ca bất hủ đó. Nàng lẩm nhẩm ca từ của Lobo… “Don’t tell me goodnight… Please… keep me inside” (Xin đừng chia tay tối nay. Xin làm ơn… đừng xua em ra đường) Nàng nghĩ vậy. Nàng nghĩ theo lối mình thích. Khi anh đưa nàng ra xe, nàng thì thào.
- Please, keep me inside!
- Sau này đã!
Anh đáp, thản nhiên, như vừa rao giá dứt điểm chiếc xe hơi cần phải bán. Anh chợt nhớ mình đã tiễn đưa hàng chục người đàn bà đi qua đời anh bằng lối đó, như tiễn đưa một khách hàng tới salon ôtô của anh.
Ngồi sau vô lăng, nổ máy xe, anh ngước mắt nhìn một cơn mưa đi lạc qua thành phố. Những sợi ánh sáng xiên xiên cắt đêm đen ra thành triệu mảnh. Đèn cao áp vàng vàng trong bãi đậu xe gục đầu, cô độc. Anh thở dài. Giờ này không biết vợ và con trai anh đã chịu về tới nhà chưa. Đứa con gái nhỏ tối ngày xoắn xuýt với chị vú em, giờ chắc ngủ vùi trên salon. Và phía trước nó là màn hình có phim hoạt họa. Một con chó nằm ghếch mõm lên đôi hài con bé, chắc cũng thiu thiu. Chỉ có hai kẻ đó đang chờ anh về. Họ chờ anh mà bất kể đúng sai, bất kể anh thành hay bại, bất kể anh buồn hay vui. Chỉ có hai kẻ đó… cô bé con và con chó của anh, trong ngôi nhà thênh thang. Thênh thang như một nỗi buồn.
Anh nhấn ga, thở dài. Hình như có thở dài, người ta bớt cô độc hơn chăng?
***
Trong giấc mơ của con bé luôn có một bàn ăn không thiếu mặt ai. Ba nè, mẹ nè, anh hai nè, chị vú đút cơm, đếm từng muỗng, cho con bé. Trong giấc mơ, khác ở ngoài, mẹ cười luôn luôn. Trong giấc mơ, ba luôn về sớm, ăn cơm tối. Cả ông già Noel thỉnh thoảng cũng hiện ra, cái cười lấp loáng sau hàm râu bạc. Những con thú nhồi bông cũng xếp hàng ngồi cho đông vui.
Giấc mơ là thế. Nhưng đây mới là thực.
- Sao con phải ăn hả vú?
- Ăn để lớn con à.
- Lớn để làm gì hả vú?
- Như ba con đó, làm ra tiền, giàu có.
- Con không thích giàu có. Ba con bị mẹ cằn nhằn hoài hà vú ơi. Vậy con khỏi ăn để khỏi lớn nghe vú.
- Con không ăn đâu được, Mẹ con la vú chết.
- Mẹ con cũng la con. Mẹ cũng la anh hai con. Tóm lại mẹ la mọi người trong nhà. Sao mẹ thích la vậy vú?
- Vú không biết. Chắc mẹ con buồn điều gì chăng?
- Mẹ thích tiền hơn thích con. Những tờ giấy màu có số, vậy mà mẹ lại thích. Có khi màu của nó còn xấu hơn đồ chơi của con nữa. Cũng lạ hả vú?
- Ai cũng thích tiền con à…
- Ừ, anh hai con cũng thích. Anh hai cứ xin tiền mẹ suốt, để anh hai đi chơi. Con cũng thích đi chơi. Đi công viên nước. Đi siêu thị. Đi máy bay. Con thích lắm, nhưng con không thích tiền.
- Không có tiền, mình đâu sống được con. Chị vú em thở dài. Chị chợt nhớ con bé con chị đang sốt cao ở nhà. Chiều tối nay chắc phải ẵm đi khám bệnh. Không biết chín giờ tối các phòng mạch tư còn làm việc không nữa…
- Con không có tiền, con vẫn sống được nè vú.
- Con ăn miếng nữa đi. Ngoan đi. Con lớn đi, rồi con sẽ hiểu.
- Lớn để làm gì hả vú?
2. Thằng bé ngày xưa mười ba tuổi. Học lớp sáu, bỏ quách, vì hũ gạo đóng váng nhện đã lâu, nó nhảy phắt lên xe đò, xuôi vào Nam. Nó làm lơ xe. Đứng níu tay vào thành cửa, một chân đá ra ngoài ngang tàng như những tay anh chị, nó nhắm mắt lại, bay lướt qua những đồi, những núi, những chợ quê, chợ tỉnh, hết thành phố này đến thành phố khác. Cơm lơ xe nuôi nó được ba năm. Nó nghĩ bụng. Cả đời có bám cửa xe, đón khách rồi thả khách xuống, đánh lộn đánh lạo với bọn ma cô bến bãi, bập bõm học lái xe hòng sau này thành tài xế, đời nó không khá được. Một lần xe đại tu, nằm gara nửa tháng. Nào đồng, nào sơn, nào làm lại máy xe, nó nghiệm ra người ta cũng dính với chiếc xe mà không cần tài xế, lơ xe gì hết, người ta cũng giàu. Hầu như gara sửa xe hơi nào cũng giàu. Nó sẽ làm giàu! Xe sửa xong, vào tới Sài Gòn, nó xin bà chủ xe nghỉ để học việc ở một gara Sài Gòn. Vì nó nhỏ quá, mới bỏ học lớp sáu, bà chủ thương tình cho nó vài trăm ngàn lận lưng.
Mười chín tuổi, ăn cơm Sài Gòn được sáu năm, nó đã làm chủ một gara sửa xe ở bến xe Miền Đông. Giữa sửa chữa với mua bán xe cũ không xa lạ nhau mấy, nên ít năm sau nữa, nó đã trở thành đầu nậu lớn trong việc mua bán xe cũ.
Nó cả gan tự học Anh ngữ. Trình độ lớp sáu, nó là giám đốc tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn có khả năng giao tiếp mua bán với bọn Singapore, Hàn Quốc bằng tiếng Anh. Đó cũng là một trong những người đánh tàu sang Hàn Quốc mua xe hơi cũ. Nó giàu lên nhờ trúng đậm các loại xe lu, xe cẩu, xe trộn bê tông… Nó có hàng loạt showroom xe hơi ở Sài Gòn. Một hôm người ta gọi nó là đại gia.
Ân tình với những cuốn sách tiếng Anh đã giúp nó khá nhiều việc, mua bán xe tới việc đọc được các catalog kèm theo các phụ tùng, các chi tiết máy… nó để cuốn sách lên bàn thờ, thờ phượng nghiêm trang cùng mấy trăm ngàn lận lưng của bà chủ xe tốt bụng dạo nào. Nó quay về quê nhà, cho tiền cất lại cái trường nó đã theo học hồi lớp sáu. Ở quê nhà, nó nổi tiếng như một ân nhân. Bà chủ xe tốt bụng, do làm ăn thất bại, bỏ trốn đi đâu không rõ. Nếu nó tìm được bà hoặc gia đình bà, nó phải biếu một chiếc xe đò mới cáu cạnh, nó mới hả dạ.
Thằng cha cất trường học để trả nợ xưa. Thằng con sinh ra trong ổ nhung lụa lại bỏ học. Mẹ nó càng khinh thường ba nó, càng trả đũa ba nó bằng những vụ ăn nem của bà, thì nó càng hư hỏng. Hết xin tiền ba, hết xin tiền mẹ, nó đòi ra đời sớm, bằng cách xin cha nó mở cho cửa hàng bán vỏ xe hơi. “Ba học lớp sáu vẫn làm nên sự sản. Con học lớp mười rồi, xin đủ, nối gót chân ba”. Cửa hàng vỏ xe hơi đó, với số vốn bạc tỷ, không đủ cho thằng con vô ra các vũ trường, các ổ chích choác trong một năm. Thằng bé đi trại cai nghiện, cha mẹ nó tiếp tục cắn đắng nhau. Hệt như cơn lũ tiền đã kéo vào nhà ai thì xác xơ, tơi tả ở đó. Xác xơ tơi tả cái phần hồn. Sau cùng, người ta cắm đầu chạy theo đồng tiền để làm gì nhỉ?
Anh nghĩ vậy, khi anh lái xe chạy phăng phăng những đồi, những núi ở miền Trung. Bên phải anh là biển, bên trái anh là núi đá dựng đứng. Đại dương xô từng lớp sóng vỗ vào ghềnh đá. Gió biển lồng lộng, ngạt ngào như thuở anh bám cửa xe đò, dang chân ra, nhắm mắt lại mà mơ. Anh muốn nhắm mắt lại quá. Có những giấc mơ, muốn mơ cũng mơ không xong. Nàng ngồi bên ghế ngang hàng với anh, kêu thét lên từng chập “Anh muốn chết hả, trời ơi! Buồn ngủ thì dừng lại mà ngủ!” Anh mỉm cười. Thế mà nàng bảo anh muốn đi cùng anh tới hết cuộc đời, tới hết mọi nẻo đường trên trái đất này. “Một đạo diễn. Một diễn viên. Một đại gia về chứng khoán… Không ai trong số đó cho em được cơ hội” Mình là một cơ hội của nàng. Kiểu gien giống mình! Vớ vẩn chưa! Một bộ gien đang nằm oằn oại trong trại cai nghiện kia rồi. Một bộ gien đang khóc lóc, mong chờ, mơ ước ở nhà, cùng với chị vú, cùng với con chó nhỏ đó thôi. Những bộ gien ấy, giống anh, nhưng chúng có được gì đâu? Hay chúng không phải gien mình? Cô vợ mình… Trời ơi! Có thể lắm!
Còn nhan sắc ngồi ghế bên kia đây thì sao nhỉ? Đêm qua, nàng đã chiếm hữu anh, đã đạt cái kiểu gien mà nàng muốn. Phải nói, cái nội y mà Thượng đế ban tặng cho nàng cực đẹp, đẹp đến tê dại những tia nhìn của anh. Một ngọc ngà với cây đàn violon trên giường. Một người đàn bà da trắng, tóc dài, trần truộng, quỳ trên giường, ru anh bằng tiếng đàn như có ma lực của cô. Nàng đã chinh phục anh bằng cách đó, thiện nghệ, nhẹ nhàng như bậc cao thủ, buông tay thanh thoát, cho dây cung căng thẳng như dây đàn, đưa mũi tên xé trong không gian một lỗ sâu hun hút. Nhưng giờ đây, khi nhớ lại, anh cắn môi. Liệu nhan sắc kia có bầu bì gì trước đó? Kiểu gien của anh có phải là một sự hợp thức hóa cho một chuyện đã rồi? Mũi tên ấy chỉ xé được không gian một lúc thôi. Rồi không gian sẽ lại liền da liền thịt như chưa hề có gì xảy ra…
Anh nhấn ga, thở dài. Lần này, cái thở dài chỉ làm cô độc bốc cao hơn.
Anh đang đi đâu đây? Đưa nàng về Đà Nẵng, nơi nàng có sẵn nhà ở đó? Quay về những sân khấu lãng tử của nàng? Xây đắp một cuộc tình mới, một cuộc đời mới? Rồi anh sẽ bắt đầu lại từ đầu, như anh đã từng bắt đầu với vợ anh, trong một gara tồi tàn ở bến xe Miền Đông dạo nào? Rồi cơn lũ tiền nong lại tràn vào nhà. Rồi lại xác xơ, tơi tả cái phần hồn. Rồi có đứa con nào đó đi cai nghiện. Rồi có đứa con còn nhỏ chỉ biết bầu bạn với bà vú và con chó con? Rồi nhan sắc kia lại ngạo nghễ nhìn anh, ngạo nghễ lao vào những cuộc tình mới như vợ anh bây giờ?
Chuông điện thoại anh reo. Người ta báo với anh có một cái gì hoảng loạn trên thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu anh sở hữu đang rớt giá thê thảm. Chỉ sau một đêm, anh đã mất một phần ba tài sản. Một phần ba! Ghê chưa! Mất một phần ba. Anh cười nhạt. Ông chờ đi, chừng tuần sau không chừng tôi mất sạch. Tôi khỏi đuổi thì ông cũng đi khỏi chức quản lý. Bởi tuần sau còn lương đâu nữa mà trả ông, hở ông? Còn cái xác tôi đây, tuần sau tôi cũng không biết tôi còn sống hay đã chết. Thôi đi. Tôi đang lái xe. Ông muốn tôi lao vào vách đá hay cắm đầu xuống biển, hở?
Ta đến đây tứ cố vô thân. Ta đến đây với vài trăm ngàn lận lưng của bà chủ thương tình ban tặng. Vào cuộc chơi này, ta làm gì có gì trong tay. Nay từ giã cuộc chơi, ta có gì để gọi là mất nhỉ? Anh nói một mình. Chiếc xe lạng quạng trên triền dốc. Mồ hôi anh vã ra. Thực tình anh không biết mình thức hay ngủ. Anh từ từ ghé xe vào vệ đường, bên vực thẳm hun hút sâu, vách đá dựng đứng, như một vết cắt ngọt của tạo hóa, xắn xuống tận mặt biển xanh dưới kia. Anh gục đầu trên vô lăng, nhắm mắt, tay phải phản xạ kéo cái thắng tay.
Nàng không nói một lời, lặng lẽ mở cửa xe, bước xuống. Nàng đi vòng ra sau xe, nhẹ nhàng mở cốp xe. Nàng lôi cái vali ra, rồi kéo nó đi về phía trước đầu xe. Khi nàng đi ngang chỗ anh ngồi, nàng cúi người hôn lên tấm kiếng. Anh vẫn còn gục đầu trên vô lăng. Nàng cùng với cái va li lăn bánh lộp cộp trên đường, đi về hướng đỉnh dốc. Tóc nàng bồng ra trong gió biển. Váy nàng bốc lên khoe mẽ nhẹ nhàng cặp đùi dài và trắng hồng. Những nụ hoa tím rung rung trong gió, bên vệ đường, trên vách đá, nghiêng ngó nhìn nàng rồi quay đi. Khi lên đến đỉnh doc, nàng đứng lại đón những chiếc xe vượt lên, cùng chiều. Nàng không vẫy tay. Cái váy tung bay trong gió vẫy tay hộ nàng.
Khi anh ngẩng đầu lên khỏi vô lăng, anh thấy một chiếc xe hơi ghé vô cạnh nàng. Đèn xi nhan bên phải lấp loáng trong ánh nắng chói chang. Nàng lên xe.
Anh mỉm cười. Nàng giống anh thôi. Người ta cũng không biết mình đi đâu và tìm kiếm cái gì. Cái có được chỉ là dăm ba hạnh phúc lẻ. Anh đoán nàng sẽ lại hỏi gã lái xe cho nàng quá giang kia… “Bên trong em có mặc nội y không?” Nàng đang bước xuống từ cơ hội này để bước lên một cơ hội khác.
…Dăm ba hạnh phúc lẻ. Anh thở dài, nhìn theo chiếc xe kia lao đầu về phía trước.
3. Anh ngã gục trong đám ma của thằng con anh. Nó trốn trại cai nghiện về. Nó tiếp tục mơ trong làn khói trắng tang tóc của heroin. Trên đường bay về nơi có hạnh phúc lẻ của nó, nó đã sử dụng quá liều. Mặc cho khách khứa đến thăm đứng chật cả sân trước, anh trốn ra sân sau, ngả lưng trên chiếc võng mà chị vú thường nằm. Người anh nặng như có một chiếc xe hơi đè lên ngực. Anh không biết mình thức hay ngủ. Trong mơ màng, anh nghe chị vú nói với con bé. Anh nghe tiếng con chó ủng ẳng xung quanh.
- Anh hai con đi luôn hả vú? Anh hai nằm trong cái hộp đó sao bảo là đi luôn?
- Ừ, thôi con lo ăn đi, ăn để lớn.
- Lớn để làm gì hả vú? Để như ba con, để như mẹ con, để như anh hai con. Con không lớn đâu vú ơi. Con không ăn! Con không ăn!
- Sao vậy con? Mẹ con la vú…
- Vú không hiểu hả? Con không ăn để không lớn. Vú chờ đi, sau này vú lớn, vú sẽ hiểu thôi mà!
Anh giật mình. Đó là câu nói người ta thường bảo nó. “Sau này con lớn con sẽ hiểu!” Giờ nó trả ngược lại người ta. Rồi chúng ta sẽ lớn. Lạ quá! Sao lúc nào mình cũng nghĩ rằng mình đã lớn rồi?
Thiện Phạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét