Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Muốn làm "sếp" NH phải được NHNN chấp thuận, vì sao?

Muốn làm "sếp" ngân hàng phải được NHNN chấp thuận, vì sao?
Thiên Thảo (TBKTSG Online) - Với các công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao không cần cơ quan nào đồng ý, nhưng với các ngân hàng thương mại cổ phần, dù là không có vốn nhà nước, vẫn phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn, vì sao vậy?
Theo Luật các tổ chức tín dụng được ban hành năm 2010, các thủ tục liên quan đến việc phê chuẩn thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng là một quy trình khá dài, từ việc xin ý kiến cổ đông về số lượng thành viên, và các tiêu chuẩn để cổ đông đề cử. Sau khi hoàn tất danh sách ứng cử viên, ngân hàng thương mại phải gửi cho NHNN để duyệt.

NHNN đồng ý với danh sách ứng cử viên đó thì ngân hàng thương mại sẽ họp đại hội đồng cổ đông để tổ chức bầu cử. Sau khi đã bầu xong, ngân hàng phải gửi lần nữa để thông báo NHNN danh sách những người được bầu. Hồ sơ gồm rất nhiều loại giấy tờ.

Quy trình bổ nhiệm Tổng giám đốc cũng tương tự, chỉ là không phải xin ý kiến cổ đông, song danh sách dự kiến bổ nhiệm cũng phải được NHNN thông qua.

Vấn đề là vì sao, các ngân hàng cổ phần cũng giống như doanh nghiệp cổ phần, và nhiều ngân hàng không hề có vốn nhà nước, lại phải xin ý kiến một cơ quan nhà nước khi bổ nhiệm cán bộ, và đặc biệt, phải theo rất nhiều các tiêu chí?

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một luật sư cho rằng đó cũng là lẽ thường, vì đây là ngành kinh doanh “đặc biệt” có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nên kiểm soát về mặt nhân sự là phù hợp.

Tổng giám đốc một ngân hàng vừa được bổ nhiệm, sau khi nộp một bộ hồ sơ dày cộp cho NHNN cũng cho rằng việc báo cáo và phê duyệt của NHNN có khi cũng khiến các ngân hàng thụ động trong hoạt động, nhất là khi nhân sự cũ đã ra đi, mà nhân sự mới vẫn chưa có chức danh. Thời gian chờ được phê chuẩn có khi phải vài tháng. Nhưng ông này cũng ủng hộ chủ trương phê duyệt nhân sự từ Ngân hàng Nhà nước. Ông cho rằng ở một số nước, ngân hàng trung ương còn tham gia vào việc phỏng vấn trực tiếp và cho các ứng viên viết bài kiểm tra để biết rõ năng lực trước khi duyệt đề nghị của các ngân hàng.

Mang câu hỏi này đến cho một lãnh đạo NHNN, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhận được câu trả lời khá ngắn gọn, đó là vì ngân hàng là một ngành kinh doanh có điều kiện, nên việc áp các điều kiện cho ngân hàng thương mại để kiểm soát hoạt động là điều phù hợp. “Nếu để các ngân hàng tự ý bầu bán, hay bổ nhiệm cán bộ bừa bãi, thì mức độ ảnh hưởng sẽ khôn lường”, ông này nói.

Như vậy, NHNN chính là “cửa ngõ”, để lọc lại những hạt sạn có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến toàn hệ thống.

Để làm Tổng giám đốc một ngân hàng, tiêu chí NHNN đưa ra rất chặt chẽ. Đó là ứng viên phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật; ít nhất 05 năm làm người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm làm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán hoặc kiểm toán.

Nhưng, vì sao nhiều vị lãnh đạo “lạ hoắc” với ngành ngân hàng, cũng không phải đã từng là Tổng giám đốc doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định của ngân hàng, như quy định tại Luật các tổ chức tín dụng nói trên, đang tham gia vào việc tái cơ cấu ngân hàng nhỏ hiện nay?

Một đại diện của NHNN giải thích vẫn có sự linh hoạt trong khi xét duyệt các hồ sơ, nhất là trong các trường hợp cấp bách, để đảm bảo cho ngân hàng có người lãnh đạo, vì có trường hợp các ngân hàng tìm không ra người thay thế. Còn trong điều kiện bình thường, các hồ sơ đều phải tuân thủ các nguyên tắc như nghị định nêu trên.

Hiện đang có một thực tế là nhiều nhân sự cao cấp của ngân hàng chưa từng làm trong ngành ngành ngân hàng, vì vậy, động cơ, mục tiêu của họ khi tham gia ngân hàng lẽ ra nên được xem xét kỹ. Chưa kể, với một ngân hàng đang gặp khó khăn đủ bề như Trustbank trước đó, thì tái cơ cấu thế nào với một dàn lãnh đạo không biết nhiều về hệ thống ngân hàng, cũng là câu hỏi mà chắc cơ quan quản lý phải trả lời.

Nếu nói như vị lãnh đạo trên kia, rằng NHNN sẽ linh hoạt trong từng thời điểm, nhưng chẳng lẽ hai từ “linh hoạt” rộng đến thế sao?


1 nhận xét:

  1. Vẫn là cơ chế xin-cho thôi. Sự can thiệp của NHNN vào hoạt động các ngân hàng tư nhân trong lĩnh vực nhân sự là không hợp lí, vì chính nó đã làm méo mó tính chất điều tiết của thị trường trong lĩnh vực ngân hàng.

    Trả lờiXóa