Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Ai cho tôi sống bằng lương? Chuyện còn dài dài ?

Câu hỏi này đã được đặt ra ngay từ khi chúng tôi bắt đầu đi làm, tức là cách đây 30 năm. Lúc đó đám cán bộ trẻ thường hỏi nhau: Ai cũng phải lao động vất vả mà thu nhập đều không đủ sống, vậy nguyên nhân từ đâu. Từ cá nhân mỗi chúng ta hay từ hệ thống xã hội ? Dĩ nhiên phải từ hệ thống xã hội vì chuyện này xảy ra với tuyệt đại đa số dân lao động. Vấn đề chung quy vẫn làm cách thức để làm ra cái bánh sao cho to (tăng trưởng cao) và chia nó sao cho công bằng, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít (bình đẳng về hưởng thụ thành quả tăng trưởng). Cả hai chuyện này đều gắn liền với phương thức tổ chức và quản lý xã hội, cái mà hiện nay hệ thống xã hội nước ta đang rất phi lý nhưng vì lợi ích nên người ta vẫn cố tình không muốn sửa.
Ai cho tôi sống bằng lương?
Trước thềm hội thảo “Cải cách giáo dục Đại học” do GS Ngô Bảo Châu chủ trì, ông nói: “Nan giải nhất là lương của giảng viên, cán bộ Đại học. Mức độ lương không tương xứng với mức độ cống hiến xã hội của họ”.

Gs Ngô Bảo Châu
Thật ra thì người ta có thể thay “giảng viên, cán bộ Đại học” bằng bất cứ ngạch công chức nào, cho dù là bác sỹ, kỹ sư, chuyên viên,… và câu nói ấy đều đúng cả. Thật ra thì người ta có thể phát biểu câu ấy ở trước bất kỳ một hội thảo nào đặt ra vấn đề “cải cách” một ngành nào đó và nó cũng đúng nốt. Và thật ra, cũng chẳng cần phải đến Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu thì người ta mới có thể gật gù với một tuyên ngôn như thế.

Trên thực tế thì đã có tờ báo từng tổ chức tuyến bài rất dài tập trung vào chính sách đãi ngộ trong ngành y tế với cái tên chuyên đề nghe rất đau đớn: “Tôi muốn sống bằng lương”.

Rất nhiều người muốn sống bằng lương. Rất nhiều người không muốn nhận phong bì của sinh viên hay bệnh nhân để rồi đón nhận chính sự khinh bỉ của kẻ đưa phong bì.

Rất nhiều người muốn cống hiến tận tụy cho lĩnh vực của mình. Cứ ra bến xe bến tàu mỗi mùa thi, nhìn những cái áo xanh tình nguyện, những cô cậu sinh viên đầm đìa mồ hôi mong đóng góp chút sức mọn cho xã hội, làm sao mà tưởng tượng ra được rằng chỉ một vài năm sau thôi, những người ấy trở thành công chức, lại trở nên uể oải, tiêu cực, nói cách khác là “biến chất”.

Thì đấy là bởi họ bắt đầu phải đương đầu với một vấn đề rất kinh khủng mang tên là lương.

Vấn đề cũ kỹ đến mức bây giờ không còn là lúc đưa ra giải pháp nữa vì đã có quá nhiều giải pháp được đề xuất rồi.

Vấn đề là bao giờ những hành động thực tế diễn ra. Sự mất tín nhiệm với các cơ quan nhà nước, giữa người dân với công chức trở thành một thực trạng phổ biến – có lẽ cũng bởi cái chữ “lương” này.

Cứ tưởng tượng ra một giảng viên đại học phải dìu dắt trên dưới trăm con người, một bác sỹ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và sinh mạng của mấy chục bệnh nhân, một cán bộ y tế cấp quận phải chịu trách nhiệm về vài chục cái phòng khám và vệ sinh an toàn thực phẩm của một nghìn cái quán ăn trên địa bàn, nhưng thu nhập “chân chính” của họ không thể nuôi nổi chỉ một đứa con ở nhà, thì điều gì sẽ diễn ra.

Sẽ có người hỏi: Tiền ở đâu ra mà tăng lương? Nhưng câu trả lời trong trường hợp này, rất đơn giản: Tiền nó vẫn ở đấy thôi.

Đầu năm ngoái, phó trưởng ban dân vận TW Nguyễn Thế Dân cho rằng tỷ lệ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có thể lên tới mấy chục phần trăm, thậm chí là một nửa số công chức trong cả nước.

Có bao giờ những nhà quản lý nghĩ rằng nếu đuổi được một nửa những kẻ “ăn hại” này ra khỏi hệ thống thì quỹ lương sẽ hoạt động hiệu quả đến đâu và theo đó thì toàn bộ hệ thống có thể được nâng cấp đến mức nào.

Lương cũng là một vấn đề “rất Việt Nam”. Nghĩa là nguồn lực đã ít nhưng cách sự dụng lại vô cùng thiếu hiệu quả. Có lẽ là GS Ngô Bảo Châu nên chuẩn bị tâm thế để tổ chức những buổi hội thảo như hôm qua dài dài.

Đức Hoàng
( Lao Động )

1 nhận xét:

  1. LƯƠNG trong chế độ XHCN là điểm yếu nhất của lí thuyết CSCN vì nó duy ý chí nhất , phản khoa học nhất và cũng là lỗi hệ thống cơ bản nhất làm nảy sinh băng hoại đạo đức,dối trá trắng trợn nhất. Khi lập bảng lương ở VN , ông HCMinh đã cho rằng lương của Chủ tịch nước không thể gấp trăm lần lương của một Công nhân bình thường (và báo đài tha hồ tán dương sự liêm khiết, coi trọng giai cấp lao động...) mà ông và các lãnh tụ khác "quên" không tính sự đãi ngộ đặc biệt ( nhà , otô , máy bay, bảo vệ ,ytế...) nên yên trí rằng với mức lương đó thì MỌI NGƯỜI đều sống sung sướng đúng lĩ thuyết CSCN đã nêu ra trong khi thực tế họ phải sống như NGƯỜI MỌI. Những cán bộ có QUYỀN quyết không thể sống kiểu mọi nên "moi nặng" TIỀN những ai phụ thuộc họ, "từ đó trong tim bừng nắng hạ" ai có quyền gì cứ hành kẻ khác để ép dầu ép mỡ ép ra TIỀN mới thôi đặc biệt là giới kinh doanh - và khi đã ăn thịt những Con gà có thể đẻ trứng vàng đó làm giới kinh doanh ngâm nga bài thơ ĐIÊU TÀN thì cái bánh do XH làm ra ngày càng co rúm như TẤM DA LỪA của Banzăc nên hệ thống Lương ( không có Bổng,Lộc...) của VN còn tệ hại gấp trăm lần"đồng lương bố thí chết đói" trong CNTB và là sự Khinh miệt tột cùng dành cho công nhân , nông dân VN để rồi họ sẽ " đấu tranh này là trận cuối cùng " chống lại những kẻ hát Tế Quốc Ca .

    Trả lờiXóa