Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Nghề bắt ốc và sinh viên làm gái điếm ở tận cùng miền Nam

Những người bắt ốc ở tận cùng miền Nam
Gần 90% con nhà nghèo đi bắt ốc, làm thuê để nuôi con ăn học, khi các nữ sinh viên nhà nghèo này học đến năm thứ ba, thứ tư của trường đại học thì chuyển hẳn sang nghề làm gái điếm. Các bậc cha mẹ có khuyên can cỡ nào thì các cô vẫn cứ lén lút hẹn hò với khách. Việc làm gái điếm của các sinh viên này đáng thương, thậm chí đáng kính trọng hơn là đáng khinh. Bởi vì hơn ai hết, các em, hiểu được nỗi khổ của cha mẹ phải gồng lưng mùa nước lặng để bắt từng con ốc len trong rừng ngập mặn,

Bắt ốc len trong rừng đước, RFA photo
Hằng năm, vào những tháng nước đằm, sóng yên gió lặng, người miền quê các huyện ở Cà Mau lại tay xô tay gậy đi bắt ốc. Nếu như miền Bắc có những làng ăn xin ở Hà Tĩnh, Nam Định với tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành và thờ tổ trang nghiêm bị gậy thì miền Tây Nam Bộ có những làng tay xô tay gậy đi bắt ốc, bươn bả kiếm sống, còn khổ hơn cả đi ăn mày. Chỉ khác chăng là nghề ăn nghề ăn mày phía Bắc có tổ nghề, còn nghề bắt ốc phía Nam không thờ tổ mà chỉ xem những vùng rừng ngập mặn là mảnh đất thiêng đã cưu mang cho họ sinh con đẻ cái, sống qua bốn mùa…

Ngày vui của xứ nghèo

Chị Thái Thị Út, người chuyên bắt ốc len ở xóm Lò, Đất Mũi, chia sẻ: “Bắt ốc mình lội vô rừng mình bắt, mình thấy con ốc mình bắt mình bỏ vào thùng. Đám nhỏ nó luồn vô trong cây cối nó bắt được, nhiều khi vô mấy cái cây mình lớn quá vô không được, mắt phải sáng, phải lanh lẹ mới nhìn thấy được, mấy con ốc nó bò trong cây đước ấy. Nói chung là thấy đủ sống qua ngày thôi à, ngày nào ăn ngày đó thôi à. Nhà mà một người nuôi hai ba người thì ăn đâu có đủ, ngày chừng một trăm ngàn đâu có đủ. Bắt ốc cực lắm!”

Theo chị Út, nghề bắt ốc len là nghề tuy cực mà vui, cái niềm vui của nhà nghèo quen với cháo cơm đạm bạc đã mấy đời nay của người dân xóm Lò. Có lẽ, đã rất lâu, dường như thế giới của người xóm Lò chỉ có đúng hai công việc và hai thú vui, đó là đi bắt ốc len trong các rừng sú, vẹt, đước trong mùa sóng lặn và đi làm thuê kiếm cơm độ nhật trong mùa sóng nổi.

Hai niềm vui của người dân Đất Mũi nghe ra cũng thấm thía và ngậm ngùi không kém, đó là ngày có một đám cưới nào đó trong xóm và ngày có một đám ma nào đó trong xóm. Nếu như ngày có đám cưới, cả xóm, cả làng kéo nhau mừng đôi tân nương, tân giai nhân có một cuộc phối ngẫu để rồi sinh con đẻ cái, nuôi một niềm hy vọng mới, bà con xúm nhau ăn mừng thì ngày đám tang người ta cũng ăn mừng vui vẻ không kém nhưng lại mang một ý nghĩa khác.

Với ngưởi dân nơi đây, sống là kéo dài một cuộc đời lầm than và cơ cực, sự giàu có cũng như cơ hội đổi đời dường như xa lắc xa lơ đối với bà con, cái nghề bắt ốc, đi làm thuê cả xóm không bao giờ hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, sung túc. Chính vì thế, chết là chấm dứt, là kết thúc một chuỗi dài đau khổ, cơ cực, chết là hạnh phúc, là ân sủng cuối cùng của kiếp làm người mà tạo hóa đã ban cho con người như một lời an ủi, vỗ về. Chính vì thế, trong làng, trong xóm có ai chết, cả xóm sẽ kéo đến chúc mừng và hát hò, nhậu nhẹt suốt ngày đêm, mãi cho đến khi người đó xuống mộ mới thôi.

Đó là hai ngày vui nhất trong năm, mà có vẻ như hai ngày vui nhất trong cuộc đời của người dân xóm Lò, Đất Mũi. Dường như trẻ thơ ra đời ít được ăn mừng giống như người ta chết đi. Đây cũng là điều rất lạ trong quan niệm về hạnh phúc ở vùng cư dân nghèo khổ này mà cho đến lúc đã năm mươi tuổi, chị Út vẫn chưa hiểu ra vì sao lại như vậy. Và nếu như có thêm một ngày vui nữa trong cuộc đời, thì có lẽ đó là ngày bắt được nhiều ốc bán kiếm được trên một trăm ngàn đồng và mua được một cái giò heo nấu bún cho cả nhà cùng ăn.

Thu nhập thấp, sống bấp bênh qua ngày đoạn tháng


Một người chuyên bắt ốc len khác chia sẻ: “Bắt ốc, bắt sò, bắt chim chíp.. nói chung là làm mướn mà, chủ yếu là sống hằng ngày chứ dư đâu mà dư. Như ba cha con thì kiếm được tám chục, một trăm ngàn một ngày trở lại, đủ ăn một ngày vậy đó, qua bữa sau đi làm nữa, bữa nào giông gió thì bữa đó thiếu thốn rồi. Đi học thì giờ còn thằng nhỏ chứ thằng lớn gia đình khổ quá nó nghỉ rồi.”

Theo người này, suốt mấy mươi năm nay, đời sống của đa phần người dân ở dọc các con sông miền Tây, xa với đường lộ đều chịu chung cảnh khó khăn, xa trường học, xa bệnh viện và nhu cầu thiết yếu nhất của họ cũng không được đáp ứng. Đa phần con gái ở đây sinh ra, lớn lên, nếu có nhan sắc thì tìm cách lên thành phố để làm thuê, người thì làm công nhân, kẻ thì đi tiếp thị bia, làm nhân viên massage, hớt tóc thanh nữ, gội đầu, thậm chí, có cô sau vài năm đi xa, về quê xây nhà cho cha mẹ và nói thẳng với mọi người là cô đã đi làm gái điếm trên thành phố, nghề này dễ sống, ăn nên làm ra, khỏi chịu nhục vì nghèo… Các cô gái mới lớn nếu muốn làm giàu hãy noi gương cô.

Đương nhiên là đa phần bậc làm cha làm mẹ đều bị sốc khi nghe kiểu rủ rê này nhưng cũng có không ít người vì quá nghèo đâm ra bế tắc và sẵn sàng cho con mình theo làm gái gọi để cứu gia đình. Cũng theo người vừa trò chuyện, đa phần nông dân thuộc diện bần khổ ở các miệt sống nước miền Tây đều rất thương con, luôn mong mỏi con mình được đổi đời bằng con đường sáng sủa, không phải rơi vào những cạm bẫy xã hội. Và phần đông các cô gái bán dâm gốc miền Tây đều là con nhà không đến nỗi quá nghèo, những gia đình nghèo khổ hay thương con, hướng con đến các công việc như làm công nhân khu công nghiệp, làm thuê, làm osin cho nhà giàu.

Nhưng, có một bi kịch đáng sợ đối với những cư dân nghèo ở miệt Tây Nam Bộ là gần 90% con nhà nghèo đi bắt ốc, làm thuê để nuôi con ăn học, khi các nữ sinh viên nhà nghèo này học đến năm thứ ba, thứ tư của trường đại học thì chuyển hẳn sang nghề làm gái điếm. Các bậc cha mẹ có khuyên can cỡ nào thì các cô vẫn cứ lén lút hẹn hò với khách. Có lẽ để cứu gia đình bớt khổ và để vớt vát cho quá trình học tập quá tốn kém nhưng lại không nhìn thấy tương lai nên các em nữ sinh viên chọn con đường làm gái điếm.

Theo người này, việc làm gái điếm của các sinh viên này đáng thương, thậm chí đáng kính trọng hơn là đáng khinh. Bởi vì hơn ai hết, các em, hiểu được nỗi khổ của cha mẹ phải gồng lưng mùa nước lặng để bắt từng con ốc len trong rừng ngập mặn, có ngày kiếm được vài ba chục ngàn đồng, có ngày kiếm được năm sáu chục ngàn đồng, ngày nào trúng lắm thì kiếm được hai trăm ngàn đồng. Thử hỏi, với mức thu nhập như vậy, làm sao mà các em không xót xa khi cầm đồng bạc của cha mẹ gởi cho để ăn học.

Trong khi đó, học phí quá cao, mọi thứ tiền trang trải hằng ngày của một sinh viên đều khiến cho họ đau đầu. Họ buộc lòng phải bán cái vốn tự có để duy trì học tập. Xót xa thay cho rất nhiều bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, thay vì bán tri thức mình đã thụ đắc trong quá trình học, các bạn nam phải đi bán sức lao động bằng nhiều công việc lao động phổ thông, các bạn nữ phải đi bán phẩm hạnh, danh dự, bán thân mà trả nợ cho cha mẹ, trả nợ cuộc đời kham khổ căn thâm đế cố của mình!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Bài viết đúng không sai tẹo nào sau 39 năm tự do độc lập hạnh phúc. Thôi thì cho thằng Trung Quốc đánh VN cũng được, thà một lần đi rồi đất nước sáng sủa hơn.

    Trả lờiXóa