Mỹ thiếu cương quyết, 'Trục Châu Á' trở nên yếu ớt
Trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chuyên gia Mỹ cho rằng chính phủ nước này nên chuẩn bị đưa hải quân tới Biển Đông để hỗ trợ Việt Nam.
3 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc chặn tàu Việt Nam tiến
sát tới khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981
Hồi tháng trước, trong chuyến công du kéo dài một tuần tới 4 quốc gia châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa khẳng định cam kết hỗ trợ an ninh cho các đồng minh trong khu vực trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau một ngày Tổng thống Obama lên đường trở về nước, Trung Quốc đã ngang nhiên lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 180 km.
Trung Quốc hung hăng đe dọa "Trục châu Á" của Mỹ
Một số quốc gia châu Á đã phải đặt câu hỏi rằng: “Mỹ đang ở đâu?” và liệu lời cam kết duy trì chiến lược “trục châu Á” của ông Obama có biến thành hành động hay chỉ dừng lại ở lời nói.
“Chúng tôi đang hối thúc Mỹ thay đổi quan điểm chính sách và đứng về một phía trong các cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Tôi muốn nước Mỹ có những hành động mạnh mẽ hơn phù hợp với tuyên bố được Tổng thống Obama nhắc tới trong chuyến thăm tới Philippines”, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Philippines.
Hiện nay, cả Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với nhiều vùng biển trên Biển Đông – nơi có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào.
Theo bản báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hồi tháng 3/2008, tổng trữ lượng dầu mỏ đã được tìm thấy và chưa tìm thấy trên Biển Đông nằm trong khoảng từ 28 tỷ thùng – 213 tỷ thùng.
Phản ứng trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và gọi đây là hành động "khiêu chiến" của Trung Quốc.
Chuyến thăm hồi tháng Tư tới 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tái khẳng định cam kết hỗ trợ đồng minh trước mối đe dọa từ Trung Quốc và quyết tâm thực hiện chiến lược 'trục châu Á"
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi bởi giờ đây, chính quyền của Tổng thống Obama đang tập trung toàn tâm toàn ý cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và rơi vào tình huống khó xử khi chưa biết làm sao để vừa có thể kiềm chế Trung Quốc mà không gây ảnh hưởng tới mối quan hệ gắn bó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong cuộc họp với Tướng Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc hôm 15/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh với Tướng Phòng rằng Mỹ đặc biệt quan ngại trước những hành động khiêu chiến đơn phương của Trung Quốc.
Tuy vậy, ông Biden khẳng định Mỹ không đứng về phía nào trong các xung đột về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông và hối thúc hai nước tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Thậm chí, Mỹ cũng bác bỏ vai trò làm người hòa giải giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chính tuyên bố trên đã khiến một số đồng minh của Washington trong khu vực châu Á tỏ ra mất kiên nhẫn trước cách tiếp cận giải quyết vấn đề từ Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Obama vừa thực hiện chuyến thăm tới 4 nước châu Á, khiến họ kỳ vọng về những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Washington, để ngăn chặn Trung Quốc leo thang tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng.
Theo một nhà ngoại giao châu Á tại Washington, các quốc gia Đông Nam Á đang lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách gây khủng hoảng nhiều hơn với các nước láng giềng. Trên thực tế, chiến thuật này sẽ làm thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Đưa hải quân tới hỗ trợ Việt Nam
Khác với Philippines – quốc gia Mỹ ký kết hiệp ước an ninh chung, Washington không có dấu hiệu sẽ thực hiện những hành động cứng rắn hơn như đưa tàu hải quân tới Biển Đông hay áp đặt lệnh trừng phạt với Bắc Kinh để tỏ thái độ phản đối hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Ngoài ra, mối quan hệ gắn bó trong lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ khiến Washington tránh đưa ra những biện pháp trừng phạt khắt khe như đã làm với Nga xung quanh những bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và đưa nhiều tàu thuyền tới hỗ trợ
Tuy nhiên, hai chuyên gia Elizabeth Economy và Michael Levi thuộc Hội đồng Đối ngoại - một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng cho rằng: “Mỹ nên chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân. Hành động này sẽ giúp Washington có khả năng đánh giá năng lực của Trung Quốc và giúp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay”.
Thậm chí, hai chuyên gia còn đưa ra phương án Mỹ có thể cấm Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC – cơ quan chủ quản của giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam, tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
“Nếu Mỹ không thể thực hiện lời nói đi đôi với hành động, uy tín của Mỹ trong việc hứa hẹn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ bị phá hủy từ bên trong”, hai chuyên gia nhận định.
Chính quyền Mỹ từng hy vọng Trung Quốc sẽ chú ý đến những chỉ trích mà họ phải nhận khi hồi năm ngoái, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập “Vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao gồm không phận quần đảo tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản – Senkaku/Điếu Ngư.
Hiện tại, Washington cho rằng Bắc Kinh đã "rút được kinh nghiệm" từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine để theo đuổi những tuyên bố chủ quyền của riêng mình, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo vị quan chức này, chính hành vi của Bắc Kinh đã khiến các quốc gia láng giềng mong muốn mở rộng quan hệ ngoại giao, quân sự và kinh tế với Mỹ tại châu Á.
MINH THU (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét