Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Ukraine và “vết xe đổ” Gruzia

Ukraine và “vết xe đổ” Gruzia
Mỗi biến động chính trị đều phải hội tụ những điều kiện “cần và đủ”, trong cục diện hỗn loạn ở phía đông Ukraine, Nga chưa có điều kiện đủ.
Một kịch bản "Gruzia thứ 2" liệu có được tái hiện ở Ukraine?
Nga đang chờ đợi điều gì?
Nhiều người cho rằng Nga không mặn mà với việc sáp nhập các tỉnh phía đông Ukraine vào lãnh thổ của mình nên không có động thái tích cực như ở Crimea. Điều đó khẳng định là không đúng, chẳng có quốc gia nào từ chối “món quà” là một phần lãnh thổ, hơn nữa, có thêm một vùng đệm ngăn bước chân NATO tiến về phía đông là điều Nga luôn mong muốn.
Tuy nhiên, trong tình hình này, Nga không thể vội vã. Kharkov, Donetsk và Lugansk không phải là Crimea. Nga cũng không có Hiệp định đồn trú như của Hạm đội biển Đen để có cớ để hiện diện quân đội hợp pháp như ở Crimea nên rất khó đưa ra hành động hỗ trợ trong thời điểm này.
Bất cứ một chiếc máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, thiết giáp nào của Nga hiện diện ở phía đông Ukraine nghiễm nhiên là “vượt biên trái phép, xâm hại đến lợi ích quốc gia Ukraine”, là minh chứng để Kiev tuyên truyền Moscow “xâm lược”, lúc đó Nga sẽ là bên “phi nghĩa”, không có lí lẽ gì biện bạch cho hành động của mình trước cộng đồng quốc tế.
Mỗi một biến động chính trị đều phải hội tụ những điều kiện “cần và đủ”, điều này thể hiện rõ nét ở Crimea. Gần 97% người dân ủng hộ độc lập và sát nhập vào Liên bang Nga (theo kết quả trưng cầu dân ý), đồng thời lực lượng Nga đang đồn trú tại căn cứ của Hạm đội biển Đen. Đây là những điều kiện cần và đủ để bán đảo này quay trở về Nga và cuộc chính biến ở Kiev chính là cái cớ để Nga triển khai quân trên toàn bán đảo.
Quay lại với Kharkov, Donetsk và Lugansk, các kịch bản của nó có nét gì đó giống Crimea. Đầu tiên là các cuộc tuần hành phản đối chính quyền mới ở Kiev, ủng hộ Crimea, sau đó là các cuộc biểu tình lớn đòi Liên bang hóa Ukraine, tiếp theo là hành động đánh chiếm các tòa nhà công quyền ở các tỉnh, tuyên bố độc lập và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề sát nhập vào Nga.
Dễ nhận thấy, tình cảm của người dân miền đông Ukraine hướng về Moscow là yếu tố cơ bản nhất, cần thiết nhất để 3 thành phố trên đảm bảo độc lập và sát nhập vào Nga. Tuy nhiên điều kiện đủ, tức là sự hiện diện quân sự để bảo vệ người biểu tình chống lại sự trấn áp của chính quyền Kiev là điều Moscow còn thiếu. Nếu không có nó, trước sau Kiev cũng trấn áp được lực lượng dân quân thân Nga.
Hiện nay, nếu như những tuyên bố của NATO về một lực lượng quân sự lớn của Nga đang hiện diện ở biên giới giữa 2 nước là đúng, thì Nga cũng đã tính đến điều này. Điều ông Putin cần hiện nay là một “cái cớ” để đường đường chính chính đưa quân vượt biên sang Ukraine, hoàn tất điều kiện đủ. Dường như ở đây có sự liên hệ với “cuộc chiến 5 ngày” ở Gruzia năm 2008.
Mặc dù Kiev cũng đã hứa hẹn có thể xem xét quy chế Liên bang nhưng cuộc trưng cầu dân ý sắp tới của các thành phố miền đông rất có thể là điểm mấu chốt của việc có hay không phát sinh xung đột.
Một “quy chế độc lập quá trớn” hoặc quyết định sát nhập vào Nga sẽ không bao giờ được chính phủ mới thân phương Tây của Ukraine chấp nhận. Họ không bao giờ cho phép điều này xảy ra. Một kết quả bất lợi cho Kiev là điều có thể đoán trước và phản ứng của Ukraine về vấn đề này có ý nghĩa quyết định đến những hành động tiếp theo của Nga.
Có khá nhiều điểm tương đồng giữa tình hình Ukraine hiện nay với Gruzia trước kia, Crimea các thành phố miền đông Ukraine cũng không khác gì Nam Ossetia và Abkhazia trước đây. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Nga và Gruzia rất có thể sẽ tái hiện ở miền đông Ukraine lần này, nếu Ukraine trấn áp biểu tình bằng bạo lực.
Xe tăng Nga tiến vào Gruzia năm 2008
Xe tăng Nga tiến vào Gruzia năm 2008
Ossetia nằm bên dãy Caucasus và được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là một nước cộng hòa thuộc Nga, còn tỉnh Nam Ossetia với phần lớn là người Nga, vốn thuộc Gruzia nhưng đã tuyên bố ly khai kể từ cuộc xung đột đầu những năm 1990.
Chính quyền ly khai muốn sát nhập vào Nga, nhưng Gruzia kiên quyết khẳng định đây vẫn là lãnh thổ của họ dù Tbilisi đã mất quyền kiểm soát thực tế khu vực này trong 15 năm và hầu hết dân cư Nam Ossetia có quốc tịch Nga.
“Cuộc chiến tranh 5 ngày” được khơi mào vào sáng sớm 7-8-2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngay lập tức, Tổng thống Medvedev hạ lệnh tấn công, đồng thời ông Putin (lúc đó đang làm Thủ tướng) đã bỏ Thế vận hội Bắc Kinh đã bay về Nga chỉ đạo tác chiến.
Ngày hôm sau - 08/08, quân đội Nga đã tấn công, đánh lui các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi tiếp tục truy đuổi quân đội nước này tới gần Tbilisi mới dừng lại và tuyên bố ngừng bắn vào ngày 12-08. Sau đó, vào ngày 26-08, Nga đã công nhận quyền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
Vậy là, chỉ cần một hành động thiếu thận trọng, xua quân tấn công Nam Ossetia của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili mà nước này đã mất đi 2 bộ phận lãnh thổ, đồng thời đất nước và quân đội cũng chịu những tổn thất nặng nề.

 Kịch bản “Gruzia thứ 2” đang theo đúng ý Nga
 Có cảm giác hiện nay Moscow cũng đang “rình mồi”, chờ đợi 1 động thái mang tính “manh động” của Kiev, giống như trước đây Gruzia bất chấp hậu quả, tấn công Nam Osetia, là có cớ để ra tay.
Các bức ảnh NATO công bố hôm 10-04 cho thấy Nga đang tập trung 40.000 quân và số lượng lớn máy bay chiến đấu, trực thăng và tăng-thiết giáp ở khu vực biên giới giữa 2 nước
Các bức ảnh NATO công bố hôm 10-04 cho thấy Nga đang tập trung 40.000 quân và số lượng lớn máy bay chiến đấu, trực thăng và tăng-thiết giáp ở khu vực biên giới giữa 2 nước
Việc Ukraine triển khai lực lượng chuẩn bị đàn áp người biểu tình ở 3 tỉnh này hoàn toàn nằm trong tính toán của Nga, chỉ cần Kiev không thận trọng, máu đổ ở Kharkov hoặc Donetsk hay Lugansk là quân Nga sẽ tràn qua biên giới. Đây chính là yếu tố quyết định dẫn đến một kịch bản kiểu “Gruzia thứ 2”.
Các diễn biến gần đây dường như đang lặp lại y nguyên “kịch bản phần 1” ở Crimea. Sau khi các tỉnh Donetsk và Kharkov tuyên bố độc lập và tự xưng là “Nước cộng hòa nhân dân”, dự kiến trưng cầu dân ý để quyết định sát nhập vào Nga vào ngày 11-5, tỉnh Lugansk cũng đang theo gương của họ. 
Mới đây nhất, ngày 12-04, Thị trưởng thành phố Slavyansk thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine đã công khai tuyên bố chống lại chính quyền Kiev đồng thời thông báo, đông đảo nhân dân đã đổ ra đường để hỗ trợ lực lượng dân quân chiếm giữ hầu hết trụ sở cơ quan công quyền ở thành phố này.
Trong số các tòa nhà công quyền ở Slavyansk đã bị chiếm giữ, có cả trụ sở Bộ Nội vụ và cơ quan an ninh. Cờ Ukraine trên các tòa nhà công quyền đã được hạ xuống và quốc kỳ Nga đã được kéo lên. Hiện các nhóm vũ trang, được gọi chung là “Lực lượng dân quân Donetsk” đang canh giữ những địa điểm này.
Các tay súng bịt mặt canh gác đồn cảnh sát vừa chiếm giữ ở Slavyansk ngày 12-4
Các tay súng bịt mặt canh gác đồn cảnh sát vừa chiếm giữ ở Slavyansk ngày 12-4
Điều đáng nói là Lực lượng dân quân Donetsk cũng mặc quân phục ngụy trang, bịt mặt và có vũ khí. Họ đã khai hỏa và sử dụng lựu đạn cay, lựu đạn gây choáng để chiếm giữ các công sở ở Sloviansk. Hành động này cũng tương tự như thủ đoạn của lực lượng dân quân Cossacks đánh chiếm các cơ quan công quyền trước khi quân Nga tràn ngập bán đảo.
Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov gọi các tay súng này là “khủng bố" và nói “lực lượng đặc nhiệm” đã được điều động đến sẽ đẩy lùi các cuộc tấn công để thu hồi lại trụ sở các cơ quan chính phủ. Đây có thể là điều mà Nga đã lường trước, bất cứ hành động thiếu thận trọng nào của Kiev có thể khiến tình hình ở đây đi theo chiều hướng mà Nga mong muốn.
Trong 3 ngày nay, các quan chức chính phủ Nga liên tục tuyên bố lên án hành động trấn áp bạo lực của Ukraine và phản đối việc Kiev tuyển mộ lính đánh thuê và đưa các phần tử cực đoan của tổ chức “Khu vực cánh hữu”, mà trước đó Kiev đã định cấm hoạt động vào lực lượng trấn áp biểu tình.
Ngày 12-04, Ngoại trưởng Lavrov đã bày tỏ lo ngại về khả năng Kiev dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây để làm cho tình hình xung đột leo thang ở các tỉnh, thành phố đông-nam Ukraine. Đồng thời, ông cũng nhắc nhở Kiev “thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và đất nước” để tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Trước đó, ngày 08-04, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov cho biết, quyết định ngày 01-03 của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cho phép Tổng thống Putin can thiệp quân sự vào Ukraine “vẫn còn hiệu lực”.
Lực lượng biểu tình có vũ trang chiếm văn phòng công tố tại Donetsk sáng 12-4
Lực lượng biểu tình có vũ trang chiếm văn phòng công tố tại Donetsk sáng 12-4
Ông nhấn mạnh, tuy Nga không có ý định đưa quân vào Ukraine nhưng nếu “chính quyền Kiev sử dụng quân đội hoặc lực lượng đặc biệt để đàn áp người dân khu vực phía đông Ukraine, Nga có thể ngay lập tức tiến hành cuộc can thiệp quân sự”. Và Tổng thống Putin có thể sử dụng quyền hạn được Quốc hội trao bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết.
Điều này còn có ý nghĩa gì khác ngoài việc Nga đang chuẩn bị “chứng cớ ngoại phạm” và “dọn dẹp dư luận” cho các hành động quân sự trong tương lai? Chỉ cần Kiev gây ra những đổ máu không cần thiết là Nga có cớ để ra tay.
Nói điều này nghe có vẻ như Nga hơi thủ đoạn nhưng mỗi hành động quân sự đều phải có những lí do chính đáng hoặc không chính đáng để bao biện. Vì thế, chắc chắn là không có hành động trấn áp bạo lực của Kiev thì Moscow không có cớ gì can thiệp vào các tỉnh phía đông Ukraine.
Điều này có thể thấy qua sự kiện Nga sát nhập Crimea. Nếu không có bạo loạn ở quảng trường Độc Lập dẫn đến việc Tổng thống Yanukovych bị lật đổ thì hiện giờ quan hệ Moscow-Kiev vẫn êm đẹp và chắc chắn là Crimea vẫn còn thuộc lãnh thổ của Ukraine.
Biến cố chính trị tháng 2 ở Kiev đã khiến Ukraine mất đi một phần lãnh thổ là Crimea, còn những hành động thiếu suy nghĩ của chính quyền mới được dựng lên ở miền đông Ukraine, rất có thể sẽ khiến nước này mất thêm những vùng đất mới ngay trong tháng 4 này.
Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét