Của để dành của mỗi đời người
Tuấn Khanh - Chị N, kể rằng khi chị lấy chồng được một năm, thì cả hai bàn một kế hoạch hậu sự cho đời mình bằng cách: Chồng sẽ ở lại Quảng Ngãi để chăm sóc mảnh ruộng con, giữ nhà, vợ thì sẽ đi vào Nam làm thêm, dành dụm để gửi về.Chị N, đã trải qua 15 năm như vậy trên đất Sài Gòn. Trong đó, có năm chị quay về nhà, đẻ con rồi lại quay vào Sài Gòn buôn bán tiếp. Khi có con, hai vợ chồng gia đình nghèo khó và thanh bạch đó lại càng nhọc nhằn hơn một chút vì muốn con đầy đủ. Cắp chiếc rỗ với những món quà vặt, mà vốn liếng không bằng một nửa bữa ăn nhậu ồn ào ở phố thị, chị N, nói sẽ ráng đi bán thêm chừng 5 năm nữa thì về nhà. Đôi chân có chút khuyết tật của chị đã mệt mỏi lắm rồi khi mang vác một ước mơ nhỏ nhoi là có chút tiền, để không để đói lúc già yếu.
Chị N, chỉ là một trong hàng trăm ngàn những con người đang vật vã mưu sinh ở đất Sài Gòn, với ước mơ nhỏ, dành lại chút gì cho mình trong kiếp sống mịt mờ này. Nhưng không phải ai cũng có may mắn để hoàn thành được ước mơ nhỏ đó của mình. Rất nhiều cụ già cầm vé số, chỉ về nhà trọ lúc trời sắp sáng, chỉ mong có chút tiền độ thân. Những người công nhân rất trẻ mà tôi gặp, họ cũng luôn mệt mỏi lây lất khi bị công ty trừ lương mỗi tháng vì đủ các lý do, chỉ đủ để sống tạm, không thể có dư. Cuộc sống của rất nhiều con người Việt Nam đang đi qua thời kinh tế khó khăn, với vẻ hiện sinh trần trụi nhất. Niềm tin và thụ hưởng, chỉ còn mong đủ cho ngày hôm nay.
Sẽ không có gì là đáng nói. Nếu chúng ta là chia nhau khốn khó này trong tình đồng bào, và cùng chung giấc mơ tương lai cho con cháu về sau. Chẳng có gì là xa lạ với ý nghĩa này, từ việc đối chiếu lịch sử với một nước Nhật kiệt quệ sau 1945 hay Hàn Quốc ở thập niên 1960 mà GDP chỉ bằng một nước Châu Phi nghèo. Từng con người cố gắng dành lại cho mình và dân tộc, một ngày mai sau – phần cao quý nhất từ những khổ đau mà mỗi con người tử tế còn nhận thức được.
Tôi ước mình có thể chiếu lại những thước phim đời hiện thực ở đường phố mà tôi được thấy, cho những quan chức bị khám phá có những số tiền riêng hay cơ ngơi bí mật bị phát hiện, mà giá trị không khác gì như những kho báu của cướp biển Caribbe.
Tất cả những quan chức đó vẫn luôn tuyên bố rằng đó chỉ là của dành dụm, từ đồng lương của mình. Nhưng chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi, không cần những con toán phức tạp của một vị giáo sư, bất kỳ ai cũng có thể ngỡ ngàng việc Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt mất 1,6 tỷ đồng dành dụm trong “hộc bàn” làm việc hay dinh thự trăm tỉ đồng mồ hôi nước mắt mà ngài Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra chính phủ có được. Những con số đơn giản tính toán, trừ các chi phí sang trọng mà con cái, gia đình của các quan chức như vậy vẫn thụ hưởng, họ sẽ để dành bằng cách nào theo chiều ước mơ của đồng bào, hay hiện thực của tổ quốc mình?
Trong Hồi ký “Sống và chết ở Thượng Hải” nói về xã hội Trung Quốc những ngày điên loạn của Cách mạng văn hoá, tác giả Niệm Niệm có đề cập đến một khái niệm “Open Secret”, một sự thật – bí mật mở trong nhân dân. Tức, chuyện nghe là biết như thế nào, dù được có những vỏ bọc diễn ngôn rất hào nhoáng. Sự thật đôi khi không nằm ở lời giải thích cá nhân hay kết luận trên mặt báo, mà sự thật là sự chia sẻ im lặng – không cần nói thì ai cũng hiểu – đôi khi nằm trong nụ cười của nhân dân.
Trong bài phát biểu về vấn nạn quốc gia của ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc Hội, có ghi rằng “Vì thực tế những kẻ tham nhũng thường có chức, quyền và lương không hề thấp, thậm chí ‘lương khủng’, nhưng họ vẫn tham nhũng do lòng tham vô đáy, không giới hạn. Lòng tham đã ngự trị thì không biết bao nhiêu là đủ”. Tài sản và “của để dành” của nhiều quan chức ngày nay đã tinh tế hơn, thông hiểu luật pháp hơn, như là “chuyển tài sản cho người thân, con trai, con gái vị thành niên, gồm ô tô, biệt thự, đất đai, cổ phiếu…” và còn có cả các khoản kê khai được tặng-cho một cách hồn nhiên như trúng số.
Một đời người đôi khi không đủ dài để dành dụm cho mai sau, nhưng cũng quá ngắn vì hối hả trong sự tham lam vô độ. Có những con người dành dụm lặng lẽ và khó nhọc như nhịp giọt mồ hôi rơi xuống, toả sáng trong cần lao. Và cũng có những con người dành dụm bằng nhịp chạy của đôi giày được đánh bóng, giẫy đạp trên lưng đồng loại mình, với mưu tính và quyền lực.
Tất cả những của để dành lại trong mỗi đời người, đều là những cuốn sách, với những chương đọc lại, vẫn tạo nên nụ cười trân trọng hay khinh bỉ.
Tuấn Khanh
Trong Hồi ký “Sống và chết ở Thượng Hải” nói về xã hội Trung Quốc những ngày điên loạn của Cách mạng văn hoá, tác giả Niệm Niệm có đề cập đến một khái niệm “Open Secret”, một sự thật – bí mật mở trong nhân dân. Tức, chuyện nghe là biết như thế nào, dù được có những vỏ bọc diễn ngôn rất hào nhoáng. Sự thật đôi khi không nằm ở lời giải thích cá nhân hay kết luận trên mặt báo, mà sự thật là sự chia sẻ im lặng – không cần nói thì ai cũng hiểu – đôi khi nằm trong nụ cười của nhân dân.
Trong bài phát biểu về vấn nạn quốc gia của ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc Hội, có ghi rằng “Vì thực tế những kẻ tham nhũng thường có chức, quyền và lương không hề thấp, thậm chí ‘lương khủng’, nhưng họ vẫn tham nhũng do lòng tham vô đáy, không giới hạn. Lòng tham đã ngự trị thì không biết bao nhiêu là đủ”. Tài sản và “của để dành” của nhiều quan chức ngày nay đã tinh tế hơn, thông hiểu luật pháp hơn, như là “chuyển tài sản cho người thân, con trai, con gái vị thành niên, gồm ô tô, biệt thự, đất đai, cổ phiếu…” và còn có cả các khoản kê khai được tặng-cho một cách hồn nhiên như trúng số.
Một đời người đôi khi không đủ dài để dành dụm cho mai sau, nhưng cũng quá ngắn vì hối hả trong sự tham lam vô độ. Có những con người dành dụm lặng lẽ và khó nhọc như nhịp giọt mồ hôi rơi xuống, toả sáng trong cần lao. Và cũng có những con người dành dụm bằng nhịp chạy của đôi giày được đánh bóng, giẫy đạp trên lưng đồng loại mình, với mưu tính và quyền lực.
Tất cả những của để dành lại trong mỗi đời người, đều là những cuốn sách, với những chương đọc lại, vẫn tạo nên nụ cười trân trọng hay khinh bỉ.
Tuấn Khanh
(Blog Tuấn Khanh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét